Every step counts

Hôm trước gặp nhau, đứa em hỏi: “Chị, có khi nào chị sai lầm hay thất bại không?” Mình nói: “Trời, em tưởng cuộc đời chị được rải thảm đỏ sao?”

Một trong những thất bại đau đớn nhất mà mình từng gặp phải trong thời đôi mươi là suýt bị đuổi việc. Thực ra từ suýt này nó cũng đau không kém gì bị đuổi việc thật. Số là lúc đó mình đang đi làm ở một tập đoàn nước ngoài, công việc văn phòng nhưng làm ở khối nhà máy, sáng lên xe buýt đi làm, tối ra khỏi nhà máy thì mặt trời đã xuống. Sau hai năm, mình tự nghĩ: chắc phải thay đổi. Nên mình chuyển sang một công ty trong nước có quy mô nhỏ xinh, có chị sếp trực tiếp từng học cùng trường đại học với mình, có vẻ rất quan tâm và tử tế.

Bắt đầu vào làm, mình thấy cái gì cũng mới, cũng bỡ ngỡ. Vì cùng là một cái tên, nhưng tính chất công việc ở nơi cũ và nơi mới hoàn toàn khác nhau. Mình làm chậm, và mất rất nhiều thời gian để làm quen với môi trường công ty mới. Sau hai tháng thử việc, chị sếp kêu mình lên, bảo: Em không đáp ứng được yêu cầu công việc, mà bây giờ bảo em nghỉ việc thì cũng kỳ. Nên chị cho em thêm một tháng nữa để chứng minh năng lực. Mình ngỡ ngàng, chỉ biết nói: “Dạ cảm ơn chị đã cho em thêm cơ hội”. Chị lại nói thêm: “Chị thấy về đạo đức thì không có gì, em rất dễ chịu và hòa đồng với đồng nghiệp trong công ty. Nhưng về năng lực thì chị thấy không ổn, em rất chậm chạp và kém hiệu quả. Chị không biết tư duy của em có bị gì không nữa, không hiểu sao học Ngoại Thương ra mà lại như thế”. Đến đó thì mình bị sốc, sững sờ nhìn chị trong câm lặng luôn.

Buổi tối hôm đó, mình về đến nhà và khóc như mưa. Khóc không dừng lại được. Bởi vì câu nói của chị ấy nó cứ nhai đi nhai lại trong đầu mình, giống như là nhát dao vậy. Mình diễn giải lời nói của chị ấy là đầu óc mình có vấn đề, rằng mình là một sản phẩm lỗi, và khiến mình nghi ngờ năng lực của bản thân ghê gớm. Mình cảm thấy mình vô dụng, kém cỏi, thấy mình không giỏi và được việc như người khác. Mình thấy khủng hoảng và suy sụp, không biết phải đối diện ra sao với cuộc đời.

Sau này nhìn lại, mình mới thấy hồi đó mình ngây thơ ra sao. Và vì ngây thơ, nên cái gọi là thất bại hay vấp ngã này cực kỳ cần thiết cho mình lúc đó.

Đầu tiên là, lúc đó mình ngây thơ về thị trường lao động, nên không nhận ra được sự khác nhau giữa hai công việc. Tuy cùng làm chuyên viên xuất nhập khẩu, nhưng công việc cũ của mình là mua hàng, còn tính chất công việc mới là vừa mua hàng vừa cả bán hàng. Với kỹ năng bán hàng cực kỳ cơ bản, và tính cách rụt rè và nhiều phần hướng nội lúc đó, nên đó không phải là một công việc phù hợp. Chị sếp cũ đánh giá công việc của mình chủ yếu dựa trên doanh thu, nên chị không coi trọng năng lực mình cũng là đương nhiên.

Thứ hai, là mình đã không lường được sự khác biệt giữa hai loại công ty, nên đã không hề có sự chuẩn bị tâm lý. Làm việc tại tập đoàn nước ngoài, các quy trình, hệ thống đều có sẵn nên rất bài bản. Mình chỉ đảm nhận một phần rất nhỏ trong toàn bộ quy trình, như một mắt xích trong cỗ máy, và chỉ làm đi làm lại việc đó mà thôi. Trong khi đó tại công ty nhỏ, thì mình phải nhận nhiều nhiệm vụ rất khác nhau, lúc thì nhập hàng, tìm nhà cung cấp, lúc thì soạn thảo hợp đồng, lúc lại thương lượng với hãng tàu, công ty vận chuyển vv. Nói chung là cần phải rất đa nhiệm, làm nhiều mảng cùng một lúc, và có những việc tự động rớt xuống vì không có phân chia công việc rõ ràng.

Thứ ba, là bản thân mình vì không nắm rõ luật lao động nên cũng không biết là mình bị xử ép. Thời gian thử việc ở đó đã dài hơn các công ty bình thường, nên kéo dài thêm một tháng thử việc nữa là vi phạm luật lao động. Sau hôm nhận thông báo, mình tình cờ gặp một người bên phòng nhân sự, chị ấy vô tình nói oang oang trước mặt đồng nghiệp khác về chuyện mình bị thử việc lâu hơn. Chuyện đó là để lộ thông tin riêng tư của người lao động, mà lúc ấy ngại va chạm nên mình cũng không nói gì.

Nhưng cũng nhờ chị sếp cũ rất nghiêm khắc, kỹ tính nên thời gian ở đó mình cũng học được nhiều thứ. Lần đầu tiên mình làm hợp đồng mua bán, không vừa ý chị nên chị gọi mình lên sửa từng dấu chấm dấu phẩy. Nhờ đó mà sau này mình rất cẩn thận, rất chú trọng tới các chi tiết nhỏ. Rồi khi làm công ty lớn mình đâu có biết là mình có thể yêu cầu kéo dài thời hạn lưu kho lưu bãi (DEM/DET) đâu. Hãng tàu quy định ra sao mình cũng để vậy. Nhưng vì chị sếp là chủ công ty nên chị rất chặt chẽ chuyện chi phí. Chị la mình sao khờ quá, phải trả giá để nó tăng thời gian giảm mức phí cho mình. Thế là sau này mình cứ thế thương lượng với hãng tàu và tiết kiệm được rất nhiều tiền. Thêm nữa, lúc làm tập đoàn lớn mình không nắm được toàn bộ quy trình xuất nhập khẩu, vì rất nhiều mảng được chuyên môn hóa và outsource bên ngoài. Còn khi làm công ty nhỏ cái gì cũng nhúng tay vào nên rành rẽ mọi sự hơn.

Quay trở lại, sau trận khóc lóc đã đời đó, mình ngay lập tức xốc lại tinh thần. Mình nghĩ mình phải làm tốt hơn nữa, để chứng minh rằng mình không chỉ có thế. Mình quyết tâm siêng năng hơn nữa và kiếm nhiều khách hàng hơn nữa, quyết tâm tháng sau phải kiếm được 50,000 đô về cho công ty. Sau đó mình sẽ cân nhắc nghỉ việc, nhưng trước khi nghỉ, mình sẽ nỗ lực hết sức.

Rốt cuộc, mình đã không kiếm được 50,000 đô về cho công ty, hehe. Mà mình đã tìm được một công việc tốt hơn. Mình được nhận vào làm tại một tập đoàn khác, lương tốt, chức vụ cao, mới mở văn phòng tại Việt Nam. Ở công việc mới, mình vừa sử dụng các kiến thức ở chỗ làm đầu tiên để xây dựng toàn bộ quy trình, hệ thống từ đầu. Và mình có thể sử dụng các mẹo vặt trong nghề, những kinh nghiệm thương lượng và đàm phán, hiểu biết thị trường từ công ty thứ hai, để tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu chi phí cho công ty. Nói chung công việc mới giúp mình kết hợp lắp ghép được kỹ năng từ cả hai nơi cũ. Cho nên nhìn lại, dù đó là một trải nghiệm khá vật vã, như một cú tát vào mặt, nhưng đã giúp mình tiến lên một bước trên con đường nghề nghiệp và trên hành trình trưởng thành. Dù không muốn lặp lại những gì đã trải qua, nhưng mình vẫn cảm thấy biết ơn những ngày đau thương đó, và phần nào biết ơn sếp cũ đã cho mình một bài thuốc đắng dưới lớp vỏ bọc như một quả trời giáng để mình tiếp tục nỗ lực cải thiện bản thân. Điều đó thực sự cần thiết với mình lúc đó. Bởi nếu không có nó thì có khi bây giờ mình vẫn đang an phận với một công việc không phù hợp với bản thân.

Mình từng đọc được câu nói của một tướng quân người Nhật tên là Fukushima Masanobu rằng: “Cuộc đời không có thất bại. Cuộc đời chỉ có thành công và trưởng thành”. Ý ông muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cảm thấy hạnh phúc với sự trưởng thành của bản thân, hơn là việc đạt được thành tựu trong đời. Những giây phút mình tưởng là thất bại đau đớn, chính là những “learning moment” cực kỳ quý giá, là một cơ hội giúp chúng ta trưởng thành và phát triển lên một phiên bản tốt hơn. Cho nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là khó khăn nghịch cảnh, Fukushima cũng luôn tâm niệm là sẽ làm tốt hết sức của mình, bất kể ngoại cảnh xung quanh. Cách nghĩ của ông cũng tương đồng với khái niệm Growth Mindset trong giáo dục hiện đại, rằng không cần phải so sánh sự thành công, tài năng hay thông minh của mình với người khác, chỉ cần mình ngày càng tốt hơn, ngày càng trưởng thành là được.

Nhớ về thời tuổi trẻ ngày nào, mình lại thấy buồn cười. Ngày xưa mình cứ hay phân chia rạch ròi ra cái này đúng, cái kia sai, cái này tốt thì cái kia nhất định phải xấu. Và mình đã rất cố gắng cẩn thận để chọn cái gì là đúng, là tốt, là hợp với mình. Nhưng bây giờ mình lại, mình thấy rằng không nhất thiết phải như thế. Bên cạnh đó, khi còn trẻ và thiếu trải nghiệm, thì rất khó để biết được ngay công việc nào, người sếp nào, hoặc môi trường nào là hợp với mình. Nên nếu nghĩ theo chiều ngược lại, trên hành trình hoạch định nghề nghiệp và tìm kiếm con đường để phát triển, thì việc xác định cái gì sai, cái gì không hợp, điều gì mình không thích cũng cần thiết và quan trọng không kém việc xác định điều mình thích là gì. Nhất là với những người chưa biết mình giỏi gì, thích gì, thì thay vì chần chừ ngần ngại, cứ nhảy vào làm thử một điều gì đó để vừa có kinh nghiệm, vừa từ từ tìm ra điều mình không thích, không giỏi cũng là một lựa chọn khả thi. Trong trường hợp của mình, công việc sales xuất khẩu tại một công ty gia đình trong nước rõ ràng không phù hợp với nguyện vọng và năng lực làm việc của mình. Nhưng nó là một phần của quá trình, là một bước quan trọng để bước đến với công việc phù hợp với mình hơn. Trong quyển sách Sự an ủi của triết học của Alain de Botton, có một câu tóm gọn lại rất đúng ý tưởng này. Đó là: “Chính bằng việc tìm ra cái không phải là chân lý, mà ta đến gần hơn với chân lý”. Nên việc biết cái gì sai cũng có thể đưa ta tới một bước gần hơn với cái đúng hơn. Mỗi bước đi đều đáng giá. Every step counts. 

Nghĩ lại, bỗng dưng mình thấy cuộc sống rất kỳ diệu. Nó sẽ dẫn dắt ta theo những cách không ngờ đến. Mỗi thất bại, mỗi trải nghiệm, biến cố hay thay đổi nào đó trong cuộc sống sẽ bằng một cách nào đó giúp ta bước một bước tiến gần hơn tới điều mà ta hằng mong muốn. Miễn sao ta sử dụng mỗi sự kiện trong đời như một cơ hội để học hỏi. Có thể trong lúc khốn cùng ta mải nhăn nhó khổ sở với cái bong bóng cảm xúc của mình, cái gì đang xảy ra vậy, sao lại là tôi, tại sao tôi lại chịu khổ sở như thế này. Có thể ta sẽ có cảm giác thương hại bản thân, hoặc tâm lý nạn nhân, hoặc cho mình là một kẻ thất bại. Nhưng 5 năm, 10 năm sau nhìn lại, mỗi trở ngại, thử thách, trải nghiệm sẽ có những ý nghĩa riêng của nó. Tương tự như câu chuyện của Steve Jobs về connecting the dots, trong những ngày sau khi bỏ học đại học và phải ngủ nhờ trên sàn nhà tại phòng ký túc xá của bạn, đổi vỏ lon Coca Cola để kiếm sống, ông đã đăng ký một khóa học về calligraphy chỉ vì tò mò. Nhưng nó sau này đã giúp Mac có những font chữ tuyệt đẹp góp phần tạo nên thành công của Apple. Những lúc đau đớn học cách chứng minh năng lực và học cách đứng lên từ thất bại đã cho mình những kinh nghiệm vô giá, giúp mình hoàn thiện bản thân hơn. Cái đêm ngồi khóc hết nước mắt sau cuộc performance review với sếp cũ, mình đã không thể ngờ rằng chỉ sau đó một thời gian ngắn, mình đã có được một công việc tốt hơn nhiều trong mảng supply chain. Bởi vậy mà dân tình hay nói: “Failure is a blessing in disguise”.

Trong những tình huống thử thách, mình nghiệm ra rằng, cách phù hợp để đối diện với khó khăn của cuộc đời không phải là than phiền hoặc nhăn nhó. Việc cứ quằn quại day dứt trong vũng bùn của chính mình không giúp mình được kéo lên khỏi bùn nhanh hơn. Thái độ phù hợp trong những hoàn cảnh này đối với mình sẽ là: “Mình có thể làm được gì trong lúc này? Đâu là điều tốt nhất mình có thể làm? Thử thách này có thể giúp mình học được gì?” Khi đặt ra những câu hỏi như vậy, mình chuyển trọng tâm và tư duy vấn đề từ việc than vãn: “Sao lại là tôi, tại sao mọi chuyện lại như thế?” sang tư duy làm rõ và giải quyết vấn đề. Chỉ cần mình liên tục học hỏi, biến nghịch cảnh thành trải nghiệm để học hỏi, thì chắc chắn tương lai sẽ có lối ra.

Cherie Carter Scott, người được mệnh danh là “the mother of coaching” có viết trong quyển sách If life is a game, there are the rules một câu chuyện với ý nghĩa tương tự. Đó là câu chuyện về một cô gái trẻ từ Morocco có người cha làm nghề xe chỉ. Ông cha là một nghệ nhân thành đạt, thường dẫn cô theo trong các chuyến hải trình tới vùng Địa Trung Hải. Ông muốn tìm nơi bán các sản phẩm của mình, cũng như tìm một người chồng tốt cho con gái của mình. Nhưng trong một trận bão, chiếc thuyền của hai cha con đi đã bị đắm, người cha bị chết và cô con gái bị trôi dạt lên một bờ biển gần Ai Cập. Khốn khổ và kiệt sức, cô gái lang thang trên bờ cát và tình cờ gặp một gia đình thợ dệt. Họ nhận cô làm con nuôi và dạy cô cách làm quần áo. Dần dần cô trở nên hài lòng với cuộc sống mới.

Nhưng sau vài năm, cô bị bắt cóc trên bờ biển bởi những người buôn bán nô lệ. Họ giong thuyền đến Istanbul và bắt cô đem ra chợ bán. Một người thương nhân chuyên bán cột thuyền đến chợ định tìm mua nô lệ để giúp ông làm việc nhà, nhưng thấy cô gái nên thương tình mua về để cô giúp đỡ vợ ông. Nhưng cướp biển đã đánh cắp hàng hóa của ông, và ông không thể nào mua thêm nô lệ khác. Nên cả gia đình ông bao gồm cô gái phải làm toàn bộ cột buồm để bán cho khách hàng. Cô gái làm việc rất tận tâm và chăm chỉ. Dần dần, người thương nhân đó nhận ra năng lực của cô nên đã trả lại tự do cho cô và biến cô thành đối tác của mình.

Một ngày, ông yêu cầu cô đi theo một chuyến hàng đến Java. Cô gái đồng ý, nhưng khi đến gần bờ biển Trung Quốc chiếc tàu bị đánh chìm bởi một cơn bão. Lại một lần nữa, cô gái bị dạt lên bờ biển, và cô khóc hết nước mắt vì số phận hẩm hiu của mình. “Tại sao những thứ tồi tệ lại luôn xảy đến với tôi?” Cô gái hỏi, nhưng dĩ nhiên không có ai trả lời. Cô đứng dậy và bắt đầu bước đi vào sâu trong đất liền.

Ở Trung Quốc, có một truyền thuyết rằng một phụ nữ ngoại quốc sẽ xuất hiện và làm lều cho hoàng đế. Bởi vì lúc đó ở Trung Quốc chưa ai biết cách làm lều, nên tất cả dân chúng đều nghi ngờ tự hỏi về truyền thuyết này. Mỗi năm, hoàng đế đều đưa sứ giả đến các thị trấn tìm các phụ nữ ngoại quốc đến triều đình. Khi đến lượt cô gái được đưa đến triều đình, hoàng đế thông qua phiên dịch hỏi cô rằng liệu cô có làm lều được không. “Tôi nghĩ tôi làm được”, cô gái nói. Cô nhớ lại thời thơ ấu với người cha làm nghề xe chỉ, cô tìm tơ để xe thành sợi. Cô nhớ lại cuộc sống làm thợ dệt, cô đã dệt nên loại vải cần để làm lều. Cô tự làm các cột dựng lều. Khi đã có mọi thứ sẵn sàng, cô gái cố gắng nhớ lại mọi chiếc lều mà cô nhìn thấy trong đời và xây nên chiếc lều đầu tiên ở Trung Quốc. Ngạc nhiên trước công trình của cô gái và trước lời tiên tri đã được ứng nghiệm, hoàng đế đề nghị giúp cô hoàn thành bất kỳ điều ước nào. Và cô gái có một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy ở miền đất mới. Cô nhận thấy rằng dù những cuộc phiêu lưu của cô ban đầu trông có vẻ đầy những gian truân bất hạnh, nhưng về sau cuối lại là thiết yếu cho hạnh phúc của cô. Tác giả kết luận: “Dù không phải dễ dàng để cân nhắc hoàn cảnh của mình từ một góc nhìn sâu rộng, nhưng điều thiết yếu là tìm thấy những điều tốt lành trong những tình huống nghịch cảnh khó khăn.”

Và trong những giai đoạn khó khăn như hiện tại, mình tự dặn lại lòng là phải biết tin tưởng, tin vào những viên gạch mình đã tích lũy trong quá khứ, tin vào những nền móng mình đã xây, và tin vào một tương lai mới, tốt đẹp và vững bền hơn.

So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something – your gut, destiny, life, karma, whatever. Because believing that the dots will connect down the road will give you the confidence to follow your heart even when it leads you off the well-worn path. And that will make all the difference.” Steve Jobs.

13 Replies to “Every step counts”

  1. Trà, tuổi trẻ hào hùng là đây đúng không ạ? Em nghĩ nên nghe bài “Một thời để nhớ” 🙂 hihi

  2. Strong mind set. LT

  3. Hiếu: à thực ra chị cũng không muốn lặp lại cái khoảng thời gian đau thương đó cho lắm em ạ, dù biết là nó cần thiết haha. Lúc đó self-worth với self-efficacy của chị cực kỳ thấp luôn. Giờ thì… hên xui :)))

  4. Nguyễn Thị Thơ says: Reply

    Cảm ơn bài viết của chị rất nhiều ạ. Em vừa hoàn thành cuốn tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của chị lần thứ 3 vào ngày hôm qua. Cảm giác mỗi lần đọc là mỗi lần nghiệm ra điều mới. Chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe ạ.

  5. Diễm Phúc says: Reply

    Hay quá chị ơi, em đọc mà hiểu hiểu lắm ạ hihii

    Em cũng mới vượt qua được khoảng thời gian khó khăn tương tự như câu chuyện của chị, em được thực tập ở một công ty mơ ước, làm việc với những người rất dễ thương, đồng chí hướng với mình. Thế nhưng, khoảng thời gian mấy tháng thôi mà đã làm em cực kì mệt mỏi, cả thể chất lẫn tinh thần, em cũng xém mất đi niềm tin vào năng lực bản thân, tự ti và sợ hãi mỗi khi em đi làm, và rồi em đã “may mắn” không được nhận vào làm chị ạ. Em nói may mắn là vì em đã tìm được con đường khác phù hợp hơn và nó đến đúng lúc. Khoảng thời gian đó giúp em học được nhiều về cách làm việc, giúp em nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của mình, và nơi nào, công việc gì mới là hợp với cá tính, sở thích của em 🙂

    Em hoàn toàn đồng ý với những điều chị chia sẻ, những trích dẫn cực kì hay và chuẩn với những gì em đã trải nghiệm qua chị ạ. Em có thêm niềm tin và mạnh mẽ, trưởng thành hơn sau những thử thách đó, dù phía trước có như thế nào thì em cũng sẽ quan sát bản thân để học hỏi thêm từ những điều đó, em tin mình đủ dũng cảm để lại vượt qua và hoàn thiện mình hơn chị ạ ^^

    1. Cảm ơn em nhiều vì đã đọc và chia sẻ câu chuyện của em với chị nhé. Những lúc mình cố gắng rất nhiều để có được một cơ hội nào đó, nhưng mà cánh cửa đó không mở ra với mình, hóa ra có khi lại là điều hay, vì mình có dịp nhận ra những cánh cửa khác phù hợp hơn, hoặc có những con đường ngả rẽ khác lại đưa mình đến những đích đến mà mình thích hơn em ha. Chúc em có những trải nghiệm đẹp với con đường phía trước nhé.

  6. phương nguyễn says: Reply

    em cảm ơn chị Rosie 🙂 Những gì chị tâm sự đã tiếp thêm niềm tin, thổi bừng động lực vào e v – cô bé đang gặp tình trạng “nghi ngờ khả năng bản thân” vì những thất bại gần đây, tuy e chỉ mới là học sinh :). Không biết có phải là “karma” hem nhưng quả thật, e thấy đọc được bài viết của chị vào đúng lúc đến kì lạ hihi <3

    1. haha, cảm ơn em đã đọc, chắc là có một năng lượng gì đó phù hợp, thời tuổi trẻ mình thường nghi ngờ bản thân lắm em, chị nghĩ do mình chưa đủ trải nghiệm, và cũng chưa hiểu rõ những năng lực, thế mạnh, những điều mình có thể làm hay giá trị mình có thể tạo ra. Từ từ mình học hỏi phát triển bản thân và làm được nhiều điều có ích hơn thì sẽ có thêm tự tin vào bản thân mình.

  7. Hay quá chị ơi.
    Ai cũng từng có một quãng đời tuổi trẻ đầy sai lầm và vấp ngã nhưng ít ai chia sẻ điều đó với người khác đặc biệt là với thế hệ trẻ, những đứa em, đứa con, đứa cháu của mình. chắc vì họ không dám hạ cái tôi của mình xuống, họ sợ kể sai lầm của mình ra rồi đến lúc quát con quát cháu nó không nghe hay sao ý. 🙂
    Hôm nay, đọc được bài chia sẻ của chị em cảm thấy thật ý nghĩa bởi vì em hỏi những người lớn xung quanh em về tuổi trẻ và những sai lầm của họ thì không ai trả lời. ngày trước, em chỉ mong một câu nói của người lớn xung quanh mình rằng “ngày còn trẻ anh/chú/bac/.. cũng như mày hôm nay vậy đó” thế mà chỉ toàn nhận lại toàn áp lực, nhận lại những câu nói đại loại như “mày phải cố gắng !” thế mà chẳng ai nói cho em biết là phải cố gắng như thế nào cả.

    1. Cảm ơn em nhiều vì đã chia sẻ cảm nhận nhen. Thực sự trước khi post bài này chị đã suy nghĩ là bài đã đủ sâu chưa, không biết có nên chia sẻ không.
      Nhưng sau khi đọc comment của em chị thấy có thêm động lực để viết tiếp và chia sẻ những điều mình đã học được thường xuyên hơn.
      Cảm ơn em lần nữa nhen.

  8. 🙂 🙂

  9. Nguyễn Dương says: Reply

    Chị luôn là niềm cảm hứng e tìm đến mỗi khi cảm thấy chán nản mệt mỏi với công việc, với cuộc sống và với những ước mơ còn dang dở. Thật sự cảm ơn chị rất nhiều. Chúc chị luôn khỏe mạnh để có thể tiếp tục truyền tới những người trẻ đã và đang trên con đường khám phá & phát triển bản thân nguồn năng lượng tuyệt vời nhé :3

    1. Cảm ơn em nhiều <3

Leave a Reply