Hành trình GRE và xu còn lại về self-learning

Bài dài quá nên phải tách ra làm hai phần. Như vậy, qua hành trình ôn luyện, mình học được những gì?

5/ Những gì mình học được (nghe giống Chicken Soup for the Soul ghê)

Quá trình ôn thi thực ra là những khoảng thời gian không hề dễ chịu. Hồi trước lúc luyện IELTS cũng thế mà bây giờ cũng vậy.

Lý do là mình phải tập trung, căng não rất nhiều để ôn luyện mỗi ngày. Và từ đó mình cũng cắt bớt những thói quen bình thường, hy sinh thời gian tham gia các hoạt động mình yêu thích, như viết lách, yoga, đọc sách, về với thiên nhiên, hẹn hò với bạn bè hay tham gia vào các hoạt động cộng đồng đội nhóm. Việc cắt mất thời gian với người thân bạn bè và các hoạt động đem lại niềm vui cho mình khiến cho những ngày ôn thi của mình thường khô khan, căng thẳng, thiếu ý tưởng, và mệt mỏi. Nhất là việc mình không viết được gì nhiều và hầu như bí ý tưởng cho các bài viết công việc trên Facebook, viết cho bản thân và viết lách cho quyển sách mới và cho blog làm mình thấy cực kỳ khổ sở. Mỗi khi định viết thì thấy trời ơi bao nhiêu thứ chưa học, thế là tịt hết cả ngòi chả muốn viết nữa.

Nhưng mà một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Là trạng thái tâm lý tinh thần của mình đã từ từ thay đổi. Từ chỗ cảm thấy bài thi quá thử thách và khó khăn, mình đã dần dần học cách làm quen, quay lại guồng quay đều đặn của việc tự học, tự ôn luyện và bắt đầu thích nó. Từ chỗ quằn quại, không biết bắt đầu học từ đâu, mình đã chuyển sang thích học, thích giải quyết vấn đề, học mỗi ngày với sự hứng khởi, niềm vui và sự say mê. Mỗi buổi tối, mình sẽ xem lại hôm nay học được gì, và ghi ra những điều cần làm vào hôm sau. Mỗi buổi sáng, mình thức dậy bằng một niềm háo hức, à hôm nay sẽ luyện thêm vài chục từ mới, học thêm vài chục trang, luyện thêm cái này cái kia để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Và mình nhận ra rằng: bất kể là học cái gì, phải thích thì mới học được. Bản thân người học phải tự tạo ra động lực cho quá trình từ học của mình, phải tự tìm niềm yêu thích trong quá trình học đầy thử thách. Với mình, niềm yêu thích đó đến từ đâu?

Một, là nó đến từ việc học thêm những điều mới mỗi ngày. Sau một tháng ôn thi cường độ cao, mình đã học thêm gần 1000 từ mới. Có những từ rất buồn cười mà có thể chả bao giờ mình biết nếu như không học GRE, ví dụ brazen (mặt dạn mày dày), reclust (ẩn dật). Và ngoài ra còn có các từ khác như phô trương, khoe khoang, ngạo mạn, trơ tráo, xấc xược, trơ trơ, đáng ghét, hèn hạ, bỉ ổi. Khi học từ vựng GRE mình đã học được khá nhiều từ mới dùng để diễn tả cảm xúc cá nhân khi muốn đánh giá một nhân cách hay hành vi đồi bại của người khác : ))).

Hai niềm vui thích đến từ việc áp dụng. Quả như một tài liệu của UNESCO về lifelong learning, nhấn mạnh việc phải giúp người ta học cái gì mà họ có thể áp dụng vào trong thực tế, để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Có lúc mình đã nản chí, nghĩ việc học thêm một từ, hai từ, giống nhặt từng đồng xu như thế này thì có ý nghĩa gì. Nhưng sau một thời gian học mình quay lại đọc các bài báo trên The New York Times hay The Economist, thấy tốc độ đọc của mình nhanh hẳn lên, mình hiểu các bài báo sâu hơn, việc đọc trở thành dễ dàng. Trong quá trình đọc lại bắt gặp được rất nhiều từ mình đã học, và sau khi đọc xong lại còn tiếp thu được nhiều thông tin kiến thức cực kỳ hay ho, nên mình thấy ồ, việc học từ mới đâu có vô ích, và à, sự hiểu biết của mình được nâng lên trong quá trình học, và ừ, những từ vựng này biết đâu sẽ càng có ích khi sau này mình muốn viết một quyển sách bằng tiếng Anh, thế nên là mình càng có động lực để học.

Ba, niềm vui đến từ việc thấy mình đang tiến bộ từng chút một. Mỗi ngày, mình học được thêm cái này cái kia, cày được mấy chục từ mới, hoàn thành xong phần học này, số tờ flashcard cứ chồng thêm lên nhau. Mình thấy việc kiên trì ngồi học mỗi ngày có được kết quả. Nó đem lại một sự động viên và khuây khỏa vô cùng lớn cho việc học, rằng không cần biết hiện tại của mình như thế nào, chỉ cần mình kiên trì bền bỉ mài giũa, thì mình sẽ ngày càng tốt lên, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay, và cứ như thế mình sẽ tiến tới mục tiêu mà mình mong muốn. Nó đúng với tinh thần của Growth Mindset.

Bốn, niềm yêu thích còn nằm ở khi mình giải quyết được vấn đề. Mình vốn thích các thử thách mới, thích tìm hiểu các cách để giải quyết một vấn đề nào đó, và bắt tay vào thực hiện kế hoạch để giải quyết thử thách trước mắt đó. Đối với mình, các bài đọc hiểu, các bài toán trong GRE, và cả quá trình học GRE nói chung, là việc giải quyết một vấn đề. Nên mình thấy rất hân hoan, khi mình đã học cách để nhảy qua được cái bức tường, vượt chướng ngại vật, và dần dần bước qua được bờ bên kia. Các bài toán GRE không còn là những công thức nhàm chán khô khan nữa, mà là những vấn đề, khi mình xử lý được một vấn đề, mình lại tiến càng gần tới đích hơn.

Tổng kết lại, sau hành trình có phần vật vã đó, mình đã trở nên yêu thích việc học GRE. Đây là một điều có ý nghĩa rất lớn với mình. Khi chứng kiến cái momentum của việc học được xác lập, việc ngồi vào bàn mỗi ngày đã trở thành thói quen, mình dần dần chuyển sang một trạng thái tưởng chừng không thể, là thấy rất tận hưởng quá trình ôn thi của mình, cảm thấy thực sự “enjoy the moment”. Thấy mỗi ngày mới là một ngày để cố gắng.

Ngẫm lại, mình thấy rằng, tinh thần, tâm lý và pattern này, mình có thể dùng nó để áp dụng vào việc học những điều mới khác.

6/ Ngày thi đến rồi

Buổi sáng ngày đi thi, mình làm theo lời dặn trong sách Princeton, cứ đi chạy bộ bình thường, rồi ăn sáng thật no, xong về nghỉ ngơi xả hơi thư giãn, không học gì nữa cả. Vì giờ thi của mình là 1,30 chiều (đăng ký thật sớm mà rốt cuộc cũng hết suất thi buổi sáng), nên mình tranh thủ ngủ trưa, xong đi ăn trưa rồi đến phòng thi trước một tiếng rưỡi theo lời dặn. Mình cũng đem theo 1 lít nước, một bình trà, phòng trừ buồn ngủ, và một ít các loại hạt để nếu có cơ hội thì ăn thêm để bù năng lượng.

Khi tới nơi, chỗ mình thi là trung tâm Nhất Nghệ, gần tới giờ ăn trưa nên nhân viên kêu mình ngồi chờ, chờ gần nửa tiếng không thấy ai ra dắt, nên bạn tiếp tân tự dắt mình vô phòng thi luôn.

Tới phòng thi, mình được yêu cầu bỏ mọi đồ đạc bên ngoài, kể cả nước uống, scan cả người từ trên xuống dưới, kiểm tra tay, chân, thân người, túi quần xem có giấu tài liệu gì không, rồi được cho một tờ giấy nháp, hai cây bút chì, để vào phòng thi.

Bài thi issue đầu tiên mình vượt qua khá dễ dàng. Bài argument mình được cho trúng một đề hơi khó, đọc đi đọc lại vẫn chỉ mới thấy được một assumption chứ không phải câu nào trong đề cũng thấy lỗ hổng giống như các đề mình đã gặp. Nên mình viết hơi lúng túng, và hết giờ làm bài trong khi chưa viết xong kết luận.

Tới các phần verbal và quantitative. Mình vẫn bị lính dính tâm lý với cái phần argument kia, và làm không được tập trung. Một vài câu đầu tiên mình bị mất tới hơn 2 phút cho mỗi câu và đọc hoài mới hiểu. Sau đó mình nhớ ra các tips trong Princeton, và skip các câu hơi khó để chuyển qua ăn điểm các câu dễ trước. Rồi mình hoàn thành hai phần này cũng tàm tạm.

Hết 3 section, đến phần giải lao 10 phút, mình chạy vội ra ngoài, xin thay giấy nháp, và chạy đi vệ sinh. Phòng vệ sinh ở khá xa, nên khi quay lại mình đã mất 8 phút. Rồi mình vào, scan người, kiểm tra tay chân, check in lại như lúc đầu. Mình chợt nhớ ra là trong suốt hai phần vừa rồi mình hoàn toàn làm bài quên cả việc tập trung vào hít thở cho đầu óc thư giãn và thoải mái.

Thế là phần verbal section 4, mình hít thở nhiều hơn, làm tập trung hơn, hoàn thành phần thi trước được 2 phút. Mình nghĩ mình làm phần này được cao điểm nhất. Nhưng tới hai phần cuối cùng, mình bắt đầu cảm thấy mệt, não tiếp thu chậm lại, và bị mất tập trung. Những bài toán mình biết là rất dễ và bình thường mình có thể giải quyết được dễ dàng, thì trong phòng thi lại không được như vậy nữa, mình cứ nghĩ rối lên và tính toán mãi vẫn chưa ra kết quả. Mình cũng không tin vào sự tính toán của mình trong lúc đó. Bình thường mình toàn tính nhẩm và tính tay cho nhanh, còn lúc làm bài thi thật sợ run quá tính sai nên cứ phải bấm calculator trên màn hình, vốn dĩ nhiên là chậm hơn.

Xong tâm trí mình bắt đầu bị phân tán. Nó bắt đầu nói tùm lum tà la lên. Có những lúc mình thấy tâm trí mình nó la lên: chết rồi, nãy giờ hơn 1 phút mà không nghĩ được cái gì, giả dụ làm không được câu này thì sao, rồi câu nào cũng không làm được thì sao, điểm sẽ kém lắm, chết mất, chết mất. Thế là mình bị nó chi phối, rơi vào hoảng loạn. Thêm vào đó, cũng đã tới gần cuối giờ chiều, nên những người coi thi đứng ở bên ngoài cũng nói chuyện riêng quá nhiều, họ giải thích gì đó với thí sinh vừa thi ra, xong họ lại tám chuyện riêng, làm mình đang mất bình tĩnh lại càng không thể tập trung được. Thực tế là có những lúc não mình cứ đơ cả ra, và chữ đọc đi đọc lại cũng không vào đầu gì cả. Mình cứ ngồi nhìn chăm chăm vào đồng hồ đang nhảy liên tục từng giây một. Thật dã man. Vì không kịp giờ, mình bỏ qua tới khoảng 4 – 5 câu trong mỗi section, đoán đại khá nhiều câu, và có những câu còn chưa kịp tick vào ô trả lời.

Thi xong là có kết quả hai phần verbal và quantitative luôn. Kết quả mình chỉ làm ra kết quả 61% cho verbal, và 62% cho toán. Kết quả làm mình có phần thất vọng, vì những lần làm các bài pretest trên ETS, những bài với độ khó, thời gian y chang như vậy, thì mình toàn đạt kết quả 70 – 80%, có phần chỉ sai có một câu thôi. (Kết quả theo phần trăm này là phầm trăm so với số người mà mình có điểm cao hơn, ví dụ 61% là điểm mình cao ở mức 61% so với tổng số người đăng ký tham gia. Như vậy số phần trăm này sẽ thay đổi theo năm. Ví dụ điểm số 155 năm 2010 có thể có số phần trăm là 75% (con số này mình lấy đại nha) thì năm 2018 là 69% vì những người thi năm 2018 có điểm số cao hơn năm 2010. Cảm ơn bạn Khuê đã đính chính giúp mình).

7/ Bài học kinh nghiệm

Sau lúc thất vọng ban đầu, về nhà xem xét, nhìn lại, mình thấy cũng không đến nỗi.

Thực sự ra mình chỉ bỏ thời gian ra trong một tháng, và với cường độ và thời gian như vậy, mình đã học được khá nhiều trong quá trình đó, đã có những niềm vui nhất định khi học tập. Nếu so với lúc ban đầu nhìn đề thi mà choáng ngợp không biết làm cách nào để học được, mà chỉ sau một tháng mình đã biết được khá kỹ các cách học bài và làm bài, và quen thuộc được với phần lớn các từ vựng mình gặp phải, thì đã là một bước tiến lớn.

Thêm vào đó, kết quả hơn 60% là có thể đoán được. Khi ở nhà, không khí thoải mái, mình làm bài không hề bị áp lực tâm lý, cho nên kết quả cao hơn. Còn khi thi thật, với áp lực phòng thi và sự căng thẳng của bản thân, thì việc kết quả thật giảm xuống 10 – 20% là điều dễ hiểu, và có thể được tiên liệu trước.

Mặt khác, nó cũng chỉ ra rằng quá trình học thi và kiến thức của mình chưa hoàn toàn vững chắc và nhạy bén. Bởi nếu kỹ năng của mình chắc chắn và vững vàng, thì áp lực phòng thi không làm khó được mình, những thứ làm phân tâm khác như giám thị nói chuyện, thí sinh ra vô làm ồn, cũng sẽ không gây nhiều ảnh hưởng.

Nếu được làm khác lại, mình sẽ làm gì.

Đầu tiên là, mình sẽ đọc tích cực, đọc nhiều hơn nữa, và học vocab phần lớn qua việc đọc chứ không chỉ là học qua flashcard nữa. Bởi vì mình nhận ra một điều quan trọng là việc có vốn từ vựng phong phú là một chuyện, còn chuyện mình áp dụng các vốn từ đó vào các ngữ cảnh khác nhau, với các ngữ nghĩa nghĩa đen nghĩa bóng cho từng từ khác nhau, và tốc độ đọc hiểu của mình mới là chuyện quan trọng và ăn điểm khi thi GRE. Để đọc hiểu các đoạn văn GRE nói gì, đoán được tác giả có ý gì khi viết như vậy, dùng cụm từ đó để làm gì, hoặc cả những điều tác giả không viết mà chỉ ngầm chỉ, để điền được từ, để chọn các câu trả lời đúng,… đều cần không chỉ một vốn từ tiếng Anh mạnh mà còn khả năng nắm bắt nghĩa sâu sắc và nhạy bén.

Do vậy, lần sau thi lại, mình sẽ đọc nhiều hơn, NYT, Economics, Long form, Brain Picking, tranh thủ luyện thêm các quyển sách novel kinh điển, cũng như các sách dạng pop science có các từ academic để vừa có từ vựng vừa nâng cao thêm kiến thức. Khi đọc nhiều mình sẽ tập được cách đọc với tốc độ hiểu nhanh hơn, cũng có thể phát hiện ra nhiều từ vựng GRE trong nhiều ngữ cảnh và các sắc thái ý nghĩa khác nhau của chúng. Các từ vựng dành cho GRE có khá nhiều ý nghĩa, nên nhiều khi mình biết từ đó, cũng chưa chắc là mình hiểu được nó có nghĩa gì trong câu văn hay ngữ cảnh đó. Việc luyện đọc sẽ giúp mình cải thiện vấn đề này nhiều hơn.

Mình cũng sẽ tranh thủ thời gian để học nhiều từ mới hơn. 1000 từ cho 1 tháng học là cũng kha khá rồi, nhưng chưa đủ để hoàn toàn tự tin thi GRE. Để thi GRE có điểm cao, nếu có thời gian thì thuần thục khoảng 3500 từ vựng, như liệt kê trong sách Barron, cộng với việc học thêm các prefix, suffix khác. Vì dù mình có học bao nhiêu thì vẫn có thể không biết được hết các từ vựng mới gặp phải trong bài thi GRE. Nên việc học prefix, root, suffix để đoán thêm ý nghĩa của từ là cực kỳ cần thiết. Vì mình dự định sẽ thi lại GRE, nên mình sẽ tiếp tục học từ mới và đọc academic essay trong khoảng thời gian tới để bổ sung và ngấm dần, chứ không đợi đến 1 – 2 tháng trước khi thi mới nhào vào ôn một cách khùng điên.

Tiếp theo là mình sẽ luyện giải bài tập dưới áp lực thời gian. Bình thường luyện bài, giải toán, mình ít canh giờ, nên không có áp lực phải giải với thời hạn chặt chẽ. Thực tế là các bài toán trong khi thi GRE cũng không phải là khó so với sức mình, nhưng do mình nghĩ lâu, làm chậm, nên không đủ thời gian để làm hết tất cả. Với số lượng các câu hỏi bị bỏ qua và đoán đại nhiều như vậy, mà mình vẫn hơn 60% tổng điểm, chứng tỏ các câu mình trả lời có tỉ lệ đúng khá cao. Do vậy, điều mình cần làm là phải luyện kỹ năng giải đề, sao cho giải nhanh, chính xác, sắc bén trong một thời gian ngắn, đúng như cách mình đã đi thi trong thời phổ thông.

Vấn đề lớn nhất của bản thân mình là áp lực tâm lý khi đi thi. Rất lâu rồi không đi thi, nên mình bị khớp, bị phân tâm, mất tập trung, và làm bài không được nhanh và chuẩn như trước. Khi làm bài ở nhà, không khí và tâm lý thoải mái nên mình hiểu rất nhanh và làm rất tốt, lúc tới phòng thi thấy não cứ đơ cả ra, không nạp được thông tin.

Cách đây 2 năm khi đi thi IELTS mình cũng bị vấn đề này, dẫn đến viết nhầm bài luận của writing task 2 vào trong tờ giấy để viết task 1. Bởi vậy não càng già càng chậm. Để khắc phục điều này, mình nghĩ chắc cần phải luyện nhiều bài tập hơn, làm cho quen tay, ôn luyện kỹ càng hơn nữa để không hề có chút run sợ gì khi bước vào phòng thi. Sau này muốn học lên cao hơn thì càng phải luyện dần não để nó quay trở về với tốc độ và cường độ học tập như thời tuổi trẻ. Bạn nào còn nhỏ tuổi đọc được bài này của mình thì hãy nhớ: còn trẻ ráng mà cày bừa học tập, càng già học càng khó. Không phải là trẻ không chơi già hối hận mà là trẻ không học già hối hận.

Một điều nữa là mình sẽ có thể cân nhắc mua prep course của Magoosh hoặc các nơi khác. Việc tự học mà không có hướng dẫn, giáo trình, lộ trình cụ thể cũng có hạn chế của nó. Với áp lực cần điểm cao mà điều kiện không quá khó khăn về tài chính, thì việc bỏ tiền đi học các khóa này cũng là một lựa chọn không tồi. Huống hồ họ có bộ đề, prep test khá nhiều và phong phú. Magoosh rẻ nhất, nhưng cũng có Princeton, Manhattan, Kaplan rất hay. Chỉ có điều chương trình học của các bác này khá cao giá, ví dụ Kaplan học online 6 tháng mất tới 629$. Trang này có so sánh giá khá chi tiết và hữu dụng: https://crushthegretest.com/best-gre-prep-courses/

Nói tóm lại, kết quả vừa rồi thì không đến nỗi tồi, với số điểm đó mình cũng đã có thể nộp đơn vào một số trường ở Mỹ. Nhưng nó chưa phản ánh được đúng năng lực của mình. Vấn đề với kỳ thi vừa rồi không phải ở kiến thức hay từ vựng, mà là ở chỗ mình giải bài còn chậm, chưa nhanh nhạy sắc sảo, và nắm nghĩa các từ vựng còn bị “xốp”, chưa được thấu đáo.

Dù sao, thì mình cũng đã vượt qua được một cửa ải với kết quả tàm tạm rồi. Bây giờ tập trung vào việc viết essay, hoàn thành những công việc đang bị nợ, và tiếp tục cày tiếp thôi.

Cảm giác nhẹ nhõm, vui tươi và hy vọng hihi.

8 Replies to “Hành trình GRE và xu còn lại về self-learning”

  1. Thanh Thanh says: Reply

    rất hay, cám ơn bạn đã chia sẻ kinh nghiệm! <3

  2. Cảm ơn chị đã chia sẻ. Cách viết rất lôi cuốn và dễ hiểu. Em sẽ cố gắng học hỏi thật nhiều.
    Google thì vừa biết chị là tác giả quyển Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? mà em đã đọc và thấy rất thích : )))
    Chúc chị nhiều sức khoẻ và niềm vui khi thực hiện những dự án của mình <3

  3. Nguyễn Hoàng Khuê says: Reply

    Chào chị, em là sinh viên du học năm 4, cũng vừa thi GRE xong. Bài viết của chị rất relatable, và em chắc rắng những ai đang trong quá trình chuẩn bị cho kì thi này đều sẽ rất cảm kích kinh nghiệm của chị. Điều duy nhất em thắc mắc là 2 con số 61% và 62% chị vừa liệt kê đến từ đâu? Vì theo kinh nghiêm của em, thang điểm GRE từ 130 – 170, và điểm so sánh (percentile) không mang nghĩa phần trăm làm đúng mà mang nghĩa phần trăm số người mình đạt điểm cao hơn. Ví dụ như trong 3 năm 2017 – hiện tại, những người đạt điểm 155 phần Verbal sẽ có percentile score là 68%, có nghĩa rằng họ có kết quả cao hơn 68% tổng số bài verbal. Và trong 2 bộ đề giải thử của GRE, em cũng chắc rằng họ chỉ cho điểm số (130 – 170/170) cho 2 phần verbal và quant chứ không cho điểm so sánh và chắc chắn không cho điểm dựa trên phần trăm làm đúng (theo những gì em được biết, tất cả những câu hỏi trong phần verbal đều được chia làm nhiều độ khó khác nhau, nên những câu nào khó hơn sẽ được nhiều điểm hơn, nên dựa vào điểm số không thể biết được phần trăm).

    Chúc chị nhiều sức khỏe và may mắn trong kì thi GRE sắp tới.

    1. Hi em, ừa đúng rồi, nó không phải là phần trăm làm đúng, mà như em nói là percentile, tức là kết quả phần trăm số người mình đạt điểm cao hơn. Cảm ơn em đã đính chính nhen. Để chị sửa lại 🙂

  4. Nông Đức Thắng says: Reply

    Bài của chị viết hay quá. Em chưa thi kỳ thi tiếng anh nhưng có những kinh nghiệm em có thể áp dụng vào kỳ thi tiếng Nhật .
    Chúc chị nhiều sức khoẻ và sắp tới sẽ đi du học ở Mỹ

    1. A· em muốn hỏi thêm chut· xíu là ở gần Hà Nội chị có quen ai kèm GRE không ạ ? Kiểu gia sư hoặv·một lớp học ấy ạ

      1. Sorry em chị không quen ai dạy kèm GRE. Chị cũng tự học là chính. Còn để chuẩn bị trước chị nghĩ cứ học từ vựng, đọc thêm các bài báo nghiên cứu hoặc các quyển sách có nhiều từ vựng GRE (Google các sách đó là ra) chắc là sẽ giúp ích em ạ.

  5. DẠ cám on· chi· Rosie ạ . Nếu được chị có thể gưi· tài lieu· qua email của em được không ạ ? ( [email protected]) em cám ơn chi· nhiều a· . Em vừa search một vài quyển và hơi đăt :((

Leave a Reply