Hai tuần ở Mỹ

Mới đó mà mình ở Mỹ đã được hơn 2 tuần rồi. Thời gian quả thật là trôi nhanh như thổi. Từ đầu tháng 8, như mình đã viết trên Facebook, là mình còn đinh ninh là chưa đi được. Các bạn trong cohort khấp khởi mua sắm xếp đồ để đi, nhưng mình vẫn bình chân như vại, dù lúc đó cũng có thông tin bắt đầu làm visa rồi. Bởi lúc đó mình nghĩ, Việt Nam đang bùng dịch trở lại, tình hình Covid ở Mỹ thì vẫn căng thẳng, nên chắc không bay được đâu, có thể là sẽ phải delay sang mùa xuân sang năm. Ban đầu mình đã xin defer sang kỳ học mùa xuân, nhưng vì yêu cầu của học bổng là nếu trường học mở cửa thì vẫn cần phải đi học chứ không được defer. Nên mình cứ để coi thế nào.

Thế là đùng một cái, bên học bổng có thông báo là được bay, không bị cấm như trước. Các bạn trong nhóm mình lẹ làng đặt vé bay luôn. Còn trong lòng mình thì gào lên: không sẵn sàng, chưa sẵn sàng. Kiểu là mình chơi chưa đã ở Việt Nam, mình muốn lên rừng leo núi cắm trại bãi biển các thứ rồi ăn uống đủ thứ đồ Việt mà mình thích rồi ghé thăm đủ khắp bạn bè các miền Nam Bắc, xong rồi về thăm gia đình vv. Và mình chưa được đi thiền nữa. Mình đã delay chuyện tham gia khóa thiền 2 năm nay cho hành trình học bổng này (vì tiến trình của học bổng cứ liên tục hết cái này tới cái khác nên ít có thời gian nào được nghỉ ra cỡ 3 tuần 1 tháng để đi thiền). Nên mình đã cầu mong sao cho trước khi đi học thì có một thời gian nghỉ ngơi thanh lọc năng lượng. Nhưng rồi mọi sự ập tới ào ào. Nên thôi mình cứ thế mà theo luôn, vì đi học là một dự định mà mình đã chuẩn bị nhiều năm trời. Mình không chắc nếu trì hoãn thêm thì sau này có đi được hay không. Cơ hội này quá lớn để bỏ qua. Nên thế là sắp xếp bay luôn.

Tuần 1:

Mình hạ cánh xuống Atlanta trước để chơi với em họ mình, trước khi lên Wisconsin miền Bắc heo hút nơi mình theo học. Sau chuyến bay dài 16 tiếng từ Seoul tới Atlanta, mình được làm thủ tục nhập cảnh gọn nhẹ, rồi MD và chồng mới cưới của nó chờ sẵn ở sân bay, đón về nhà nó. Cảm nhận đầu tiên của mình là khung cảnh xanh tươi dễ chịu, nhiều cây xanh (do nhà em họ ở ngoại ô thành phố). Những ngôi nhà một hoặc hai tầng làm bằng gỗ sơn trắng nhìn xinh xắn sau những hàng cây xanh.

Nhà em mình thuê cũng mới và sạch sẽ, phòng rộng rãi, đầy ánh sáng mặt trời, sàn nhà trải thảm, có một cái walk-in closet thiệt bự rất đã. Bạn cùng nhà cũng dễ chịu và hòa nhã. MD chở mình đi làm sim điện thoại và mở tài khoản ngân hàng. Nhưng hóa ra nó khó hơn mình tưởng. Do đang dịch Covid nên muốn giao dịch trực tiếp thì phải đặt lịch hẹn trước với nhân viên ngân hàng gần cả tuần liền, chứ không phải như ở VN mình vào mở tài khoản 5 phút là xong. Còn sim điện thoại thì đi từ AT&T qua T mobile thấy cái nào cũng mắc, còn cái Cricket mà em họ mình xài thì đóng cửa không tiếp khách. Rốt cuộc mình xài gói rẻ nhất của T mobile là 25$ mỗi tháng dung lượng 5GB. Thiệt cứ nghĩ mà thấy chả bù cho VN.

Rồi em họ mình dẫn đi siêu thị mua đồ. Một cái siêu thị Mỹ và một cái siêu thị Châu Á. Lần đầu tiên đi siêu thị ở đây, mình đã quất hơn 50$ tiền trái cây gồm dâu, đào, mận (có 1 loại mận nhìn rất giống mận hậu Mộc Châu làm mình rất thích), cherry, blueberry, rồi ngồi chấm muối tôm ăn cho đỡ nhớ nhà. Còn lại thì mình khá tằn tiện, chỉ mua một vài nhu yếu phẩm, và đồ để nấu ăn ở nhà thôi. Một điều thiệt sự làm mình an ủi là hôm đi siêu thị đó tự dưng thấy được cá hố, loại to bự chà bá luôn. Vốn dân miền biển và từ nhỏ giờ rất thích cá biển, nên những món như cá hố, cá ngừ, cá thu, cá bốp vv đều là khoái khẩu của mình. Lần nào về nhà mình cũng được má cho ăn cá hố chiên hoặc nướng chấm nước mắm tỏi ớt. Nên mình cực kỳ sung sướng với cuộc hội ngộ nho nhỏ với cá hố ở Atlanta. Mình đem cá hố về chiên, xong không dám giã nước mắm tỏi ớt vì sợ bạn cùng nhà chê hôi, nhưng cũng rón rén ăn cơm cá chiên với mắm ở vườn ngoài bếp, cảm thấy dần dần thoải mái với mọi thứ ở đây.

Mới qua vài ngày, N, chồng của MD đề nghị dẫn mình đi trường bắn chơi bắn súng đạn thật. N theo đảng Cộng Hòa. Nó theo kiểu ủng hộ Trump, ghét Obama, phản đối phá thai và lúc nào cũng mang theo súng. Mới đặt chân tới Mỹ, mình đã được tiếp cận ngay với những vấn đề nóng bỏng của đất nước này, như bầu cử Mỹ, sự chia rẽ đảng phái và sắc tộc, việc kiểm soát súng, các chính sách an sinh xã hội, và những vấn đề môi trường, thông qua các cuộc trò chuyện tranh luận giữa N với MD, giữa những đứa cùng nhà của tụi nó và các cuộc đấu khẩu của tụi mình với nhau, và cả những chuyện mới nảy sinh như vụ cảnh sát bắn một người da đen ở ngay bang Wisconsin của mình, và phong trào Black Lives Matter. Mình cố gắng lắng nghe quan điểm của N, để hiểu điều gì tạo nên quan điểm chính trị của nó, cái gì làm ra những sự khác biệt và cứng rắn trong các lập trường khác nhau. Đó cũng là 1 trong những điều mà trong phần orientation về nước Mỹ của Fulbright, giáo sư hướng dẫn có dặn tụi mình: “Khi những người Fulbrighter như các em đến nước Mỹ, tôi mong rằng các em sẽ làm điều mà không có nhiều người Mỹ đang làm, là cố gắng và ngồi xuống để lắng nghe tiếng nói của cả hai bên, để xem xét những mối quan tâm, lo ngại của họ và hiểu tại sao họ lại có những quyết định và hành động như vậy”.

Hôm đi bắn súng thì cũng không có gì ghê gớm. N làm một bài sơ lược về cách sử dụng các loại súng khác nhau và an toàn khi sử dụng súng, rồi dẫn tụi mình tới trường bắn. Ở đây cũng có nhiều người đang chơi, súng nổ đùng đùng muốn banh lỗ nhĩ. Mình thấy nhiều người ở đó tiếp cận việc sử dụng súng như một hình thức giải trí, như một thú vui. N tỏ ra khá cẩn trọng với việc dùng súng, có giấy phép rõ ràng, tuân thủ theo các chỉ dẫn an toàn và xem súng như một cách để bảo vệ bản thân và gia đình mình. Nhưng mình cũng tự hỏi những vụ nổ súng tàn sát trong trường học thì những kẻ thủ ác lấy súng ở đâu. Những lúc người ta không làm chủ được mình và dùng súng như một cách sử dụng vũ lực thì sẽ ra sao.

Ban đầu mình cũng hồi hộp khi bắn súng. Sau vài phát súng chuệch choạc, mình bắt đầu nhìn thấy được mình đang ngắm vào đâu và cố gắng bắn chuẩn hơn. Nhưng dĩ nhiên mình vẫn không bắn được đúng trọng tâm hehe. Một điều mình nhận thấy là mình cần tăng kỹ năng về tốc độ và sự chuẩn xác. Hồi đi học ở Nhật mình đã thấy mình khá kém trong việc nhắm đích và tốc độ khá chậm. Ví dụ chơi trò gì mà quăng hoặc ném cái gì đó vào hồng tâm là mình thường làm chệch. Nên bắn súng thử càng thấy mình cần cải thiện về sự chính xác hơn.

Giữa lúc đang bắn súng, một vỏ đạn rơi vào trong áo mình, làm bỏng da và để lại một vết sẹo trên ngực. Như một cảnh báo, mình biết chắc chắn rằng súng không dành cho mình, bởi vì mình là kiểu người phản đối sử dụng bạo lực, kể cả là bạo lực để tự vệ. Như chị Hoa từng nói: “Không thể lấy bạo lực để đáp trả bạo lực”. Nếu dùng để giải trí, có lẽ mình sẽ hợp với môn bắn cung hơn.

Tuần đầu tiên kết thúc bằng cảm giác hơi bức bí vì ở trong nhà nhiều. MD và N cũng bận bịu. Tụi nó làm phim và trong mùa Covid này ngành làm phim bị ảnh hưởng nặng nề. D bị áp lực rất nhiều về tài chính, phải đi giao hàng kiếm thêm tiền trả bill. Những lúc có project nào làm phim là D lo lắng chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng. Kỳ mình qua D cũng có một project phim mới nhận được, nên phải làm nhiều. Lần đầu tiên mình cảm thấy ảnh hưởng của Covid tới người trẻ ở đây như thế nào, còn ở VN hầu như mình không bị ảnh hưởng gì mấy. D lo làm nên tụi mình không đi hiking cắm trại được như đã hẹn. Mình cũng tranh thủ thời gian trong nhà hoàn thành những phần orientation và các thủ tục giấy tờ, lo vụ tìm nhà sao cho gần chỗ học, rồi đặt vé máy bay đi Wisconsin. Nhưng mình cũng thấy hơi ngột ngạt một chút. Bù lại là mình được D dẫn đi ăn nhiều chỗ khá ngon. Đồ ăn Việt Nam, đồ Nhật, đồ Mexico đều hợp khẩu vị của mình. Có điều mỗi lần ăn ngoài là tốn từ 50 – 100$, nên cũng hơi xót. Nhưng hai chị em lâu lâu mới gặp nhau, nên tụi mình cũng thoải mái xíu, còn lên Madison mình luôn có thể tiết kiệm lại sau.

Tuần 2:

Mình bắt đầu cảm thấy sự bất tiện của việc không biết lái xe hơi. Chỗ D ở, cũng như mọi nơi khác ở Mỹ, các địa điểm thường cách xa nhau, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng các thứ. Hệ thống giao thông công cộng thưa thớt nên cũng khó để đi lại. Do đất nước nó bự quá mà, kiểu 1 đất nước bự bằng cả châu lục. Bởi có những người cả đời không ra khỏi nước Mỹ. Nên không có xe hơi là cảm giác như bị bó tay bó chân. Mình đã định học lái xe hơi từ hồi tháng 4 khi trở lại Sài Gòn, nhưng rồi dịch Covid nên không học được, giờ qua đây mới thấy bất tiện thế nào. Đi đâu cũng phải nhờ D chở. D rất là nhiệt tình, mỗi lần mình nhờ đều sắp xếp để chở đi. Hai chị em lâu lâu gặp nhau nên cũng có nhiều thứ để tám, tám xuyên lục địa, nên đi với nhau nhiều cũng không đến nỗi chán. Phải cái chỗ mình ở là nhà cũ của D, đi đâu cũng xa. Đi từ chỗ nhà mình đến nhà anh mentor mà gần 1,5 tiếng đồng hồ. Vòng đi vòng về mất hết 3 tiếng. Nên D thì không sao nhưng mình cũng ngại.

Rồi vụ làm thẻ ngân hàng nữa. Tụi mình đặt lịch của Chase Bank, xong tới nơi họ bảo không có địa chỉ không làm được thẻ, cần có một cái hóa đơn điện nước điện thoại gì đó có tên mình và địa chỉ mình đang ở, mà mình mới tới đã có hóa đơn gì đâu. Tụi mình tìm ròng rã rồi mất gần 1 tuần nữa để đặt được cuộc hẹn với Bank Of America, lần này có Nick theo hộ tống hai chị em để xem người bản xứ thì làm có nhanh hơn không. Cuộc hẹn mất gần 2 tiếng đồng hồ để mở tài khoản ngân hàng, bởi vì những người làm dịch vụ ở đây họ không quen cách thức làm dịch vụ cho sinh viên quốc tế, cái gì cũng phải hỏi này nọ nên rất lâu. Xong anh chàng banker đó quên hỏi mình để nhận tiền vô tài khoản. Mình cũng quên nói để gửi tiền vô, mới qua đem một mớ tiền mặt qua, lúc nào cũng nơm nớp sợ mất. Dù gì thì mở được tài khoản, nhận được tiền chi tiêu hàng tháng là đỡ được một mối lo.

Vài ngày cuối cùng ở Atlanta trôi qua trong lặng lẽ. Mình lo hỏi người này người kia để ở chung, tìm các căn nhà nào sao cho gần trường để dễ bề đi lại, khỏi đi xe bus sợ lây Covid. Rốt cuộc tới tối trước ngày bay đi Madison – Wisconsin, mình mới được nhận vào một ngôi nhà theo kiểu co-operative living, một kiểu sống cộng đồng và sinh hoạt chung với nhau. Hồi xưa ở HN mình ở chung với một ngôi nhà tên là Nhà có Lâm, không chỉ là sống chung với nhau, mà là cùng nhau kiến tạo ra một không gian văn hóa. Mình may mắn tìm được các bạn có cùng chung giá trị và sở thích với mình. Tụi mình cùng chơi board game, cùng sinh hoạt văn hóa, bàn bạc các vấn đề trong nhà, cũng như thảo luận những chủ đề ít có dịp trò chuyện ở những nơi khác, như non-violent communication, self-compassion, và cùng tạo ra cộng đồng chung trong môi trường tụi mình sống. Mình rất thích kiểu đó, nên đã cố gắng tìm một không gian tương tự ở nơi ở mới. Thế là trải qua vài vòng từ viết đơn gia nhập, phỏng vấn qua Skype vv rồi mới được vào.

Chuyến bay từ Atlanta đến Chicago bay lúc sáng sớm. N vốn nhiệt tình và tốt bụng, thức dậy lúc 3h sáng để chở mình ra sân bay. Mình hạ cánh ở Chicago xong, lếch thếch lê một đống hành lý đi ra trạm xe buýt, chờ xe đi Wisconsin cho rẻ tiền. Đến nơi vào nhà lúc cỡ 3 giờ chiều, mình vào đến phòng mà cảm thấy trong lòng hụt hẫng. Đó là một ngôi nhà gỗ kiểu cũ hơi tối. Phòng của mình có cửa sổ nhỏ, hướng mặt ra phía nam nên buổi chiều rất âm u. Trong phòng còn vài đồ đạc từ người trước để lại. Cửa sổ bám bụi và dơ hầy, cái closet nhỏ tối thui và có vẻ ẩm thấp. Lúc video chat mình đã thấy phòng nhỏ và hơi tối, nhưng không ngờ ngoài thực tế còn thấy tệ hơn như vậy. Nhưng mình đã lỡ xác nhận là sẽ ở rồi nên không biết làm thế nào để rút lui.

Các bạn cùng nhà với mình thì tử tế kiểu xã giao, nhưng xa lạ. Bữa tối hôm đó, trong bữa ăn chung đầu tiên, mình chỉ muốn khóc ngay tại trận. Bởi vì ngồi chung với mình là những người xa lạ, họ nói những câu chuyện xa lạ mà mình không nghe kịp. Món ăn mình đang ăn cũng cực kỳ xa lạ, chẳng có cái gì là thân thuộc cả. Mình thấy không hẳn là được chào đón ở nơi ở mới, cũng không hẳn là bị cô lập. Kiểu các bạn ở đây là lịch sự và xã giao. Nhưng mình đã quen kiểu niềm nở vồ vã nhiệt tình kiểu như D và những bạn Việt Nam khác của mình. Trúng lúc mình mới qua đang nhạy cảm nên thấy mọi thứ dường như quá tải.

Sáng hôm sau, mình cảm thấy hơi đỡ hơn một tí ti khi bắt đầu đi khám phá ngôi nhà, tìm được những góc hay hay để ngồi đọc sách hay ngắm cây cối trên gác mái. Madison mới tháng 9 trời cũng se se lạnh, mình ngồi ở ban công sưởi nắng và thấy có phần nào thư giãn hơn. Buổi trưa, nắng chíu le lói vào phòng mình, nên cũng đỡ hơm cảm nhận ban đầu vào buổi chiều hôm trước. Rồi mình đi dạo một vòng, tới Vilas Hall nơi có trường Journalism & Mass Communication của mình, rồi đi bộ ghé qua chợ Midway mà anh kia chỉ, để mua vài món đồ Châu Á cho đỡ nhớ nhà.

Ở Madison mọi thứ đều lạ lẫm. Đó là một thành phố nhỏ, như thị trấn. Mọi thứ xoay quanh cái trường đại học của mình. Trường có khuôn viên rộng và bự ơi là bự, gồm nhiều school nhỏ bên trong. Đi quanh gặp toàn sinh viên nhìn mặt trẻ măng ăn mặc mát mẻ đi qua đi lại. Ở đây đa phần là người da trắng. Mình hầu như chẳng quen ai cả. Mọi thứ đều mới mẻ lạ lẫm, đến nỗi mình cứ bám víu lấy những dấu hiệu quen thuộc. Một nhành cây có mùi như lá quế các bạn chưng trong phòng khách ở nhà, món da heo dòn chấm tương ớt mình mua ăn thử ở chợ châu Á, món bánh cuộn rong biển, gợi nhớ những ngày ở Nhật (à mình đã từng ở Nhật, nên cái gì thuộc về Nhật cũng coi như là ở gần nhà).

Đỉnh điểm là ngày hôm qua, mình cảm giác cô đơn cùng cực. Thực ra mình vốn đã cô đơn suốt cả cuộc đời. Mình quen biết nhiều người nhưng có rất ít bạn thân, ở nhà cũng không hẳn là thân thiết, cũng ít tâm sự với gia đình, dù mình rất yêu thương họ. Mình cũng đã quen đi một mình đến nhiều nơi, trên những vùng đất lạ. Nhưng cảm giác đi du lịch một mình nó khác cái cảm giác đi định cư ở một nơi ở mới một mình. Đó là cảm giác háo hức, vui vẻ, khám phá các nơi và biết rằng mình có một ngôi nhà để quay về lại. Còn mình đang ở đây, cách xa nửa vòng trái đất với nơi mình từng gọi là nhà, vẫn chưa có nơi nào cho mình cảm giác là ngôi nhà mới. Mình cách xa tất cả mọi người mà mình yêu quý, và tuy có vài mối liên hệ ở Madison, mình vẫn không dám hẹn họ đi chơi vì vẫn chưa có kết quả test Covid, sợ lây bệnh cho họ.

Trong cảm giác cô đơn đó, mình xách giày ra chạy bộ, tìm đường đến công viên gần nhà. Lúc đi qua đường để sang công viên không để ý sao mà còn bị một người lái xe hơi chạy ngang qua kêu Fuck you. Cảm giác cực kỳ tồi tệ. Mình nằm dài trên bãi cỏ, ngắm người chơi thể thao, nhìn bờ hồ đầy sóng trước mặt, cảm thấy đầy chán nản. Mình tự nhủ mình đã cố gắng 3, 4 năm trời để được đi du học. Đã biết trước mọi thứ sẽ khó khăn. Nhưng khi đặt được chân tới vùng đất đó, lại không thể biết là nó lại khó khăn đến vậy.

Cảm giác khó khăn còn nhân lên khi mình bị peer pressure. Các bạn trong cohort có vẻ hòa nhập tốt hơn mình nhiều lắm. Có bạn thì kể được bạn dẫn đi rừng, được giáo sư dẫn đi thuyền buồm, rồi được thuê cho căn hộ studio giá còn cao hơn stipend một tháng của mình. Có bạn thì được ở chung với bạn cùng nhà là Fulbrighter luôn, vui và đỡ áp lực. Có bạn mới qua thì được bao nhiêu là người giúp đỡ, có người cho bàn cho ghế, cho đồ dùng nội thất trong nhà và dẫn đi chơi. Còn mình thân cô thế cô, cái gì cũng phải tự lo một mình, đi đâu cũng thui thủi. Ngay cả những chuyện nhỏ như chuyện bạn kia được add vào family line xài điện thoại 20$ mà dung lượng không giới hạn, trong khi gói điện thoại của mình có chút ét mà còn mắc hơn, mạng yếu đến nỗi ở ngay trong phòng mình trung tâm thành phố mà còn mất sóng, bởi vì mình đâu kiếm được ai để add vô gói cước family. Hay chuyện mình lỡ làm thẻ ngân hàng Bank of America, mỗi tháng bị charge tiền mắc như quỷ, mà nó lại còn không có trụ sở hay cả ATM ở Madison, giờ không biết cách nào để gửi tiền mặt vô, cũng làm mình thêm chán nản. Cảm giác cứ như chưa bao giờ cô đơn lạc lõng như thế trong đời.

Nhưng mà rồi mình cũng phải cố gắng thôi, đâu thể nào nằm đó mà than khóc. Mình đi bộ từ công viên về, ghé qua vườn hoa nọ, và đứng thật lâu dưới một cái cây hình vòm trông thật lạ kỳ. Rồi mình đi chợ, mua một nửa quả dưa lưới để về ăn những khi buồn. Đồ ăn là một trong những thứ làm mình cải thiện cảm xúc. Rồi mình về nhà, nói chuyện với một trong những bạn có vẻ thân thiện nhất trong nhà. Nó bảo chuyện thấy cô đơn cũng là dễ hiểu thôi, rồi cho mình coi một món đồ gốm Nhật Bản yêu thích của nó. Mình nghĩ mình phải tìm cách để xây dựng hệ thống mạng lưới xã hội mới của mình bên này, về academic feedback và professional development, về những role models mới và quan trọng nhất là emotional support.

Viết để ghi lại khoảng thời gian khó khăn này vậy thôi. Nhưng mình nghĩ mình sẽ ổn. Mình biết mình sẽ ổn. Mọi thứ lúc mới bắt đầu thường sẽ khó khăn. Mình nghĩ được đi học đã là một điều tốt rồi. Mình ở đây là để học, và những thứ nhỏ như việc xây dựng một cuộc đời mới và mạng lưới hỗ trợ ở nơi này, cũng là một trong những điều cần học.

6 Replies to “Hai tuần ở Mỹ”

  1. Trà, là một câu chuyện dài thiệt dài chị mình ơi! Thời gian qua đi, không gì ở lại. Hai năm nữa ta sẽ có master mới trở về và lợi hại hơn xưa nhiều nhiều lần :))). Chúc chị bảo trọng và bình an !

    1. Ơ sao chị không nhận được thông báo có comment mới nhỉ, xíu nữa là không thấy bình luận của Hiếu rồi. Cảm ơn em đã động viên nhen. Năm mới thân tâm an lạc nhé. Năm mới chị cũng chỉ mong mạnh khoẻ và bình an :).

  2. Em mong chị luôn khỏe mạnh và bình an. Mọi chuyện rồi sẽ ổn theo cách phù hợp nhất ^^

    1. cảm ơn em, chị post bài viết hồi mới sang. Giờ cũng 4 tháng ở Mỹ rồi, chuyện đó ổn rồi xong lại dồn dập chuyện khác :))))

  3. Hi vọng chị cập nhật thường xuyên để em có động lực tìm đường đi Mỹ chị ới 😀 Chúc chị luôn bình an.

    1. Cảm ơn em, chị sẽ cố gắng.

Leave a Reply