Ghé thăm mô hình nông nghiệp bền vững ở Nhật

Trong vài năm gần đây, có không ít người trẻ quyết định “rời thành phố về quê” làm nông nghiệp. Có lẽ với ý thức về tự nhiên, môi trường và giá trị sống ngày càng nâng cao, ngày càng nhiều người nhận ra vai trò mang tính nền tảng của nông nghiệp. Vốn là một đứa nhà ở thôn quê, chân lấm tay bùn từ nhỏ, nên trước đây mình thấy ước mơ “trồng rau nuôi gà” chẳng có gì hấp dẫn. Đối với mình, nếu bỏ phố về rừng làm vườn cho vui trong khi tài sản có cỡ 1 triệu Mỹ kim trở lên thì cuộc sống có vẻ an nhàn thư thả. Còn nếu làm nông kiếm sống thì thôi, xin cảm ơn.

Vậy mà giờ này mình thay đổi hẳn. Trong chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ châu Á IATSS Forum tại Nhật Bản, mình may mắn được học được rất nhiều mô hình phát triển độc đáo của Nhật. Một trong những mô hình hay nhất là trang trại nông nghiệp bền vững mang tên Moku Moku Farm mà chúng mình vừa được ghé thăm hồi vài tuần trước.

Moku Moku được thành lập tại Iga, miền trung Nhật Bản hơn 30 năm về trước, xuất phát điểm là một nhóm 14 nông trại nuôi heo cùng hợp sức với hai nhà quản lý chống lại sự chèn ép của các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ phương Tây. Ban đầu, họ đầu tư vào hai sản phẩm chiến lược là giăm bông và xúc xích, tin tưởng rằng những sản phẩm cực kỳ chất lượng do các nhà nông lành nghề làm ra sẽ được thị trường ủng hộ. Sau ba tháng khởi sự kinh doanh, Moku Moku rơi vào khủng hoảng vì không bán được hàng. Nông trại lay lắt cố gắng lần hồi bằng các gói bán hàng khuyến mãi cuối năm, cho đến khi đạt được thành công thương mại đầu tiên, bằng cách mở các lớp dạy cách tự làm xúc xích sạch tại nhà theo nguyện vọng của khách hàng. Công việc kinh doanh trở nên phát đạt nhờ có tới hơn hai trăm người tham dự các buổi workshop, và mua về những sản phẩm có sẵn của Moku Moku làm quà.

Đến nay, Moku Moku đã có một mô hình kinh doanh cực kỳ toàn diện, với hệ thống đặt hàng từ xa với hơn 50,000 khách hàng thường xuyên, những nhà hàng chất lượng cao ở các thành phố lân cận, và một nông trại rộng hơn 14 hecta ở Iga tạo nên một tổ hợp bao gồm những khu nhà tranh đẹp như cổ tích dành cho khách đến nghỉ farmstay, các nhà hàng và cửa tiệm xinh xắn, các xưởng trại bò sữa, heo ngựa, khu trồng dâu tây, trồng lúa, trồng nấm, vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp vừa làm workshop trải nghiệm cho du khách ghé thăm.

Điểm đặc biệt của mô hình này là nó là một hệ thống tích hợp bổ sung lẫn nhau. Ví dụ, những khách hàng đến ăn ở các cửa hàng của Moku Moku tại Kyoto, Osaka, Nagoya có thể cảm thấy rất ấn tượng bởi thức ăn ngon, chất lượng và an toàn, thì có mong muốn đặt hàng rau quả tươi sống giao tận nhà, hoặc sau đó cùng gia đình bạn bè đến tham quan nghỉ dưỡng cuối tuần ở nông trại Moku Moku tại Iga chỉ cách đó một hai giờ lái xe. Hoặc ngược lại, khách đến Moku Moku vui chơi thấy thích đồ ăn ở đây quá có thể nảy ra ý định ghé đến các nhà hàng cùng hệ thống tại các thành phố gần đó để ăn thỏa thích rau quả sạch. Rồi khách đến nông trại quá thích sản phẩm của Moku Moku cũng có thể lựa chọn đăng ký làm thành viên câu lạc bộ Thiên Nhiên (hệ thống mail order), để được nhận miễn phí tạp chí nông gia có các tips về ăn uống lành mạnh, công thức nấu ăn và đặt hàng từ xa để cả gia đình được thường xuyên thưởng thức nông sản an toàn. Hoặc ngược lại, khách đặt hàng từ xa xong muốn ủng hộ nông nghiệp địa phương lại có thể ghé thăm nông trại. Cả ba lĩnh vực đều đóng góp vào sự gian tăng cho nguồn thu nông trại.

Moku Moku tận dụng triệt để lợi thế của cái mà người Nhật gọi là “The 6th Industrialization in agriculture”, nghĩa là, làm nông nghiệp không chỉ là trồng trọt cày cấy thông thường, (thường chỉ bán được nông sản thô với giá trị thấp). Thay vào đó, một cơ sở nông nghiệp sẽ kết hợp cả lâm nghiệp, thủy hải sản (primary industries), và các ngành công nghiệp từ sản xuất, chế biến thành phẩm và phân phối (secondary and tertiary industries), từ đó tích hợp thành một hệ thống hoàn chỉnh từ sản xuất tới tiêu dùng. Nên ở Moku Moku, từ một số loại nông sản cơ bản như gạo, dâu, cà chua, nấm, rau, vv người ta chế biến ra rất nhiều có rất nhiều sản phẩm, dịch vụ  đầu cuối và các loại trải nghiệm khác nhau. Nói chung đây là một mô hình không hề dễ dàng nhưng bền vững, toàn diện và thông minh, vừa nhằm mục đích tối đa hóa năng lực tiêu dùng, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng, vừa đẩy mạnh sản phẩm nông nghiệp, tăng lơi ích kinh tế cho nông trại và người nông dân liên kết với họ.

Nhưng điều sâu sắc thâm thúy Moku Moku là triết lý và tư duy của những người sáng tạo ra nó. Moku Moku không chỉ đơn thuần được tạo ra để bán nông sản kiếm tiền. “Mục đích tối thượng” của doanh nghiệp này là nhằm hồi sinh ngành nông nghiệp đang già cỗi ở Nhật. Cũng như tình trạng ở nhiều nơi khác trên thế giới, ngành nông nghiệp Nhật Bản đang gặp nhiều thử thách. Một trong những vấn đề cố hữu của ngành nông nghiệp các nước là hệ thống phân phối trung gian dài ngoằng ngoẵng với quá nhiều bên liên quan. Do đó, đa phần lợi nhuận sẽ rơi vào tay các thương lái, các tập đoàn bán lẻ kết sù, còn người nông dân thì phải bán nông sản mà họ khó nhọc làm ra với giá rẻ mạt. Mô hình của Moku Moku cắt hẳn các bên trung gian đó, cho phép người sản xuất kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Điều này giúp người tiêu dùng có được thực phẩm tươi ngon, an toàn, thông qua phương thức “from garden to table”. Mặt khác, mô hình này đặc biệt có lợi cho người nông dân, bởi Moku Moku cho phép người nông dân trong hệ thống của họ tự định giá sản phẩm của mình. Nhờ được tự chủ đưa ra giá bán, người nông dân có thể trực tiếp cải thiện thu nhập, cảm nhận được sự ownership trao quyền đối với sản vật mình tạo ra. Từ đó, chất lượng cuộc sống của nông dân trong cả một vùng xung quanh nông trại Moku Moku đều được cải thiện.

Triết lý độc đáo tạo nền tảng vững vàng cho hoạt động kinh doanh. Do vậy, không như những doanh nghiệp sản xuất và buôn bán nông sản thông thường, Moku Moku sáng tạo ra rất nhiều chương trình, hoạt động để giáo dục về thực phẩm (food education).  Họ có rất nhiều lớp học dạy làm bánh mì, làm đậu phụ, làm các loại bánh kẹo truyền thống Nhật Bản. Họ kết hợp với các trường học, dạy học sinh về cách chăm sóc loài vật, cách trồng cây, cách thu hoạch rau củ, để chúng chạm vào và cảm nhận những tạo vật trong lành đẹp đẽ của tự nhiên. Họ có các mảnh vườn cho người dân các khu lân cận thuê để trồng rau, vừa dạy về kỹ thuật nuôi trồng, vừa chia sẻ những triết lý truyền thống về nông nghiệp. Trong khu chợ nhỏ nơi bán nông sản tươi sạch hằng ngày, Moku Moku cho treo hình những người nông dân cùng các sản vật của họ đang bày bán, giúp người mua biết được thức ăn của mình đang đến từ đâu, làm tăng thêm tính kết nối với người làm ra nông sản. Qua nhiều hoạt động phong phú, nông trại này vừa chỉ cho khách hàng cách sử dụng óc sáng tạo và đôi bàn tay vào việc làm nông làm vườn, vừa cổ vũ việc tiêu thụ sản vật địa phương, vừa giúp thực khách biết trân trọng thức ăn và tiêu dùng có trách nhiệm.

Hôm ghé đến Moku Moku, chúng mình được trải nghiệm thu hoạch và thưởng thức nấm shiitake, một loại nấm hương Nhật có giá đến vài triệu đồng một kilogam. Buổi chiều, chúng mình được dẫn ra ruộng lúa, cấy mạ xuống cánh đồng dành riêng cho thành viên của chương trình lãnh đạo IATSS Forum. Đây là một hoạt động nhằm kết nối các thế hệ lãnh đạo khác nhau của IATSS Forum. Sau khi chúng mình cấy lúa vào mùa xuân này, đến mùa thu, các thành viên thuộc khóa sau của chương trình sẽ trực tiếp thu hoạch lúa chín. Lần đầu tiên trải nghiệm công việc làm nông thực thụ, nhiều bạn trong nhóm vừa lội bùn bì bõm vừa đùa giỡn í ới với nhau. Trời đang rủ xuống từng đợt mưa xuân nhè nhẹ. Mình cẩn thận gieo những nhúm mạ non xuống lớp bùn xám xịt, tự dưng cảm thấy trong lòng yên tĩnh một cách kỳ lạ. Những cây lúa non rung rinh trong gió lạnh, như những hạt mầm của hy vọng vừa được gieo lên. Mình chỉnh từng cụm cây non cho ngay thẳng lại, lòng thì thầm mong chúng sẽ lớn lên, khỏe mạnh, cứng cáp để chào đón các bạn học của khóa sau. Việc gieo từng nhúm mạ đều đặn, hết nhúm này tới nhúm khác, một cách cẩn trọng, chú tâm, tĩnh lặng, đem lại cho mình cảm giác bình yên của sự hiện diện trong hiện tại. Mình chợt nhớ về tuổi thơ êm đềm của mình ở một vùng quê nhỏ, về mùi rơm rạ, mùi đất và cánh đồng đã luôn váng vất trong những ngày ấu thơ. Chỉ qua một hành động cấy lúa giản dị, mình được gợi nhớ về cái cội nguồn gốc rạ của mình, lòng chợt khao khát sau này được trở về sống với ruộng đồng thôn dã.

Là một người có chuyên môn về truyền thông, mình không khỏi thán phục Moku Moku với cách thức họ sử dụng để truyền tải triết lý và thông điệp của mình. Người ở Moku Moku không cố sống cố chết để bán được hàng. Thay vào đó, họ tìm cách để kết nối với những khách hàng cùng chia sẻ chung giá trị và triết lý cuộc sống với mình. Với tạp chí thường kỳ hấp dẫn và những ấn phẩm nội bộ dành riêng cho hơn 50,000 thành viên câu lạc bộ Nature (vốn là các khách hàng sử dụng hệ thống đặt hàng từ xa), Moku Moku chia sẻ những kiến thức về nông nghiệp sạch, các công thức nấu ăn, câu chuyện những con vật, cái cây, những người nông dân trẻ trong trang trại. Bằng việc kết nối với khách hàng thông qua cảm xúc và câu chuyện, Moku Moku đã tạo được sự gắn bó chặt chẽ với những người tiêu dùng sẵn sàng trả mức phí cao cho nông sản sạch, tạo nên một lực lượng khách hàng trung thành ủng hộ cho sứ mệnh hồi sinh nông nghiệp của họ. Họ không nhằm chỉ bán sản phẩm, mà kể câu chuyện để kết nối bằng tinh thần.

Mặt khác, tuy cần khách hàng, như Moku Moku không chiều theo mọi yêu cầu của khách hàng, mà có lập trường riêng biệt. Ở Moku Moku, khách đến thăm sẽ không thể tìm thấy các loại nước ngọt có ga hoặc các thức uống giải khát có hại tương tự đang được bày bán tràn lan trên thị trường. Vốn hướng khách hàng tới lối sống xanh, sống chậm, Moku Moku nhất định không hy sinh giá trị của mình để chạy theo lợi nhuận. Nông trang này cũng tích hợp công nghệ hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng xanh cho hoạt động của mình, cũng như có những biển chỉ dẫn nho nhỏ về bảo vệ môi trường, hệ thống xu tích điểm để khuyến khích khách hàng tiết kiệm năng lượng khi ghé thăm nơi này.

Moku Moku là điển hình của mô hình nông nghiệp kiểu mới ở Nhật. Nơi đây có sự kết hợp giữa tri thức truyền thống và công nghệ hiện đại. Người ở nông trang này sử dụng các biện pháp nông nghiệp thuận tự nhiên, tạo ra một khu vực có thể tự cung tự cấp được nông sản sạch và tươi ngon. Nhưng họ cũng có hệ thống phân phối hiện đại để luân chuyển sản phẩm từ nông thôn ra thành phố, vừa giải quyết vấn đề lương thực vừa tạo nguồn thu tài chính bền vững. Họ cũng sử dụng công nghệ để tạo năng lượng thay thế, tận dụng mạng xã hội và các phương thức truyền thông mới để lan tỏa triết lý và thông điệp, kết nối với khách hàng bằng câu chuyện hấp dẫn. Hơn nữa, họ còn tận dụng hợp tác quốc tế, mở rộng cửa cho du khách, tình nguyện viên, các chuyên gia thế giới đến hợp tác và giao lưu để cùng đẩy mạnh phát triển mô hình thêm lên. Giáo sư Kazuhiko Takeuchi, người từng có thâm niên nghiên cứu và hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp tại các quốc gia châu Á đã nhận định: Mô hình Vườn Ao Chuồng truyền thống của Việt Nam rất hiệu quả về mặt sinh thái nhưng không bền vững về mặt kinh tế. Nhưng mô hình như Moku Moku đã kết hợp rất hiệu quả nhiều yếu tố khác nhau để tiến đến sự phát triển bền vững cả về ba mặt: kinh tế, môi trường và xã hội.

Một điều đáng lưu ý là để mô hình này thành công, cần có sự tham gia của những người dân bản địa vừa có hiểu biết về vấn đề vĩ mô, vừa có mong muốn cống hiến, để đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Cho nên hoặc là người nông dân phải thuộc dạng có học thức cao, hoặc cần có sự hợp tác giữa nông dân và các chuyên gia, các cấp quản lý, các NGO, cùng những cá nhân có năng lực tổ chức và quản lý tốt. Do vậy, việc thu hút những người trẻ vừa có nhận thức tốt, kiến thức chuyên sâu, kỹ năng cao, có kinh nghiệm về truyền thông, quản lý…, tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, để phát triển đội ngũ nông dân trẻ có học thức, trình độ và trách nhiệm với môi trường và xã hội là cực kỳ quan trọng. Tham quan Moku Moku, mình cứ ước gì những mô hình nông nghiệp bền vững như thế này sẽ được nhân rộng ở Việt Nam. Bởi nó vừa giúp nâng cao nhận thức về thực phẩm, môi trường, tạo kết nối với thiên nhiên, vừa đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân, và còn giúp phát triển kinh tế của nông dân cả một vùng lân cận.

3 Replies to “Ghé thăm mô hình nông nghiệp bền vững ở Nhật”

  1. Thái Nguyễn says: Reply

    Cách làm nông nghiệp và cách sống của người dân Nhật Bản thật đáng khâm phục, cảm ơn Rosie đã chia sẻ những điều thật thú vị và bổ ích.

  2. Em rất thích thú với câu chuyện này. Nhưng khi đọc xong em lại có một câu hỏi hiện lên trong đầu em, kiểu câu hỏi bộc phát trong giây lát là ” Liệu rằng cách tổ chức một xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới việc những hạt nhân xung quanh nó vận hành?”. Không hiểu sao tự nhiên em lại tò mò vậy. Cảm ơn chị về câu chuyện này.

  3. Hieu Duong says: Reply

    Sau khi đọc xong bài này, em tự nhiên nghĩ ra một câu hỏi trong tiềm thức :”Liệu rằng mô hình tổ chức một xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới việc phát triển cũng như cách làm việc của những vệ tinh quay quanh tổ chức đó?”. Khi mô hình sản xuất tập trung bị sụp đổ, những nước Đông Âu đã thay đổi mô hình qua mô hình khác nhưng không bao giờ theo kịp các nước Bắc Âu hay các nước đã đi theo việc áp dụng cơ chế vận hành của thị trường và hiện tại họ vẫn chịu rất nhiều những tác hại của mô hình sản xuất tập trung mặc dù đã cách đây nhiều thời gian. Khi mới đọc sơ qua một số cuốn sách gần đây thì hiện tại em mới chỉ đặt ra câu hỏi sơ khai như vậy.
    Nhưng em rất chi là thích câu chuyện này, cũng ngồi ước ao một xíu nữa đó ạ. Cảm ơn chị về bài viết.

Leave a Reply