The silent game

Có một dạo, một người thân ở cùng nhà hầu như không hề nói chuyện gì với mình cả. Ban đầu mình cũng không để ý lắm, vì đơn giản là mình quá nhiều việc. Sống bằng nghề viết lách không phải là việc đơn giản. Ở các nước phương Tây cũng là cả một vấn đề, huống chi là tại Việt Nam, nơi công sức của người làm sáng tạo bị coi như rẻ mạt, nạn đạo văn sách lậu xảy ra tràn lan.

Vả lại, mình không phải là freelance writer/blogger như nhiều người nhầm tưởng. Mà cách mình đang sống là kiểu portfolio life, theo định nghĩa của Jeff Goins, “it is not about what you do, it’s about who you are”. Cái portfolio của mình, bao gồm những việc viết lách, nói chuyện trước công chúng, làm influencer marketing, làm content writer, làm travel blogger, quảng bá du lịch, tư vấn cho các cá nhân và tổ chức, phát triển các dự án phi lợi nhuận, và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Tất cả xoay quanh thương hiệu Rosie Nguyễn mà mình đã vô tình tạo nên. Dù phần lớn những điều trong các hoạt động này đều là sở thích và sở trường của mình, nhưng chúng ngốn năng lượng khủng khiếp. Mấy bạn trẻ trẻ hay nói: Em ước gì mình được sống với đam mê của mình. Đến sau này lỡ may ước mơ thành sự thật, có khi khóc thét đòi bỏ đi chứ chả chơi. Để hôm nào viết thêm bài về portfolio life và sống với đam mê là thế nào.

Anyway quay trở lại chuyện chính. Người ta cứ cho là làm ở nhà không cần ở công ty thì sướng quá mà. Nhưng đi làm còn có ngày nghỉ. Mình thì làm suốt từ sáng sớm đến tối mịt, làm láng từ thứ hai đến chủ nhật, nên chẳng còn hơi sức quan tâm tới những chuyện khác. Lâu dần sau đó mới thấy không ổn, nhưng nghĩ là chắc tại lúc ăn ở mình cũng bất cẩn vô tâm, làm người đó phật lòng. Mấy chuyện vặt vãnh trong nhà đó chắc cũng không đáng để nói chuyện trực tiếp, cứ âm thầm thay đổi là được thôi. Hoặc biết đâu người ta có điều gì khó xử, mà chưa nói được, tính họ lại cẩn trọng, bí mật và kín đáo, nên mình có gặng hỏi chắc cũng chả được gì, đành để từ từ khi nào người ta thoải mái sẵn sàng hơn thì cứ để họ tự nhiên nói vậy.

Một thời gian dài cũng không có gì khác biệt. Người đó cứ lạnh nhạt dần với mình. Sau một số lần cố gắng chào hỏi gợi chuyện để “phá băng” cho mối quan hệ thấy cũng không xong. Rồi vì bận bịu công việc, học hành, những việc khẩn cấp cứ ào vào mặt phải giải quyết ngay, nên mình cũng tảng lờ cho qua, biết đâu từ từ nguôi giận, mong thời gian sẽ chữa lành tất cả.

Sau một khoảng thời gian dài ơi là dài nữa. Tự nhiên mình cảm thấy có những thay đổi tâm lý bên trong mình. Từ một người thoải mái, vui tươi, luôn tìm thấy hạnh phúc trong những điều nhỏ quanh mình, mình thường xuyên cảm thấy cô đơn và buồn bã, thấy mình bị cách ly, cô lập và tách biệt với người thân, với gia đình, và với cả xã hội loài người. Càng ngày mình càng trở nên quấy quá, khó chịu và cáu bẳn. Lại hay đòi hỏi sự quan tâm, chăm sóc và chú ý, cứ như một đứa trẻ ba tuổi. Mình cũng hay nổi lên những cơn thịnh nộ vì những việc không đâu, khi đứng trước một dấu hiệu nhỏ nhất cho thấy những người mình thương không quan tâm tới mình nữa. Người yêu của mình là chịu trận nhiều nhất. Mỗi lần như vậy, mình đều không hiểu tại sao.

Rồi một lần, khi đang trong một cơn bùng nổ cảm xúc, mình sửng sốt tự hỏi: “Có điều gì đang xảy ra với mày vậy Nguyên?” Từ đâu đó bên trong mình bật lên một tiếng gào đáp trả: “Tôi muốn được yêu thương!” “Tại sao?” Mình hỏi tiếp, tự nghĩ chẳng phải bình thường mình đã có đủ sự yêu thương, cũng chăm sóc bản thân và cho mình thời gian một mình đủ nhiều sao. Nhưng thực tế không phải vậy. Mình thường xuyên sử dụng cơ thể làm công cụ để đạt được các mục tiêu của mình, dù mục tiêu đó không phải là tiền. Và sự cách biệt, mất đi kết nối với người vốn rất quan trọng với mình mà ở ngay cạnh mình, làm mình càng ngày càng mệt mỏi.

Sự im lặng ngày càng tăng lên mà mình không hiểu tại sao. Có những lần, mình thấy ở trong nhà ngột ngạt khó thở. Thấy cả bầu không khí ở nhà không khác gì bị đầu độc. Mình hay đi ra ngoài đường rất nhiều. Những lần như thế, mình chợt hiểu vì sao ngày xưa mỗi lần cãi nhau với má ba mình hay bỏ đi. Đó không phải là một cách tốt để giải quyết mâu thuẫn. Nhưng sự bức bối có thể lên đến khủng khiếp đến nỗi mình thấy mình đang bị phá hủy dần dần bởi sự im lặng ngấm ngầm. Cảm giác bị ghẻ lạnh và phớt lờ lâu ngày tạo cho mình nhiều rối loạn cảm xúc, thấy không được tôn trọng, tổn thương, khốn khổ, lo âu, và đến nỗi đâm ra nghi ngờ cả cái self-worth của mình, dù bình thường mình rất tự tin về bản thân.

Hôm nay, mình tình cờ đọc được một câu trả lời trên Quora, với câu hỏi: Làm sao để đối phó với những người hay dùng chiêu “miễn giao tiếp” (silent treatment – im lặng, không giao tiếp với đối phương, thể hiện sự bất đồng)? Hông giống với trường hợp của mình, nhưng có liên quan nên post lên cho mọi người xem.

Tôi từng dùng chiêu này nhiều lắm, thành công làm tổn thương người khác (đồng thời cũng làm bản thân mình cảm thấy đau đớn), cho đến tận khi tôi cưới phải một con quái vật vào rất nhiều năm về trước. Bây giờ thì tôi gọi anh ấy là Người hùng.

Cái cảm giác ấy khi mà một kẻ thích điều khiển lại trở thành người bị điều khiển.

Anh ấy chẳng bao giờ để tôi làm trò đó với ảnh cả, kể cả tôi có cố bao nhiêu đi chăng nữa.

Tôi nghĩ rằng đối với anh ấy, sự im lặng của tôi không hơn gì một trò chơi -mà anh ấy luôn giành phần thắng. Anh ấy giữ được bình tĩnh và sự tử tế.

Nếu như tôi đi vào bếp một cách lặng lẽ và làm công việc nhà, anh ấy sẽ ngồi đấy nhìn tôi chằm chằm một cách vui sướng hoặc bắt đầu bắt chước tôi. Biểu cảm trên gương mặt tôi và cả hành động của tôi nữa. Tôi hoặc là sẽ cười phá lên hoặc là sẽ nổi giận và bỏ ra khỏi phòng.

Nếu tôi bỏ đi, anh ấy sẽ đi theo. Bất cứ nơi nào tôi ngồi hay nằm, là sô pha hay là giường, anh ấy sẽ tìm được một chỗ ngay kế bên.

Tôi cố gắng nhốt mình lại bên trong phòng tắm, nhưng 20 phút sau anh ấy sẽ lấy một cái tua vít và mở được cửa. Tôi sẽ trốn trong tủ đồ, nhưng anh ấy sẽ tìm được tôi và ngồi ngay trên sàn sát bên cạnh chỗ ấy.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của việc im lặng, anh ấy sẽ: hỏi rằng có chuyện gì vậy, hoặc là dùng các câu hỏi có/ không, hoặc trêu tôi, hay chỉ ngồi đó lặng lẽ và kiên nhẫn. Đôi khi anh ấy sẽ thử vuốt ve bàn tay tôi hoặc xoa đầu; nếu tôi phản kháng lại, ảnh sẽ dừng làm việc đó (hoặc không). Tôi sẽ thường chạy ra khỏi chỗ đấy để đi tìm cái ổ mới, và anh ấy sẽ lại đi theo tôi. Có lúc anh ấy sẽ bắt đầu kể chuyện hài, và rồi tôi sẽ bật cười.

Đôi lúc anh ấy sẽ ôm lấy tôi thật chặt để tôi không thể nào chạy thoát được. Mặc dù vậy anh ấy vẫn không làm tôi đau. Chưa bao giờ.

Nếu như tôi cố gắng đi mua đồ, anh ấy sẽ đi theo tôi ra xe, và ngồi vào trong luôn. Viễn cảnh ấy sẽ chẳng khác gì đi vào ngõ cụt. Có lần tôi đi hết cả cái siêu thị, ráng giữ mặt bình thản, và anh ấy chỉ đơn giản là đi theo tôi và giả vờ như là người hầu của tôi vậy. Đúng là tôi có thích được đối xử như một bà hoàng, nhưng anh ấy lại cố tình làm lố hơn mức cần thiết.

Sớm hay muộn thì cuối cùng mọi thứ cũng trở nên thật nực cười và tôi sẽ cười rộ lên hoặc nổi trận lôi đình. Lúc tôi nổi cơn thịnh nộ thì cũng là lúc bế tắc lắm rồi. Vấn đề là: cơ thể con người có một khả năng thần kỳ -nó biết mệt. Một người có thể la lối và hét toáng lên rất lâu trước khi kiệt sức. Đoán xem ai thắng nào. Người giữ được bình tĩnh. Với cả, không cần biết tôi gọi anh ấy bằng THỨ Gì, anh ấy sẽ KHÔNG BAO GIỜ cảm thấy bị xúc phạm (hoặc giả vờ tỏ ra thế, tôi cũng chả biết). Tình huống tệ nhất là, anh ấy sẽ dùng chính những từ ngữ xấu xí của tôi để nói ngược lại -nhưng không thêm bớt gì cả. “Anh là một thằng khốn bẩn thỉu!!!”. “Em là một con khốn bẩn thỉu”.

Có lần tôi quá bực mình vì những đòn phản công của anh ấy, tôi chạy khỏi nhà và lang thang quanh khu phố trong vòng hai ba tiếng đồng hồ. Tôi hơi sợ khi phải quay về. Vì một lý do. Anh ấy nhẹ nhàng đóng cánh cửa đằng sau tôi lại và tháo cái dây nịt bằng da ra. Anh ấy bình tĩnh và trông buồn bã. “Xin anh đừng!!!” “Xin lỗi em yêu, Anh phải làm thôi. Anh phải lái xe vòng vòng suốt hai giờ đồng hồ, lo sợ rằng em sẽ làm gì đó tổn thương chính em hoặc người khác. Em cần phải nhớ rằng không được làm thế nữa.” “Bao nhiêu lần?” “Mười”. Tôi oà khóc, và cầu xin, bật cười thành tiếng, đe doạ, và dùng đủ mọi trò có thể để tránh NÓ. Tôi thậm chí còn bảo anh rằng tôi sẽ gọi cho cảnh sát- và anh nói rằng anh sẽ bỏ tôi ngay lúc đấy luôn- và tôi biết anh sẽ làm như thế. Nên đúng rồi đấy, anh ấy đánh đòn tôi. Ba lần, không phải mười, vì má ơi nó đau, và cuối cùng ảnh thấy tội tôi.

Tôi không nhớ lần cuối tôi trò “miễn giao tiếp” trong cuộc hôn nhân của mình là khi nào. Nó chỉ không bao giờ hiệu quả cả.

Tôi nghĩ là nếu một người có được sự tử tế, lòng trắc ẩn, sự kiên nhẫn, dùng một chút óc sáng tạo, và coi đó như một trò chơi, họ có thể nắm chắc phần thắng và thậm chí tìm thấy niềm vui nữa.”

Bài viết được đăng bởi người dùng Ola Lola, được dịch bởi bạn An Nie và đăng trên trang Quora Việt Nam. Mình thấy cách đối xử với trò silent treatment này khá vui, mặc dù mình không nói rằng nó đúng, và nhất là vụ cuối cùng mình thấy hơi creepy. Việc dùng vũ lực với vợ mình trong bất kỳ tình huống nào đều là biểu hiện của nạn bạo hành và ngược đãi, có thể sẽ gặp rắc rối với pháp luật.

Mình thấy nhiều người quanh mình hay chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng sự im lặng. Một phần có thể là bởi văn hóa Á Đông thường tránh đối đầu trực tiếp để không làm nhau mất mặt. Mình cũng hiểu tại sao người ta thường giữ im lặng hơn là nói ra những điều khiến họ khó chịu. Vì họ sợ làm người khác tổn thương, sợ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ, và rồi, đến lượt mình bị tổn thương khi người đó quay sang khó chịu với lời nói của mình.

Một số tuýp người nhất định thường chọn silent treatment như một cách để giao tiếp khi gặp vấn đề. Đa phần trong số đó mình thấy thuộc kiểu người dismissive-avoidant, một trong 4 cách phân loại theo học thuyết về “attachment”, được phát triển bởi các nhà tâm lý học như John Bowlby và Mary Ainsworth. Một số đặc tính của kiểu người này là coi bản thân mình là tốt và những người khác là xấu. Họ thoải mái với việc không có những mối quan hệ tình cảm thân thiết, xem trọng sự tự do, tự túc và tự lo, và có xu hướng thích không bị phụ thuộc vào người khác và cũng không muốn người khác phụ thuộc vào mình. Những người này thường phủ nhận nhu cầu có những mối quan hệ thân thiết. Và họ cũng thường đè nén và che giấu cảm xúc của mình. Do vậy, họ thường có khuynh hướng đối diện với cảm giác khó chịu bằng sự im lặng, hoặc chọn tự cách ly chính mình với đối tượng gây ra khó chịu. (1) Thật tiếc là mình cũng thuộc nhóm người này.

Nhưng im lặng hay cách ly thường không phải là cách phù hợp để giải quyết vấn đề. Những vấn đề không mất đi khi ta im lặng. Dĩ nhiên có những lúc ta cần im lặng để giữ bình tĩnh trước một tình huống gây mâu thuẫn. Nhưng về cơ bản, nó không nên được dùng làm hình thức giao tiếp chính giữa người với người. Như trong một bài viết về “1500 cặp đôi chia sẻ bí quyết hạnh phúc trong hôn nhân” của Mark Manson, một lời khuyên của những người có các mối quan hệ lâu bền từ 10 – 20 năm đó là cần phải “Nói chuyện cởi mở về mọi vấn đề, đặc biệt là những việc gây đau đớn”. (2) Chúng ta phải học cách để nói chuyện về những điều gây thương tổn, để hiểu góc nhìn của phía bên kia, để giải quyết những mâu thuẫn và tiếp tục bước tới, cảm giác được thấu hiểu, thấu hiểu, và cùng bước tới trong những mối quan hệ lành mạnh hơn. Dĩ nhiên, việc thực hành điều này đòi hỏi rất nhiều sự can đảm.

Nhưng mình thấy câu hỏi được đặt ra không phải là có nên giao tiếp hay không, mà là chọn cách giao tiếp như thế nào. Hồi trước khi mới quen hai thầy cô dạy yoga của mình, mình đã rất ngưỡng mộ vì trong các tình huống mang tính mâu thuẫn cao, mà người thường có thể sẽ rất bực mình và hoặc giận dữ, thì hai anh chị thường dùng những từ ngữ rất nhẹ nhàng, để làm người đối diện không tổn thương, mà vẫn giúp người khác không lặp lại sai lầm đó nữa. Họ thực sự biết cách để ứng xử với sự tinh tế và duyên dáng. Cô mình bảo việc sử dụng silent treatment là một việc cực kỳ ích kỷ, bởi vì nó là việc cố ý gây tổn thương và đau đớn cho người khác. Một số bài viết khác cùng đề tài cho rằng silent treatment là biểu hiện của tính cách thích thao túng, kiểm soát cảm xúc của đối phương. Nhưng mình cho rằng bản thân người chọn cách im lặng cũng không dễ chịu gì. Họ cũng có thể đang cảm thấy bị tổn thương, mà không biết cách phải hành xử ra sao. Nên mình không trách gì người thân mà mình nhắc đến cả. Mình chỉ miêu tả lại cảm xúc của mình trước những sự việc đã xảy ra.

Mình thường không đem mấy chuyện riêng tư kiểu này lên nói trên mạng. Vạch áo cho người xem lưng, chả tốt đẹp gì. Nhất là trên một profile hơi giống “public figure” như của mình, thì việc chia sẻ những vấn đề này sẽ dễ dàng biến mình thành mục tiêu để bị chỉ trích. Một lần mình từng viết về những bài học rút ra sau một thời kỳ sức khỏe mình bị xuống cấp vì các sai lầm trong chế độ dinh dưỡng (mãi sau này nhìn lại mới biết là không phải do ăn uống). Sau này mình tình cờ thấy người ta sử dụng những chia sẻ thành thật này của mình để tấn công ngược lại mình trong các diễn đàn khác, đại loại kiểu: “Không biết cách ăn uống mà cũng bày đặt đi viết sách”. Nhưng mình vẫn lựa chọn làm điều này, vì đó là cách để rèn luyện sự công khai suy nghĩ, để thực tập và trở nên transparent và authentic.  Mình mong các bạn muốn tấn công người khác hiểu rằng việc công khai những câu chuyện rất vulnerable này bản thân nó là một sự can đảm. Những comment nào không phù hợp mình xin phép được xóa đi.

Lý do mình quyết định công khai câu chuyện của mình vì hôm nay đọc chia sẻ của cô bé mà mình rất quý, em viết mối quan hệ giữa em với bố ngày càng xấu đi vì có những việc em cứ lẳng lặng chịu đựng một mình, đến khi không chịu nổi thì bùng nổ. Em thành thật nghĩ rằng có những chuyện buộc phải lơ đi, cứ im lặng là xong.

Nhưng im lặng không phải là giải pháp. Nếu một lúc nào đó, bạn thấy mình đang định sử dụng trò chơi im lặng, xin hãy nhớ tới câu chuyện của mình. Sự im lặng có thể khiến bạn mất đi một mối quan hệ quan trọng. Như cách mình đã mất đi một mối quan hệ mà mình từng coi như gia đình.

(1) Van Buren, A. & Cooley, E. L. (2002). Attachment styles, view of self, and negative affect. North American Journal of Psychology 4 (3), 417 – 430.

(2) https://markmanson.net/relationship-advice

 

3 Replies to “The silent game”

  1. giống em hồi trước ghê. sau một thời gian em làm vườn rồi em tìm thấy trong Đạo Đức Kinh một vài thứ nữa giúp em thoải mái hơn và dễ dàng chấp nhận mọi thứ. hồi nào gặp lại chị chạy một vòng rồi tâm sự mỏng. :)))))

  2. Lữ đình Thắng says: Reply

    Bài viết hay lắm chị rosie ơi, sau khi đọc song bài viết của chị dù em chưa hiểu hết mọi ý nghĩa mà chị muốn chia sẻ cùng mọi người, em tự thấy mình cũng đã im lặng trong rất nhiều việc mà mình k thích và chỉ nghĩ như chị đã nói trong cuốn sách tuổi trẻ đáng bao nhiêu là mọi việc xảy ra với mình đều có lý do cả, thây vì than trách thì em sẽ Cố gắng tìm cách giải quyết và xem như một bài học cho mình, giờ có nhiều việc không rõ nguyên Nhân tại Sao thì em cũng không có can đảm để ngồi hỏi hay tâm sự để tìm ra cậu hỏi tại Sao, em nghĩ rằng sẽ chẳng Làm thây đổi được gì cả nên để nó trôi qua. Cuối cùng cám ơn chị đã chia sẽ nhé.

  3. Những đặc điểm chị miêu tả của kiểu người dismissive-avoidant, nó vận vào em hết không trượt cái nào chị ạ. Nhưng em gặp vấn đề khi cố gắng thay đổi sự im lặng trong một cuộc tranh luận bằng cách đưa ra quan điểm của mình. Là khi đó, cảm xúc của em rất tệ, và người đối diện cũng vậy. Nên bọn em dường như không mở lòng để đón nhận ý kiến trái chiều. Cuối cùng em vẫn chọn im lặng, bởi những cuộc tranh cãi đó thường khiến cảm xúc cả 2 bên tồi tệ và bọn em chẳng đưa ra được giải pháp êm đẹp cuối cùng nào cả. Thật sự em không biết phải bình tĩnh như thế nào khi mà sự tức giận trào lên??? Chị có thể cho em xin lời khuyên được không ạ?

Leave a Reply