Có một chuyện này mình muốn kể từ lâu rồi. Đó là hồi mùa hè năm vừa rồi, mình có dịp đi học ở một ngôi trường đặc biệt, Trường Hè Khoa Học Việt Nam. Nghe tên có vẻ khá học thuật, nhưng trường hè đem đến khá nhiều thông tin và kiến thức hữu ích cho cuộc sống thường ngày, như tư duy phản biện, cách đào sâu nghiên cứu một đề tài, tri thức đến từ đâu, cách tư duy khoa học, và trên hết là tinh thần học hỏi, hoàn thiện chính mình và vươn lên trong cuộc sống.
Với những bạn chưa biết, đây là một sáng kiến của một nhóm các nhà khoa học trẻ nhằm lan truyền đam mê với khoa học tự nhiên và xã hội. Trường hoạt động hoàn toàn phi lợi nhuận, tức là chỉ cần nộp đơn và được chấp nhận, thì bạn sẽ được bao ăn ở, học hành trong suốt khóa học và còn nhận được quà, sách và nhiều thứ khác đem về. Một số bạn khó khăn còn được học bổng tài trợ cả chi phí đi lại tới Quy Nhơn nữa. Học viên trong trường hè có độ tuổi và chuyên môn cực kỳ đa dạng, học, sinh viên, giáo viên, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên viên truyền thông, và cả tác giả sách (là mình, hehe). Những điều mình học hỏi và quan sát được đầy ắp, từ những bài giảng, các hoạt động, và cả những quan điểm và xu hướng của giới trẻ.
Trường hè được tổ chức ở Quy Nhơn quê mình. Quy Nhơn, cái thành phố nhỏ bé hiền lành và lại sôi nổi náo nhiệt theo một cách riêng của nó, thực sự khá phù hợp để tiến hành những chương trình như thế này. Trường hè “đóng đô” tại trung tâm ICISE ngay trên một bãi biển đẹp tuyệt tại Ghềnh Ráng. Trước đây mỗi lần đi xe khách về quê mình nhìn qua chỗ đó, cứ tưởng là resort nào mới xây không, vì thiết kế quá hiện đại và sang trọng. Trung tâm khoa học hoành tráng đẹp đẽ này được xây dựng bởi vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân.
Giáo sư là người sáng kiến ra chương trình Gặp gỡ Việt Nam. Tên nghe có vẻ hơi bình dân này thực ra là một ý tưởng đầy sáng tạo. Nó khởi nguồn từ một thực tế là các nhà khoa học và nghiên cứu thường gặp nhau qua các hội nghị hội thảo đầy hình thức trang trọng. Nhưng giáo sư nảy ra ý tưởng kết nối những người tài năng trong lĩnh vực học thuật thông qua những hoạt động gần gũi hơn, ví dụ tổ chức các chuyến đi nghỉ ngắn ngày cùng các nhà khoa học khác. Buổi sáng họ có thể có các chương trình đàm luận nghiêm túc về các vấn đề khoa học, thời gian còn lại trong ngày họ có thể cùng nhau đi leo núi, trượt tuyết, tắm biển, câu cá, rồi nấu ăn và sinh hoạt chung với nhau. Chính những hoạt động thư giãn và những cuộc trò chuyện ngoài lề này đã kết nối, tạo thành những mối thân tình trong khoa học, giúp họ nảy sinh ra nhiều ý tưởng mới và hợp tác cùng nhau trên nhiều lĩnh vực khác và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khoa học. Chương trình đầu tiên của giáo sư được tổ chức ở dãy Alps cùng với các đồng nghiệp Pháp, sau đó đã thu hút nhiều nhà khoa học quốc tế, trong đó có một số người từng đoạt giải Nobel (mà mình đã quên tên). Và trung tâm ICISE là một phần trong những nỗ lực kết nối các nhà khoa học nổi tiếng thế giới với Việt Nam, truyền lửa và kích thích để xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại tại Việt Nam. Chuyện về giáo sư Trần Thanh Vân thì bạn có thể xem thêm trong bài này: https://tuoitre.vn/giao-su-tran-thanh-van-nguoi-gieo-mam-ben-bi-20190201090012679.htm
Trở lại với trường hè khoa học Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu khóa học, mình đã cảm thấy ấn tượng bởi phong cách thân thiện, sôi nổi của các anh chị giảng viên. Họ lên giảng đường ăn mặc giống như đi dạo biển, kể những câu chuyện sống động và hài hước về những đề tài mà trước giờ mình vốn chưa hề quan tâm, và làm mình cực kỳ thích thú. Bên cạnh đó là không khí thoải mái và cởi mở cho việc thảo luận, phản biện. Chuyện giảng viên đang nói, có bạn nào đó giơ tay đứng lên phản đối quan điểm của giảng viên là chuyện hoàn toàn bình thường và được khuyến khích. Từ môi trường cởi mở đó, mà có rất nhiều vấn đề được trao đổi và làm rõ, đem lại nhiều góc nhìn thú vị.
1/
Một trong những môn của ngày đầu tiên nói về nhân quả trong khoa học. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, người hướng dẫn đề tài này, đưa ra một loạt các bài báo với các kết luận ví dụ như thanh thiếu niên sẽ cư xử tệ hơn nếu bị la mắng, trò chơi mang tính bạo lực làm tăng nguy cơ phạm tội, hay chạy bộ giúp kéo dài tuổi thọ, và hỏi những bài báo này có điểm chung gì. Từ đó, anh đưa ra sự khác nhau căn bản giữa mối quan hệ tương quan và nhân quả, và mở rộng ra các thảo luận để tư duy, phản biện những sự thật khoa học thường bị bóp méo dễ gây hiểu nhầm trên các trang báo mạng, hoặc để phân biệt được thông tin nào có tính xác thực cao, thông tin nào cần nghi ngờ kiểm chứng.
Cùng với bài giảng của tiến sĩ Ngô Đức Thế về tư duy phản biện, mình thấy rằng những học phần này cực kỳ bổ ích cho người trẻ để giữ được cái nhìn tỉnh táo và khả năng phân tích kiểm chứng thông tin, để không bị dắt mũi trong thời đại ồ ạt giữa các nguồn thông tin và quan điểm trên mạng xã hội hiện nay.
2/
Bài giảng truyền cảm hứng nhất cho mình là bài giảng của TS Lê Thị Nguyệt Minh về phụ nữ trên con đường học thuật và nghiên cứu khoa học.
Chị kể về lúc chị đang làm nghiên cứu sinh ở MIT thì mẹ chị bị bệnh thoái hóa thần kinh vận động (giống như Stephen Hawking). Vì các bác sĩ tuyên bố mẹ chị chỉ sống được vài tháng nữa, nên chị bỏ học về nhà chăm mẹ. Nhưng giáo sư hướng dẫn của chị trong chuyến sang Việt Nam đã ghé thăm nhà chị và bảo bố mẹ chị: phải cho cháu tiếp tục đi học. Chị sang Mỹ, chuyển hướng sang nghiên cứu về thần kinh để mong tìm ra thuốc chữa giúp mẹ. Nghiên cứu của chị vẫn đang tiếp tục, và trong quá trình nghiên cứu, chị được gặp rất nhiều bác sĩ đầu ngành, họ ghé đến tận nhà chị ở Hà Nội khám cho mẹ chị, tài trợ cho mẹ chị nhiều loại thuốc cực kỳ đắt tiền. Và giúp mẹ chị sống đến tận bây giờ sau mười mấy năm. Trong quá trình nghiên cứu chị cũng trải qua rất nhiều gian nan thử thách khác trong việc cân bằng giữa khoa học và cuộc sống gia đình, giữa một môi trường rất nhiều nam giới.
Khi nghe bài nói chuyện của chị mà mình rưng rung xúc động. Cảm giác cực kỳ khâm phục nghị lực kiên cường của chị, cùng những nỗ lực lớn để vừa cống hiến cho khoa học, vừa hoàn thành những mục tiêu về gia đình. Chị có nói về những lý do phụ nữ luôn luôn nên nỗ lực trong việc phát triển con đường học vấn và tri thức, vì con trẻ trong gia đình chịu nhiều ảnh hưởng của mẹ. Một người mẹ nỗ lực học tập là một tấm gương sáng cho con cái noi theo. Cùng với chị, TS Nguyễn Đức Dũng cũng chia sẻ về mẹ của anh. Khi anh còn nhỏ thì mẹ anh đang hoàn thành chương trình đại học, lúc anh lớn lên thì mẹ anh lại tiếp tục đi học sau đại học. Rồi hình như sau đó lại còn định học thêm lên nữa, bất kể quan niệm truyền thống là phụ nữ học cao thì khó khăn cho gia đình. Anh bảo có thể người mẹ truyền cho mình cái “gene” ham học hay sao đó, mà anh cũng luôn tiến lên mãi trong sự nghiệp nghiên cứu của mình.
Bản thân mình cực kỳ đồng cảm với những chia sẻ này. Vì mình cảm nhận rằng bản tính ham học ham trải nghiệm của mình cũng được thừa hưởng phần nào từ má. Má mình giờ đã gần 60 mà vẫn hăng hái đi học, vào lớp học kỹ năng chung với bọn trẻ đôi mươi, vượt qua những giới hạn của bản thân mà học tiếp. Bây giờ, mặc cho một số người dị nghị là ăn theo đua đòi, nhưng má vẫn xách xe đi học bơi, tự học để quay phim, chụp ảnh, làm clip các thứ. Với một người mẹ như vậy, mình thấy không có cớ gì để còn trẻ như mình mà lại chịu đứng yên.
Thông tin thêm về chị Minh ở đây: https://duhoc.dantri.com.vn/du-hoc/nu-tien-si-viet-va-tran-tro-noi-xu-nguoi-1372023691.htm
3/
Khóa học có một bài giảng về đạo văn và đạo đức học thuật của Tiến sĩ Đặng Văn Sơn. Anh đặt ra câu hỏi: “Viết lại hoàn toàn một đoạn phân tích trong sách giáo trình vào bài thi có được coi là đạo văn không”. Một bạn sinh viên học luật đứng lên phát biểu và dẫn chứng về luật để đưa ra kết luận: chuyện đưa những phân tích trong sách vào trong bài thi không phải là đạo văn. Bạn nói những ý trong giáo trình là khái niệm, nguyên tắc, định nghĩa thì chép lại không vấn đề gì.
Giảng viên lại đưa ra câu hỏi khác: “Chép nguyên văn một đoạn trong sách văn mẫu vào bài tập làm văn thì có bị coi là đạo văn hay không?”
Một bạn học sinh trung học đưa ra ý kiến: “Đó không phải là đạo văn, bởi vì chuyện đó hợp pháp. Sách văn mẫu được in ra để chép, và trong trường học chuyện chép văn mẫu là rất bình thường và được khuyến khích. Nếu chuyện đó bị coi là đạo văn thì cả em và xung quanh em ai cũng đạo văn cả.”
Cả hội trường vừa cười vừa vỗ tay. Mình cũng cười, mà là cười buồn. Em nhỏ bị nhầm lẫn giữa điều bình thường và điều đúng đắn. Điều bình thường và ai quanh mình cũng làm chưa hẳn là đúng. Và ngay cả điều hợp pháp ở Việt Nam chưa chắc đã hợp pháp ở nước khác. Vả lại, ngoài thước đo luật pháp thì còn có cả thước đo đạo đức và thước đo truyền thống văn hóa. Còn bạn sinh viên luật thì lại bị nhầm lẫn giữa việc trích dẫn và diễn đạt lại ý tưởng của người khác. Cho đến khi một bạn khác (du học sinh Mỹ) cho rằng cả hai trường hợp đều là đạo văn thì giảng viên mới gật đầu đồng ý.
Rõ ràng ý thức về đạo văn của một số bạn trẻ Việt Nam rất kém, có lẽ vì họ không được giáo dục về đề tài này. Họ không phân biệt được kiến thức phổ quát vốn không cần trích dẫn, với những phân tích suy luận vốn là ý tưởng riêng của tác giả và cần được ghi lại nguồn dù có trích dẫn hay diễn đạt lại hoàn toàn bằng ngôn ngữ của mình (paraphrasing). Tuy vậy, cũng không phải là chỉ có du học sinh Mỹ như bạn trả lời đúng thì mới có cái nhìn đúng đắn về đạo văn. Mình thấy không ít bạn khác trong trường đều có được câu trả lời đúng, vì có tìm hiểu cẩn thận và nghiêm túc về đề tài này. Chỉ có điều họ ngại không muốn phát biểu ý kiến. Chốt lại là dù đi học ở đâu thì nỗ lực tự giáo dục thì mình vẫn tìm được chân lý.
4/
Bài giảng mà mình cảm thấy là có ích và mang tinh ứng dụng nhất với mình là phần chia sẻ về việc chuẩn bị đi du học của Tiến sĩ Lưu Quang Hưng. Cách chia sẻ của anh rất giản dị, chân thực và gần gũi, cho tụi mình thêm những thông tin và kiến thức rất bổ ích phù hợp cho quá trình nộp đơn và chiến lược du học. Anh còn nhiệt tình hết sức, ngồi xem, góp ý và thậm chí còn thử giúp chỉnh lại CV một cách tỉ mỉ để giúp học viên nắm bắt rõ hơn về cách trình bày thông tin trong hồ sơ của mình. Nhìn ảnh sửa mình thấy phục má ơi luôn vì ảnh làm rất gọn gàng, nhanh lẹ, cách sử dụng từ ngữ chuẩn xác làm cho hồ sơ sáng hẳn lên. Anh Hưng vừa thân thiện vừa chân thành, lại hiền và dễ thương. Nên là mấy bạn nữ hay thì thầm là nhiều người bị rung rinh say nắng vì ảnh haha.
Mình gặp anh Hưng có một lần ở trường hè, sau này không có dịp gặp nữa. Mà cũng từ dịp đó đến nay, mình có theo đuổi một dự án dài hơi, mỗi lần có việc cần nhờ anh thì anh đều giúp. Mà cái việc mình nhờ thì không nhiều người có thể giúp và càng ít người có khả năng giúp lại sẵn lòng đưa tay hỗ trợ, do nó mệt não và tốn quá nhiều thời gian. Vậy mà lần nào nhắn, anh cũng nhiệt tình: Sure em ơi, không sao em ơi. Cảm giác như mình đang ngập trong một vũng bùn lầy lội mà có người đưa tay ra kéo lên vậy đó. Mà mình biết là ảnh đã cũng giúp nhiều người khác trước mình lắm rồi. Nên mỗi lần nghĩ về trường hè, mình lại liên tưởng tới sự tử tế, chân thành và nhiệt tâm hết lòng của ảnh.
5/
Ở trường hè, mình không những được học từ các anh chị giảng viên mà còn từ các bạn tham dự. Năm mình học chất lượng học viên nghe bảo là rất cao. Có bạn mới đậu vào MIT của Mỹ, có bạn mới được học bổng Chevening, bạn khác thì học bổng Australia Aid. Nhiều người là du học sinh từ các nơi về. Các bạn cũng có những kỹ năng và hiểu biết hoàn toàn mới lạ đối với mình. Ví dụ, có một số bạn sử dụng LaTex, rồi có bạn còn xài SPSS như gió, má ơi mấy cái đó là cái gì vậy. Rồi nhiều em mình thấy kỹ năng phân tích vấn đề cực kỳ tốt, khiến mình thấy mình phải học tiếp, phải cố gắng, phải nỗ lực tiếp tục, chớ nếu không chắc chẳng mấy chốc sẽ bị tụt hậu dài dài so với lớp đàn em hậu sinh khả úy này.
Tụi mình cũng được mài giũa cọ xát và trao đổi với nhau nhiều qua bài tập nhóm. Trong hoạt động nhóm thể nào cũng có những thành phần khác nhau, đứa nói rất nhiều và không làm gì, đứa nói rất ít và lăn vào làm, đứa vừa nói giỏi vừa làm giỏi (khá hiếm), và đứa không nói chi nhiều cũng không chịu làm gì haha. Trong buổi trình bày kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm, có những bạn mới mười tám đôi mươi đứng lên thuyết trình đầy tự tin và thuyết phục, khiến mình thấy khâm phục dã man. Cũng vui vui là nhóm mình năm đó dành được giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học trong số mười mấy nhóm, công lao chủ yếu thuộc về mấy em nhỏ năng động giỏi giang trong nhóm. Mình không đóng góp gì mấy. Cơ bản mình cũng hơi chậm trong môi trường mới. Nhưng thật vui là khi bắt đầu làm quen và trò chuyện được với nhiều người, nghe được nhiều câu chuyện đẹp, và biết được nhiều bạn giỏi giang dễ thương trong trường.
Vui một chuyện là trong trường hè, quan niệm và thế giới quan của các bạn cũng khá chênh nhau. Ví dụ trong bài giảng của anh Ngọc Anh, trong lúc mọi người đang căng não suy nghĩ rồi tranh luận là tại sao chạy bộ nhiều chưa chắc đã giúp kéo dài tuổi thọ, cân nhắc từ chuyện cường độ chạy cho đến cách thức luyện tập, hay thể trạng của người chạy, thì một bạn đứng lên nói rằng: “Em nghĩ chạy bộ không giúp kéo dài tuổi thọ bởi vì em tin là con người sống chết có số, nên có chạy bộ hay làm gì khác cũng không làm mình sống lâu hơn”, làm cả hội trường cười ầm lên.
6/
Trong buổi tổng kết trao giải, giáo sư Trần Thanh Vân lên bắt tay từng bạn để chúc mừng. Lúc tới chỗ tụi mình, bác nắm tay từng đứa dặn dò: “Các cháu hãy tiếp tục nỗ lực nhé, bác rất vui vì thấy nhiều bạn nữ quan tâm đến khoa học, và bác mong nhìn thấy thêm nhiều phụ nữ tiến lên trên con đường theo đuổi học thuật và tri thức”. Cả con người bác toát ra vẻ hiền từ, phúc hậu và từ tâm. Nhờ có bác tài trợ địa điểm và một phần kinh phí nên trường hè mới được diễn ra. Cái bắt tay ấm nóng giản dị của bác khiến mình thấy như được truyền lửa và tiếp thêm sức mạnh, tự nhủ phải cố gắng hơn nữa vì những ơn lành mình nhận được.
Buổi tối đêm cuối cùng của trường hè, bao bọc quanh mình là cảm giác nhẹ nhàng và ấm áp. Mình nhìn những cô bé cậu bé đang tíu tít cười nói quanh mình, cảm giác như một thước phim quay chậm đang trôi qua trước mặt. Cảm giác chỉ muốn níu giữ giây phút đó, cảm giác cứ như đã gặp nhau ở đâu đó rồi, và đã thân quen từ lâu. Giây phút xúc động nhất là khi TS Đặng Văn Sơn mời những người hỗ trợ cho trường hè lên tuyên dương trên sân khấu. Từng anh bảo vệ, chị lao công, chị đầu bếp, người chỉnh âm thanh đã góp phần tạo nên một khóa học tuyệt vời cho mọi người. Có những người ngại ngùng không dám lên mặt, hai lần ba lượt đều nấp dưới sân khấu, nhưng đều “bị lôi” lên hết. Và những tràng pháo tay nổi lên không ngớt, vang lên hết lần này đến lần khác khi các anh chị lần lượt đi lên. Mình nhìn những khuôn mặt ngượng ngùng nhưng không giấu được niềm vui của những anh chị đó. Mình nghĩ trong suốt cuộc đời lao động nhọc nhằn của họ, chắc sẽ không có nhiều lần họ được tôn vinh một cách đầy chân thành và trân trọng như thế.
Dĩ nhiên trường hè không phải không có những điểm có thể cải thiện. Một số anh chị giảng viên có lẽ dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu nên về phương pháp truyền đạt cũng cần phải cải tiến cho sinh động hơn, và sử dụng thêm một số kỹ thuật nói chuyện cho chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, chương trình trường hè năm mình tham gia cũng bị thiếu một số bài giảng về các ngành xã hội. Mình đã rất trông đợi các bài giảng về “nghi ngạc” trong khoa học của TS Giáp Văn Dương, hay lịch sử những câu chuyện chưa kể của TS Trần Trọng Dương, hay các bài giảng của TS Nguyễn Tô Lan. Bên cạnh đó, có những bài giảng diễn ra song song với nhau nên mình bị mất cơ hội nghe, ví dụ bài của TS Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên trường đại học Sư Phạm Tp. HCM, người thực hiện rất nhiều hoạt động sôi nổi về phát triển văn hóa đọc trong học sinh sinh viên.
Nhưng về cơ bản, mình và những bạn tham dự đều có chung cảm nhận là tụi mình đã có những khoảng thời gian tuyệt vời. Được bao quanh bởi những người tuyệt vời, bởi nguồn năng lượng tích cực của lòng lành và tinh thần trao gửi tri thức. Tụi mình đi học không tốn một đồng ăn ở, lại còn được tài trợ chi phí phát sinh, được tặng bao nhiêu quà sách đem về.
Các anh chị tổ chức và duy trì dự án này hoàn toàn không có lương, tự đóng góp ngân sách để trang trải chi phí. Những người ở nước ngoài thì tự bỏ tiền túi mua vé máy bay về để có mặt hỗ trợ. Và họ thực hiện một chương trình thành công vang dội, với ngân sách cực kỳ hạn chế. Những việc từ thương lượng với các cấp chính quyền để tổ chức, sắp xếp hậu cần xe cộ đưa đón, ăn uống ngày hai bữa cho hơn một trăm người. Quả thật chỉ ngồi hưởng không thì khó cảm nhận được tất cả những nhọc nhằn để vận hành được một trường học như vậy. Đó là một tinh thần cho đi rất tốt đẹp mà mình có cơ hội nhận hưởng. Mình cảm thấy thật lòng trân quý và biết ơn những tấm lòng đã góp phần làm nên điều đẹp đẽ lãng mạn dường vậy.
Cảm ơn Trường Hè Khoa Học Việt Nam, vì đã tạo nên bầu không khí vui tươi, vì nguồn năng lượng tổng hòa tích cực, vì những hạt mầm của những điều đẹp đẽ tốt lành, từ một ngôi trường đặc biệt.
Viết một cái bài dài tới hơn 3000 chữ này để nói rằng, các bạn ơi, Trường Học Mùa Hè đã mở đơn ứng tuyển năm 2019 rồi đó. Các bạn nào yêu thích tri thức và tìm hiểu khoa học hãy nhanh chân nộp đơn nha. Trường Hè Khoa Học thường mở đơn từ tháng 5 tới đầu tháng 6, và diễn ra vào tháng 7 hàng năm đó các bạn.
Chi tiết ở đây https://www.truonghekhoahoc.com/, và ở đây: https://www.facebook.com/truonghekhoahocvietnam/
Mình biết là mình đăng cái bài này lên có khi bị ban tổ chức ghét, haha. Do năm ngoái trường nhận hồ sơ ùng ùng quá đông rồi, mà mình còn giới thiệu thêm bạn bè độc giả apply nữa. Nhưng mà đó là một ngôi trường quá hay và tử tế, nếu không lan tỏa tinh thần đó cho nhiều người trẻ khác thì mình có lỗi rồi, phải hông ;).