(Tiếp theo)
Mình quay lại bàn học, ráng ngồi để học cho xong bài còn dang dở. Nhưng mình cảm thấy khó mà tập trung được, quyết định làm cho ra ngô ra khoai. Mình bèn lên mạng, tìm tên của cô S. Nguyễn mà má nói, nhưng không hề có thông tin nào cụ thể. Mình quay sang tìm lại tên cái cộng đồng mà má tham gia. Trên Facebook group của cộng đồng đó thông tin rất mông lung, không có thông tin gì cụ thể về người sáng lập cộng đồng, chỉ có tên một công ty TNHH nào đó ở ngoài miền Bắc, tạm gọi là công ty Y. Mình bấm vào tên công ty, trang web của nó không hoạt động, còn trang Facebook thì sơ sài không có một bài đăng nào. Rồi mình lần mò tìm thông tin thêm của công ty này trên Google, cũng không có thông tin gì cụ thể. Chỉ có một điểm đáng lưu ý là khi tìm địa chỉ của công ty này thì nó hiện ra tên của một công ty khác có cùng địa chỉ, tạm gọi là công ty X. Mình quay lại, bấm vào trang Facebook của công ty Y và lục tìm lịch sử đổi tên của trang, thấy trang này vốn trước đây có tên của công ty X. Thế là mình lại google tên công ty Y, tìm ra được người đứng tên công ty tên là Nguyễn X Hiền, tên thường gọi là Hiền Đại Ka. Mình lại tìm kiếm thêm tên của người này, cùng tên công ty, thì ra được những bài báo từ báo Pháp Luật ghi tên công ty Y có dấu hiệu lừa đảo tài sản, chuyên tạo ra các cộng đồng thiện nguyện, phát triển bản thân để sau đó chiêu dụ bán các khoá học với giá cắt cổ. Và sau khi lục tung internet cái tên của người Nguyễn X Hiền kia thì người này quả là còn có tên tiếng Anh là S. Nguyễn, đúng là tên của cô “tiến sĩ” S. Nguyễn viết ra những quyển sách thanh lọc tâm trí mà má mình đang đọc.
Sau khi có đầy đủ toàn bộ thông tin rồi, mình gửi hết cho má, bảo con vạch mặt cái cộng đồng này một lần cho má thấy, để má đừng quá tin vào những cộng đồng đội nhóm trên mạng, đừng thấy cái gì hay hay thì tham gia mà chưa tìm hiểu kỹ thông tin. Mình cần phải biết chắc là bên trong cốt lõi của những nơi đó là lương thiện, người đứng đầu là thực tâm trong sáng, thì mới nên tin theo. Má mình có vẻ xuôi theo, nói ừ, má cũng mới tra ra tên công ty đó rồi, má sẽ không tham gia vào đó nữa. Hú hồn là má mình là thành viên mới, chưa bị dính quá sâu vào cái bẫy này, cũng chưa có kết nối hay dính mắc cảm xúc nhiều, và nên chưa bị chiêu dụ để móc tiền nộp cho bọn chúng.
Một cuộc gọi điện thoại về thăm nhà không ngờ lại biến thành một buổi sáng tranh cãi lẫn nhau, để rồi chuyển sang tìm kiếm thông tin vạch mặt bọn lừa đảo. Mình nhìn lại cuộc trò chuyện với má, cảm thấy thực sự mình cũng có nhiều cái sai. Cái sai của mình là chưa kiên nhẫn, thông cảm và tế nhị hơn với má. Ngay đầu câu chuyện, mình đã bày tỏ sự nghi ngờ, tấn công quan điểm, làm tổn thương cảm xúc của má. Nói chuyện với má khi nóng ruột thì mình thường không có được sự nhẫn nhịn cần thiết, sự điềm tĩnh lắng nghe và nhẹ nhàng phản biện sao cho má vừa cảm thấy thuyết phục vừa không bị rơi vào thế phòng thủ. Các kỹ năng giao tiếp và cảm xúc mà mình thường áp dụng với bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác đôi khi lại khó thực hành được với gia đình. Đôi khi mình cảm thấy để kiên nhẫn và nhẹ nhàng với gia đình là khó nhất, vì bao nhiêu những mâu thuẫn cố hữu và các vướng mắc cảm xúc tồn đọng sẵn trong gia đình. Mình đã học được rằng gia đình chính là nơi mình cần thể hiện sự bao dung, kiên nhẫn và tử tế nhất, nhưng thực hành điều đó vẫn khó khăn làm sao.
Nói chuyện với má xong, mình lại chợt nghĩ về lần gần nhất về thăm nhà. Đột nhiên trong một cuộc nói chuyện trong bữa cơm, đột nhiên ba mình hỏi: “Con có biết là virus Corona từ đâu ra không? Rồi con có biết trong vắc xin có vi mạch để theo dõi con người không? Bill Gates đã cho tiêm các loại vắc xin vào trẻ em châu Phi để cấy vi mạch vào người ta đó”. Mình nghe thấy kỳ lạ quá, mới hỏi là ba nghe mấy chuyện đó ở đâu vậy. Má bèn bảo là ba hay coi tin tức trên mấy trang Youtube hải ngoại. Mình nghe xong chỉ biết than trời, những thuyết âm mưu kiểu này thực sự rất khó để vạch trần sự thật, vì nó là loại deep fake, nghe rất dễ tin và hợp lý vì chúng được xây dựng dựa trên cơ chế tâm lý cảm xúc của con người. Để làm rõ và debunk/vạch trần các thể loại thuyết âm mưu này thì mình phải ngồi với ba nhiều buổi một, tìm kiếm tài liệu dẫn chứng cụ thể và trình bày thông tin thực sự rõ ràng để cho thấy là các thông tin này diễn giải sai lệch thao túng ảnh hưởng người ta ra sao. Nhưng mối quan hệ giữa mình với ba không đủ kết nối cần thiết để có những cuộc trò chuyện thật sự cởi mở, mình cũng không đủ kỹ năng cũng như kiến thức để làm điều này. Nên lúc đó mình tạm gác việc này sang một bên, vì cũng chưa có cách gì nói rõ cho ra ngô ra khoai với ba được. Sau này sang Mỹ mình nghe bạn kể mới biết những thuyết âm mưu về vắc xin và Bill Gates như vậy chỉ là một vài sợi tơ nhỏ trong mạng nhện khổng lồ các thể loại ma trận bát quái thao túng tâm lý con người mà QAnon xây dựng nên.
Nghĩ về câu chuyện với ba má mình, mình vẫn cảm thấy bức xúc quá, bèn nhắn lên hội Fulbright các bạn đi học cùng năm với mình. Nói chuyện với nhau mới biết, hoá ra vấn đề các bậc phụ huynh bị tấn công bởi các thể loại đa cấp lừa đảo hoặc cộng đồng giả danh trên mạng, hoặc các loại tin giả tin sai sự thật không phải là chuyện của riêng ai. Có bạn mình kể là phải thường xuyên nhắn tin về năn nỉ cha mẹ đừng share tin giả lên Facebook nữa. Có bạn thì ba bạn thậm chí còn bị tổ trưởng dân phố cảnh báo là không dùng Facebook loan tin thất thiệt về vắc xin gây vô sinh khiến người dân hoang mang. Rồi bạn khác thì còn xích mích nghiêm trọng với mẹ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ gia đình chỉ vì mẹ đi tin mấy ông “thầy” trong các nhóm truyền giáo trên mạng, rồi mua đủ thứ đồ dùng không cần thiết với giá cắt cổ. Tụi mình đều nhận thấy là mỗi lần nói các chuyện kiểu này với ba mẹ thì rất tốn năng lượng vì phải lựa lời nói sao cho người lớn không bị tự ái, vì nói về những thứ mà giới trẻ rành rẽ hơn nhưng thế hệ lớn tuổi chưa nắm rõ, thì rất dễ khiến cha mẹ có cảm giác là mình lên giọng dạy dỗ cha mẹ. Thành ra câu chuyện về media literacy trong các gia đình thực sự là một vấn đề nhức nhối, dù chúng ta ít nói về chúng.
Nhìn rộng ra, mình cảm thấy những người lớn tuổi như thế hệ của ba mẹ mình những nhóm rất dễ bị tổn thương với sự rối loạn thông tin hiện nay. Họ tuy lớn tuổi như vẫn còn sức lao động và có nhu cầu lao động trí óc. Họ có nhu cầu được tham gia những cộng đồng phù hợp lành mạnh để cùng trao đổi, học tập và nâng đỡ lẫn nhau. Nhưng ở những miền quê, tỉnh lẻ, hoặc ngay cả thành phố với các mối quan hệ xã hội lỏng lẻo thì không có nhiều môi trường để họ giao lưu kết bạn và có các kết nối xã hội bền chặt. Họ phải bắt đầu tìm hiểu thông tin trên mạng, tham gia vào mạng xã hội. Con cái thì ở xa ít có dịp gần gũi chia sẻ tâm sự. Nên họ rất dễ bị tấn công bởi tin giả, bởi thuyết âm mưu, bởi các tổ chức đội nhóm hoạt động cộng đồng giả danh, rồi bị dụ vô các nhóm tâm linh thao túng tâm lý để tăng ảnh hưởng của một nhân vật truyền giáo nào đó, hoặc rơi vào cái bẫy của những loại hình kinh doanh lừa đảo.
Những đội nhóm hỗ trợ (support group) hoặc các cộng đồng hoạt động mạnh mẽ là một ưu điểm của internet và mạng xã hội như Facebook. Nhưng bên cạnh đó, chúng có rất nhiều biến tướng. Ví dụ có những nhóm cộng đồng có nội dung thông điệp rất hay ho nhưng ẩn bên trong là mục tiêu đen tối, cũng có những đội nhóm mục tiêu cao cả nhưng kỹ năng không đủ tầm nên làm ra tanh bành tầy quầy, kết quả không ra sao, như các nhóm tự học tiếng Anh mà không người hướng dẫn không có phương pháp hiệu quả. Rồi cũng có những cộng đồng như nhóm thiền ở Wisconsin thì mình tin là những người tham gia có thể thực sự tử tế và nhiệt tâm, chỉ có điều người họ tin theo lại không chính danh xác thực, mà là một vị thầy giả mạo.
Câu chuyện về Media Literacy gần đây đã được báo chí, truyền thông và các chuyên gia trong ngành này nói nhiều. Nhưng hiện tại vẫn có khá ít các khoá học và tài liệu về thông hiểu thông tin, thẩm định thông tin cho người Việt, lại chủ yếu tập trung cho giới trẻ. Media Literacy cho người lớn tuổi thì chắc cần tiếp cận sao cho đơn giản trực quan và sinh động, để người lớn tuổi dễ tiếp thu. Mình hiện tại thực sự cũng chỉ đang học về Media nên không đủ kiến thức và sức lực để giải thích tường tận cho gia đình hiểu. Nhưng nó thực sự là một vấn đề mà mình trăn trở từ lâu nay rồi, chưa biết làm cách nào để giải quyết tận gốc. Mình rất mong là một lúc nào đó kiến thức và kỹ năng của mình có thể đủ để làm gì đó đóng góp vào việc phát triển kỹ năng đọc hiểu tin tức hoặc thông hiểu truyền thông ở Việt Nam, không chỉ cho người trẻ, mà còn cho người lớn tuổi.
Nhân tiện, mình có tập hợp được 3 tài liệu về Media Literacy. Nếu bạn cũng quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về chủ đề này, có thể tìm đọc thêm ở đây nhé:
Báo chí, tin giả, và tin xuyên tạc. Tài liệu của UNESCO: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000367566
Tài liệu từ Center for Media Literacy, Mỹ, do tiến sĩ Nguyễn Thu Giang dịch:
Cẩm nang dành cho độc giả thông minh từ một chương trình về News Literacy tại Việt Nam:
http://drc.centerfornewsliteracy.org/sites/default/files/resource-files/news_literacy_manual_vn.pdf
Chị ơi mình check ib giúp em nhé ạ. Em liên hệ công việc
Ủa inbox ở đâu em ha? Chị chưa thấy. Nếu được em gửi qua email giúp chị nhé: [email protected]. Thanks em.