Nhà mình đang ở tại Wisconsin này là một ngôi nhà cộng đồng gồm các bạn người Mỹ có truyền thống Do Thái. Phần lớn các bạn trong nhà đều ăn chay, dù không phải người theo Do Thái giáo nào cũng ăn chay. Các bạn trong nhà mình ăn chay vì nhiều lý do, nâng cao sức khoẻ, bảo vệ môi trường, phản đối cách đối xử của ngành công nghiệp chăn nuôi tại Mỹ đối với động vật…. Cách để vô ở nhà này cũng hơi lạ chút. Vòng đầu sẽ là nộp đơn đăng ký thành viên, nêu rõ lý do muốn ở đó. Sau đó xếp lịch ghé tới nhà, ăn chung với mọi người trong nhà 3 bữa tối để làm quen và hỏi chuyện nhau. Nếu cả nhà cùng vote đồng ý thì sẽ dọn vào ở. Hồi mình đăng ký vô thì do Covid nên là thay chuyện ăn tối bằng phỏng vấn online.
Nhà này giống như một cộng đồng thu nhỏ. Tụi mình góp tiền vô quỹ chung cho việc ăn uống sinh hoạt mỗi tháng, đồ ăn đa phần là organic. Các đồ đạc nội thất, đồ nhà bếp có sẵn thì dùng chung (trừ đồ riêng của ai tự mua thì người đó giữ). Công việc trong nhà từ nấu ăn, dọn dẹp phòng bếp, lau quét cầu thang, lau chùi tủ lạnh, sắp xếp phòng ăn, phòng khách, phòng đọc sách, không gian sinh hoạt chung, phân loại rác, đến bảo trì ngôi nhà gỗ cả trăm năm tuổi này đều được phân công đều ra từng người. Nhà có lịch trực nhật mỗi ngày và hệ thống tính điểm trực nhật cụ thể, mỗi người đều chịu trách nhiệm bình đẳng như nhau để giữ cho ngôi nhà chạy tốt. Mỗi tuần sẽ có một cuộc họp nhà, nơi mọi người cùng thảo luận về những vấn đề trong cuộc sống chung, ví dụ như sửa chữa hoặc thay thế đồ đạc chung, tìm thành viên mới cho nhà, các vấn đề về an toàn và vệ sinh, các hoạt động văn hoá giáo dục để tăng tính kết nối, hoặc thay đổi những thoả thuận, luật lệ sẵn có. Ai cũng có quyền đóng góp ý kiến, và mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên sự đồng thuận của số đông. Nghe thì hơi phức tạp, nhưng khi ở thì có nhiều điều thú vị. Và để một căn nhà lớn nhiều người ở chung hoạt động trơn tru suôn sẻ thì cần có sự hợp tác và chung sức.
Lý do mình nộp đơn vô căn nhà có truyền thống Do Thái này một phần được truyền cảm hứng từ một podcast trên On Being mà mình từng nghe. Podcast này kể về tình bạn giữa Derek Black và Matthew Stevenson, một tình bạn làm thay đổi cuộc đời. Derek là người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng (white nationalism). Chủ nghĩa này có nhiều điểm tương đồng với chủ nghĩa da trắng tối thượng, với niềm tin rằng người da trắng nên có những vùng đất dành riêng cho họ mà không ai được xâm phạm. Họ cho rằng việc lai giống, trao đổi văn hoá, chào đón người nhập cư da màu sẽ làm tỉ lệ sinh đẻ giữa người da trắng thuần chủng bị thấp xuống, đe doạ chủng tộc da trắng, và là là dấu hiệu cho nạn diệt chủng cho người da trắng.
Không chỉ là thành viên thông thường, Derek Black là người thừa kế và là con trai đỡ đầu của David Duke, là một người theo trường phái tân quốc xã và là thủ lĩnh của Ku Klux Klan (một tổ chức truyền bá chủ nghĩa da trắng tối thượng, chuyên tấn công người da đen, người theo đạo Do Thái, đạo Hồi, người LGBT…) Năm 11 tuổi Derek đã thiết kế ra hate site đầu tiên trên mạng internet (kiểu một trang web chuyên được lập ra để công kích những người có chủng tộc, tôn giáo hay niềm tin khác mình), mà sau đó được cha anh sử dụng thường xuyên để làm công cụ tuyên truyền.
Lúc Derek đang học năm đầu đại học ở Florida, bạn bè trong trường vô tình biết được về hệ tư tưởng mà Derek theo đuổi, và kết quả là hầu hết mọi người đều xa lánh anh. (Theo lẽ đương nhiên, phần lớn các trường đại học ở Mỹ đều có tư tưởng khá cấp tiến, nên một người có niềm tin như Derek sẽ khó được ủng hộ). Lúc này, Matthew Stevenson, bạn ở cùng ký túc xá với Derek, đã mời anh tới tham dự những bữa Shabbat vào mỗi tối thứ sáu tại phòng mình. (Shabbat là bữa ăn cuối tuần của người Do Thái, thường là bữa ăn ngon nhất trong tuần và được chuẩn bị công phu, với nghi thức làm lễ cùng nến, rượu vang, bánh mì Challah làm từ trứng với những dải bột được tết lại như tóc đuôi sam, và nhiều món ăn theo truyền thống Do Thái khác).
Derek chia sẻ, ban đầu, anh đến các buổi ăn tối hoàn toàn tự tin vào hệ tư tưởng của mình, và anh có mọi chứng cứ và số liệu để bảo vệ nó. Lúc đó, thuyết dân tộc da trắng đối với anh là một điều rất hiển nhiên, là sự thật rõ ràng, hầu như không thể nào sai được. Anh không coi mình và gia đình, cộng đồng mình là người phân biệt chủng tộc, mà là những nhà hoạt động xã hội, đang vận động cho niềm tin và hệ tư tưởng của mình. Một phần của chủ nghĩa dân tộc da trắng là niềm tin vào các thuyết âm mưu kiểu như “Do Thái giáo và đa dạng chủng tộc là thế lực đằng sau, đã thao túng khiến người da trắng phải bị đè nén trên chính đất của mình”. Nên khi biết Matthew mời Derek tới những buổi Shabbat, nhiều bạn bè đã phản đối và chỉ trích Matthew dữ dội, có người không tham dự Shabbat nữa, vì họ không muốn gặp mặt Derek.
Nhưng Matthew vẫn mời Derek, bởi anh tin rằng việc tấn công, hay tẩy chay Derek không giải quyết được vấn đề. Matthew biết rằng Derek từ nhỏ đến lớn đã ở trong hệ thống niềm tin về chủ nghĩa dân tộc da trắng và hết lòng bảo vệ cho nó, nên không dễ gì để thay đổi. Việc công kích cá nhân, gào thét vào mặt Derek rằngniềm tin của anh gây hại thế nào, chỉ tạo ra phản ứng phòng vệ, khiến Derek thêm tin tưởng vào ý thức hệ đã ăn sâu vào anh. Mặt khác, với vị trí là một trong những mục tiêu bị tấn công mạnh mẽ bởi những người trong cộng đồng Derek, nhưng Matthew không tự nạn nhân hoá bản thân mình, mà cho rằng anh có một lợi thế đặc biệt. Anh nghĩ mình có thể là một cây cầu bắt giữa những ranh giới tư tưởng khác nhau, để Derek nhìn thế giới theo một góc khác.
Ban đầu, khi đến các buổi Shabbat, Derek và Matthew thường nói chuyện về tôn giáo, để tránh bàn về “con voi ở trong phòng”, là hệ tư tưởng gây tranh cãi của Derek. Matthew đã nói với tất cả mọi người tham gia Shabbat rằng đó không phải là nơi tấn công Derek hay niềm tin của anh. Nhờ vào không khí ôn hoà đó, mà Derek đã có mặt ở những buổi ăn truyền thống tại phòng Matthew, mỗi tối thứ sáu hàng tuần, trong hơn hai năm trời, tận hưởng không khí ấm cúng, tham gia những cuộc thảo luận, trừ những chủ đề về da trắng tối thượng. Và họ thực sự đã trở thành bạn bè của nhau, bất kể hai người ở hai chiến tuyến tư tưởng trái ngược. Trong thời gian đó, Derek vẫn hăng hái tham gia các hoạt động cộng đồng của mình, tổ chức các sự kiện và hội thảo vận động cho thuyết chủ nghĩa dân tộc da trắng.
Dần dần, những câu chuyện tại bàn ăn Shabbat chuyển sang các cuộc đi dạo, và trở thành những cuộc thảo luận sâu sắc hơn. Derek cũng có cơ hội chia sẻ với bạn bè lập trường và thế giới quan của mình, và lý do cho những niềm tin đó. Cho đến một ngày, khi một người bạn hỏi: “Chúng ta chưa bao giờ đề cập về điều này, nhưng bạn đang cổ xuý cho một tư tưởng rất tồi tệ, nhưng bạn có vẻ là một người tử tế. Bạn có thể giải thích điều đó như thế nào?” Là một người suy nghĩ lý trí, tin vào vào dẫn chứng, lập luận và dữ kiện, Derek cho rằng mình là người có hệ tư tưởng độc lập, và những gì anh tin tưởng đều có cơ sở chứ không phải là cảm tính vu vơ. Nhưng rồi anh đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng tại sao điều mình cho là hoàn toàn hợp lý thì với người khác lại là sai trái? Điều mình đang làm chỉ là vận động và thúc đẩy quyền lợi cho cộng đồng của mình, nhưng tại sao những sinh viên, giáo sư, những người mình kính trọng trong trường đại học này đều phản đối mạnh mẽ?
Những buổi Shabbat cởi mở đã tạo cơ hội để Derek bày tỏ nhiều hơn nền tảng cho ý thức hệ của mình với bạn bè, những thống kê tỉ lệ tội phạm, các nghiên cứu về IQ, các sự kiện lịch sử cho thấy việc các sắc dân nên được tách riêng ra, và lập luận để phản biện lại những người chống phân biệt chủng tộc. Những người bạn đã yên lặng lắng nghe quan điểm của Derek, và cũng kiên nhẫn từng chút một chỉ ra rằng anh đã diễn dịch sai những con số thống kê, những nghiên cứu khoa học anh sử dụng có lỗ hổng nghiêm trọng, và điều mà anh cho là đang vận động cho cộng đồng của mình, lại gây hại cho những cộng đồng khác như thế nào.
Anh kể về các buổi ăn tối: “Tôi nói với họ rằng: Đây là những gì tôi biết về sự khác nhau trong IQ của những chủng tộc người khác nhau, tôi có 12 nghiên cứu khác nhau qua các năm, và đây là các bài báo khoa học để chứng minh cho điều đó, đây là số liệu lịch sử cho thấy quan điểm của tôi. Và bạn bè tôi sẽ trở lại với 150 nghiên cứu khác cập nhật hơn, chặt chẽ hơn, và giải thích cho tôi rằng các con số thống kê vận hành như thế nào. Và chúng tôi sẽ đi tới đi lui các điểm đó cho đến khi tôi đi đến kết luận rằng quả thật điều họ nói là hợp lý, rằng những lập luận của tôi bị rỗng. Rồi tôi nói tôi sẽ từ bỏ quan điểm đó khỏi hệ tư tưởng của mình, nhưng những điều khác vẫn còn nguyên giá trị. Và chúng tôi làm như vậy trong khoảng một hai năm gì đó, từ thứ này đến thứ khác, cho tới một thời điểm tôi nhận ra rằng mọi thứ không còn như trước nữa”.
Dần dần, từng mẩu từng mẩu một trong lý luận và dẫn chứng của anh trở nên bị hổng khi anh được tiếp cận với những kiến thức và dữ liệu vững chắc hơn. Thế giới quan của anh bị đổ vỡ, anh nhận ra rằng tất cả những điều anh từng tin tưởng về bản chất con người là sai lầm cả trên thực tế lẫn về mặt đạo đức. Anh kể: “Cái còn lại trơ trụi với tôi là một thực tế rằng tôi có thể làm bạn với những sinh viên Do Thái và người da màu, nhưng hệ thống niềm tin của tôi nói rằng họ nên bị trục xuất khỏi nước Mỹ. Và tôi chẳng còn bất kỳ một dẫn chứng nào đủ thuyết phục để chứng minh cho chính mình rằng một số người là thượng đẳng hơn những người khác”. Hai năm sau những buổi Shabbat đầu tiên, Derek nhận ra rằng những gì mình từng cổ vũ và tin tưởng hết mình thực ra là một hệ tư tưởng của sự căm ghét và phân rẽ, của in-group và out-group, và hoá ra anh đã dành tuổi trẻ của mình để làm “a good activist for a bad cause”.
Nhận thức đó đã đưa anh đến quyết định, viết một thông thông báo công cộng tới Southern Poverty Law Center, một tổ chức hoạt động vì quyền công dân, để chính thức công nhận rằng mình đã từ bỏ niềm tin vào chủ nghĩa dân tộc da trắng. Sự kiện đó đã tạo một tiếng vang khá lớn trong phong trào hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, bởi Derek từng là “gương mặt đại diện” đấu tranh quyết liệt cho chủ nghĩa dân tộc da trắng, nhưng giờ đã công nhận rằng tư tưởng đó không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Chuyện của Derek Black rất dài và sâu, với nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Bởi sự vỡ lẽ đó không đơn giản chỉ qua một cuộc tranh luận qua đêm, mà là một hành trình dài của việc quan sát, suy luận, chất vấn niềm tin của những người xung quanh và của bản thân. Câu chuyện của anh là câu chuyện của một người từ chỗ tin tưởng và đấu tranh tuyệt đối cho điều đã ăn sâu trong tư tưởng của mình, tới một cuộc khủng hoảng niềm tin, sự sụp đổ trong ý thức hệ, dằn vặt và dự định im lặng, để rồi quyết định lên tiếng để sửa chữa những lỗi lầm của mình. Đó không chỉ là câu chuyện về tình bạn khởi đầu qua những bữa ăn Shabbat, mà còn là việc chúng ta đối xử với những người mà ta mâu thuẫn trong ý thức hệ như thế nào, nó là câu chuyện về sự thấu cảm giữa con người với nhau, và cả một bối cảnh lớn của phong trào vận động chống phân biệt đối xử và đẩy mạnh quyền công dân mà Derek được chứng kiến tại các trường đại học và cả xã hội Mỹ. Ở đây mình chỉ lược dịch và tóm tắt lại. Nếu bạn muốn đọc toàn bộ câu chuyện này thì có thể xem thêm tại trang: https://onbeing.org/programs/derek-black-and-matthew-stevenson-befriending-radical-disagreement/
Điều đọng lại với mình sau câu chuyện kỳ lạ này là chia sẻ của Matthew Stevenson. Anh nói rằng: “Mỗi thông điệp có hai phần riêng biệt, một là nội dung của thông điệp, hai là cách mà thông điệp đó được truyền đạt. Có một sự khác nhau giữa mạnh mẽ (strong) và hung hăng (aggressive). Và cũng có một sự khác nhau giữa việc mạnh mẽ phản đối, trong trường hợp này, là ý thức hệ về da trắng tối thượng và phân biệt chủng tộc, với việc ra tay làm tổn thương một người ủng hộ ý thức hệ đó”. Để thế giới tốt đẹp hơn thì cần có sự thay đổi, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử loài người mà một người chấp nhận thay đổi chỉ vì người khác bảo rằng anh ta ngu ngốc, mù quáng, tham lam, độc ác, hoặc xấu xa ra sao. Anh nói rằng chuyện của Derek cho thấy dù con người ta có bị nhúng sâu vào những niềm tin hoặc hệ tư tưởng tiêu cực thế nào, thì vẫn luôn có những cách thức để giúp họ quay trở lại. Cách để tạo ra thay đổi, là bằng sự thấu cảm, tình bằng hữu, là tri thức vững vàng và nỗ lực hướng tới sự thật, và sự sẵn lòng thử thách những giả định và niềm tin của mình, để cùng chung tay kiến tạo một thế giới đáng sống hơn.
Quay trở lại chuyện ngôi nhà mình đang ở. Dự định ban đầu là mong muốn tìm hiểu về Do Thái giáo, với hy vọng biết đâu có cơ hội được thử thách và thay đổi bản thân. Nhưng cho đến giờ, ngoài chuyện ăn bánh mì Challah ngon quá và ngày càng béo lên, thì chưa thấy thay đổi chi nhiều cả. Chắc vì vẫn chưa có Matthew nào xuất hiện : ))).
Em cảm ơn chị Rosie đã chia sẻ câu chuyện quá ý nghĩa ạ. Em hoạt động trong lĩnh vực môi trường nên em cũng rất hay gặp những tư tưởng không đồng tình với điều mà mình cho là đúng, là tốt cho cuộc đời. Em cũng hiểu và đang cố gắng làm như Matthew đã nói đó là “sự thấu cảm, tình bằng hữu, là tri thức vững vàng và nỗ lực hướng tới sự thật, và sự sẵn lòng thử thách những giả định và niềm tin của mình, để cùng chung tay kiến tạo một thế giới đáng sống hơn.” Em cảm ơn chị một lần nữa, bài viết giúp củng cố thêm niềm tin, sự dũng cảm và bền bỉ theo đuổi điều mình đang làm chị à 🙂
Hi em, cảm ơn em đã đọc bài viết. Chúc em làm được thật nhiều điều có ý nghĩa cho chính mình và cộng đồng xung quanh nhen :).
Em nhớ chuyện này. Với lại, em cũng mường tượng được ra lý doo vì sao ảnh post bài fb trước, bức ảnh lại phúc hậu như vầy rồi nhen. Có thể chẩn đoán sơ bộ là doo bánh Challah :))
Haha, chẩn đoán chuẩn ghê, quả là người có chuyên môn cao có khác :)))
Dạ em cảm ơn chị Rosie :*
Gặp Matthew có khi béo hơn ý :33
em say mê những con chữ của chị. Đọc những bài viết của chị luôn khiến em thấy cuộc sống tốt đẹp hơn.
Em chào c Rosie ạ
E vừa đọc xong quyển Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu lần thứ 2 ạ
E mới chợt nhận ra e cũng có 1 chút sở thích về viết lách và tgian này e cũng có kha khá câu chuyện muốn viết
Nma e bâyh muốn viết theo dạng blog thì c có thể tư vấn cho em web nào để em có thể viết đc k ạ
E cảm ơn c?
Bài viết của cô hay lắm ạ. Con là học sinh nhưng qua những gì đọc sách của cô cũng như những bài post cô viết đã truyền lửa và mở ra nhiều khía cạnh cho con có thể nhìn đời, nhìn người. Cảm ơn cô nhiều lắm ạ. Ở bên nước ngoài, cô giữ gìn sức khoẻ nhé ạ!
P/s: Con là đồng hương, học cùng trường với cô luôn. Có dịp cô về Bình Định nữa nhé. Nhớ là cô có về quê hương giao lưu và tặng chữ kí cho mọi người. Mong sẽ có dịp gặp cô tại QN ạ.
Cảm ơn chị về chia sẻ này ah!
sao chị lại muốn biết về người Do Thái nhỉ. Họ vốn kín đáo
cảm ơn chị đã chia sẻ