Những đứa trẻ ở Toba

Ở thành phố Toba miền trung nước Nhật có một hòn đảo tên là Kamishima. Cư dân trên đảo từ nhiều đời nay vẫn còn giữ nếp sống truyền thống của nước Nhật, thuần hậu thật thà và gần gũi với thiên nhiên. Nhưng theo đà phát triển và hiện đại hóa, người dân dần dần di chuyển vào các thành phố lớn để sinh sống, đến nay dân cư ở đảo chỉ còn khoảng 300 – 400 người.

Ở Kamishima chỉ có một trường tiểu học duy nhất, với vẻn vẹn 15 học sinh. Trẻ con trên đảo hầu như chỉ giao tiếp với ông bà cha mẹ và hàng xóm xung quanh, những người biết chúng từ khi chào đời, nên họ hiểu tụi nhỏ ngay cả khi chúng không nói gì nhiều. Sau khi tốt nghiệp trường đảo phải chuyển vào đất liền để học tiếp trung học, các học trò này thường gặp khó khăn khi giao tiếp với những người lạ chưa biết rõ chúng. Chúng thường không biết cách thể hiện chính mình, ngại bày tỏ điều mình muốn nói, và chậm thích nghi với cuộc sống ở thành phố lớn.

Từ thực tế đó, mà ở Toba đã hình thành một chương trình độc đáo có tên gọi là Shimakko Guide. Shimakko Guide là một tour du lịch trong ngày miễn phí, nơi các em học sinh tiểu học từ 6 tới 11 tuổi sẽ dẫn du khách đi dạo vòng quanh hòn đảo, giới thiệu cho họ những địa điểm mà chúng yêu thích nhất ở Kimishima. Để thực hiện được tour du lịch này, các hướng dẫn viên nhí phải đi phỏng vấn những người lớn trên đảo, tìm kiếm thông tin, đọc các loại sách báo, tìm tòi nghiên cứu về lịch sử văn hóa của hòn đảo. Sau đó chúng sẽ lên kế hoạch tour, thuyết trình trước cả nhóm và phản biện lẫn nhau.

Mỗi năm, sẽ có những đoàn khách được tuyển chọn kỹ càng với số lượng hạn chế ghé thăm đảo để tham gia Simakko Guide. Một điều đặc biệt là tour du lịch này là một phần của chương trình chính khóa của trường tiểu học trên đảo, với sự hỗ trợ của ban giám hiệu, các giáo viên, và phụ huynh. Shimakko Guide trở nên nổi tiếng đến mức được nhiều nhà giáo dục, giới truyền thông đến tham quan. Câu chuyện về tour du lịch ngộ nghĩnh này cũng được đưa vào thành một bài học trong sách giáo khoa chính thức ở Nhật.

Năm nay, trong khóa học đào tạo lãnh đạo trẻ châu Á tại Nhật, tôi được vinh dự tham gia Shimakko Guide và được các hướng dẫn viên đặc biệt dẫn đi tham quan khắp đảo. Hòn đảo Kamishima được trời phú cho phong cảnh tuyệt đẹp. Những ngôi nhà nhỏ nhắn e ấp nép mình theo sườn núi, hướng nhìn ra bến cảng trong xanh. Con đường vòng vèo qua những bậc thang dốc đứng, đưa chúng tôi qua những đền đài Shinto, những tháp đồng hồ nhỏ, những bãi biển hoang sơ đầy những hình thù bằng đá kỳ dị, những di tích cũ bị thời gian làm xói mòn theo năm tháng. Trên điểm cao nhất hòn đảo, là một ngọn hải đăng đứng hiên ngang, nơi tôi thỏa sức ngắm nhìn biển cả mênh mông. Tôi hít thở những hơi dài không khí thoáng đãng của ngôi làng ven biển, cảm giác như đang sống trong khung cảnh một bộ phim nào đó của Ghibli.

Lũ trẻ khỏe mạnh khủng khiếp, mới 6 – 7 tuổi mà leo dốc thoăn thoắt khiến cả nhóm chúng tôi trèo theo muốn hụt cả hơi. Ở mỗi điểm tham quan, các em không những giới thiệu thông tin về địa điểm đó, mà còn bày trò chơi, đặt câu đố, nhảy múa minh họa trông đáng yêu khôn tả. Sau chuyến tham quan, chúng tôi được đưa đến tham quan ngôi trường tiểu học nơi chúng theo học, cùng trò chuyện giao lưu với các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh. Các lớp học nhỏ xinh với đủ loại học cụ đồ chơi sinh động, làm tôi lại liên tưởng tới trường học kỳ lạ của Totochan (1).

Nghe các phụ huynh kể chuyện, tôi mới biết rằng Shimakko Guide không những giúp trẻ con mà còn cả những người lớn trong làng hiểu và yêu thêm hòn đảo nơi họ đang sống. Tụi học trò tìm hiểu thông tin quanh mình, rồi kể cho cha mẹ chúng những điều mà họ cũng chưa từng nghe qua. Việc lũ trẻ đi vòng vòng hỏi chuyện người lớn trong làng cũng giúp thắt chặt thêm kết nối cộng đồng, làm người già – trẻ nhỏ thêm gắn kết với nhau.

Và cũng từ đó, mà người trong làng cùng nhau làm nên những điều không ai ngờ tới. Ví dụ, trước đây trên đảo có một lễ hội truyền thống rất nhiều người tham gia. Nhưng dần dần theo đà dân số ít đi, lễ hội cũng tàn dần theo năm tháng. Đến khi tìm hiểu về lịch sử hòn đảo, lũ trẻ thích quá, nên mới nài nỉ người lớn để cùng tổ chức lại lễ hội này. Thế là mọi người chung tay tạo nên lễ hội, khơi dậy không khí sôi động một truyền thống từng bị lãng quên, và lại thu hút thêm nhiều du khách ghé thăm hòn đảo.

Trong buổi trò chuyện, một phụ huynh chia sẻ, rằng trẻ con như những kho báu quý giá của ngôi làng này. Chúng là linh hồn, là sức sống vui tươi mạnh mẽ, là nguồn lực tinh thần gắn kết mọi người trên đảo. Với sự sáng tạo và trí tò mò của chúng, lũ trẻ còn giúp làm sống lại những giá trị văn hóa tưởng chừng đã mất. Cô hiệu phó trong trường cũng nói, việc đưa Shimakko Guide vào chương trình chính thức của trường như một phần của mô hình “holistic education”, tạm dịch là giáo dục toàn diện (2). Đằng sau Shimakko Guide chứa đựng rất nhiều tâm sức của mọi người trên đảo. Bởi tất cả các thầy cô, cha mẹ, ông bà ở làng điều biết rằng, những lũ trẻ này rồi một ngày kia thể nào cũng rời hòn đảo để chinh phục những bến bờ xa hơn. Nhưng họ mong rằng, dù cơ thể chúng có cách xa làng về mặt địa lý, thì trái tim chúng vẫn ở bên làng. Họ mong những vỉa đá, những tháp đồng hồ, những hải đăng, và cả hòn đảo yên bình này sẽ đọng lại trong ký ức tụi nhỏ, như một phần đẹp đẽ trong những kỷ niệm ấu thơ.

Sau buổi giao lưu, các em học trò dành tặng chúng tôi một màn đánh trống cổ truyền Nhật Bản. Khi ngắm nhìn những đứa bé khéo léo vung tay hòa từng nhịp trống, tự nhiên nước mắt tôi chảy dài vì xúc động. Cảm thấy mình đang được may mắn chứng kiến một điều đẹp đẽ. Ngạn ngữ châu Phi có câu: “It takes a village to raise a child” – cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Tôi cảm nhận được rằng người dân ở đây dành bao nhiêu tình cảm, tâm sức và tấm lòng để chung sức nuôi dạy những đứa bé này. Trẻ con ở đây không chỉ được chăm sóc dạy dỗ bởi cha mẹ chúng, mà còn bởi hàng xóm, bởi nhà trường, bởi thiên nhiên yên bình và cả cộng đồng xung quanh.

Điều tôi tìm thấy ở hòn đảo này, là một cộng đồng được kết nối chặt chẽ, một môi trường sống an toàn như những ngày xưa cũ. Đó là nơi mà tụi trẻ tự do đi học một mình, không phải đợi người nhà dẫn đi vì sợ tai nạn hay ai đó bắt cóc. Đó là nơi mà ai cũng biết ai, mọi người đều thân quen hiểu biết lẫn nhau. Nơi hàng xóm láng giềng gắn bó thân tình, nơi mọi người lớn trong làng cùng chăm sóc coi ngó lũ trẻ quanh làng, và coi chúng như con cái của chính mình. Cả một cộng đồng chung tay hợp lực, để lũ trẻ được trải nghiệm và lớn lên trong một không gian sống trong lành.

Nhưng nếu chỉ dừng ở đây, thì câu chuyện này còn chưa trọn vẹn. Đằng sau Shimakko Guide là óc sáng kiến và đam mê của người phụ nữ tên Kiku Ezaki. Cô là giám đốc đại diện của Kaito Yumin Club, một công ty du lịch sinh thái, đồng thời cũng là chủ tịch cộng đồng du lịch bền vững ở thành phố Toba. Trò chuyện với Kiku, tôi mới biết thêm về những góc nhìn, triết lý sâu sắc của cô về du lịch.

Toba trước đây vốn là điểm đến du lịch nổi tiếng của Nhật Bản. Nhưng du khách đến đây thường chỉ tập trung vào những địa điểm du lịch to bự nổi tiếng như aquarium, du thuyền, khu vui chơi hoặc khách sạn năm sao. Càng ngày, các tập đoàn du lịch lại tha hồ làm giàu, còn người dân bản địa thì bị khai thác lợi dụng mà không được trực tiếp hưởng lợi. Đối với Kiku, vẻ đẹp thực sự của Toba không phải nằm ở những điểm du lịch nhân tạo đắt tiền, mà lại ẩn giấu trong nếp sống con người, trong tự nhiên an lành, trong những góc hẻm mộc mạc nhỏ bé. Nên Kiku quyết định tiến hành làm du lịch sinh thái để phát triển cộng đồng ở thành phố.

Nhờ có kết nối chặt chẽ với người dân địa phương, mà Kiku có thêm ý tưởng cho các hoạt động du lịch bền vững. Cô thường đi thăm những hòn đảo quanh thành phố Toba, lắng nghe những người dân chài, người đánh cá, người trong làng kể chuyện. Cô để tâm tới những tâm sự, những khó khăn, hay cả những mối băn khoăn lo lắng của người dân bản địa. Và tình cờ cũng nhờ một trong những lần như thế mà cô nghĩ ra ý tưởng Shimakko Guide.

Trong một số chương trình sinh thái, Kiku thường đưa những đoàn học sinh tới tham quan tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân ở Kamishima. Lũ học trò thường đến từ các thành phố lớn, thấy cách sinh hoạt của người miền biển thì lấy làm lạ lùng lắm, nên đặt rất nhiều câu hỏi. Ngư dân trên đảo đa phần là người già, thấy tụi nhỏ hào hứng hỏi chuyện mình thì rất vui. Nhưng rồi các cụ giật mình suy nghĩ, rằng tụi trẻ con thành phố năng động dạn dĩ quá. Còn lũ con nít trên đảo này, chúng nó có đủ tự tin để trò chuyện với người lạ như thế không. Nghĩ thế, họ bèn nói chuyện với Kiku, và cô quyết định trò chuyện với các giáo viên trên đảo để tổ chức Shimakko Guide.

Nghe thì dễ dàng, nhưng để có một tour du lịch trong ngày do học trò tiểu học hướng dẫn miễn phí không phải là điều đơn giản. Nó cần có sự hợp tác của nhà trường, sự hỗ trợ của các thầy cô giáo để hướng dẫn học trò nghiên cứu thông tin và lên kế hoạch cho chương trình du lịch. Bên cạnh đó là gia đình, cần các phụ huynh hỗ trợ con mình tìm hiểu văn hóa và lắng nghe các ý tưởng mà chúng đưa ra. Kaito Yumin Club của Kiku thì phụ trách tuyển chọn du khách, và kiêm luôn đào tạo, huấn luyện cho lũ trẻ về kỹ năng hướng dẫn du lịch, cũng như kỹ thuật thuyết trình. Cuối cùng là cả cộng đồng ở đảo cùng nhau góp sức để chia sẻ, trả lời thông tin cho lũ trẻ.

Kiku diễn giải cho tôi từ du lịch trong tiếng Hán cổ, có nghĩa là: “Nhìn thấy ánh sáng”. Nên với Kiku, du lịch là khi người ta có thể nhìn thấy được ánh sáng trong lành của một vùng đất, của những con người, của một đất nước. Kiku tâm niệm rằng chúng ta không cần phải xây dựng thêm nhiều, không cần phải làm thêm cho to bự, chỉ cần tìm cách để bày ra những vẻ đẹp trong cuộc sống thường nhật, chia sẻ với người khách lạ những điều đẹp đẽ giản đơn. Bằng cách kết hợp giữa những điểm độc đáo có sẵn trong cảnh vật tự nhiên và văn hóa bản địa, cô tìm cách biến chúng thành nguồn lực để phát triển du lịch địa phương.

Kiku nhấn mạnh rằng mình làm du lịch sinh thái không phải nhằm mục đích để kiếm tiền, không phải để ngày càng tạo ra thêm nhiều lợi nhuôận. Triết lý của cô nằm ở con người, là làm cách nào để giúp đỡ những người dân trong vùng, vốn đã từng chung tay giúp gia đình cô vượt qua phá sản. Tư duy về du lịch sinh thái của Kiku là để vừa cải thiện cuộc sống của cộng đồng quanh mình, làm sống lại những truyền thống xưa cũ, và vừa phát triển thiên nhiên theo hướng bền vững. Nhờ giới thiệu với du khách những giá trị văn hóa của mình, mà người dân thêm tự hào và gắn bó với nơi mình thuộc về, thêm trân trọng và biết bảo tồn tự nhiên. Cũng nhờ thu nhập tài chính từ khách du lịch, nên người dân có thêm nguồn lực cho việc bảo tồn, và thêm động lực để nỗ lực để gìn giữ những nét đẹp tinh hoa bản địa. Đơn cử như tại Kamishima, nhờ những du khách tới tham quan và góp ý, mà người lớn trẻ con ở đây có ý thức để phát triển thiên nhiên bền vững hơn.

Chúng tôi chia tay những hướng dẫn viên nhí của Shimakko Guide vào một buổi chiều nắng trải vàng khắp đảo. Quà chia tay là “sea glass” – những mẩu thủy tinh nhiều màu đã được sóng biển mài mòn trong suốt như những viên ngọc óng ánh. Tàu dần rời bến, lũ trẻ đứng sát trên những tảng đá khổng lồ chắn sóng ngay gần cầu tàu, rối rít vẫy chào tạm biệt. Tôi đứng ở cuối tàu, nhìn theo những cánh tay nồng nhiệt giơ lên cho đến khi khuất xa tầm mắt, thấy dâng tràn trong tim một cảm xúc thật đẹp đẽ. Năng lượng sáng trong của những đứa trẻ, tấm lòng nồng hậu của người dân làng, và tinh thần hết mình vì cộng đồng ở Toba khiến tôi được truyền thêm động lực cho những nỗ lực phát triển giáo dục và du lịch bền vững ở quê hương mình.

(1) Totochan, cô bé ngồi bên cửa sổ là hồi ký của người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Nhật, và đại sứ của UNICEF Tetsuko Kuroyanagi. Câu chuyện kể về một ngôi trường được xây dựng từ những toa tàu, với triết lý giáo dục phi truyền thống, nơi cô theo học khi còn bé.

(2) Holistic education là một mô hình giáo dục thay thế, dựa trên triết lý rằng mỗi người tìm thấy danh tính, ý nghĩa và mục đích cuộc đời thông qua kết nối với cộng đồng, với thế giới tự nhiên, và với các giá trị nhân văn như lòng trắc ẩn hay sự bình yên.

One Reply to “Những đứa trẻ ở Toba”

  1. Hi chị, trong vài tháng trở lại đây em được nghe nhiều về câu chuyện văn hóa, về câu chuyện những người thiểu số đang ngày càng bị “Kinh hóa”. Khi được nghe chia sẻ, e mới có góc nhìn của mình về văn hóa một cách sơ khai nhất. Anh Q một học viên ASOD 8 kể với em, ở tuổi 30 a rời quê hương rời bản người Mường ở Mường Lát ra Hà Nội để bắt đầu hành trình tự học, bước đầu là ở ISEE. Anh tự ti khi cho người khác biết về mình là người dân tộc Mường. Nhưng anh ấy luôn nhận thức rõ về việc học cái mới về để phát triển vùng đất đó thay cho việc “nông thôn hóa” khiến bản sắc dân tộc bị hao mòn. Nhiều khi anh ấy băn khoăn về chuyện du nhập cái văn minh và việc giữ gìn bản sắc (có thể nói thì dễ nhưng làm không hề dễ). Một chị bạn của em đi chung cho cuộc gặp đó thì lại kể về việc ” sợi khói trắng của bữa cơm chiều từ nóc nhà bay vút lên trời cao, vô tình lọt vào mắt chị trong một buôn làng Mường nào đó mà chị đã từng đi qua, cảm giác được bao trùm trong linh khí khi ngủ 1 đêm trong ngôi nhà Mường. Và linh khí đó bị vỡ răng rắc bởi tiếng Karaoke chát chúa trong đêm thanh vắng, được hét lên từ 1 một nhà Mường nào đó”. Chính vì những câu chuyện văn hóa như vầy đã dẫn chị tới việc triển khai dự án “Sân khấu nhỏ Ibsen” ở độ tuổi 34 để hỗ trợ các bạn trẻ, nhất là những người nội tâm, yếu thế và thiểu số. Qua kịch nghệ các bạn hiểu được mình, hiểu được giá trị của văn hóa dân tộc mình từ đó các bạn thấy tự hào và khi tự hào rồi thì chắc chắn các bạn ấy sẽ có cách gìn giữ. Anh Q thì mới được ISEE duyệt 1 dự án hỗ trợ người Mường ở Mường Lát nhưng do thời gian eo hẹp nên e chưa có kịp hỏi về những gì anh ấy chuẩn bị làm khi có quỹ về.

    Khi tiếp xúc với 2 anh chị rất có tâm cho văn hóa, e thấy mình còn quá thờ ơ chuyện này và cũng chưa bao giờ nghĩ về điều ấy. Mỗi câu chuyện đi ngang qua là một sự buồn nhè nhẹ nhưng cũng vui vì gặp được các anh chị ấy những người vẫn rất tâm huyết. Gần đây, dự án “Làng Hạnh Phúc” của chị Giang với chị Đào Ngô ( người chủ của An Nhiên Farm) đã nảy ra đi từ xuất phát việc nhà của người dân tộc thiểu số ( e bị quên mất tên dân tộc) ở nóc Lâng Loan, Nam Trà My bị vào quy hoạch của chương trình nông thôn mới, bị bão lũ cuốn trôi. Nhà của nhà nước làm cho thì quả là người dân sống không nổi bởi xa dần thiên nhiên nơi họ coi là mẹ chứ ko phải tài nguyên, xa suối, xa rừng….. Em được nghe kể thôi mà thấy quá xót xa. Nếu được gặp a Trần Lương một nghệ sỹ một nhà phát triển cộng đồng của Sống Foundation, nghe a kể về những chuyện Sống đã làm trong 5 năm thì càng tuyệt vời, e hy trong VEPR c sẽ được gặp anh.

    Bản thân em chưa có làm được gì, nên tự thấy xấu hổ mà tìm hiểu đọc thêm về lịch sử cũng như văn hóa, hy vọng có thể bù đắp được những thời gian vừa qua. Cảm ơn c về bài viết.

Leave a Reply