Đừng để bị ăn mất

1.
Có một thời, mình có một mục tiêu hơi quá khả năng lúc đó. Sáng nào thức dậy mình cũng mường tượng tới viễn cảnh đó sẽ thành hiện thực, để lấy đó làm động lực tiến lên. Mỗi ngày mình dành nhiều giờ đồng hồ để học, để nghiên cứu, để chuẩn bị thi lấy các loại chứng chỉ, bổ sung kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau để phục vụ cho mục tiêu này. Mỗi ngày thức dậy lại tiếp tục cố gắng với tất cả sức lực, tiến lên gần với mục tiêu hơn một chút nữa. Mình cắt bớt thời gian cho các hoạt động cộng đồng, cho viết lách, cho việc tập guitar, chạy bộ, hay cho lớp yoga mà mình rất yêu thích. Mình tập trung toàn bộ năng lượng, thời gian và sức sống vào mục tiêu đó.
Khoảng thời gian đó không kéo dài được quá lâu. Mấy tháng sau đó, mình thấy bản thân trở nên dễ cáu bẳn, mệt mỏi và gắt gỏng. Thấy bản thân bên trong mình khô cứng như gỗ đá. Thấy cuộc sống của mình khô khốc nhạt nhòa, thiếu ý tưởng, thiếu trải nghiệm. Mình không thấy nhiều niềm vui trong công việc mình làm. Và mình tự hỏi, tại sao dạo này mình lại ít cảm thấy hạnh phúc hơn trước. Mãi rất lâu sau đó, mình mới nhận ra, là mình bị cái gọi là mục tiêu nuốt chửng mất  cuộc sống của mình. Mình mải chăm chú hướng tới tương lai, mà quên đi trân trọng hiện tại của mình. Quên việc cân bằng giữa mục tiêu và sức khỏe, quên tìm niềm vui trong những điều nhỏ nhặt, quên tận hưởng những vẻ đẹp trong cuộc sống, quên chăm lo cho các mối quan hệ quan trọng. Đến khi thấy bản thân sức tàn lực kiệt, cách biệt với người thân, mục tiêu thì vẫn còn quá tầm với, tự dưng thấy quên luôn lý do tại sao mình lại bắt đầu kế hoạch thực hiện cái mục tiêu quái quỷ này. Chỉ sau khi điều chỉnh lại nhịp sinh hoạt, mình mới thấy vui trở lại. Chỉ cần dành chỉ dăm mười phút đồng hồ để làm những điều đem lại niềm vui hoặc điều tích cực tốt lành mỗi ngày, là mình lại có thêm năng lượng để chạy tiếp.

2.
Có lần mình từng đọc một bài báo của Shark Linh, bảo rằng: Ở tuổi đôi mươi, các bạn trẻ không nên nghĩ đến cân bằng cuộc sống, mà nên tập trung hết mình vào công việc. Chị cũng bảo rằng các bạn trẻ không nên rời khỏi công ty trước 7h, vì giờ đó là quá sớm. Dù tôn trọng shark Linh, nhưng mình thành thực phản đối lời khuyên này. Nó có thể áp dụng tốt cho chị Linh, nhưng không phải cho toàn bộ mọi người.

Bản thân mình là kiểu cực kỳ nghiêm túc, thường dồn toàn bộ tâm trí và thường phấn đấu hết mình vì đam mê hoặc mục tiêu của mình. Nhưng chính bởi vì như vậy nên mình mới phản đối quan điểm này, vì mình hiểu cách sống như vậy dễ bị burn-out như thế nào, đối với mình một cuộc sống kiểu đó về cơ bản là không bền vững. Mình hiểu ý chị là chúng ta, nhất là khi còn trẻ thì nên tập trung cao độ và dốc sức hết lòng cho công việc, cho việc học hỏi và phát triển bản thân, chứ đừng vội đòi hỏi chuyện hưởng thụ cuộc sống. Nhưng mình cho rằng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải làm việc 16/24 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần, đều đặn 52 tuần một năm. Đối với mình, nên tập trung hết mình cho công việc trong thời lượng số giờ mình đặt ra để làm. Còn thời gian còn lại, nên dành cho các hoạt động khác.

Ngày xưa, mình đúng kiểu như shark Linh nói. Lúc còn đi làm văn phòng, mình thường xuyên làm từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối. Cắm mặt vào cày như một con trâu. Với khối lượng công việc tương đương, ở công ty đối tác gồm một đội ngũ nhân lực hơn 10 người. Còn ở công ty mình, chỉ có mình phụ trách chính, thêm một em mới ra trường. Lúc đó mình còn hiền, chưa biết yêu cầu thêm nhân sự, chỉ biết nhào vào làm trối chết. Mỗi ngày đi làm về, mình kiệt sức lê xác lên giường và đánh một giấc đến hôm sau, thức dậy, lại lặp lại vòng xoáy đó. Mấy năm sau đó, nhìn lại, thấy bản thân mình trống huơ trống hoác, chả có gì cho chính mình. Mình giật mình tự hỏi, mình làm gì cũng đắn đo suy tính từng đồng, phục vụ cật lực, nghĩ cho công ty, nhưng có phải công ty nào hay ông sếp nào cũng biết nghĩ cho mình không? Sau khi nhận ra điều đó, mình vẫn đi làm sáng tới tối. Nhưng cứ mỗi 8 giờ tối mình về nhà, ngồi vào bàn, mài giũa bộ kỹ năng ở những mảng khác. 4 giờ sáng tới 6 giờ sáng, mình thức dậy đọc sách, trau dồi hiểu biết xã hội, kiến thức nền tảng nói chung. Rồi mình mở rộng mối quan hệ ra, kết nối với nhiều bạn bè, nhiều cộng đồng mà mình thấy thích. Từ đó dần dần mới cảm thấy bản thân mình ngày càng phát triển lên, mới có thể sống với đam mê.

3.

Stephen King từng viết trong một bài báo nhỏ của ông rằng, ngày xưa lúc đói kém ông thường ngồi viết trong góc phòng của một tầng hầm chật hẹp. Lúc đó ông chỉ ao ước rằng, sau này mình sẽ có một bàn làm việc thật hoành tráng, một chiếc bàn gỗ dài, bự và nặng, và thật quý. Một không gian riêng của một người viết, bất khả xâm phạm, để có thể viết cho thật thỏa thích.
Sau này, lúc thành danh rồi, ông làm đúng như ước mơ ngày cũ, mua cho mình một chiếc bàn hoành tráng bệ vệ, đặt nó ngay giữa phòng làm việc, và ra lệnh cho vợ con của mình không được làm phiền, bén mảng đến khi ông đang viết lách. Vợ ông vẫn thường suỵt lũ con phải nhỏ giọng khi đi qua chỗ ông: “Này, đừng làm phiền, bố đang viết đấy”.

Nhưng rồi, sau này, King quyết định bán đi chiếc bàn gỗ ấy. Ông thay bằng một chiếc bàn khác, kích thước khiêm tốn hơn nhiều, và lại đươc đặt một cách khiêm nhường ở một góc phòng. Nơi gần chiếc bàn ấy, là lũ con đang chơi đùa, là những ngày tháng cả gia đình cùng đoàn viên sum họp. Ông dành nhiều thời gian cho vợ con mình, và đâu đó trong những khoảnh khắc trôi vụt qua của cuộc sống, vẫn chắt chiu được thời gian để viết, giữa lúc con đang chơi, vợ đang ngồi khâu bên cạnh. Ông bảo: nghệ thuật không phải là ưu tiên trong cuộc sống, cuộc sống là ưu tiên cho nghệ thuật, nghệ thuật để phục vụ cuộc sống, chứ không phải là ngược lại.

4.
À, chuyện này thì hơi lạc đề, nhưng cũng có liên quan nên mình chép lại luôn. Hôm trước chạy bộ, Châu có kể về một người bạn. Sau ba năm trời yêu nhau, một hôm khi đi công tác về, người yêu của bạn này bảo rằng: “Em đã yêu một người đàn ông khác.” Khỏi phải nói bạn của Châu sửng sốt đến cỡ nào. Cái cảm giác mình thấy rằng chuyện tình yêu của mình đang rất đẹp, rất hạnh phúc, rất ổn, tự nhiên vỡ tan tành ra thành từng mảnh nhỏ. Cảm giác giống như cái thế giới, cái cuộc sống lâu nay mà mình biết, tự nhiên rúng động, và sụp đổ ra ngay dưới chân của mình.

Mình nghe kể mà cũng cảm thấy rúng động theo, bởi mình có thể hiểu được cái cảm giác đó như thế nào. Bao nhiêu điều chăm chút chắt chiu, bao nhiêu thời gian xây đắp, bao nhiêu tài lực vật lực (nói nghe phũ phàng và thực tế nhưng thực sự tình yêu là một cuộc đầu tư quá sức tốn kém mà không phải ai cũng nhận ra). Như người bạn trong câu chuyện đó nói: Giống như đang đu dây, và đứa đó đột nhiên cắt đứt dây, làm mình rơi thẳng từ trên mấy tầng trời xuống đất, bể tan nát. Hoặc cảm giác như một người bạn khác của mình: là mất hết.

Vậy trong những phút giây đó phải làm gì? Con người ta trừ các bậc giác ngộ tự hạnh phúc bên trong, thì ai cũng yêu, ai cũng muốn được yêu. Nhưng trong những khoảng thời gian đó, đôi khi chúng ta dồn hết tâm sức cho người yêu, cho tình yêu của mình, mà quên đi chuyện đầu tư cho bản thân. Không một tình yêu nào có thể sống sót bền vững chỉ với tự bản thân nó. Chỉ khi cả hai người trong cuộc đều vững vàng, có tài chính ổn định, có sự nghiệp vững chắc, có mối quan hệ với người thân, gia đình, và những mặt khác trong cuộc sống được chăm sóc tốt, thì họ mới có năng lượng để chăm sóc cho tình yêu của mình, và làm tình yêu đó nở hoa. Nếu chỉ mải giành toàn bộ năng lượng, tình cảm, thời gian cho mối quan hệ với người mình yêu, mà quên đi mối quan hệ với bản thân mình, quên đi ước mơ, khát vọng riêng của mình, thì cũng chính là lúc người ta “bị tình yêu ăn mất”.

5.

Dạo này mình đang tìm khóa học phù hợp, nên hay tìm đọc bài viết của các giáo sư, tiến sĩ. Trong một bài viết, một phó giáo sư tại đại học Harvard có kể rằng, giáo sư trưởng bộ môn của cô trong một cuộc họp lên tiếng phê phán những đồng nghiệp nào dành dưới 80 tiếng/tuần cho công việc. Sau khi nghe vị này nói thế, cô về nhà viết ra thật chi tiết tất cả các thời gian có thể để làm việc. Sau khi cộng trừ nhân chia, dù cố gắng thức khuya dậy sớm, tận dụng cả cuối tuần và mọi thời gian có thể, thì khoảng thời gian tối đa cô có thể dành cho công việc mỗi tuần là 56 giờ.

Là một người đang hoàn thành quá trình học sau tiến sĩ, mong muốn trở thành một member of faculty tại Harvard, và có một người chồng cũng đi làm với công việc trong một ngành công nghiệp rất cạnh tranh. Cô nghĩ rằng: holy sh*t, mình muốn trở thành một giáo sư đại học, nhưng mình không muốn con mình lớn lên với phần lớn thời gian không có mặt mình, mình cũng không muốn bị chồng ly dị, mình không thể nào dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu và giảng dạy giống như các đồng nghiệp khác, mặc dù mình biết điều đó có thể đồng nghĩa với việc mình bị người khác vượt qua, và rất chậm tiến trong hành trình nhiều cạnh tranh với những người cực xuất sắc này.

Rồi cô đưa ra một quyết định, cực kỳ gây bất ngờ đối với những người đồng nghiệp vốn làm việc quên mình trong mảng học thuật, cô bảo: “Tôi dành một khoảng thời gian cố định cho công việc. Phần còn lại, tôi dành cho gia đình của mình, cho bản thân tôi, và những điều mà tôi yêu thích. Tôi không cố sống cố chết chạy cho thật nhanh để tới được mục tiêu của mình. Thay vào đó, tôi celebrate và appreciate từng khoảnh khắc nhỏ. Tôi dành một số cuối tuần để đi picnic cùng gia đình, tôi đi trượt tuyết cùng các cộng sự trong phòng lab. Và bạn biết gì không, năng suất làm việc của tập thể chúng tôi tăng lên, khi chúng tôi cùng nhau tận hưởng cuộc sống, và trải qua hành trình dài dằng dặc và gian khó này cùng với nhau, nhưng vẫn không quên “make time” cho những kỷ niệm vui, tạo không gian cho những kết nối thân tình, và những trải nghiệm đẹp”.

6.

Bạn có thể hỏi mình đang định nói điều gì qua những mẩu chuyện rời rạc như vậy. À, chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là, trong mối quan hệ bạn bè, nhiều bạn bè của mình là những người high achiever, cố gắng hết mình vì mục tiêu, vì công việc. Nhưng thi thoảng trong các cuộc trò chuyện, mình vẫn nghe họ kể về những căng thẳng triền miên gây đau dạ dày và mất ngủ, hoặc những giai đoạn họ bận tối mắt tối mày, cảm thấy không biết mình đang làm những điều này để làm gì, mặc dù những việc họ làm đều là những việc họ cho rằng là đam mê của họ. Mới gần đây nhất, một người bạn của mình kể: Em không biết tại sao em cảm thấy mình không hề thích những gì đang làm nữa. Em không thích cảm giác này xíu nào. Có lẽ tại em stress quá hay gì đó, có nên em nên rút lui và yên tĩnh một thời gian.

Mình cảm thấy rằng mình thực sự thấu hiểu cái cảm giác đó. Công việc, đam mê, sứ mệnh của mình, điều mình nghĩ rằng mình có thể làm cả đời và cống hiến cả đời vì mục tiêu đó. Nhưng bỗng nhiên một hôm thức dậy, mình thấy kiệt quệ, không còn hứng thú để làm những điều mình muốn làm nữa. Điều gì đang xảy ra?

Mình cho rằng, tư duy chăm chú quá hướng về mục tiêu thể khiến người ta đánh mất đi niềm vui sống. Một người bạn khác của mình, trước đây chụp hình rất đẹp và rất có hồn, sau một thời gian chuyển sang kiếm sống bằng nghề nhiếp ảnh. Ban đầu anh rất vui và hứng khởi, cảm thấy có thể sống được bằng đam mê của mình, không gì tuyệt vời hơn thế. Nhưng lâu dần, phải thương lượng với khách hàng, làm theo ý họ mặc dù mình không muốn, phải nhân nhượng cái mình cho là đẹp, là lý tưởng, là nghệ thuật vì cơm áo gạo tiền. Phải thỏa hiệp với cái mình không thích. Và tệ hơn nữa, là phải sáng tạo ra sản phẩm, mặc dù đó không phải là sản phẩm mình hài lòng, mà chỉ vì theo ý người khác muốn. Anh kết luận, đừng bao giờ kiếm sống vì đam mê.

Nhưng, mình không cho rằng đam mê có lỗi. Cái ở đây là anh đã quên việc chụp ảnh cho chính mình, mà mải mê chụp ảnh cho người khác, hoặc chụp để kiếm tiền. Nhiếp ảnh không có lỗi. Lỗi là ở người ta. Ta luôn được quyền lựa chọn giữa việc làm theo ý thích của mình và làm việc để chạy theo danh tiếng hay đồng tiền. Ta có thể cân bằng được nhu cầu của bản thân và nhu cầu của thị trường. Và đến khi ta đủ giỏi, kèm một chút may mắn, ta có thể kiếm được tiền bằng việc làm những điều ta thực sự thích, theo đúng cái cách mà ta muốn.

7.

Nhưng nói rộng ra, thì cuộc sống con người không chỉ có công việc, dù công việc đó không phải là công việc làm công ăn lương kiếm sống qua ngày, mà là sứ mệnh, là tiếng gọi, là đam mê cả đời người đi chăng nữa. Cuộc sống cũng không chỉ có mục tiêu, chuyện yêu đương tình cảm, danh tiếng, tiền bạc, hay sự công nhận, dù những điều đó đều cần thiết ở một mức độ nhất định.

Cuộc sống là một bánh xe nhiều mặt, là sự tổng hòa nhiều thứ khác nhau, là sức khỏe, tài chính, là không gian sống lành mạnh để sống bền vững lâu dài, là dành thời gian gắn bó với gia đình, cha mẹ con cái, là đóng góp cho cộng đồng, là cảm giác kết nối với người khác, cảm giác thuộc về một cái gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình. Như mô hình vòng tròn cuộc sống đã khẳng định, khi được tròn đầy trên nhiều khía cạnh, thì cái bánh xe cuộc sống mới đủ tròn để mà chạy đều.

Trên thực tế, dù mục tiêu, công việc, đam mê, và việc tạo ra giá trị là cần thiết, nhưng như nhà nghiên cứu Robert Waldinger đã chia sẻ trong một chương trình Ted Talk “How to make a good life”, rằng điều giúp chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc, không phải là việc đạt được bao nhiêu mục tiêu, có bao nhiêu tiền hay danh tiếng, mà chính là việc có những mối quan hệ tốt đẹp. “Good relationships keep us happier and healthier. Period”.

Bản thân mình là người trải nghiệm rất rõ chuyện đó. Đã có những lúc tiếng tăm lừng lẫy, những lúc được giải thưởng này kia, những lúc vươn tới một đỉnh cao khác trong cuộc sống, mình đã tự hỏi, những thứ này liệu để làm gì khi không có ai bên cạnh mình. Chính những lúc tưởng chừng thành công nhất là những lúc mình dễ cảm thấy cô đơn nhất. Những huy chương, mề đay lấp lánh, những công nhận hay vinh danh, không có người để cùng chia sẻ thì bỗng không còn nhiều ý nghĩa. Bởi khi nghe tới cái chết của Bourdain, đầu bếp và người dẫn chương trình nổi tiếng người Mỹ, mình không hề ngạc nhiên khi nghe một nhà báo từng phỏng vấn ông nói: người đàn ông đó cực kỳ cô đơn. Tất cả danh vọng, tiền bạc trên thế giới này không cứu vãn nổi cuộc sống của một con người. Khi những mối quan hệ xung quanh bị lung lay và đổ vỡ, một mình đối diện với những cảm giác căng thẳng, giận dữ, cô lập và trầm cảm. Khi không còn tìm thấy ý nghĩa, niềm vui, và kết nối trong cuộc sống.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Là niềm vui cuộc sống. Chúng ta phải vui thích thì mới có thể làm tốt học tốt được.

Trải nghiệm của mình về việc theo đuổi mục tiêu dài hạn cũng tương tự. Ban đầu mình cũng vật vã tương tự như vậy. Nhưng sau một thời gian ôn luyện, mình bỗng đến một giai đoạn, là cảm thấy cực kỳ tận hưởng hành trình học tập gian nan vật vã này của mình. Mình phát hiện ra một điểm mấu chốt trong những hoạt động cuộc sống: phải thích thì mới học được, phải thích thì mới làm. Bản thân chính mình phải tự tìm được điều mình cảm thấy yêu thích, thì mới có thể tiếp tục. Không chỉ là trong học tập, trong môi trường business cạnh tranh, trong môi trường học thuật mệt nhọc, mà cả trong cuộc sống. Niềm vui đến từ việc biết thêm những điều mới, việc thấy mình đang phát triển mỗi ngày. Hoặc cũng có thể từ những lúc rời khỏi bàn làm việc, chạy bộ quanh bờ kè dăm ba cây số, bỏ vài tiếng mỗi tuần để đến lớp yoga, cười vui cùng các bạn. Hoặc có thể đến từ việc gặp lại một người bạn nào đó lâu rồi chưa gặp, lắng nghe câu chuyện của họ, ôm họ một cái ôm thật lâu. Hoặc có thể là, khi đang trên đường thực hiện mục tiêu, thì dừng lại, và quyết định chóng vánh, là sẽ cùng gia đình đi dạo chơi ở đâu đó. Những khoảnh khắc đó, sẽ tạo thêm cho ta năng lượng, để tiến đến mục tiêu tưởng chừng xa thăm thẳm kia.

Như quyển sách Off the clock, (một quyển sách cực kỳ hay và ý nghĩa cho những người nào đang gặp vấn đề với việc sắp xếp thời gian) có đề cập, dù muốn làm thật nhiều điều trong một thời lượng ít hơn, thì chúng ta hãy đừng quên dành thời gian để “make memories” với người mình yêu quý, để có những “daily vacation”. Dù đang làm gì, hãy dành chút ít thì giờ mỗi ngày, để tạm ngừng giữa những công việc bận bịu, để chăm lo cho các mối quan hệ, chú trọng vào những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cuộc sống, tận hưởng từng giây phút một trôi qua. Để cảm nhận mình đang thực sự vui sống, hiện hữu rõ ràng trên mặt đất.

Hình em Trúc chụp trong một chuyến đi rừng.

2 Replies to “Đừng để bị ăn mất”

  1. em xin trích lại một đoạn trong mục Tham Vọng của sách “Hiều Về Trái Tim” của sư Minh Niệm.
    “… ta có quyền đặt ra hoài bão hay lý tưởng lớn, nhưng điều quan trọng là ta cần phải đánh giá chính xác về thực lực của mình để không xây dựn những ước vọng mà thực chất chỉ là ảo vọng. Khi đã chính thức đặt ra tham vọng, ta phải hội tụ ít nhất năm điều kiện sau đây để vươn tới tham vọng mà không bị nó đánh bại. Thứ nhất, không ngừng nỗ lực để mài giũa tài năng và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước. Thứ hai, luôn quan sát những diễn biến phức tạp của tâm tham trong suốt lộ trình; khi thấy nó bị hoàn cảnh tác động mà vượt qua mức dự tính và tầm kiểm soát thì phải ngưng lại ngay. Thứ ba, phải tạo được sự cân đối giữa đời sống bình thường và tham vọng, nghĩa là phải có khả năng sống sâu sắc trong hiện tại dù đang hướng tới tham vọng. Thứ tư, ý thức rõ ràng tham vọng này không phải là lý do duy nhất để ta thấy được giá trị đích thực của mình, nên lỡ khong đạt được thì ta cũng không tuyệt vọng và đau khổ. Thứ năm, luôn ghi nhớ rằng để thực hiện được tham vọng ta phải nương nhờ vô số điều kiện thuận lợi bên ngoài, nên sẽ không có cái tôi nào đáng tự hào và kiêu ngạo khi thành công.”

    1. Ôi hay quá, chị đọc quyển này rồi lại quên mất, cảm ơn em đã nhắc chị nhen <3

Leave a Reply