Nộp đơn tiến sĩ ở Mỹ

Bạn bè hỏi dạo này sao không thấy viết lách gì. Thực tình là vì dạo này mình làm biếng viết, phần khác là do lo nộp đơn tiến sĩ ở Mỹ. Giờ mới nộp xong, ngẫm lại cả hành trình nộp đơn mấy tháng vừa rồi thấy có khá nhiều thiếu sót, nên sẽ ghi lại ở đây để rút kinh nghiệm. Nhân tiện để bạn nào có ý định nộp đơn đi học ở Mỹ có thêm thông tin và chuẩn bị tốt hơn mình.

Có thể nói vài tháng gần đây kể từ lúc về Việt Nam đối với mình dồn dập khá nhiều chuyện. Tháng sáu về thì trải qua một khoảng thời gian vật vã để tái hoà nhập lại với cuộc sống ở Việt Nam, người lúc nào cũng thấy lơ lơ lửng lửng cứ như đang sống trong các chiều không gian khác nhau. Rồi đụng trúng các vấn đề cốt lõi trong gia đình phải giải quyết, sụt mất 3kg liền vì lo nghĩ. Rồi bị bệnh trong chuyến đi Ladakh Ấn Độ, cộng với một số việc xảy ra khiến nó trở thành chuyến đi khó khăn nhất từ trước tới giờ của mình. Sau đó thì S từ Mỹ sang chơi, dẫn nó đi chơi giới thiệu văn hoá Việt Nam mất hai tuần. Khi S vừa về thì anh N cũng lại từ Mỹ sang thăm tiếp, lại dẫn anh đi một vòng Việt Nam mất hai tuần nữa. Xong ảnh về thì mình gấp rút nhào vào nộp đơn. Xong Nh kêu ra Hội An ở trông mèo giúp Nh. Tưởng ra yên ả có thời gian viết đơn ai ngờ mèo của Nh bị tủ ngã đè chết trong lúc mình không ở nhà chỉ 20 phút, làm mình dằn vặt quá trời vì nó là một con mèo siêu dễ thương. Rồi lại gặp trục trặc trong chuyện tình cảm tinh thần tả tơi mất ngủ suốt một thời gian. Cả một quãng thời gian sóng gió làm mình nghĩ trời ơi sao có nhiều thứ cứ đổ vào đầu khiến mình không tài nào tập trung mà nộp đơn được. 

Mà quá trình viết và nộp đơn tiến sĩ bản thân nó đã tốn rất nhiều năng lượng. Mình không dám than nhiều vì biết không chỉ mình mình trải qua quãng thời gian này, nhưng thực sự là nó rất căng thẳng. Có những ngày mình ngồi đọc nghiên cứu của các giáo sư muốn đờ đẫn, đọc không vô gì cả, nhưng vẫn phải làm. Ở một mình nên cứ lủi thủi sáng dậy tập thể dục ăn sáng rồi đọc nghiên cứu, xong trưa nấu cơm ăn trưa nghỉ ngơi một lát lại đọc nghiên cứu, xong rồi chiều tối lại đọc tiếp. Đọc xong rồi nhặt ý cần thiết ra để viết. Có những lúc bế tắc chẳng biết viết gì. Rồi căng thẳng nhất là những lúc liên hệ giáo sư mà không được như ý. Thầy ấy không trả lời, có nên liên hệ người khác không? Hay là cứ quyết định nộp đơn xem thế nào. Rồi mình email cho giáo sư cũ nhờ viết thư giới thiệu, nhưng thầy cô chưa trả lời. Thế là lại lo lắng hồi hộp liệu mình gửi email có trễ quá không? Đáng lẽ ra mình phải thông báo sớm hơn mới phải. Mình có làm gì làm phật ý giáo sư không nhỉ? Giáo sư có viết kịp deadline không? Lỡ không kịp thì sao? Phải tìm ai khác để nhờ viết thư giới thiệu cho mình đây. Nói chung là cả một quá trình mà ở mỗi thời điểm đều có những cái có thể gây hồi hộp lo lắng và mệt mỏi. 

Nhiều khi cứ nghĩ ủa tự nhiên mình lao đầu vào việc nộp đơn này để làm gì vậy. Bạn mình bảo chọn học tiến sĩ là sống và làm việc với những người vừa giỏi, vừa thông minh, lại kiên trì và nỗ lực hiếm có. Mình có nghĩ mình giỏi hay thông minh không? Hoàn toàn không. Từ nhỏ giờ mình chưa bao giờ cho rằng mình là người thông minh vượt bậc, mình kiểu là có óc phán đoán và suy nghĩ cẩn trọng thôi. Mình thấy mình được cái là cân bằng, lúc đi học thì học giỏi đều cả văn và toán, nhưng không quá xuất sắc môn nào. Mình không tự tin là mình thông minh, vậy nhào vào sống làm việc và cạnh tranh với những người xuất chúng để làm gì cơ chứ? Mài mông 5 năm nữa thì có đủ sức không, giờ mình là thành viên thường trực của câu lạc bộ vai cổ gáy luôn rồi. Và mình cũng có những lựa chọn khác trong cuộc sống chứ. Tầm tuổi này rồi, mình cũng muốn lấy chồng, sinh con, tạo dựng một gia đình cho riêng mình. Mà nếu đi học tiến sĩ, thì thời gian đâu cho những việc ấy. Và quan trọng hơn, như bạn mình nói, câu hỏi cần đặt ra là: có đáng hay không? Những gì phải đánh đổi để đi theo con đường này, có thực sự xứng đáng không?

Có bao nhiêu thứ cần suy nghĩ cứ lẩn quẩn trong đầu. Nên có những lúc mình mệt mỏi, nghĩ hay là bỏ hết đi. Tự dưng đâm đầu vào cái chuyện cực nhọc này làm gì. Cứ như cụ Nguyễn Du viết: “Ma đưa lối quỷ dẫn đường. Lại nhằm những chốn đoạn trường mà đi”. Bởi vậy hay là chẳng cần làm khó mình chi, cứ sống một cuộc đời thoải mái không cần cố quá để rồi lại sớm quá cố. Hay cứ thuê một căn nhà bên bờ biển, sáng sớm ngắm mặt trời mọc, chiều chiều kiếm hải sản ngon mà ăn, tối thì đọc sách thư giãn, rồi nghe theo lời người bạn mình nói mà viết truyện tình để kiếm sống.

Đấy, mình tự hỏi mình thế. Nhưng rồi mình nghĩ lại lý do tại sao mình bắt đầu. Ban đầu mình quyết định đi học thạc sĩ vì sau một thời gian làm tác giả sách mình cảm thấy mình bị chững lại. Kiến thức hay kỹ năng tự học của mình chỉ đạt được một mức độ nhất định mà thôi. Mình cần sự đào tạo bài bản và hỗ trợ chuyên môn kỹ lưỡng hơn. Bên cạnh đó, khi làm việc trên nhiều nền tảng số, mình quan sát thấy một số hiện tượng xã hội trên mạng, khiến mình có nhiều câu hỏi, điều gì đưa đến các hiện tượng đó, tại sao chúng xảy ra, tác động của chúng thế nào. Mình muốn đào sâu xuống bên dưới bề mặt các sự vật hiện tượng, và tìm hiểu bản chất, cơ chế vận động của chúng. Nhưng mình không có đủ kiến thức học thuật và kỹ năng nghiên cứu để tự mình tìm ra các câu trả lời. Thế nên mình đi học.

Khoảng thời gian ở UW-Madison của mình tuy nhiều vất vả cay đắng, từ khác biệt ngôn ngữ văn hoá tới bị bạn cùng nhà đối xử phân biệt và kỳ thị, nhưng việc học thường khiến mình thấy có nhiều động lực. Mình thấy mình nhiệt tình đào sâu vào các lý thuyết truyền thông, giao tiếp và hành vi, giúp giải thích các hiện tượng trước đây mình vẫn tự hỏi. Mình thích được thuộc về một cộng đồng học thuật, cùng nhau tranh biện thảo luận những chủ đề trong khoa học và đời sống xã hội mà mình ít có dịp được trò chuyện với ai. Mình thích việc suy ngẫm phản tư, ngẫm nghĩ và lật ngược lật xuôi một vấn đề, và tình cờ phát hiện ra những mặt khác của một vấn đề mà mình đã chưa suy nghĩ thấu đáo. Mình được truyền cảm hứng bởi sự tử tế và nhiệt tình của các giáo sư dạy mình, được truyền cảm hứng từ không khí trong khoa, mình cảm thấy muốn quay trở lại để được học tiếp, được làm tiếp những gì còn dang dở và tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi khác. 

Những lúc tìm kiếm thông tin về các trường để nộp, đọc hồ sơ các giáo sư, và đọc nghiên cứu của họ, dù có khi mệt bã cả người, nhưng vẫn có lúc mình thấy rất hưng phấn. Mình thích tìm hiểu xem các giáo sư đầu ngành đã được đào tạo từ đâu, hành trình của họ thế nào, và hướng nghiên cứu của họ đã đưa họ đến vị trí hiện tại ra sao. Một số nghiên cứu đọc thấy chán chết, nhưng cũng có những nghiên cứu đọc mà thấy rất được truyền động lực. Mình sẽ vừa đọc và vừa mường tượng xem họ làm nghiên cứu kiểu này thế nào, và tự thử hỏi mình, rằng liệu mình có làm được những nghiên cứu như thế không. Rồi mình thấy bên trong mình tự thì thầm, rằng ừ, nếu được đào tạo bài bản, được học những gì cần học, thì mình sẽ có thể làm được, và mình sẽ rất vui sướng nếu có thể làm được những nghiên cứu như vậy. 

Mình không biết sau này sẽ thế nào, mình không biết mình có đi được hết con đường này không. Mình chỉ biết mình thích học hỏi tri thức mới, và mong muốn được thử sức mình trong việc kiến tạo tri thức mới. Và mình đã thử qua nhiều thứ trên đời, để không có gì cảm thấy sợ bị bỏ lỡ cái gì khi bước vào con đường học thuật. Hành trình diệu vợi và nhiều gian khổ, lại trích thơ như cụ Nguyễn Du: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”. Nên mình không nghĩ nữa, mình cứ bước đi vậy thôi, mỗi ngày một bước ngắn, ăn mừng từng chặng đường, từng tiến trình. Cứ chầm chậm mà đi, sống từng ngày một vậy.

Có một số điều mà mình nghĩ mình sẽ làm khác đi nếu phải làm lại (nhưng hy vọng mình không phải nộp lại tiến sĩ vào năm sau, có điều, nếu phải nộp lại, thì lại nộp thôi, haha). Mình viết ra ở đây để lưu lại, nhân tiện bạn nào quan tâm đến việc nộp đơn cao học ở Mỹ có thể tham khảo.

1. Liên lạc giáo sư

Đây là điều mình băn khoăn hồi bắt đầu nộp đơn. Mình có hỏi một số bạn đang làm tiến sĩ, và được khuyên là không cần liên hệ với các giáo sư trước, vì có liên hệ cũng ít giáo sư trả lời, nên cứ nộp thôi. Mình thấy mình cũng không còn thời gian để liên hệ nữa, nên thôi. Sau đó khi đang nộp thì lại được khuyên ngược lại, là cần liên hệ trước, tìm hiểu trước giáo sư thế nào, xem có hợp không, và ít nhất để biết thầy/cô có nhận sinh viên hướng dẫn năm tới không. 

Bây giờ, sau khi đã trải qua quá trình này, thì cảm nhận của mình là: tuỳ ngành, tuỳ trường, và tuỳ giáo sư. Theo mình tìm hiểu, một số chương trình Ph.D. được thiết kế theo dạng tập sự như mentorship/apprenticeship model, giáo sư sẽ tuyển sinh viên vào làm trong lab, nên họ sẽ tìm sinh viên có kinh nghiệm hoặc kỹ năng đáp ứng nhu cầu của họ. Trong trường hợp này giáo sư quyết định phần chính việc sinh viên có được nhận vào hay không. Với mô hình này mình nghĩ chắc chắn nên liên hệ trước với giáo sư. Trong một số chương trình Ph.D. khác, thì sinh viên được nhận sẽ qua một hội đồng tuyển chọn, và giáo sư hướng dẫn sẽ được phân công sinh viên có nghiên cứu phù hợp sau khi họ nhận được vào chương trình. Do vậy, giáo sư có ít tiếng nói hơn. Và với mô hình này thì có thể không cần liên hệ trước với giáo sư. 

Bạn cũng có thể nhận được thông tin hướng dẫn về việc nên liên hệ giáo sư hay không dựa vào việc đọc thông tin chương trình Ph.D. ở trường mà bạn muốn nộp đơn, và thông tin trong hồ sơ giáo sư. Một số chương trình ghi rõ trên website của họ là họ khuyến khích sinh viên tự liên hệ với giáo sư có hướng nghiên cứu phù hợp trước khi nộp đơn, hoặc không. Trong hồ sơ online khi nộp, một số trường cũng có phần hỏi ứng viên là họ đã trò chuyện với giáo sư nào về việc nộp đơn vào trường này. Trường hợp này thì nếu có giáo sư mình đã liên hệ trước thì sẽ là một lợi thế. Bên cạnh đó, một số giáo sư cũng ghi rõ trong profile của họ là ứng viên Ph.D. không cần liên hệ trước với họ, mà chỉ cần nộp đơn để committee xét duyệt. Và với những giáo sư như vậy mà cứ cố liên hệ thì họ chỉ thấy phiền thôi.

Dĩ nhiên, có mối quan hệ với giáo sư trước khi nộp đơn là một điểm cộng lớn. Có điều cảm nhận cá nhân của mình là để thiết lập “mối quan hệ” bằng việc gửi email và mong giáo sư cho một cuộc hẹn để trò chuyện là việc cũng không dễ. Các giáo sư ngành mình chắc sẽ nhận được rất nhiều email kiểu vậy vào mỗi kỳ tuyển sinh, nên mình cũng thấy chuyện này rất nhọc công. Các mối quan hệ với giáo sư có thể được thiết lập bằng các sự kiện trong ngành, việc hợp tác trước trong các dự án nghiên cứu, vv, còn với một email giới thiệu thì mình thấy hơi phiêu. Nhưng có còn hơn không. 

Nếu bắt đầu lại, chắc mình sẽ vẫn thử liên hệ với giáo sư trước. Nhưng mình sẽ không đợi đến khi nộp đơn, vì thời điểm tháng 10 – 12 nộp đơn ở Mỹ cũng là giữa và cuối kỳ mùa thu, các giáo sư thường sẽ rất bận. Nên mình sẽ bắt đầu quá trình này thật sớm, từ tháng 4, tháng 5 là bắt đầu đọc nghiên cứu của giáo sư và liên hệ họ vào mùa hè, để có thời gian tìm hiểu và để giáo sư cũng dễ trả lời mình hơn. Mình đọc một số thông tin bảo thời điểm tốt nhất để liên hệ giáo sư hướng dẫn là từ tháng 5 – tháng 9. Còn sau đó thì quá trễ. Rất tiếc là tháng 5 mình vẫn đang lo tốt nghiệp thạc sĩ bên Mỹ, rồi khi đi về thì lặn ngụp trong một mớ bòng bong những chuyện xảy ra ở Việt Nam. Thôi sự đã lỡ thì chỉ còn biết cách cố hết sức mình.

À, nếu bạn băn khoăn với việc liên hệ giáo sư thì trang này từ UC Davis mình thấy có những thông tin hữu dụng: https://lucklab.ucdavis.edu/blog/2018/9/17/emailing-faculty 

2. Transcript

Đây là giấy tờ không thể thiếu trong bộ hồ sơ. Mình học đại học ở Việt Nam nên hồ sơ này rắc rối hơn mình tưởng. Trước đây lúc nộp đơn thạc sĩ mình nộp hồ sơ qua Fulbright nên không biết, rằng một số trường ở Mỹ yêu cầu gửi official transcript trong quá trình ứng tuyển. Với transcript từ trường ở Mỹ thì đơn giản, vào student center yêu cầu hệ thống gửi official transcript thẳng qua trường bên kia là xong, vì bên đó có hệ thống kết nối e-transcript qua Parchment hay Student Clearinghouse. Mà trường mình ở Việt Nam thì không có hệ thống đó. Mình hỏi thăm người này người kia mãi thì mới biết là phải lên trường đăng ký xin official transcript, sau đó khi có bảng điểm thì xin một cái phong bì có logo của trường, bỏ thêm cover page mà trường bên Mỹ yêu cầu nếu cần (có applicant’s code để biết đó là transcript của mình), nhờ trường đóng dấu mộc niêm phong phong bì, sau đó cầm phong bì đó đi gửi chuyển phát nhanh như DHL hoặc FedEx. Mà nghiệt là lúc nộp đơn mình lại không ở Sài Gòn để làm toàn bộ công việc đó. Nên phải nhờ em Th đi thay. 

Toàn bộ quá trình đó của mình tốn mất hơn 3 tuần. Mà sau khi nộp đơn vào trường ở Mỹ mình mà yêu cầu official transcript đó, họ mới gửi email thông báo là để không làm chậm quá trình tuyển đơn, tốt nhất nên nộp đơn 4 tuần trước ngày hết hạn, để sau đó còn gửi transcript rồi thư giới thiệu tới cho kịp. Mình nộp sát nút luôn, và transcript thì nộp trễ ba tuần huhu. Mà thôi kệ lỡ rồi.

Đó là chỉ mới official transcript thôi đó. Một số trường ở Mỹ còn yêu cầu sinh viên quốc tế nộp course-by-course evaluation qua một bên thứ ba, như World Education Services (WES) hay Educational Credential Evaluators (ECE). Cái evaluation đó để chuyển đổi thang đánh giá điểm từ hệ điểm của Việt Nam qua hệ bên Mỹ. Và để làm nó thì mình cần xin official transcript từ trường, rồi gửi chuyển phát nhanh qua đó, xong họ sẽ đánh giá và sau đó gửi đánh giá của họ qua trường ở Mỹ mình muốn nộp. Cả quy trình này tốn chắc cũng cả tháng từ lúc xin bảng điểm. Một trường mình định nộp là New York University yêu cầu cái này, mà ban đầu mình không để ý tới yêu cầu này, đến khi bắt đầu định viết statement cho NYU, xem lại bộ hồ sơ cần thiết thì mới phát hiện ra, lúc đó còn 3 tuần trước deadline, nên mình biết không kịp đành bỏ không nộp NYU luôn.

Nên một kinh nghiệm xương máu của mình là bắt đầu sớm, nếu được nên tìm hiểu và chốt các trường định nộp 3 tháng trước khi hết hạn, và đọc kỹ thông tin yêu cầu các loại chứng chỉ từ mỗi trường ít nhất trước 2 tháng. Nếu được làm lại, mình sẽ xin trước 4-5 official transcript trước ở Việt Nam vào mùa hè, rồi nếu trường nào cần thì mùa thu khi đi nộp đơn chỉ cần đem transcript lên trường xin đóng dấu niêm phong thôi. Như vậy sẽ dư dả thời gian không quá cập rập. Hai tháng trước khi hết hạn nộp đơn mình mới biết là 1 số trường, trong đó có NYU yêu cầu TOEFL/IELTS ngay cả khi sinh viên có bằng thạc sĩ ở Mỹ (họ chỉ chấp nhận bằng bachelor ở Mỹ để miễn chứng chỉ tiếng Anh). Thế là mình lại phải cuống cuồng đi thi lại IELTS 2 tuần trước hạn nộp đơn, vì chứng chỉ của mình lần trước của mình hết hạn rồi. Nói chung là một kỳ nộp hồ sơ rất cập rập và thiếu chuẩn bị, may mà cũng xong hết.

3. Thư giới thiệu.

Mình đọc được là nên hỏi xin thư giới thiệu trong khoảng 5 – 6 tuần trước deadline, nhất là thư giới thiệu từ thầy cô cũ thì họ cần thời gian để sắp xếp và viết. Mình nhờ 3 thầy cô ở UW Madison viết giới thiệu cho mình, và đã nhờ từ sớm, trong email có đề cập hết tất cả các trường mình muốn nộp và deadline để thầy cô chuẩn bị. Nhưng cái mình quên làm sớm là gửi link request thư giới thiệu từ mỗi trường cho các thầy cô.

Lúc nộp đơn mình cứ mải mê viết statement cho mỗi trường, rồi viết xong mới mở account để nộp đơn, và gửi thư giới thiệu song song với lúc mình nộp đơn luôn. Do vậy nên link yêu cầu thư giới thiệu từ mỗi trường nó cứ được gửi lắc rắc vào email của họ. Và có lúc mình nộp trễ nên mình gửi link từ trường chỉ 3 ngày trước ngày hết hạn, làm mình hồi hộp đợi họ gửi thư quá trời.

Nếu được làm lại mình sẽ mở toàn bộ tài khoản nộp đơn vào các trường 2 tháng trước khi hết hạn, sau đó điền trước thông tin cần thiết và gửi link request cho các thầy cô cùng một lúc luôn. Link request nên được gửi ra 2 tuần trước khi hết hạn để các thầy cô có thời gian nộp vào lúc họ thư thả, chứ đợi sát nút họ bận bịu gì thì hối họ mình cũng lo âu mà họ cũng thầy phiền. Mình sau khi mới gửi request thì mới thấy lại đáng lý ra ban đầu nên nghĩ cách sao để gửi các request từ trường sao cho tiện để giáo sư nộp thư giới thiệu cho mình. Và sau khi gửi toàn bộ các request đó đi thì mình sẽ từ từ thư thả làm xong statement để nộp trước hạn.

Nhưng cũng có những trường khá là nghiệt ngã, ví dụ như PennState. Bên đó không cho gửi request trước, mà hệ thống của nó sẽ gửi request ngay sau khi mình nộp đơn. Với những trường như vậy mình phải ưu tiên làm xong toàn bộ hồ sơ và nộp đơn khoảng 1 – 2 tuần trước deadline. Bởi vậy việc bắt đầu sớm và đăng ký hết tài khoản ở các trường mình muốn nộp càng quan trọng, để mình biết có những trường ngặt nghèo như vậy. Chứ đợi tới phút chót là tèo luôn.

Đó, nói chung bài học đau thương của mình là bắt đầu sớm, bắt đầu sớm, bắt đầu sớm. Mình bắt đầu viết đơn ngay tháng 9 và đã cố gắng hoàn thành mọi thứ càng sớm càng tốt nhưng rồi những vấn đề riêng tư trong cuộc sống rồi các rắc rối cảm xúc đè mình bầm dập luôn. Ngày trước, khi mới thử nộp học bổng đi các chương trình trao đổi mình thường bắt đầu trễ vì kiểu lo âu không biết cách viết nên đâm ra né tránh. Mà chính vì viết đơn trễ nên không kịp để gửi đi cho người khác sửa và sau đó lại dây dưa thêm ra, hồ sơ không đủ chất lượng để được chọn và kết quả không tốt. Lần này mình đã rút kinh nghiệm bắt đầu sớm và nghĩ là có lẽ ổn, nhưng rốt cuộc cũng cập rập. Cũng may là đã hoàn thành xong quá trình nộp đơn, và giờ nghỉ ngơi, sắp xếp các công việc khác và hồi hộp chờ đợi kết quả thôi.

2 Replies to “Nộp đơn tiến sĩ ở Mỹ”

  1. Tầm tháng 1 này sẽ có kết quả phải không bạn?
    Chờ tin bạn nhé, chúc bạn may mắn!

    1. Dạ cảm ơn bạn, một số trường bảo là cỡ tháng 2, 3 có kết quả. Một số trường thì không biết khi nào, nhưng chắc chậm nhất là tháng 4. Để vào được trường mình muốn mình nghĩ yếu tố may mắn là không thể thiếu :).

Leave a Reply