Một câu chuyện về media literacy – P1

(Chuyện xảy ra hồi mình còn đi học ở Mỹ, giờ mới hoàn thành bài viết và đăng lên)

Mình mới cãi nhau với má xong. Đáng lẽ cuộc gọi bình thường chỉ hỏi thăm sức khoẻ cập nhật tình hình thì lần này lại sinh ra như vậy.

Số là khi đang nói chuyện với má thì mình tình cờ nghe tiếng của ai đó khác. Mình tưởng nhà đang có khách, nên hỏi má là giọng nói đó của ai vậy. Má bảo là má đang nghe clip bài thuyết trình trong một khoá học chia sẻ về kiến thức sống, của một cộng đồng mà má mới tham gia vào, nơi phát hành ra quyển sách mà má gửi cho mình đó. Mình mới nhớ ra là hôm bữa má share cho mình một quyển sách làm sạch tâm trí gì đó, bảo là rất hay. Mà mình nói mình mới vô học kỳ bận quá không đọc được, xong rồi quên luôn. 

Vốn má mình tính vốn thích tìm hiểu và chịu khó học hỏi, đầu óc cởi mở như thanh niên nên giờ tuổi đã cao vẫn nỗ lực để học tiếng Anh, tập nhạc cụ, tham gia vào những hoạt động cộng đồng để phát triển bản thân. Một phần vì môi trường ở nông thôn khá thiếu điều kiện hoặc cộng đồng để những người như má mình có thể tìm người có cùng sở thích để giao lưu, cùng học tập hỗ trợ lẫn nhau và phát triển lên. Do vậy, má hay tìm hiểu các quyển sách, tài liệu, và các cộng đồng trên mạng để tham gia. Nhưng những tài liệu hay đội nhóm mà má chia sẻ cho mình trước đây thì mình thấy có cái tạm được, có cái thì nội dung hơi nông cạn đối với mình, có cái thì mức độ hiệu quả và tính xác thực hơi có vấn đề. Nhưng mình biết tính mình khó chịu và tiêu chuẩn cao, nội dung người khác cho là hay thì chưa chắc với mình đã chấp nhận được. Nên mình đã nghĩ là thôi kệ má thấy hay thì cứ để má tìm hiểu, chứ mình cứ can thiệp kiểm soát người thân quá đà lại không hay. 

Lần này, sau khi nghe má nói vậy thì mình nhăn mặt bảo:

– Con rất lo ngại vì má hay đọc những tài liệu, sách vở, hoặc tham gia những cộng đồng hay đội nhóm trên mạng mà chưa tìm hiểu kỹ, chưa biết thực chất nó ra sao mà đã tin theo. (Câu này mình thực ra cũng hơi chụp mũ, vì mình chưa có thông tin gì về quyển sách và cộng đồng đó cả).

Má nói:

– Sao lại không, sao má lại không tìm hiểu chứ, đây nội dung của nó hay đến như thế này mà. Đây con xem, quyển sách (có bộ thẻ đi kèm) nói về việc chủ động yêu thương, chủ động kết nối, chủ động hoà giải, chủ động xin lỗi, chủ động khiêm nhường.

Mình nói:

– Những điều đó nghe qua thì hay. Nhưng má cần đánh giá tính hiệu quả và xác thực của nội dung và cộng đồng đó. Cái mình cần quan tâm tại sao những nội dung đó đáng tin cậy, và tại sao nó có khả năng làm sạch bộ não. Quan trọng hơn là mình cần tìm hiểu người làm ra nội dung này là ai, chuyên môn của họ thế nào, nguồn gốc của những nội dung này từ đâu. Chứ con không cần má lặp lại những gì người ta truyền đạt (Chỗ này công nhận mình cũng hơi xấc xược).

Má nói:

– Những nội dung này có ích vì má chỉ cần đọc một vài bài là cảm thấy có năng lượng tích cực liền, và bởi vì trong cuộc sống người ta thường thụ động và đổ lỗi, tinh thần của quyển sách này nói về việc chủ động điều phối mối quan hệ, chủ động hành động để tạo dựng mối quan hệ bình vững trong gia đình và xã hội, chẳng phải là điều tốt sao? Cộng đồng này má đang tham gia là một nhóm những người cùng chung chí hướng, tham gia tự nguyện không vì mục đích lợi nhuận, thực tập cùng nhau để sống hướng thiện, cải thiện chính mình.

Mình nói:

– Vậy nguồn gốc của những nội dung này từ đâu, ai là người sáng lập cộng đồng? Ai là người viết ra chúng?

Má nói:

– Người viết là cô S. Nguyễn, cô này đã viết được mười mấy quyển sách rồi, cổ đã đi mấy chục nước rồi, và cổ là tiến sĩ, má nhớ vậy.

Mình tiếp:

– Okay, vậy cổ là tiến sĩ về ngành gì? Cổ tốt nghiệp ở đâu? Chuyên môn của cổ là về lĩnh vực gì? Kinh nghiệm của cổ ra sao? Điều gì cho thấy là cổ đáng tin cậy? (Chỗ này mình cũng hơi thách thức).

Tới đây thì má bắt đầu bực mình:

– Con nói cái gì vậy? Sao tự nhiên má với con đang nói chuyện cái con chuyển sang chất vấn má là sao? Má đọc một quyển sách, một nội dung gì đó thì chỉ cần vì má thấy nội dung đó hay, có ý nghĩa là đủ. Cần gì má phải tìm hiểu để biết người viết quyển sách đó tốt nghiệp trường gì.

Mình lại nói:

– Ý con không phải là hễ đọc thông tin gì thì cần phải biết người tác giả tốt nghiệp ở đâu, mà nó chỉ là một phần của việc đánh giá thông tin và xác minh nguồn gốc của thông tin đó. Con lo ngại với việc má tiếp xúc với những thông tin mà chưa tìm hiểu rõ ràng nguồn gốc, bởi vì bây giờ có rất nhiều người nói nghe rất hay, nhưng đôi khi họ có mục đích dẫn dụ lôi kéo thao túng hoặc ảnh hưởng quan điểm của mình.

Tới đây thì má mình nổi giận thực sự:

– Má sống chừng này tuổi rồi, con có thấy má bị ai lôi kéo thao túng chưa? Má là một cô giáo, con hãy nhớ chuyện đó. Những chia sẻ của người này có hàng trăm hàng nghìn người tham gia học theo, làm sao mà không đáng tin? Quyển sách này lại được xuất bản bởi NXB TN, là một nhà xuất bản lớn và có uy tín. Con nghĩ má ngu dốt khờ khạo lắm hay sao?

Mình nói lại:

– Con không hề nói má ngu dốt khờ khạo. Nhưng má sống mấy chục năm trời là trong thế giới thực. Còn thế giới mạng bây giờ thông tin nhiễu loạn rất là tinh vi, không biết đường nào mà lần. Và kinh nghiệm sử dụng internet của má thì còn mới, kỹ năng tìm hiểu thông tin của má cần được cải thiện. Con làm trong ngành xuất bản sao con biết mà. Bây giờ việc in ấn cũng dễ dàng hơn trước nên không phải sách nào cũng là tri thức đáng giá. NXB TN tuy lớn nhưng cái tên đó không bảo chứng cho nội dung quyển sách. Thực tế là nhiều NXB bây giờ chỉ kinh doanh giấy phép xuất bản, chứ không có biên tập đánh giá nội dung sách hay kiểm chứng độ xác thực của tác giả. Còn chính vì má nói là hàng trăm hàng ngàn người theo cô ta nên con mới thấy đáng lo. Bởi vì độ nổi tiếng của thông tin hay con người chỉ chứng minh là họ có kỹ năng dẫn dắt hấp dẫn người khác, chứ chưa chứng minh được mức độ xác thực hay độ tin cậy.

Má lại nói: – Cảm ơn con đã lo lắng cho má. Nhưng con không cần phải lo lắng quan ngại gì cho ba má cả. Má đã từng tuổi này, biết rõ cái gì đúng sai phải trái để tự mình nhận định.

Tới đây thì mình trở nên mệt mỏi. Mình đành quyết định: “Thôi, để con kể cho má nghe vì sao phải tìm hiểu đánh giá thông tin trước khi quyết định tin theo hoặc tham gia cộng đồng đội nhóm gì đó”.

Thế là mình kể cho má chuyện của mình trước lúc giáng sinh. Giáng sinh năm đầu tiên ở Mỹ của mình rất buồn. Giáng sinh và năm mới là đợt nghỉ đông ở trường, dài hơn một tháng. Thường dịp này các bạn ở đây hay về nhà, quây quần bên gia đình và những người thân thiết. Nên những người nào một thân một mình không có gia đình hay người yêu như mình sẽ dễ cảm thấy cô đơn. Trúng mấy tuần trước giáng sinh, nhà mình bên này các bạn bị nhiễm Covid, nên ai cũng cô lập tự cách ly trong phòng, không còn sinh hoạt chung với nhau nữa. Nhiều ngày trời liền mình sống một mình trong căn phòng 9m2, không đi ra ngoài vì sợ lây Covid, cũng không hề nói chuyện hay tiếp xúc trực tiếp với ai. Mùa đông buồn và lạnh, tâm trạng mình bị xuống dốc, nên đến trước tuần giáng sinh, mình thấy buồn và cô độc cực kỳ. Nhưng mình không dám nói với gia đình, vì sợ người thân lo lắng. Nên mình quyết định tìm kiếm các hoạt động cộng đồng ở địa phương để tham gia. 

Tình cờ, mình tìm thấy có những sự kiện qua Zoom của những cộng đồng ở ngay thành phố mình luôn, từ Giao tiếp Thấu Cảm (Non-violent Communication) tới các buổi thiền tâm từ (Loving-kindness Meditation), toàn những hoạt động mà mình rất thích tham gia từ hồi còn ở Việt Nam. Thế là mình vào đăng ký tham gia luôn. Những buổi đầu tiên, mình cảm thấy cứ như được quay lại không gian quen thuộc của mình, được tìm lại những cộng đồng mà mình từng gắn bó. Cảm giác rất xúc động và gắn bó. Những người hướng dẫn và tham gia các hoạt động đó cũng rất nhẹ nhàng, nói chuyện tinh tế, cẩn thận và quan tâm. Mình cảm nhận được sự tử tế, nhiệt thành và tận tâm của họ. Nên mình thấy rất mừng vì vô tình tìm được cộng đồng như thế. 

Tham gia các hoạt động đó đâu chừng vài ba buổi, thì mình nghe những người ở đó nói về một buổi retreat sắp tới. Mình cũng thường tham gia những khoá retreat ở Việt Nam hay Myanmar trước đây, chủ yếu để dành thời gian tĩnh tâm, kết nối lại với bên trong, và nạp lại năng lượng cho bản thân. Nên mình email cho người điều phối các hoạt động cộng đồng đó để hỏi về retreat. Chị ấy gửi một email rất chi tiết và tận tình về nội dung retreat, phương pháp tổ chức, và cách thức tham gia. Mình xem thông tin, rồi vào website của nơi tổ chức xem thêm thông tin trong đó. Sau đó vì tò mò, mình bắt đầu lục tìm xem những người sẽ hướng dẫn khoá retreat là ai. Rồi mình lại tìm thêm xem ai là người đứng đầu hay sáng lập ra tổ chức đó. Khi tìm tới đó, mình mới phát hiện ra người đứng đầu là một vị có danh xưng là Rinpoche gì gì đó (một danh xưng rất cao quý trong hệ thống Phật giáo Tây Tạng, theo mình biết là thường dành cho các vị tu sĩ như Lạt Ma, có uy tín hoặc có tên tuổi). Mình mới tự nhủ: ồ, trời ơi, ở Wisconsin này mà cũng có một vị Rinpoche luôn sao, mà lại là một người phụ nữ phương Tây, giờ mình mới biết. Bà có là khá nổi tiếng trong cộng đồng ở đây, thấy có báo đưa tin được một số trường đại học mời thuyết giảng nữa.

Xong cũng vì tò mò, mình lại tiếp tục tìm hiểu xem người Rinpoche này là ai. Ban đầu thông tin đưa ra chỉ toàn truyền thuyết về tên của vị Rinpoche này, toàn thông tin tại Tây Tạng. Sau đó mình lật tới lật lui tìm thêm nhiều trang khác, mới phát hiện là hoá ra người tự gọi là Rinpoche sáng lập cộng đồng thiền này tại Wisconsin là học trò của thiền sư Tomo Rinpoche rất nổi tiếng (người, theo mình hiểu, có thể đúng có thể sai, là hoá thân của thiền sư Tomo Rinpoche, từng được đề cập trong sách Hành trình về phương đông). Khi ông qua đời năm 2001, bà thông báo cho mọi người rằng thiền sư đã làm một phép thuật đặc biệt để chuyển giao toàn bộ tâm trí, tuệ giác và năng lượng tâm linh của mình cho bà. Và từ đó bà bắt đầu “hành nghề” với tên của thiền sư luôn. Nghe rất là “nhiệm màu”. Rồi mình mới biết thêm là vị “Rinpoche nữ” này còn từng nhiều lần đi sang Tây Tạng, gửi thư đòi diện kiến Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, và yêu cầu ông chứng danh rằng bà là “tái sinh” chính thức của thiền sư Tomo Rinpoche. Yêu cầu của bà bị từ chối, Đạt Lai Lạt Ma chưa bao giờ đồng ý gặp bà. 

Bên cạnh đó, một tổ chức trong truyền thống Mật Tông Tây Tạng đã được các Rinpoche khác thành lập để tìm kiếm hoá thân của Tomo Rinpoche. Và tổ chức này đã xác nhận một cậu bé khác người Tây Tạng là hoá thân chính thức của vị thiền sư, trong khi bản thân Đạt Lai Lạt Ma lại công nhận một cậu bé khác!!! Câu chuyện thật là rắm rối. Nhưng nhờ tìm kiếm thật nhiều thông tin lật qua lật lại, mà mình thấy thêm được cả những trang web được đồ đệ cũ của vị “Rinpoche nữ” này lập ra, với mục đích là “thông báo cho công chúng về bộ mặt thật” của người này, với đầy đủ lai lịch, các tên gọi trước đây, các loại thư từ, hoạt động chiêu mộ đệ tử, các vấn đề trong việc sử dụng tiền quyên góp cho trung tâm thiền của bà này. Một trang web khác mà mình xem qua cũng có ghi tên của bà này và tên thiền viện bà điều hành ở Wisconsin, trong danh sách những “giáo phái” gây tranh cãi không được truyền thống Phật giáo công nhận. 

Nói tóm lại là mình ngồi mất một buổi sáng để lục tung internet, rốt cuộc có vẻ đã tìm ra được chân tướng của vị “Rinpoche nữ” tại Wisconsin kia. Sau khi đọc một mớ thông tin đến nỗi loạn óc thì đã rút ra được kết luận là có vẻ vị này là giả danh, và mình chỉ biết thở phào vì may mà chưa đóng 350 đô tiền tham gia retreat, suýt chút nữa thì rơi vào thêm một cái “cult” khác. Nói thêm là trong hành trình tìm hiểu về yoga, thiền, tâm linh, mình đã có lần bị dụ hoặc chứng kiến những cái “cult” – giáo phái, tà giáo với nhiều hình thức khác nhau. Có lần tham gia đóng góp vào các đội nhóm cộng đồng cả năm trời, để rồi phát hiện ra những người đứng đầu hoặc đằng sau những thứ trông có vẻ tốt đẹp như tình yêu thương, lòng trắc ẩn, hoà bình và thiện nguyện lại là các bậc thầy về thao túng tâm lý nhằm mục đích vụ lợi cá nhân. 

Quay trở lại chuyện với má mình. Sau khi mình kể cho má nghe, má bảo là má hiểu vấn đề mình lo lắng. Má cũng biết rằng có nhiều người giả danh lấy vẻ ngoài tốt đẹp để lừa đảo trục lợi. Rồi má cười hì hì bảo mình là má biết cách tự bảo vệ mình, sẽ không nộp tiền hay tin ai quá đâu, mình không phải lo. Mình nói là dù sao thì để tìm hiểu kiểm chứng thông tin thì má chỉ cần google một số từ khoá xem nó ra thông tin gì. Nói xong rồi hai má con cúp máy, để má đi ngủ. 

(Còn nữa)

Leave a Reply