(Bài viết có nhiều chi tiết…tiêu cực, vốn không thể tránh khỏi trong quá trình mình đang trải qua :).
Mình vừa trở về Việt Nam một thời gian, ở Sài Gòn vài hôm làm giấy tờ và gặp vài người bạn, rồi về quê thăm ba má liền. Sau đó lại chui ngay vào một khoá thiền nghiêm mật 10 ngày, và mới vừa ra khỏi thiền viện xong.
Cảm giác tái hoà nhập thế nào nhỉ?
Trước đây khi mình tham gia buổi pre-orientation của chương trình học bổng và trong một cuộc trao đổi ngắn với advisor trước khi về, mình đã nghe về quá trình tái hoà nhập và sốc văn hoá ngược. Nhưng chỉ đến bây giờ khi mình đang trải nghiệm nó, thì mình mới nhận ra là cả quá trình này đã bị mình đánh giá thấp.
Lúc mới về lại Sài Gòn, buổi sáng đầu tiên đi bộ dạo quanh quận 1, mình chợt nhận ra là mình đã quên rằng thành phố này luôn ngập tràn đủ loại âm thanh và mùi vị. Đi bộ dọc các con đường chính của thành phố, mũi mình lập tức được kích thích bởi đủ thứ mùi khác nhau, mùi trái cây nhiệt đới bán trên vỉa hè, mùi thức ăn ấm áp tỏa ra từ một nhà hàng gần đó, mùi nước cống và rác thải, mùi hương nước hoa của một người qua đường nào đó còn vương lại trong không gian. Và âm thanh, đủ loại âm thanh từ sáng sớm đến tận khuya, mà trước đây vì đã quen mà mình hầu như không hề để ý. Madison chỗ mình ở hai năm đi học vừa rồi là một thành phố nhỏ, dân số chỉ bằng 1/20 so với Sài Gòn, khá đẹp và yên tĩnh. Nhiều khi yên tĩnh đến cô quạnh. Và không khí thì cực kỳ sạch sẽ, hoặc có thể gọi là đơn điệu, nếu bạn thích một nơi đậm đặc nhiều thể loại mùi vị. Mình gần như đã quen với cuộc sống tịch mịch bên đó, nên ngày đầu tiên về lại Sài Gòn, cảm giác có một chút choáng ngợp. Các loại âm thanh, mùi vị, màu sắc và hình ảnh đập vào mọi giác quan của mình. Cảm thấy vừa quen thuộc thân thương, lại có chút gì đó lạ lẫm. Lonely Planet trong phần giới thiệu về Việt Nam có dùng cụm từ: “sensory overload”, và mình cảm thấy đó quả là một từ khá đắt để tóm gọn về quê hương mình.
Về Sài Gòn mình liền kết nối lại với một nhóm nhỏ những người bạn thân thiết trong cộng đồng làm về sáng tạo mà mình rất gắn kết trước khi đi Mỹ. Cảm giác gặp lại bạn bè thấy mừng mừng tủi tủi. Mình đã rất vui khi được kết nối lại với cộng đồng của mình, gặp lại những người bạn mà mình thương mến và quan tâm, được trao cho nhau những cái ôm thật chặt, lại thêm những món chè, bánh, và trái cây mà mình từng thèm ứa nước miếng đến cả trong những giấc mơ. Nhưng sao trong mình mọi thứ vẫn thấy có cái gì đó ngăn trở. Hai năm không phải là dài, nhưng đã có quá nhiều chuyện xảy ra, và chúng mình không thể chia sẻ hết được với nhau. Mình thay đổi, người cũng thay đổi. Cảm giác thân thiết vẫn rất sâu đậm, nhưng chen vào đó là một chút nhưng rõ rệt của sự xa cách, của sự nghẹn lòng, của những tình cảm không thể diễn tả hết bằng lời sau bao nhiêu cách biệt của không gian và thời gian. Rõ ràng mình rất vui khi được quay về, nhưng sao vẫn có một nỗi buồn và cô đơn rõ rệt. Thế là hôm đầu tiên quay trở lại Sài Gòn, sau cả ngày gặp mặt bạn bè và những khoảnh khắc hạnh phúc khi được gặp lại bạn bè, ban đêm về lại phòng, tất cả những cảm xúc dội lên trong lồng ngực, sự choáng ngợp, sự vui mừng, sự xa lạ, sự cách biệt và cảm giác trống rỗng cô đơn. Và mình ngồi khóc một trận thật lâu, khóc tức tưởi như chưa bao giờ được khóc, dù suốt thời gian rời Việt Nam đi Mỹ mình chưa hề khóc vì nhớ nhà hay nhớ đồ ăn hay khó khăn trong việc học tập này khác.
Mình có nói chuyện về cảm xúc của mình với T, một người bạn cũng từng ở xa Việt Nam một thời gian. T kể lúc mới về Việt Nam T cũng bị vậy, cảm giác ngồi trong taxi nghe radio nói về ngày độc lập, xung quanh thì kẹt xe không có chỗ thở, và bạn nghe tiếng Việt mà thấy như là một thứ tiếng gì đó xa vời lạ lẫm lắm. T bị ngộp khi cố gắng hiểu những tràng tiếng Việt không ngớt và sự kích thích của mọi giác quan, trong khi chỉ đang cố gắng vật lộn để về nhà với mẹ và cái ngõ hẻm thân thương của mình. T kể có lúc bạn bị mất cảm giác về không gian và thời gian, và không biết mình bị gì, vì sao đang ở Việt Nam mà vẫn thấy xa lạ, và nghe mọi người nói chuyện thì lại cảm thấy cô đơn, dù nó là tiếng nước mình, và đây là quê hương của mình. Nhưng mà nói ra cảm giác cô đơn xa cách ngay giữa quê nhà thì sợ không ai hiểu, sợ bị chửi mất gốc, nên T bèn im ru. May mà mình trò chuyện với T, mới biết hoá ra cái cảm giác kỳ lạ này không chỉ có mình mới trải qua, và cảm thấy đỡ hơn.
Cuộc trò chuyện với T làm mình nhớ tới một thuật ngữ tên là Hiraeth, mà một người bạn khác là K nhắc đến với mình. Hiraeth là một từ bắt nguồn từ xứ Wales, có nghĩa là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương hay nỗi buồn day dứt hoài niệm một quá khứ đã mất, không thể quay về, không còn tồn tại hay thực ra chưa từng tồn tại. Nó có thể là cảm giác gần nhất với mình lúc này. Nó là cảm giác mong nhớ được quay về nhà, nhưng nơi mình gọi là nhà giờ không còn như trong ký ức nữa. Nhà cũng thay đổi trong khi mình không ở nhà. Và khi mình quay lại, cảm giác quen thuộc thân thương từng có ở nhà không còn nữa, khiến mình cảm thấy xa lạ. Trong lần trò chuyện với K về Hiraeth, tụi mình cũng nói về những người từng sống ở quá nhiều nơi, hoặc sống giữa nhiều nền văn hoá. Đôi khi họ cảm thấy họ không thuộc về nền văn hoá nào, không thuộc về nơi chốn nào, và mất đi cảm giác về một nơi chốn gọi là nhà.
Cảm giác lưng chừng không thuộc về nơi nào này cũng diễn tả điều mình đang trải qua. Thời gian sống ở Mỹ của mình không nhiều, nhưng trong thời gian đó nhân sinh quan và tính cách của mình đã có nhiều thay đổi lớn. Một trong những thay đổi đó là mình trở nên cực kỳ trân trọng nguồn gốc cội rễ của mình, trân trọng kết nối với cộng đồng và văn hoá của mình, trân trọng những điều làm nên cốt lõi con người mình, những thứ trước đây mình coi là hiển nhiên. Những cái người ở Việt Nam chưa chắc đã quý và giờ đang muốn đổi đi, thì mình lại kiếm tìm và muốn gìn giữ. Dù có nhiều cái hay mình học được trong thời gian ở Mỹ, nhưng có rất nhiều điểm về văn hoá và con người mà mình nghĩ mình không thể nào hoà nhập được dù có sống thêm nhiều năm ở đó. Tuy vậy, thời gian ở một đất nước khác cũng giúp mình phản tư nhiều điều về quê hương đất nước mình. Có nhiều điều trong văn hoá, quy chuẩn xã hội hoặc tâm lý đám đông ở Việt Nam trước đây mình thấy bình thường, nhưng bây giờ mình lại thấy khó chấp nhận, cảm thấy không thể nào và không hề muốn thích nghi ngược trở lại, vì nó trở nên đi ngược với lối sống hoặc nhân sinh quan hiện tại của mình. Có dịp mình sẽ viết thêm về những đề tài này.
Quay trở lại hành trình tái hoà nhập. Sau khi ở Sài Gòn vài ngày mình về nhà. Và chuyến xe khách đường dài về nhà có thể gọi là trải nghiệm đi xe đường dài tệ nhất trước giờ của mình. Mình đi xe ôm ra bến xe khách, đang trên đường đi thì trời mưa như trút nước, dù có áo mưa nhưng vẫn ướt tơi tả. Tới chỗ bến xe (một cái bến tạm bợ để đi xe về thẳng gần nhà mình ở một cái xã nhỏ ở Bình Định, thay vì đi bến xe miền Đông để về bến xe Quy Nhơn) thì nước ngập lênh láng khắp đường do cống rãnh bị nghẹt sau mưa. Mình xách vali và balo chạy qua chạy lại để tìm cái xe cần đi nên thành ướt như chuột lột. Rồi hoá ra xe chưa tới, nên đứng tạm bên lề đường chờ xe thêm gần cả tiếng đồng hồ nữa mới được lên xe. Lên xe xong mình nghĩ phải thay quần áo chứ sợ mặc quần áo lạnh cả đêm thì bệnh, mà xe này không có toilet trong xe nên phải trùm mền lại thay. Má ơi, cảm giác phải ngồi thay đồ sao cho mấy người phía sau không thấy khiến mình vừa lóng cóng vừa ngại ngùng. Xong rồi cả đêm mình nằm ê người, không thể nào ngủ được giữa tiếng nhạc vàng nhà xe mở, cộng tiếng nhạc vũ trường từ điện thoại của một số hành khách khác. Cộng thêm con đường nhiều ổ gà khiến xe dồng xóc như nhảy lam ba đa suốt cả chặng đường 12 tiếng đồng hồ. Mình tự nghĩ sao mà nể những người đồng bào của mình vẫn ngủ pho pho trong điều kiện như vầy. Chưa hết, đang đêm, xe dừng lại ngay giữa đường lộ, nhà xe hô hào hành khách: “Xuống đi tiểu bà con ơi”, và mọi người lục đục xuống xe đi tiểu, ngay giữa những bụi cỏ ven đường! Má ơi, mình quên khuấy là cái kiểu xe này vốn không dừng ở trạm xăng hay trạm nghỉ chân mà hay để khách đi vệ sinh giữa đường vầy chứ. Mình tự nghĩ ba bốn đứa bạn Mỹ đòi về quê mình chơi để tìm hiểu văn hoá Việt Nam, mà chứng kiến cảnh đó không biết tụi nó nghĩ sao. Không hiểu sao ngày xưa mình chịu được hay quá thể. Trải nghiệm đi chuyến xe khách đó quả thật là hơi nhiều cho quá trình tái hoà nhập của mình.
Về tới nhà, điều đầu tiên mình nhận thấy là má có vẻ thấp hơn mình một cách đáng kể so với ngày xưa. Má cũng để ý ngay ra như vậy. Hai mẹ con lấy thước ra đo, thì thấy hoá ra sau hai năm, má lùn đi một chút, còn mình lại cao hơn một chút. Đợt về lần này thấy nhà dơ hơn bình thường, bụi từ cây xoài bên hiên khiến nhà mình có khá nhiều bụi bẩn so với những ngôi nhà khác nếu không được lau quét thường xuyên. Dạo qua vườn nhà một vòng, thấy trong vườn cũng xanh, nhưng đa phần là màu xanh cỏ dại, thay vì xanh um tươi non của rau muống, rau lang, tía tô, bạc hà, dắp cá mà má hay trồng ngày trước. Mình chợt chạnh lòng nhận ra rằng má bây giờ không còn khoẻ như trước đây nữa, không còn đủ sức để vun vén mọi thứ từ trong nhà, ngoài vườn, công việc má làm ở huyện, đến đủ thứ lễ nghĩa giỗ hỏi ma chay họ hàng đủ thứ. Má già và yếu hơn ngày trước. Có một nỗi buồn khó tả khi nhìn thấy người thân mình già đi. Ba thì vẫn như xưa. Ai đọc sách Tự học chắc đã biết về vấn đề domestic abuse mà mình phải trải qua. Nó là một vấn đề dai dẳng từ suốt tuổi thơ cho đến hiện tại. Trong phần lớn quãng đời trưởng thành mình hầu như đã từ bỏ việc tìm cách giải quyết vấn đề sau nhiều lần cố gắng, và lựa chọn tự tách rời mình khỏi môi trường độc hại để tự chữa lành và tập trung vào cuộc sống của bản thân. Đó cũng là cách mà nhiều nạn nhân bạo hành lựa chọn và được các khuyên làm. Hiện tại, mình thấy bản thân đang ở trong một giai đoạn khác của hành trình chữa lành, tìm hiểu sâu hơn về intergenerational trauma và tìm kiếm nhiều cách thức khác nhau để kết thúc cái “cycle of abuse” này. Nhưng sau một thời gian dài, quay trở lại chứng kiến tất cả thì vẫn thấy đau lòng.
Thăm ba má vài ngày, mình lại khăn gói lên Đà Lạt tham gia khoá thiền vipassana đã đăng ký từ trước. Và suốt mấy ngày đầu, mình lại cảm thấy không quen trước cảnh các thiền sinh khác chen lấn, va quệt khi xếp hàng lấy thức ăn hay nước uống. Ở Mỹ thì mọi người có personal space lớn. Ví dụ những đường hiking ở Mỹ tuy có chỗ khá rộng, có thể đi được 2, thậm chí là 3 người, nhưng thường thấy người đi ngược lại hoặc có ai phía sau muốn tiến lên trước thì người ta hay dừng lại nhường đường để họ quay thì vì cứ tiếp tục đi tới. Ví dụ hôm trước khi về VN mình đi hiking ở Zion national park. Trong lúc đi xuống núi, mình thấy hai bác kia đang đi lên, mà mình lỡ trớn xuống dốc với lại thấy đường mòn cũng rộng dư chỗ cho hai người đi qua nên nói “excuse me” rồi bước tiếp. Thế là khi mình đi ngang qua một bác chỉnh gáy mình ngay là người đi từ dưới lên được quyền ưu tiên nhường đường chứ mình không được đi như vậy. Ở Việt Nam thì khỏi nói. Ngay cả trong khoá thiền, mình đang xếp hàng phía trước mà người phía sau cứ lấn lên liên tục thúc vào người mình một cách vô ý. Rồi những thiền sinh ngồi cạnh mặc áo khoác hay khăn choàng dài, mỗi lần họ khoác đồ lên là làm như vũ điệu con công, khăn áo cứ quất hết vào mặt và vai mình. Mình vì chưa quen nên mỗi lần có ai hay cái gì tự dưng va quệt vào là lại giật bắn cả người lên. Thế là tự dưng thấy mình nổi sân vì mấy chuyện không đâu. Cũng hay một cái là đến gần cuối khoá thiền thì mình bỗng dưng quen lại, không còn giật mình vì bị người khác vô ý va quệt nữa. Ngày cuối khoá, mình có dịp trò chuyện thêm với chị bạn cùng phòng và những thiền sinh khác, tự nhiên cả thấy trân trọng và biết ơn vì ở Việt Nam mình có nhiều những cộng đồng như thế này, có cơ duyên kết nối với nhiều người chung chí hướng, có được nhiều cơ hội tu tập. Còn lúc ở Mỹ, có thể vì Covid, hoặc vì thành phố mình ở không có nhiều hoạt động liên quan, nên mình cảm thấy thiếu cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng để cùng hành thiền và tu tập chung với nhau.
Sau khoá thiền mình ghé thăm Tr. Muse House ngày xưa của Tr không còn và Tr thì mới mở quán cà phê tên Chú Được (tên ba Tr) ngay tại nhà. Và trời ơi, cảm giác mình được nuông chiều trong tình cảm bạn bè. Trúc dẫn mình đi chơi rừng, ăn cháo vịt, ăn bánh tráng nướng, cho ăn ya-ua nhà làm, ăn cơm với cá má Tr kho ngon tuột quần (chữ bà nội mình hay xài), rồi nào bơ, nào chuối, nào chanh dây đủ thể loại trái cây mình thích. Mình cũng gặp em Py bạn Tr mà lần trước có gặp thoáng qua, và nhân duyên trùng hợp sao mà lần này hai chị em nói chuyện tâm sự với nhau thật nhiều về chuyện gia đình và mối quan hệ cha mẹ – con cái. Tr với Py cũng dẫn mình đi lòng vòng chơi quanh Đà Lạt, Py tặng mình một hộp nước hoa khô, rồi tình cờ ghé qua tiệm của chị Th, mới biết chị có quen nhiều người bạn của mình, xong chị lại tặng thêm mình một đôi bông tai hình chiếc lá mà mình rất thích. Cảm thấy mình được bạn bè thương. Mình nhận ra là mình đã nhớ xiết bao cái cảm giác thân tình với những người bạn như thế này, nhớ cái cảm giác kết nối với cộng đồng những người làm các công việc liên quan đến sáng tạo, đến việc tạo ra giá trị. Nhớ cảm giác trò chuyện với ai đó mình mới gặp mà ngỡ cứ như đã thân quen từ lâu. Nhớ việc nhắc tới người này người kia và nhận ra là ồ hoá ra trái đất tròn và vòng vòng chúng ta đều quen nhau cả.
Lạ lùng một cái là ngày gần cuối ở Đà Lạt, buổi sáng mình vừa làm morning routine xong thì nhận được tin nhắn của Lu: “Chị ơi em đang ở tiệm Chú Được nè”. Mình mừng quýnh luôn. Lu là người đã giúp mình rất nhiều trong quá trình mình thi IELTS, nộp đơn Fulbright, breakup vật vã với ex vài năm trước, và còn cùng nhau thực hành IFS therapy nữa. Lu lâu nay ở Đà Nẵng, và Lu cũng đâu biết mình ở Đà Lạt và mình cũng đâu biết Lu lên Đà Lạt. Trời đất xui khiến thế nào Lu ghé Chú Được ngay trước khi ra sân bay và nghe Tr nói mình đang ở ngay gần đó. Mà cũng kỳ lạ là lần trước mình gặp Lu ở Đà Lạt mấy năm trước đây là cũng ở Muse House của Tr, cũng tình cờ hai chị em lên chơi đúng dịp luôn. Quả thật là nhân duyên kỳ lạ, hai chị em cứ không hẹn mà gặp ở ngay chỗ của Tr. Thế là mình chạy qua nói chuyện với Lu, cuộc trò chuyện tuôn như suối chảy. Lu kể cho mình cảm nhận của Lu về quyển Tự học, về việc Lu cảm thấy kết nối và trân trọng phần cuối của quyển sách như thế nào. Và mình xúc động muốn chảy nước mắt vì sự thấu hiểu, chân thành, và những phản hồi tích cực về sách từ Lu. Quyển Tự học không được quá nhiều độc giả yêu mến, mình hiểu vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Nhưng mình tự nghĩ chỉ cần những độc giả như Lu đồng cảm và trân trọng nó, với mình như vậy là đã quá đủ đầy.
Gặp Lu xong, mình ngồi làm BuJo. Và lần đầu tiên trong suốt nhiều ngày về lại Việt Nam, mình thấy vững vàng an định như thế. Mình thấy biết ơn vì được ở trong vòng tay của bạn bè, cái cảm giác quan tâm và yêu thương lẫn nhau và được là một phần của cộng đồng, thứ mà mình nhớ quay quắt khi còn ở Mỹ. Mình biết ơn vì được gặp cả bạn cũ lẫn bạn mới ở Đà Lạt. Ngày xưa mỗi lần lên Muse mình thường gặp biết bao là bạn, giờ lần này lên tự nhiên cũng thế. Thấy tinh thần của Muse vẫn còn. Thấy dù mình đổi thay, dù người đổi thay, dù môi trường và cảnh vật xung quanh không còn như cũ, nhưng có những thứ quan trọng vẫn còn ở lại, và như vậy là đủ. Mình thấy biết ơn với những duyên lành được gặp trong đời, biết ơn vì đã trở về với đất mẹ, được kết nối với con người, cộng đồng, và vùng đất quanh mình, với những điều làm nên con người mình. Và mình lại cảm thấy an lành và hạnh phúc.
Mình biết quá trình tái hoà nhập này sẽ còn tiếp diễn, mình sẽ tiếp tục cảm thấy lúc thì kết nối đủ đầy, lúc thì lạc lõng xa lạ, cứ lên lên xuống xuống cho đến khi mình thực sự hoà nhập vào nếp sống ở Việt Nam. Mình biết cảm giác Hiraeth có thể sẽ không mất đi, và mình sẽ tiếp tục tìm kiếm hoặc nhớ tiếc cái cảm thức về một “nhà” hay “quê nhà” ngày trước. Mình biết mình có thể sẽ tiếp tục sống lưng chừng giữa các nền văn hoá, tôn trọng và trân quý những điểm nhất định khi mình ở quê mình hoặc quê người, nhưng không thể hoàn toàn cảm thấy hoà tan hay thuộc về một nền văn hoá cố định nào. Có thể rồi mình sẽ thành, như cô dạy nhân học của mình từng nói, một “in-betweener”, một người thay vì một insider hay outsider thì sẽ ở giữa các ranh giới, với một chân bên trong và một chân kia bên ngoài cộng đồng, để vừa thấu hiểu cộng đồng, vừa có khoảng cách nhất định để nhìn rõ hơn về cộng đồng nơi mình sinh sống.
Chào chị Rosie. Rất vui vì chị đã quay trở lại, về việc kết nối lại với ba thì em recommend chị cuốn “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của bác Giang, đó là cuốn đã giúp em nhiều trong quá trình kết nối lại với gia đình mình và chữa lành cho bản thân.
Đôi khi có những tổn thương mà mình coi nhẹ nhưng em biết nếu mình không chữa lành sớm, một lùa nào đó cơn khủng hoảng hoặc bất ổn tâm lý sẽ đến ghé thăm mình và em thực lòng sợ điều đó.
Chào em. Cảm ơn em đã đọc và quan tâm chia sẻ với chị. Chị không coi nhẹ childhood trauma đâu. Chị đã tự thực hành chữa lành, và cũng thực hiện các biện pháp điều trị tâm lý nhiều năm nay, nên mới có ý định hàn gắn lại tổn thương gia đình. Chứ nếu chưa quay về bên trong để trò chuyện và tự chữa lành phần nào, và nếu không day dứt về vấn đề này thì chị đã không có ý định kết nối rồi hehe.
Về quyển Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, chị có scan qua quyển đó nhưng chưa đọc kỹ. Một số người bạn chị đã đọc kỹ quyển này, dù rất thích nó nhưng review với chị là sách chủ yếu nói về các câu chuyện, đưa ra vấn đề và nguyên nhân, chứ không chú trọng về giải pháp như cách tự chữa lành hay cách giải quyết. Với chị cảm thấy quyển này không quá liên quan tới vấn đề chị đang cần giải quyết, là làm cách nào để chấm dứt “the cycle of abuse”. Em thì thấy sao? Chị đang tập trung về các giải pháp cụ thể để giải quyết vấn nạn domestic abuse, nên đang ưu tiên đọc các sách hoặc tài liệu chuyên môn về chữa lành tổn thương tâm lý của các chuyên gia về trị liệu. Nếu em có cách nhìn khác về quyển này thì chia sẻ giúp chị để chị tham khảo nhé. Cảm ơn em.
Sống ở HN gần chục năm. Đến tớ khi về gần nhà làm, chỗ đó là vùng nông thôn vắng vẻ, gần con sông lớn, không khí trong lành, sáo diều hầu như quanh năm. Lúc đầu rảnh hay nhớ HN, bạn bè. Nhưng công việc cuốn đi, và tớ quen dần với không gian sống kia. Hơn 1 năm sau quay lại HN đã thấy lạc lõng, ngộp thở, bạn bè cũng bắt đầu mất dần kết nối.
Cứ như thế đến 5 năm sau tớ quay lại HN làm mấy tháng, suốt thời gian đó không thể quen lại nổi, ngột ngạt, ồn ào, mùi …, niềm an ủi duy nhất hình như mỗi tối t6, 7, cn đi bộ lên bờ Hồ nghe chèo, xẩm, đàn, sáo ở đề thờ vua Lê (dù trước đó tớ khó nghe được nhạc này, mà sau này nghĩ do mình lạc lõng quá nên vậy).
May sau đó tớ đi nơi khác hơn năm. Quay lại HN vào đúng thời gian dịch, HN vắng hơn, sạch hơn, những bận tâm dịch bệnh nên không đến nỗi ngộp quá. Và thời gian đó tớ hay thăm lại những chốn thân quen, dừng ở đâu đó cả tiếng chỉ để nhìn người. Rồi tớ cũng không ngán HN nữa, quen dần.
Chúc Rosie sớm kết nối lại được với Việt Nam và gia đình, tình cảm với quê hương ngày một nhiều hơn như niềm mong mỏi nhé!
Dạ mình cảm ơn bạn ạ :).
Dạ em cũng đồng ý với chị là cuốn sách của bác Giang chủ yếu nói về nguyên nhân và biểu hiện chứ không đi sâu vào các phương pháp trị liệu và chữa lành.
Em thì có góc nhìn như này: Việc nhận ra mình đang ở trong the cycle of abuse đã là bước đầu tiên trong việc dừng lại nó rồi chị ạ, mình biết mình đang ở trong một môi trường độc hại nên mình khước từ nó để bảo vệ bản thân.
Và trong các câu chuyện của cuốn sách đó, đâu đó người đọc có thể tìm được cách chữa lành cho chính mình, có một nhân vật mà có tình trạng rất giống em, nhờ câu chuyện của họ mà em đã tìm thấy lối ra chị ạ.
Cuối cùng là đôi khi chỉ cần biết tại sao mình bị như vậy là đã giải thoát được cho bản thân rồi ạ. Như những vấn đề tâm lý vừa rồi em đi qua thì em mất hơn 1 năm chỉ để hỏi bản thân câu hỏi “Tại sao mình lại như vậy nhỉ ?” và lục tung quá khứ để tìm câu trả lời. May sao trời thương nên em tìm được lối ra cho bản thân, khi chạm được vào nguyên nhân của vấn đề, mọi thứ tự động buông bỏ, em thở được và thấy nhẹ nhõm rất rất nhiều.
Nếu có cơ hội em sẽ chia sẻ chi tiết hơn cho chị Rosie nhé ạ !
Chúc chị một buổi tối bình an ?