Mùa hè ở Suzuka

Từ vài năm trước, cứ mỗi lần “ẩn tu” trong thiền viện, mình thường cài email tự động thông báo cho khách hàng, độc giả. Kiểu đại loại là mình đang trong khóa thiền kết hợp với digital detox, không có xài internet, nên không trả lời email của họ ngay được.

Có lần, một bạn làm trong công ty đối tác vui miệng kể lại cho mình, là cái email trả lời tự động đó đã lan truyền khắp cả văn phòng công ty bạn. Bởi vì đó là lần đầu tiên mọi người trong công ty nghe tới từ “digital detox”, nên những người nhận được email đều ngạc nhiên cười cả ồ lên. Và vì email của mình viết với giọng điệu ngắn gọn, tự tin và mạnh mẽ (như hồi giờ tính mình vẫn vậy), nên càng để lại ấn tượng sâu đậm. Thế là từ đó công ty bạn thường xuyên dùng nó để trêu chọc nhau. Hễ thấy ai chúi mũi vào điện thoại là những người khác là nửa đùa nửa thật: “Ê, mày phải digital detox đi nghe chưa”.

Khi nghe câu chuyện đó mình cảm thấy rất buồn cười, vì không ngờ mình lại vô tình đem đến nhiều niềm vui đến vậy : ))). Nhưng mình cũng hiểu được rằng không phải ai cũng thấy có cùng nhu cầu giống mình, được “ngắt kết nối” với các thiết bị điện tử và thế giới bên ngoài, đê tập trung vào những gì đang xảy ra bên trong và ngay xung quanh mình.

Vậy nên không cần phải diễn tả là mình đã ngạc nhiên và vui thế nào, khi ngay những ngày đầu tiên trong chương trình IATSS Forum ở Nhật Bản, những người tổ chức chương trình yêu cầu tụi mình có một thời kỳ digital detox ngắn, để chuẩn bị về thể chất, tinh thần và cảm xúc cho cả chương trình học tập.

IATSS Forum là một chương trình đào tạo lãnh đạo cộng đồng và trao đổi văn hóa được tài trợ bởi nhà sáng lập tập đoàn Honda, Soichiro Honda. Những người tham gia bao gồm 20 lãnh đạo trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á, (năm nay có thêm Ấn Độ), cùng nhau trải qua 55 ngày tại Suzuka, Nhật Bản.

Một trong vấn đề trong quá trình phát triển sự nghiệp của mỗi người là thường tập trung nhiều vào lĩnh vực chuyên môn của mình mà ít hiểu biết cần thiết ở các lĩnh vực khác. Một ví dụ đơn giản, một lập trình viên sau vài năm làm việc có thể rất xuất sắc trong chuyên môn của mình, và được cân nhắc đề bạt lên vị trí quản lý. Nhưng nếu không chuẩn bị trước, anh có thể hoàn toàn không được trang bị kỹ năng quản lý, điều phối hay lãnh đạo đội nhóm. Từ đó có khả năng là anh sẽ không thể hoặc không muốn thử thách chính mình với vai trò mới này.

Tương tự như vậy đối với những người có tiềm năng sẽ trở thành những người lãnh đạo tổ chức, cộng đồng hay cả một xã hội sau này. Nếu họ chỉ chú trọng vào kỹ năng chuyên môn và có tầm nhìn hạn hẹp trong lĩnh vực của mình, mà thiếu vắng đi kiến thức nền tảng ở các mảng xã hội khác, thì sẽ cực kỳ thiếu sót và nguy hiểm cho cả họ và cộng đồng. IATSS Forum được tạo ra một phần là để bù vào khoảng trống đó, bồi đắp hiểu biết về các vấn đề như triết học, văn hóa, ảnh hưởng của chính trị tới cuộc sống cá nhân, quá trình hiện đại hóa của Nhật Bản (tại sao nước Nhật đạt được những thành tựu như ngày hôm nay), quản lý rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm môi trường do tác động của phát triển nóng về kinh tế, xây dựng và phát triển cộng đồng, các mô hình nông nghiệp bền vững.

Thêm vào đó, chương trình còn được thiết kế với các dự án để tạo cơ hội cho người tham dự được trang bị và thực hành những kỹ năng vô cùng hữu dụng như kỹ năng điều phối và quản lý dự án, kỹ năng hợp tác với những người hoàn toàn khác mình, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa. Và trên hết, một điều mà mình cảm nhận rằng những người hoạch định chương trình gửi gắm, là mong muốn những cá nhân có tiềm năng lãnh đạo được làm dày thêm vốn hiểu biết đa văn hóa, để thấu hiểu và làm việc với nhiều người có các nền văn hóa khác nhau, tạo ra những hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, và mở rộng tầm nhìn dài rộng để phát triển lâu dài bền vững.

Hai mươi người bọn mình, những người đến từ các nền tảng gia đình, văn hóa, nghề nghiệp cực kỳ khác nhau, người là giáo viên dạy văn, người từng phục vụ trong không quân hoàng gia, người là phó giáo sư ở trường đại học, người làm quản lý dự án cộng đồng, người thì là chủ start-up về công nghệ, một bạn người Indonesia cũng viết sách như mình. Chỉ sau vài ngày, nhưng mình nhận ra rằng những bạn tham gia chung với mình đều có một điểm chung, là ai cũng đặc biệt theo cách riêng của họ. Mỗi người đều có những thế mạnh riêng và đã tạo được những giá trị trong công việc của mình. Và họ đều rất chủ động và nỗ lực để học hỏi, vượt lên bản thân mình. Mình vốn ngày thường ít giao du với người khác vì mình rất ghét small talk và những cuộc networking hời hợt. Nhưng ở IATSS Forum, mình được tạo môi trường để trò chuyện hăng say hàng giờ đồng hồ về giáo dục, tôn giáo, việc các giá trị gia đình đã hình thành con người hiện tại như thế nào. Cảm thấy được kết nối sâu sắc với người khác.

Và lại nữa, các bạn trong nhóm đa tài khủng khiếp, đa phần đều làm một hai nghề chính nhưng có nhiều dự án cộng đồng bên ngoài, lại rất chú trọng phát triển thêm các sở thích cá nhân. Nhiều người biết đàn, có người nói được nhiều ngôn ngữ, người thì là triathloner, người là yogi, trekker, hiker, vv. Với một người xem sở thích là một phần quan trọng để làm phong phú đời sống mỗi người như mình, rơi vào nhóm này mình thấy như cá gặp nước. Những cá nhân tài năng được hội tụ lại với nhau, cùng nhau trải qua các hoạt động được thiết kế chặt chẽ. Cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia các buổi học, các buổi thảo luận, làm việc nhóm, cùng tranh luận cãi nhau té khói rồi buổi tối cùng ngồi uống sake với nhau, rồi cùng nhau tiến hành các dự án học tập và văn hóa để về áp dụng với địa phương mỗi nước. Nói như một bạn tham gia cùng khóa với mình: “If this experience don’t change your life, then I don’t know what will”.

Thấm thoắt mà đã mười ngày kể từ ngày đầu tiên mình đến Suzuka. Cô Midori, một trong những người quản lý chương trình, bảo: “Có thể bạn cho rằng 55 ngày là dài. Nhưng thời gian ở IATSS có thể trôi đi nhanh như chớp mắt”. Quả là như thế.

Những ngày đầu chương trình được dành cho team building, làm quen với nhau, điều chỉnh để hòa nhập, chuẩn bị cho khóa học. Trong một trò chơi tập thể, khi mình bộc lộ là mình thường rất nghiêm khắc với bản thân, Midori đã quan sát cách mình làm việc nhóm, sau đó phản hồi lại cho mình. Chỉ bằng vài câu hỏi ngắn, cô đã chạm vào những tầng sâu cảm xúc mà mình đã bỏ quên bấy lâu, làm mình choáng váng vì xúc động.

Trong một phần thảo luận khó nhằn để đưa ra mục tiêu và kế hoạch hành động cho cả nhóm, Guo Jun, anh bạn từng phục vụ trong Không quân Singapore 9 năm, đã khiến mọi thành viên tâm phục khẩu phục vì kỹ năng lãnh đạo và điều phối xuất sắc của mình. Anh chia nhiệm vụ ra thành từng phần nhỏ có thể hoàn thành được, tạo không gian cho thảo luận và trao đổi, lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người, quan tâm tới những thành viên ít nói nhất, để bảo đảm là mỗi người đều có dịp đưa lên tiếng nói của mình. Rồi anh thường xuyên kiểm tra để chắc chắn rằng mọi thành viên đều hiểu rõ vấn đề và hài lòng với thỏa thuận chung được đưa ra.

Quan sát cách Guo Jun làm việc, mình nhận ra một điều rằng thuật lãnh đạo dựa rất nhiều trên nền tảng lòng tin. Lòng tin vào năng lực, kỹ năng, khả năng và kiến thức. Nhưng bên cạnh đó còn là niềm tin vào các tố chất, giá trị sống và nhân cách của người đứng đầu đội ngũ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Guo Jun đã chiếm trọn cảm tình của mọi người, bởi anh quan tâm tới từng thành viên trong nhóm, nhất là những người thường bị rớt lại phía sau. Cách nói chuyện của anh thể hiện sự chừng mực, nhẹ nhàng và khiêm tốn đáng kinh ngạc. Phong thái điềm tĩnh vững vàng, khuôn mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc trong những tình huống thử thách. Và ngoại hình, cách ăn mặc rất vừa phải, phù hợp cho từng hoàn cảnh khác nhau. Sau Guo Jun, các thành viên khác cũng có cơ hội thể hiện kỹ năng điều phối của mình, và mọi người đều học được ít nhiều từ các phong cách lãnh đạo riêng của từng người trong nhóm.

Trong tuần đầu tiên, tụi mình cũng được tham gia buổi chia sẻ của đại diện tập đoàn Honda, ghé thăm hữu nghị với thị trưởng thành phố, và được ban tổ chức cho ra mắt cộng đồng IATSS Forum trong một buổi lễ khai mạc khóa học rất mực trang trọng. Hầu như tất cả mọi người, kể cả người điều phối chương trình, đều bị sốc khi đại diện Honda lần đầu tiên tiết lộ chi phí trang trải cho mỗi thành viên qua hết khóa học. Số tiền bằng một chiếc ô tô Honda dòng cao cấp cực kỳ đắt tiền, tính ra chi phí đầu người trong hai tháng training xấp xỉ chi phí cho cả một khóa học thạc sĩ ở Châu Âu. Những người tài trợ và tổ chức thể hiện rõ thông điệp rằng: chúng tôi đang đầu tư vào bạn, chúng tôi trông đợi ở bạn, mong bạn hãy tận dụng thời gian, học hỏi thật tốt để trở về tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng.

Vì một phần công việc làm về media & communication của mình là influencer marketing, nên mình đã may mắn được trải nghiệm không ít những đặc quyền, đặc lợi. Những chuyến đi dạo bằng limousine, những đêm nghỉ dưỡng ở khách sạn năm sáu sao sang chảnh, gặp gỡ bộ trưởng, thứ trưởng các nước và những nhân vật thành công nổi tiếng khác nhau. Nhiều khi, như thể mình bị “làm hư” bởi những quyền lợi được hưởng, đến nỗi trở nên thờ ơ và coi những gì mình có là đương nhiên. Nhưng trong những hoạt động của chương trình lần này, với mỗi cuộc tiếp xúc, trò chuyện, trải nghiệm, mình đều cảm thấy một lòng biết ơn và cảm động sâu xa. Vì mình cảm nhận được những người tổ chức đã nỗ lực và đặt nhiều tâm sức đến thế nào mới làm được những điều như thế mình thấy được cái tâm sức, sự tận tâm, nhiệt tình, chuẩn bị tỉ mỉ và thận trọng cho cả hành trình học tập của tụi mình được thông suốt.

Bài giảng đầu tiên của tuần đầu là bài giảng mang tính chủ đề, về các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Nếu có một từ để tóm gọn cảm xúc của mình với bài giảng này thì đó là eye-opening. Dĩ nhiên trước đây mình có nghe tới SDGs, nhưng mình không hiểu và không mấy quan tâm. Nhưng bài giảng lần này khiến mình hiểu được các mục tiêu đó là gì, tại sao phải có các mục tiêu đó, các mô hình phát triển vĩ mô ứng dụng vào đời sống thực tế, và mối liên hệ cực kỳ mật thiết giữa các mục tiêu phát triển bền vững với cuộc sống của mỗi cá nhân, của từng cộng đồng và cả xã hội. Người phụ trách là một giáo sư hàng đầu về phát triển, một nhà khoa học với những lý thuyết và nghiên cứu mang tính đột phá, sử dụng các phương pháp khoa học để giải quyết trực tiếp các vấn đề cuộc sống. Ở ông là một con người bao hàm một bầu trời của cả kiến thức học thuật và trải nghiệm thực tế, đưa ra tầm nhìn mang tính toàn cầu, nhưng thực thi giải pháp để tạo ra thay đổi tích cực ở từng địa phương một.

Các bài giảng và hoạt động của IATSS Forum thể hiện trực tiếp tinh thần của chương trình. IATSS Forum có chủ ý không dạy lý thuyết suông về lãnh đạo, hay đưa ra một định nghĩa cụ thể rằng lãnh đạo phải là gì và như thế nào. Mà họ đưa ra những nguồn lực phong phú về kiến thức và kinh nghiệm, tạo không gian và môi trường an toàn về tinh thần để mỗi người được tiếp tục phát triển thế mạnh và khắc phục điểm yếu của mình, được thử và sai trong những dự án đội nhóm, được gặp gỡ và học hỏi từ những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực từ kinh tế tới môi trường, được mentor, được hợp tác, được feedback và học hỏi lẫn nhau.

Không biết có phải vì mình cảm thấy cực kỳ phù hợp những tinh thần và triết lý của IATSS Forum hay không, mà khi vào chương trình mình thấy mình khác hẳn. Mình sôi nổi tham gia các hoạt động đội nhóm hơn, mình hăng hái đóng góp ý kiến, mình biểu lộ cái con người đầy cảm xúc, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Và mình tự nhiên tình nguyện đăng ký làm điều phối chính của sự kiện trao đổi văn hóa Asean Nhật Bản. Vốn bình thường mình khá trầm lắng và ít khi nào chủ động đăng ký nhận lãnh vai trò điều phối hay quản lý. Nhưng không hiểu sao lần này, mình cảm thấy rất tự tin và thoải mái nhận lãnh những vai trò mới để thử thách bản thân mình.

Nhận nhiệm vụ rồi mình mới thấy nó hoàn toàn khác với những lần làm co-ordinator trước đây.  Mỗi cá nhân trong nhóm đều rất xuất sắc, đều có khả năng vạch kế hoạch, đưa ra ý tưởng và tự tiến hành toàn bộ dự án từ đầu tới cuối. Để những người như vậy kết nối chân thành với mình, đặt lòng tin của mình, chịu nghe theo ý tưởng của mình và cùng nhau hợp tác tiến tới một mục tiêu chung không phải dễ dàng gì. Một bạn trong nhóm hỏi: “Bạn có lo sợ không, khi nhận lãnh một trách nhiệm to lớn như thế”. Bình thường khi quyết định điều gì thì mình chỉ cứ thế mà hành động thôi, ít khi do dự hay lo sợ. Còn nếu trong quá trình làm, có cái gì mà mình không biết, thì mình sẽ học để làm cho bằng được cái đó. Cách tư duy của mình là thế. Nhưng câu hỏi của bạn làm mình tự nhiên giật mình và  đâm ra nghĩ ngợi: Ủa, mình có nên lo sợ không, bộ vai trò đó lớn lắm hả. Và buồn cười là mình bắt đầu trở nên rất lo âu và hồi hộp. Vì mình nhận ra áp lực và kỳ vọng mà các thành viên trong nhóm đặt lên người điều phối là mình. Họ chưa tin tưởng mình đủ nhiều, mà mình cũng chưa thể hiện được bản thân mình đủ để được tin tưởng.

Nên khỏi phải nói là những ngày qua mình cảm thấy mệt mỏi và áp lực thế nào. Ở trong một đội nhóm mới, cảm giác hơi bị quá tải cả về thể chất lẫn tinh thần, lịch trình hoạt động liên tục không ngơi nghỉ từ 8 giờ sáng tới 9 giờ tối. Và phải đối diện với một mớ hỗn độn những cảm xúc không dễ chịu liên tục trồi sụt trong mình. Mình hồi hộp đến nỗi trước mỗi lần đứng trước nhóm để trình bày hay thuyết trình gì đó là mình lại đỏ bừng mặt và lắp bắp một cách tệ hại. Nhưng mình đã tự nhủ là mình là một đại diện của Việt Nam trên sân chơi quốc tế, nhớ tới trách nhiệm của mình với cộng đồng của mình, nhắc lại lý do mình có mặt ở đây, để tiếp tục nỗ lực khắc phục những điểm yếu của mình, và tiếp tục tiến lên. Đến đầu tuần này, khi mình ngồi đến hai giờ sáng để làm bản kế hoạch tổng thể cho chương trình trao đổi văn hóa, và tối ngày hôm sau trình bày rõ ràng cho cả nhóm nghe, thì mới cảm thấy đỡ hơn.

Buổi tối muộn, mình quyết định xả hơi chút đỉnh, bèn dành thời gian đi tắm onsen. Sau những phút ngâm mình thoải mái trong hồ nước nóng ngoài trời đầy thư giãn, mình lững thững đi bộ về. Trên đầu mình, mặt trăng tròn tỏa ánh sáng dìu dịu. Không khí dịu mát. Tiếng đoàn tàu chạy rì rầm ngoài xa. Và ngay trước mặt mình, một chiếc lá vàng bỗng rời cành chao nghiêng nhè nhẹ, và khẽ khàng đậu xuống mặt đất. Mình mỉm cười một mình, hít vào đầy lồng ngực bầu không khí trong lành của một đêm mùa hè ở Suzuka. Thấy mình như đang sống trong một giấc mơ đẹp. Mỗi ngày trôi qua là một phước lành, với bao nhiêu trải nghiệm mới mẻ, những điều mới để học, những hoạt động mới để làm, khiến lòng mình tràn ngập cảm giác trân trọng và biết ơn.

Mình biết rằng, dù hiện tại đang có những khó khăn, nhưng hành trình này với IATSS, giống như cô Midori nói, sẽ giống như một chuyến hải trình. Có những ngày đẹp trời, trời xanh, mây tạnh, ai cũng cảm thấy tuyệt vời và muốn giây phút này kéo dài mãi mãi. Những cũng sẽ có những thời khắc khó khăn, những cơn giông bão, khi thuyền gặp sóng lớn, đến nỗi muốn bật khóc bỏ cuộc, đến nỗi không còn muốn tiếp tục chiến đấu cùng những người bạn đồng hành nữa. Nhưng nếu tiếp tục, chuyến đi này rồi sẽ thay đổi mỗi người trên hải trình, giúp họ có được những tầm nhìn mới, những phiên bản mới, thoát khỏi những khuôn mẫu cũ kỹ và kiến tạo nên những tương lai tươi mới cho bản thân mình.

Đó sẽ là một hành trình đẹp đẽ.

Notes:

1/ Cảm ơn em Uyên đã giúp chị tin vào kỹ năng lãnh đạo của mình. Cảm ơn Han Young đã chỉ chị cách cấu trúc một bài luận chặt chẽ. Cảm ơn em Diễm đã tận tình hướng dẫn tips phỏng vấn. Đa tạ Phúc Huỳnh đã bỏ thời gian làm mock interview giúp em bớt run. Và cảm ơn bạn Tiên vì đã động viên và hỗ trợ trong quá trình mình nộp đơn.

2/ Post này không có ý định quảng cáo, chỉ là cảm nhận của mình về chương trình. Nhưng nhân tiện nói luôn, chương trình đang mở đơn đăng ký cho đợt đào tạo lãnh đạo năm 2020, deadline vào 30/6. Bạn nào có hứng thú có thể xem thêm chi tiết tại https://www.facebook.com/IATSSForumVietnam/ hoặc https://www.iatssforum.jp/en/.

Leave a Reply