Bali mùa yêu thương – P6: Hồ thiêng vùng Bedugul.

Mình viết những dòng này khi đang cảm thấy hơi nặng nề về những ồn ào quanh bài viết về Huyền Chíp và du lịch bụi. Nhưng giữ trong tâm sự bình an, đam mê viết, lòng yêu cuộc sống và những điều tốt đẹp, mình biết mình sẽ ổn.

Lại nhớ Bali, nhớ cái bình yên tĩnh lặng đi sâu vào lòng người, nhớ vẻ đẹp an nhiên đến nhói cả tim. Mới ngẫm ra, cái bình an, là cái cần nhất trên đời người.

Buổi sáng ở Ubud, căn nhà im ắng không một tiếng động. Nhưng bên ngoài là tiếng chim chóc lít chít, tiếng người đi coi ruộng buổi sớm huây huây đuổi chuột, và tiếng gió thổi qua những bù nhìn bằng lá khô trên đồng lúa rì rào. Mình từ từ mở mắt, lắng nghe những thanh âm của sự sống, ngỡ như đã ở đây từ hàng trăm năm rồi. Thân thuộc và bình an đến kỳ lạ. Kéo cánh cửa bước ra ngoài, sương đêm còn đọng ướt thẫm những ngọn cỏ vảng vất trong vườn, ánh nắng sớm chiếu qua cành lá xanh tươi nhuộm đầy màu tươi sáng. Mình ngồi trên ngôi nhà nhỏ giữa hồ, lặng yên thiền định trong không khí sớm mai.


Một lúc sau, người bạn cũng trở dậy. Rồi cô  bé phục vụ xinh xắn dọn lên bữa sáng nhẹ nhàng với bánh pancake, trứng rán và hoa quả tươi, vừa đủ để khởi đầu một ngày mới. Mình ngồi thưởng thức bữa sáng một cách chậm rãi, như một người chỉ biết tận hưởng, chẳng có gì phải vội vã trên đời này.

Ngày hôm đó, lịch trình là đi lên miền trung du Bedugul, thăm các đền đài và ba hồ lớn ở trung Bali. Buổi sáng, bọn mình chủ yếu dạo chơi khu vực xung quanh và tranh thủ nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình dài phía trước. Mình đi loanh quanh trong vườn, xem những luống rau nhỏ xinh. Mảnh đất màu mỡ đầy những hoa dại bé li ti, cây cà với những trái nhỏ căng mọng, lối đi với bãi cỏ êm mượt và những cái cây với dây leo xanh mướt không biết tên. Hít thở thật sâu, thấy thư giãn và dễ chịu sau một hành trình transit dài của máy bay và xe cộ.

Gần trưa, mọi thứ đã sẵn sàng, bọn mình ăn trưa tại một nhà hàng xinh xắn dễ thương ngay cạnh Villa Mandi trước khi lên đường. Quán là một căn nhà hai tầng được làm hoàn toàn bằng tre, hòa mình vào giữa đồng lúa, nhìn rất thiên nhiên và độc đáo. Trước quán, tấm bảng đen với nét phấn trắng mộc mạc ghi thực đơn của ngày hôm đó. Mình bước lên tầng trên, thoáng ngỡ ngàng. Đồng lúa chín vàng ngút mắt trải ra bên ngoài chòi tre mát mẻ. Trên bầu trời xanh lơ, những đám mây trắng xốp lững lờ trôi, hứa hẹn một ngày thật đẹp. Bỗng nhiên cảm giác say đắm lan ra từ tim, rồi tràn ra khắp người, khiến mình chuếnh choáng. Chợt nhận ra mình đã yêu Ubud mất rồi.

Cô bé phục vụ với làn da ngăm ngăm và khuôn mặt an lành của những đứa trẻ đồng quê khẽ khàng để quyển menu lên bàn và nhìn bọn mình vừa tò mò, vừa bẽn lẽn. Người bạn gọi món cừu cho bữa trưa, còn mình chọn một phần cơm gà biriyani. Phần ăn được mang lên, nhỏ xíu, nhưng ngon lành. Ngồi ăn bữa trưa nhẹ ở một căn chòi tre đầy gió và đồng lúa rì rào bên cạnh, thực sự không muốn rời đi. Nhưng đường xa vẫy gọi, thoáng chốc, chiếc xe máy đã băng băng, chở khách lữ hành rẽ đồng lúa đi ra đường lớn.

Lời đồn về sự thân thiện của người dân Bali quả không sai. Trên đường đi, bọn mình không hề có bản đồ. Đi đến đâu hỏi đến đó, chỉ cần kêu: “Bedugul”, là người dân bên đường sẽ chỉ ngay cần đi lối nào. Có người không biết tiếng Anh, nhưng họ vẫn nhiệt tình hướng dẫn, giơ tay múa chân để giúp bọn mình biết được lối đi.

Đường ở Ubud đôi khi làm mình bối rối vì có quá nhiều khung cảnh. Con đường nhựa thẳng tắp đang đi trong thị trấn bỗng chạy xuống dốc thật đứng, băng qua cây cầu bắc ngang dòng nước trong veo, rồi lại dốc ngược lên, cứ như đang đi tàu lượn. Chỉ lát sau, ngỡ ngàng thấy mình đang xuyên qua một khoảng rừng rậm rịt với cái cây cổ thụ cành lá bắc dài trên đầu, tưởng như đang thám hiểm Amazon, để rồi trong nháy mắt lại thấy mình đứng ở ngã tư với trạm xăng, và xe cộ đông đúc. Chỉ cần rẽ qua một con đường nhỏ, lại trở về với thiên nhiên hoang dã, với rừng cây xanh mát che kín hai bên, chỉ có con đường là dấu hiệu của văn minh. Qua một khúc cua, cánh rừng đột nhiên biến mất, nhường lối cho nhà cửa san sát với những hàng rào bằng đá và những chóp nhọn lá đen của các khu đền trong vườn nhà. Rồi cũng đột ngột như vậy, đồng lúa hiện ra, mênh mang vàng rực, với những cây dừa điểm thấp thoáng trên những bờ ruộng xa xa.

Đồng quê ở Ubud không phải là những cánh đồng cò bay thẳng cánh, trải dài ngút tầm mắt, đẹp mênh mông mà cô quạnh như ở đồng bằng Nam bộ. Những cánh đồng ở đây lên xuống theo triền đồi, rải rác những hàng dừa nghiêng nghiêng, xen kẽ vài nếp nhà, khiến người lữ khách thấy yên bình mà không trống trải. Gió thổi qua đồng lúa mang cái mùi hương ngai ngái của cỏ và đất, thoảng nhẹ cái mùi dịu ngọt của lúa chín và cây trái nhiệt đới, làm mình ngất ngây. Phía trước, một đoàn quân nhỏ của những em bé tiểu học mặc đồng phục đang diễu hành, vừa đi vừa hô vang một khẩu hiệu nào đó. Xe ô tô và cảnh sát hộ tống, yêu cầu người đi nép sát vào vệ đường, nhường lối cho đoàn diễu hành.

Mình đang đắm say với đồng lúa và tò mò ngắm nhìn bọn trẻ diễu hành thì anh cảnh sát phía trước bỗng ngoắc bọn mình đi lên. Tưởng anh dẫn đường cho khách du lịch qua đám đông, bọn mình mừng rỡ len lỏi tới trước. Đi được một đoạn đến ngay khúc cua, dưới tán cây rậm rịt hiện ra một cái đồn cảnh sát thấp lè tè và bé tí xíu, anh cảnh sát ra hiệu dừng lại, yêu cầu cho xem giấy tờ xe. Săm soi mớ giấy tờ hồi lâu, anh bảo: “Bằng lái này không phải bằng lái quốc tế, nên không có giá trị ở Indonesia.” Bạn mình cãi: “Nhưng tôi dùng bằng lái này ở Thái Lan, Malay vẫn được mà.” Giọng viên cảnh sát bắt đầu nhuốm mùi đe dọa: “Nhưng ở đây là Indo, giờ anh phải nộp phạt 500 nghìn rupiah, và quay trở lại Denpasar để nộp phạt và trả lại xe.”

Trong một thoáng, mình điếng người, nghĩ giờ mà quay lại nơi xuất phát thì còn làm ăn gì nữa, kế hoạch khám phá Bali thế là đi tong rồi. Nhưng bình tĩnh lại, nghĩ chắc anh cảnh sát này chắc cũng giống một số cảnh sát giao thông Việt Nam thôi, nên mình chuyển sang năn nỉ. “Anh thông cảm, chúng tôi lần đầu đến Bali nên không biết. Bây giờ chạy về lại Denpasar thì rất xa, mà chúng tôi cũng không có đủ 500 nghìn rupiah trong túi. Anh có cách nào giúp chúng tôi không?” Viên cảnh sát nhìn mặt mình tỏ vẻ không tin, ngần ngừ, rồi nói: “Thôi được rồi, có bao nhiêu tiền thì nộp phạt ở đây đi”. Bạn mình  rút ví, lấy tờ 50 nghìn rupiah ra bảo: “Tôi chỉ có bấy nhiêu thôi.” Anh ta đồng ý. Bọn mình quay lại xe sửa soạn đi tiếp. Mình thì thầm với người bạn: “Không biết như thế có nhiều quá không. Mấy bài trên mạng nói nếu cảnh sát giữ lại thì thường 25 – 30 nghìn rupiah là đủ rồi.” Người bạn mình ngạc nhiên: “Ủa vậy hả?” rồi tới thẳng chỗ anh cảnh sát đang đứng, hỏi luôn: “Này, 25 nghìn rupiah được không?”. Viên cảnh sát lúc này như quá sức chịu đựng, tức giận quát lên: “Có muốn tôi tịch thu bằng lái luôn không hả? Viết giấy phạt cho mấy người về Denpasar đóng luôn giờ.” Bọn mình cười cười, lên xe phóng đi nhanh chóng.

Bị cảnh sát bắt giữ ngay trên đồng lúa Ubud sau khi khởi hành chẳng bao lâu làm mình hơi hoảng. Nhưng tiếp tục đi, cảnh đẹp lại hiện ra trước mắt. Các thửa ruộng bậc thang nhuộm vàng màu lúa chín điểm xuyết những cây dừa đặc trưng nối tiếp hai bên đường, và con đường mịn màng uốn lượn với hai hàng cây xanh rợp bóng cứ dài mải miết. Chỉ muốn trải thảm bên đường, để vài món ăn ra nhâm nhi, rồi lăn ngay ra đấy mà ngủ. Chẳng mấy chốc, tim mình lại tràn đầy niềm vui và tình yêu với miền đất kỳ diệu này.

Trời đã xế trưa, mình và người bạn dừng xe ở một quán nhỏ bên đường, gọi món súp bakso quen thuộc cho bữa xế. Nhưng mỗi nơi lại một kiểu khác nhau, nên quán lần này lại không ngon như mình nghĩ, mà có lẽ lần đầu tiên lúc nào cũng để lại ấn tượng sâu đậm. Mặc dù vậy, nhâm nhi món súp nóng trong buổi chiều nhiều sương cũng có phần thú vị. Nghỉ mệt một hồi, trả đâu 7000 rupiah cho mỗi tô, rồi lại lên xe chạy tiếp.

Con đường dốc dần báo hiệu đang đi lên vùng trung du. Những khúc cua gấp ngoặc như cái khuỷu tay đi vòng lên núi. Chạy xe phía dưới, ngước lên thấy xe cộ đang vòng trên đầu mình. Đường nhỏ chỉ vừa đủ cho một xe ô tô mỗi bên, lại thêm hàng đoàn xe du lịch vùn vụt lên xuống, nên chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể bị ô tô ép lao khỏi đường và bay xuống phía dưới. Không khí trên cao thấm lạnh và nhiều sương. Đường đi một bên là sườn núi dốc thẳng, một bên là thung lũng trùng điệp. Nhìn xuống thung lũng phía dưới, dừa cọ và các loại ngũ cốc đan xen với nhau tạo thành tấm thảm xanh rì dịu mát. Giữa thung lũng, một dòng suối nhỏ lấp lánh ánh bạc uốn lượn trong buổi chiều mù sương càng tô thêm sự thơ mộng cho khung cảnh. Đi thêm khúc nữa, những xe du lịch đậu kín hai bên đường, thả khách xuống thăm vườn dâu.

Sau quãng đường zíc zắc dốc ngược lên núi, xe chạy qua những con đường nhỏ hoang vu phả đầy hơi nước mát lạnh của cây rừng, lướt qua vài sạp hàng tạm bợ trên bìa rừng bán đầy mít và sầu riêng, rồi nghiêng dần xuống dốc. Con đường mở ra rộng và thoáng đãng, phía cuối con dốc hiện lên một vùng hồ rộng lớn, người người đi lại, ngồi quanh bên bờ ngắm cảnh chiều buông. Hồ núi thiêng Bratan mở lòng chào đón lữ khách phương xa.

Sau quãng đường gần 50km, mình ghé thăm điểm đến đầu tiên của lịch trình, vùng hồ Bratan với cụm đền nổi Ulun Danu nổi tiếng. Hồ Bratan cung cấp nước cho cả một vùng trung du Bali rộng lớn. Do vậy nơi đây được coi như nguồn nước mẹ, nuôi sống bao nhiêu dân cư quanh vùng. Đền nổi Ulun Danu được xây bên hồ, ngay trên mặt nước, như người canh giữ và bảo vệ hồ Bratan. Đền thờ thần nước sông hồ Dewi Danu, với 11 tầng mái thể hiện bậc linh thiêng nhất trong hệ thống đền đài ở Bali. Ngôi đền ở miền trung Bali này có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Hindu nơi đây.

Ghé thăm đúng mùa lễ hội, hàng loạt các hoạt động cùng diễn ra trong khuôn viên rộng lớn của khu đền. Xung quanh đền, nhiều đoàn khách du lịch nườm nượp ghé thăm cảnh đền, quây quần từng cụm ngắm các vũ công Bali đang biểu diễn những điệu nhảy truyền thống trên khoảng sân rộng, hoặc đua nhau chụp ảnh nhóm phụ nữ bản địa múa giã gạo bên ngoài khu nhà cầu nguyện. Mình và người bạn dạo chơi quanh đền, hòa vào dòng người tấp nập viếng đền, cảm nhận không khí lễ hội nô nức. Một lát sau, mình tách khỏi đám đông, chầm chậm dạo về phía bờ hồ vắng lặng. Những cơn sóng nhỏ vỗ ì oạp vào bờ hồ đầy sỏi. Giữa hồ, một vài chiếc thuyền độc mộc nhỏ xíu trơ trọi. Xa xa phía bên kia hồ thoáng hiện những dãy núi xanh thẫm mờ sương. Không khí buổi chiều miền núi thấm lạnh, tinh khiết và hoang vu. Hít thở không khí linh thiêng của hồ, thấy lòng mình cũng trở nên thanh khiết, chẳng hề vướng bận âu lo.

Sau khi dạo hết một vòng quanh hồ Bratan, mình lại lên đường tiếp tục đến với hai cụm hồ tiếp theo. Con đường trải nhựa mịn màng lại uốn lượn khúc khuỷu hết xuống rồi lên, làm người lữ khách thêm mê đắm, quên hết mọi nỗi sầu. Dừng chân ở một đồng cỏ bên đường, mình vui mừng nhìn thấy người bạn mơ ước bé nhỏ: bồ công anh. Lần đầu thấy bồ công anh, lại ở trên vùng đất Bali mến yêu, thấy mình hạnh phúc như được quay trở lại thời thơ ấu, lang thang cả ngày trên đồng lúa, nhặt cỏ gà, tắm sông, chăn vịt. Mình chạy nhảy tung tăng như một cô bé con, nhặt từng cọng hoa và lấy hơi thổi cho hạt bay lên tứ tung. Trong câu chuyện về chú chó Nighe mình đọc thời nhỏ, người ta lấy cuống hoa bồ công anh, vặn xoắn lại và ăn như một loại thức ăn vặt. Mình nhìn cọng hoa, định thử, nhưng không rõ phải ăn thế nào, nên để lại bồ công anh ở đó, lại hướng tới điểm đến tiếp theo.

Con đường nhỏ xíu cứ ngày càng dốc lên, quanh co và láng mịn như dải mật ong dài ngọt. Hai bên đường, những khu vườn đủ loại hoa trái khoe sắc. Nhìn cảnh vật xung quanh, mình lại phát hiện thêm một loài hoa yêu thích nữa: cẩm tú cầu. Mình đã từng có mơ ước sẽ có cầm bó hoa cẩm tú cầu thật đẹp trong ngày cưới, cùng với váy cưới màu xanh lơ. Ở Bedugul, những cụm cẩm tú cầu xanh biếc cứ lấp ló trong những khu vườn xinh xắn như vẫy gọi mình, chào đón. Ngắm những khu vườn e ấp xanh cẩm tú, ngửa đầu lên nhìn bầu trời xanh biếc, trong tim mình tràn ngập tình yêu cuộc sống, yêu cái đẹp ngập tràn nơi mảnh đất diễm lệ này.

Không gian bỗng nhiên mở ra rộng hơn. Nhà cửa thưa thớt dần, nhường chỗ cho những cây bụi nhỏ dưới bóng vài tàn dương liễu trên một triền đất rộng. Đằng xa, bóng nước lấp loáng làm dịu mắt khách đường xa. Ngó bên trái là hồ Buyan, ngoảnh mặt qua bên phải là hồ Tamblingan. Trước đây, hai hồ này là một, nhưng người dân đã tạo đường mòn ở giữa, cắt thành hai hồ riêng biệt. Hồ Buyan là hồ rộng nhất Bedugul, nằm giữa một thung lũng với mây núi vây quanh. Bên trên, khoảng trời Bali rộng bát ngát phớt từng đám mây tan, phía dưới, mặt hồ xanh trong yên bình giữa muôn trùng non nước. Thiên nhiên hùng vĩ và tự do hiện ra làm lữ khách chỉ biết ồ lên kinh ngạc rồi lặng người say sưa ngắm nhìn cảnh vật như muốn thu hết những cái đẹp này vào trong tầm mắt. Cảnh hồ Buyan tĩnh lặng trong một chiều đầy sương khiến cho tâm hồn người lữ khách như được thanh lọc, trở nên trong và yên hơn.

Trời về chiều đã chớm lạnh. Sương núi phủ mờ mặt hồ xa xa. Từ hồ Buyan đi 10km về phía tây là thác Munduk, được khen ngợi rất nhiều với vẻ đẹp hoang sơ của nó. Nhưng chiều đã muộn, mình phân vân không biết có nên bỏ qua thác nước này không. Người bạn đồng hành đề nghị: “Cứ đi thử, xem chúng ta đi được bao xa, nếu mệt quá thì có thể quay về bất kỳ lúc nào.” Thế là chiếc xe cần mẫn lại đưa hai người bạn băng băng chạy tiếp. Đường ngày càng khó đi, khi đột ngột lao thẳng xuống những con dốc hẹp rồi lại cua ngoặt lại hướng mãi lên cao. Càng chạy càng thấy mình lạc vào một vùng rừng núi thăm thẳm, như cách biệt hẳn khỏi xã hội loài người, phóng hết tầm mắt nhìn khắp xung quanh, chỉ thấy rừng già bao phủ. Cuộc sống hiện đại dường như đã lùi xa lắm, ô tô, nhà cao tầng, đường phố tấp nập như cách đây hàng nghìn cây số. Nếu bây giờ Tarzan bỗng hiện ra trước mặt, đu từ cành này sang cây nọ, hẳn mình cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên.

Xe vừa leo lên một con dốc đứng, mình thấy cái bảng gỗ nhỏ khiêm tốn được đóng dính vào thân cây: “Munduk lake”. Dưới tán cây, một người đàn bà ngồi trên chiếc sạp tre bày vài loại quả rừng, chìa cho mình mẩu giấy nhỏ in chữ: “Private Property. Ticket: 5000 rupiah”. Mình và người bạn để xe ở đầu dốc, theo hướng tay chỉ men theo lối mòn dẫn xuống suối. Con đường đất nhấp nhô dẫn bọn mình đi giữa rừng núi trập trùng, qua những con đồi, qua cây cầu đơn sơ bắt trên dòng suối róc rách. Cuối cùng, một căn nhà gỗ hiện ra trên một triền đồi rộng, vài đứa trẻ đang chạy nhảy nô đùa, đứa lớn nhất nhìn mình mỉm cười, chỉ tay dẫn đường xuống suối. Đi xuống con dốc gồ ghề, thác nước hiện ra trong chiều muộn.

Bắt nguồn từ con suối len lỏi giữa đồi cây, dòng nước đổ xuống một khe đá cao với cây rừng hai phía, tạo nên thác Munduk. Không hùng vĩ to lớn, thác Munduk có thể khiến người ta thất vọng nếu đã quen nhìn những con thác dài rộng cuồn cuộn sóng nước như ở Tây Nguyên Việt Nam. Vẻ đẹp của Munduk nằm ở vách đá phẳng dựng đứng với dòng nước chảy như buổi tắm vui tươi của một vị thần khổng lồ. Dưới chân thác, một chiếc hồ nhỏ đầy sỏi li ti mát lạnh với những tảng đá to hai bên như bể tắm của ông thần kỳ lạ. Vượt qua đống đá gập ghềnh, dòng nước biến thành con suối hiền hòa như cũ, tiếp tục chảy xuôi xuống hạ.

Đã hơn 5 giờ chiều, cả thác nước chỉ có trơ trọi hai người bọn mình đứng ngắm. Bạn mình nói: “Phong tục cổ xưa bảo rằng khi đến đâu đều nhúng tay/chân vào nước như sự cúi chào tới thần nước và làm quen thổ nhưỡng bản địa. Giờ mình xuống nhúng tay vào nước là có thể an tâm”. Mình cười, bước xuống chân thác. Nhìn những viên sỏi tròn vo xanh trong dưới lòng hồ cạn, mình bỗng nổi lên một khao khát mãnh liệt. Quay sang nhìn người bạn: “Có nên tắm luôn không”. bạn hốt hoảng ngăn cản: “Trời tối rồi, lạnh lắm. Ở đây chỉ có hai người mình thôi, nếu xuống đó lỡ có chuyện gì thì không ai cứu. Trời tối mà đường lại xa nữa, nếu tắm xong về cảm lạnh thì chuyến du lịch này chẳng còn thấy vui đâu.” Nhưng mình chỉ muốn ngâm mình dưới dòng nước mát, xóa sạch hết bụi bẩn và nóng nực của một ngày lang thang. Nhìn mình nuối tiếc nhìn dòng nước, im lặng quay lên, bạn mình đành bó tay: “Thôi được rồi, bạn xuống trước đi, mình sẽ canh chừng cho.” Nhưng canh chừng thế nào được, khi mình biết tỏng bạn mình không biết bơi và sợ nước. Mình cười lén trong bụng, lò dò từng bước xuống chân thác. Nước suối và những viên sỏi lạo xạo dưới chân mát rượi khiến mình quên hết mệt nhọc. Thấy vậy, sau một hồi ngần ngừ, bạn mình cũng xuống theo, chẳng mấy chốc hai người bạn đã trở thành hai đứa trẻ con, vui chơi đùa giỡn dưới thác nước Munduk trong mát.

Một chút điên điên trong chiều Bali vẫn làm mình nhớ mãi. Thực sự những gì bạn mình nói là đúng. Trời đã sẩm tối, xung quanh không hề có người, bọn mình cũng không chắc là có thể tắm ở Munduk được không. Nhưng mình vẫn liều mình thử xuống, vì minh nghĩ chẳng biết bao giờ mới quay lại được đây, chẳng biết bao giờ mới có cơ hội đắm mình dưới dòng thác, nên đã đến rồi, sao không chớp lấy cơ hội. Khi đã xuống dưới thác, mình mới biết chiếc hồ đầy sỏi là nơi lý tưởng để du khách tắm thác. Những giờ khác, chắc thác nước đầy khách đến vui chơi, nhưng trong buổi chiều muộn đầy sương, chỉ có hai người bạn đến thăm, thác nước trầm trầm lúc đầu khiến mình hơi e ngại.

Kết quả của giây phút điên điên là sự thỏa mãn cao độ và vui vẻ khi về. Kèm theo đó là cái lạnh run người khi lên đường quay trở lại. Bọn mình nhanh chóng vượt đồi quay trở lại điểm xuất phát với chiếc xe máy và lái xe trở về Ubud. Người ướt sũng nước, mình chỉ muốn chui ngay vào chăn, quấn chặt lại cho dịu đi cái lạnh của sương chiều đang xuống, nhưng chiếc xe máy dù chạy hết tốc lực vẫn không phải là cánh cửa thần kỳ đưa ta đến nơi trong giây lát. Đường về nhà còn xa.

Chạy qua hồ Buyan, bọn mình dừng lại nghỉ bên một khoảng đường rộng, nơi mấy chiếc xe du lịch cũng đang dừng lại để khách xuống nghỉ ngơi. Bên đường, vài người đàn ông đang ngồi quạt lửa nướng món satay, mình đưa tay xoa bụng, nghe dạ dày lên tiếng.

Satay, món ăn truyền thống của người Indo, là những miếng thịt xiên qua các que tre nhỏ được nướng trên than hồng, rồi nhúng đầy nước sốt. Có nhiều loại satay, lợn, bò, gà, thỏ, cá, lươn… nhưng phổ biến nhất vẫn là chicken satay, satay gà. Món ăn này có thể được tìm thấy ở nhiều nơi khắp vùng Đông Nam Á, như Malaysia, Thái Lan, Singapore và cả Phillipines, thế nên đôi khi người ta không biết rằng nguồn gốc xuất xứ của nó là đến từ Đông Java, Indonesia. Trong buổi chiều lạnh, mình và người bạn ngồi bên lề đường, cùng gặm những xiên satay. Con đường đến khúc này đã mở rộng, được bao phủ bởi rừng cây cổ thụ hai bên. Qua khỏi thanh chắn ở mép đường, vực thẳm hiện ra hun hút. Không khí mát lạnh và trong lành. Đô thị vẫn còn xa lắc. Sau lúc nghỉ mệt, hành trình lại tiếp tục.

Trời sập tối rất nhanh. Càng về tối trời càng lạnh giá, sương núi xuống thấm ướt cả vai. Mình đưa chiếc khăn quàng cổ lên, che kín mặt, còn hai chân tê cóng không còn cảm giác. Con đường nhỏ ngoằn nghoèo đi xuống lúc chiều giờ trở nên nguy hiểm. Những đoạn quá hẹp, không đủ cho cả ô tô và xe máy. Bạn mình lái xe phía trước, mấy chiếc ô tô lượn vòng nối tiếp phía sau. Người bạn dừng xe bên lề, đưa tay chỉ về phía trước ra hiệu nhường đường. Vài chiếc ô tô vượt qua, người tài xế mở cửa kính vẫy chào cảm ơn. Mình ngạc nhiên, nghĩ nếu là ở Việt Nam, chắc tài xế xe máy sẽ càng phóng nhanh hơn, cho ô tô hít khói, hoặc lái lụa trước mặt ô tô,  làm gì có chuyện nhường đường. Kể cho anh bạn nghe, anh cười bảo nhường đường là biểu hiện tối thiểu của văn minh công cộng. Nghe mà nhục.

Người bạn đường lái hết tốc lực, rốt cuộc đã xuống hết vùng Bedugul. Những miếng satay đã biến đi đâu mất hết, bụng mình lại đói cồn cào. Bọn mình lại dừng lại bên đường, nơi cô gái nhỏ bé đứng sau tủ bánh, nhanh tay lột từng quả chuối vàng ươm để làm bánh chuối. Bạn mình gọi một phần, bánh khá ngon, nhưng mình chỉ muốn ăn đồ mặn cho bữa tối. Gần đó, một tiệm Bakso đang mở bán, mùi bò viên thơm lừng lôi kéo mình đi tới.

Súp bakso bưng tới, vị bò thơm thơm, nước dùng nóng và cay, sợi mì dai và vàng óng. Quán này còn bỏ thêm vài cọng cải rổ vào tô súp, ăn dòn dòn sực sực. Nhấp một miếng, nghe cái vị ngon tan dần trong miệng, và dòng nước nóng trôi dần xuống bụng, đi đến đâu tỉnh đến đấy, thật không gì thú bằng. Lại 5000 rupiah cho mỗi tô, trên cả thỏa mãn, mình lại sẵn sàng để đi tiếp chặng đường về nhà.

Ubud vừa đến, những đồng lúa hiện lên trong cái sẫm màu của đêm đen, bỗng nhiên làm mình thấy xa lạ và sờ sợ. Hóa ra bọn mình đã lạc đường. Đường Ubud ngoằn ngoèo khúc khuỷu, đi ban ngày còn khó huống chi ban đêm. Tụi mình loanh quanh trên con đường giữa đồng lúa, chẳng thấy ai để hỏi thăm. Một lúc sau, lại đi lạc vào những ngõ tối, với nhà cửa xung quanh, một góc biển hiệu nhà hàng Mozaic, tiếng người trò chuyện, cười đùa. Cuối cùng, sau một chỗ rẽ, con đường quen thuộc hiện ra, đưa bọn mình đến Villa Mandi yên ả.

Ánh đèn vàng soi rọi cổng vào và sân chào phía trước. Ánh đèn vàng soi con đường nhỏ đi vào. Căn nhà ấm cúng, chiếc giường ấm cúng. Mình rúc chân vào chăn, hồi tưởng quãng đường đã qua, và nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Leave a Reply