Vài lời xin thưa cùng bạn đọc

Tuần vừa qua, ngày 9/1, sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu vinh dự nhận được giải thưởng Top 10 quyển sách truyền cảm hứng cho giới trẻ năm 2018, do Đường Sách Tp. HCM tổ chức. Quyển sách đứng ở hạng thứ 2, trong danh sách còn có thêm những quyển sách khác mà mình yêu thích, như Nếu biết trăm năm là hữu hạn, Lời hứa từ một cây bút chì, Mình là cá, việc của mình là bơi,…

Nhân dịp này, mình cũng có vài điều muốn bộc bạch tâm tình cùng bạn bè độc giả.

1/

Hơn hai năm qua, Tuổi Trẻ vẫn thường xuyên nằm trong danh sách bán chạy, xếp hạng Top 1 best seller của Tiki và một số đơn vị phát hành khác. Điều này cho thấy điều gì? Chưa hẳn là vì sách hay, mà có một thực tế là, thị trường sách Việt Nam còn quá thiếu những tác phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo bạn đọc. Bên cạnh đó, theo ý kiến chủ quan của mình, đây cũng là một phần dấu hiệu của sự dịch chuyển đáng mừng trong thị hiếu đọc sách của người trẻ.

Nhớ lại chỉ vài ba năm trước, những cuốn sách ngôn tình, tản văn áp đảo thị trường sách Việt, rất nhiều trong số đó được viết và xuất bản một cách khá là dễ dãi. Nhưng thời gian gần đây, sự ủng hộ nồng nhiệt dành cho những đầu sách như Trên Đường Băng, hay Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu, (dù cả hai quyển đều có những hạn chế nhất định của riêng chúng) cho thấy rằng xu hướng của người đọc đã thay đổi. Người đọc phổ thông đã không còn dễ dàng thỏa mãn với những quyển sách dễ dãi, mà ngày càng mong muốn những tác phẩm nghiêm túc và có chiều sâu, được đầu tư chất xám và công sức một cách kỹ lưỡng. Họ cũng không còn hài lòng với các đề tài chỉ đơn thuần khai thác khía cạnh tình cảm riêng tư, mà muốn là khi đọc một quyển sách xong, họ phải có thêm được những thông tin và kiến thức và thái độ hữu ích, áp dụng được vào cuộc sống, giúp họ thích ứng được với sự thay đổi ngày càng nhanh của xã hội hiện đại. Nhưng vốn là một thị trường trẻ, người đọc vẫn cần những hình thức thể hiện sao cho dễ tiếp cận, dễ đọc, dễ hiểu, mang tính kể chuyện và tạo sự kết nối tốt về cảm xúc.

Đó là một yêu cầu thử thách nhưng không phải là không làm được. Độc giả Việt Nam rồi sẽ lớn dần lên, và sẽ ngày càng thông minh và khó tính hơn hơn. Là một người viết, mình cũng thấy có áp lực và hứng khởi trước trách nhiệm liên tục học hỏi, tự làm mới chính mình, và để bắt kịp với nhu cầu của người đọc. Bạn mình hay nhắc câu: “You owe the world your gift”. Ừ, nếu mình có bất kỳ tài năng gì thì mình nợ cuộc đời điều đó, phải biết nỗ lực liên tục lao động để tạo ra giá trị.

2/

Từng có những quan điểm cho rằng Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu bán chạy là nhờ được PR tốt. Mình không cho là như thế. Theo trải nghiệm cá nhân, việc PR cho sách ở Việt Nam hay trên thế giới đều đang phụ thuộc phần lớn vào sự chủ động, kỹ năng, và nguồn lực của người tác giả. Nhưng với Tuổi Trẻ, mình thực lòng đã không PR cho nó quá nhiều. Nếu sức mình có thể làm được 10 phần để quảng bá sách, thì với Tuổi Trẻ mình chỉ PR cho nó cỡ 3, 4 phần (với sách Hạnh Phúc còn thảm hơn, thương ghê). Lý do chính yếu là vì mình làm biếng. Lý do phụ là mình thích đọc và viết, chứ không hẳn thích dành quá nhiều thời gian để nói về tác phẩm của mình. Nhất là ở Việt Nam, với tình hình nhiều độc giả mua sách nhờ danh tiếng của tác giả, thì việc PR sách dính líu quá nhiều tới việc PR hình ảnh bản thân. Mà đối với mình, tác giả không quan trọng bằng tác phẩm, nên mình không chú trọng làm thương hiệu cá nhân.

Từ sự tréo ngoe đó, nếu cho rằng sách Tuổi Trẻ được PR tốt là hơi oan. Mẹ đẻ ra nó còn không thèm PR thì ai làm giùm cho nữa, hehe.

Nhưng nếu thế thì tại sao sách Tuổi Trẻ lại bán chạy được như vậy? Bởi vì nó đã vô tình tận dụng được một hình thức marketing chưa bao giờ xưa cũ: marketing truyền miệng. Người này đọc thấy hay mua đem tặng người kia. Cô hiệu trưởng trường cấp ba mua vài trăm quyển để vào thư viện trường cho học sinh đọc. Anh giám đốc doanh nghiệp đặt mua và nhắn mình ký tặng vài trăm quyển để làm quà tặng cho nhân viên. Cứ như thế Tuổi Trẻ đến được lan tỏa và đến được với rất nhiều người cần sách.

Nhưng, lại nhưng, nói như thế không có nghĩa là mình đã không hoạch định gì cho quyển sách này. Mình dĩ nhiên không tiên đoán được nó sẽ trở thành best seller, nhưng ngay từ khi viết nó, mình đã lên kế hoạch chi tiết và tỉ mỉ để nó thành best seller. Một trong những điều mình đã làm để có thể tác động vào hiệu ứng dành cho quyển sách, là đầu tư chất xám. (Đây là một bí mật dành cho độc giả của blog này: chúng ta thực ra có thể chuẩn bị cho một quyển sách trở thành best seller được các bạn ạ).

Với tư cách là tác giả quyển sách, mình đã làm gì để tạo ra được hiệu ứng marketing truyền miệng? Mình hầu như đã không tác động gì nhiều vào quá trình này (và cũng khá khó để tác động), ngoài việc tập trung tâm sức để cho ra đời một tác phẩm tốt hết mức có thể. Một quyển sách cũng là một loại sản phẩm. Chỉ khi người sử dụng hài lòng với chất lượng của sản phẩm, thì họ mới giới thiệu cho người khác dùng. Và như vậy, hình thức marketing truyền miệng và cả các hình thức quảng bá khác mới phát huy được tác dụng. Rất khó để có thể làm PR, hoặc marketing thành công cho một sản phẩm tồi.

3/

Lại có những quan điểm khác, khi nhắc tới Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu, cũng như những đầu sách non-fiction khác, lại xua tay: “Ôi giời, đọc làm gì cái thể loại self-help ấy”. Hoặc có những quan điểm rằng: “Cứ hễ self-help là không thể nuốt nổi”.

Mình đã rất nhiều lần muốn thưa rằng: self-help không có lỗi. Thể loại của quyển sách không nói lên gì nhiều về quyển sách đó. Bất kỳ một thể loại nào cũng sẽ có những quyển sách hay, có giá trị hữu ích, giúp nuôi dưỡng thế giới tinh thần của người đọc. Và bất kỳ thể loại nào cũng có những quyển sách nhảm nhí ba xu.

Thể loại nhận được nhiều sự coi thường nhất là ngôn tình. Nhưng ngôn tình thì vẫn có những có thể miêu tả được những trăn trở, suy nghĩ, và thân phận của cả một thế hệ hay cộng đồng, xã hội, nhưng cũng có những quyển thật phí tiền in. Có những quyển tản văn xuất sắc tuyệt vời hướng người đọc đến chân thiện mỹ như cuốn “Người Khuân Đá” của bác Cao Huy Thuần, thì cũng có những quyển tản văn ru ngủ và nuông chiều độc giả trong hố sâu cảm xúc của chính họ. Những quan điểm phỉ báng self-help cũng giống như những thái độ kỳ thị phủ nhận ngôn tình, (mà rất tiếc mình đã từng mắc phải).

Nói chung, một quyển sách có thể nhảm nhí, nhưng thể loại thì không. Mới đây, tác giả Helen Hoang (một tác giả người gốc Việt), người vừa nổi danh với tác phẩm The Kiss Quotient được bầu chọn là Best Romance book of 2018 trong giải thưởng Goodreads Choice Awards, là một tác giả chuyên khai thác trong dòng sách: “romance with social impact”. Ai dám nói romance hay ngôn tình là nhảm nhí, nhỉ?

Tương tự như thế, self-help cũng vậy. Mình từng đọc được một bài bàn về sách, có đoạn rất vui rằng: “Và khi bắt đầu suy nghĩ về việc sách self Help có hại hay không? Tôi có một vài câu hỏi: Quyển Cổ học Tinh hoa của cụ Nguyễn Văn Ngọc có phải sách self-help hay không? Quyển đại học của Khổng Tử có phải sách dạng self help hay không? Đạo đức kinh của Lão tử liệu có phải sách self-help hay không? Dòng sách về quản trị của Henry Mintzberg, của Peter Drucker, hay Malcolm GladWell có được xem là sách self-help hay không? Sách Kinh của Phật giáo có phải sách self-help hay không?” Phải hay không thì còn tùy vào người đọc, nhưng bài viết đó đưa ra một cách lật ngược vấn đề rất thú vị.

Đọc thêm về bài viết đó ở đây: https://sachkhuyendoc.com/suy-nghi-ve-viec-sach-self-help-co-hai-hay-khong/

Một bài viết khác về self-help của nhà báo Khổng Loan: http://newmedia.vn/2015/07/5-ly-do-de-doc-sach-self-help/, giờ mới biết chị Khổng Loan cũng có blog.

Và một bài của em Quang Khuê với văn phong nhẹ nhàng điềm tĩnh mà mình khá thích: https://tuoitre.vn/doc-sach-de-mo-mong-tai-sao-khong-757287.htm?fbclid=IwAR1Bhk-oyXdd5DDbGZd7G6qa4gQjytyu4YiGoBdAKBdJwnDTtULg442HfD0

Chung quy lại, đừng đánh giá một quyển sách dựa trên thể loại của nó. Mà hãy nhìn nhận quyển sách riêng biệt như một bản thể hoàn chỉnh. Hãy đánh giá nó một cách công tâm, ghi nhận nỗ lực và tâm sức của người làm sáng tạo. Bạn có thể chê sách Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu là dở, nhưng đừng cho rằng nó dở bởi vì nó là self-help. Huống hồ chi, về bản chất nó thực ra không phải là sách self-help, mà là về self-education, về life-long learning.

Thêm một ý nữa, nếu bạn chê dở, mình sẽ rất vui nếu bạn nói ra lý do cụ thể tại sao. Những góp ý để thay đổi chỉnh sửa luôn cần thiết. Nhưng mình đã có một trải nghiệm sâu sắc rằng, góp ý cho một quyển sách, hoặc cho một con người, thì cần góp ý như thế nào để không làm tổn thương mất lòng người đó, mà với mục đích chân thành, là giúp cho họ trở nên tốt hơn. Những góp ý chân thành và thiện chí thường được cảm ơn. Còn những góp ý xuất phát từ bức xúc, từ sự bực tức, hoặc ghen tỵ, hoặc ý muốn thể hiện bản thân mình tốt hơn người đó, thường chỉ gây phản tác dụng.

4/

Từ khi sách Tuổi Trẻ nhận được nhiều ủng hộ, mình cũng nhận được nhiều sự chú ý hơn. Điều này có tính hai mặt. Có rất nhiều độc giả vì yêu thích sách mà đâm ra thần tượng tác giả, nhưng cũng có không ít người vì ghét bỏ quyển sách mà đâm ra có những lời lẽ công kích hạ nhục tư cách và nhân phẩm của người viết. Có những trải nghiệm lặp đi lặp lại khiến mình không ngừng ngạc nhiên về mức độ yêu thích và thù ghét mà mình nhận được từ việc viết ra Tuổi Trẻ.

Chỉ riêng việc nhận và hồi đáp những tin nhắn/email từ độc giả cũng đã là một áp lực. Có những tâm sự đọc xong cảm thấy xúc động rung rưng, thấy cuộc đời đẹp đẽ tốt lành và nỗ lực viết lách của mình có giá trị. Nhưng cũng có những tin nhắn đọc xong thấy bị cạn kiệt năng lượng. Bởi có nhiều người vẫn chưa ý thức được là trong câu chuyện khi họ chán nản than phiền, là họ đang xả vào người nghe những luồng năng lượng tiêu cực. Có không ít độc giả xả vào mình một cách xối xả như thế. Trong cuộc đời cũng có không ít người vô tình làm thế. Họ nghĩ là họ đang tâm sự, nhưng họ thực sự chỉ đang xả rác tinh thần. Việc nhận được quá nhiều tin nhắn tiêu cực từ độc giả trong một thời gian dài cũng đã gây ảnh hưởng tới tâm lý của mình. May mắn là nhờ phước phần của ông bà cha mẹ, những người thầy, những người bạn sáng suốt, gia đình và người thân, nên cũng không đến nỗi.

Có một vấn đề là một số độc giả dành cho mình những sự ngưỡng mộ và kỳ vọng quá đáng. Mình không xứng đáng mà cũng không đủ sức để đáp ứng tất cả những điều đó. Những gì mình viết là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học, từ quan sát và ghi nhận cuộc sống của mình. Những trải nghiệm của mình tuy có vẻ là phong phú, nhưng không bao giờ có thể bao quát được tất cả. Nó có thể áp dụng được với người này, nhưng hoàn toàn trật với người kia. Không phải lúc nào mình cũng có câu trả lời cho tất cả các câu hỏi đến từ độc giả. Và không phải lúc nào mình cũng muốn trả lời. Nhưng vì mình viết cho độc giả trẻ. Mà nhiều bạn đọc quá trẻ để nhận ra rằng, mình chỉ là một con người. Trần tục, bất toàn, đầy rẫy khiếm khuyết và vấn đề của riêng mình. Và mình cũng chỉ đang trong quá trình học hỏi và lớn lên.

Mình nói ra tất cả những điều này không phải để than phiền hay đổ lỗi cho độc giả của mình. Mình chỉ coi đó là những tác dụng phụ của hành trình này. Mình đã nhận được bao nhiêu niềm vui và tưởng thưởng, thì những khó chịu đi kèm, nếu muốn tiếp tục, chỉ có cách chấp nhận mà thôi.

Mình cũng không viết ra những trải nghiệm hơi nhạy cảm và dễ bị tổn thương này để xin lời khuyên hay sự an ủi. Mình chỉ chia sẻ chứ không có nhu cầu nhận lời khuyên về điều này. Mình viết ra để cho thấy một khía cạnh khác. Để nhắn nhủ với những bạn trẻ nào đó vẫn đang ôm mộng viết lách/hát múa/khởi nghiệp hoặc làm bất cứ điều gì chỉ để được trở nên nổi tiếng. Rằng khi bạn đã đạt được cái bạn muốn rồi, có khi bạn sẽ thấy thực tế không tuyệt vời như bạn vẫn tưởng. “Be careful with what you wish for”, như người ta vẫn nói. Khi được nổi tiếng, thì bạn sẽ bỗng thấy bản thân mình mất đi khá nhiều tự do.

5/

Trong một hội thảo, có bạn từng hỏi mình rằng: “Chị thấy những điều chị đạt được hôm nay, là nhờ vào điều gì? Hay chỉ là nhờ vào may mắn?” Dĩ nhiên là mình có may mắn, vì mình nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Nhưng mình phải khẳng định một điều rằng: May mắn nhờ cố gắng.

Nếu không cố gắng học hỏi phát triển bản thân, vượt qua giới hạn của chính mình và kiên trì viết lách, mình đã không có được một bản thảo sách hoàn chỉnh. Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu ra đời sau 1,5 năm viết lách, và là kết quả tích lũy của một quá trình 4, 5 năm trời đọc, học, làm, đi, và viết liên tục.

Nếu không cố gắng hỏi thăm nhờ bạn mình liên lạc để kết nối với biên tập tại Nhã Nam, mình đã không tiếp cận được với bạn biên tập sách. Nếu không bỏ công đưa ra đề xuất sách với phần tiếp cận thị trường một cách thực tế, chưa chắc mình đã thuyết phục được sự kỹ tính của bạn ấy. Quyển sách được phát hành, một phần nhờ vào quyết định lựa chọn bản thảo của bạn ấy.

Nếu không cố gắng vượt qua sự ngại ngùng lo sợ của bản thân và nhắn tin cho chị Đông Vy, mình đã không được chị nhiệt tình hỗ trợ và Tuổi Trẻ đã không có được một review dài rất có tâm từ một tác giả tiền bối uy tín như thế. Quyển sách nhận được đón nhận ban đầu, một phần nhờ vào endorsement rất hay và chân thành của chị ấy.

Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu còn thu hút sự chú ý nhờ vào một cái bìa bắt mắt, và cái tên độc đáo, gây tò mò. Nhưng nếu mình không cố gắng lăn lộn tìm hiểu thị trường, suy nghĩ tư duy về ý tưởng cho bìa sách, rồi thăm dò tham khảo để tìm người vẽ bìa phù hợp, thì đã không có được bạn Bảo Anh với nét vẽ rất tài hoa và có chiều sâu để vẽ bìa cho sách. Cái tên sách cũng thế, quá trình đặt tên gian truân đau khổ, mình đã nghĩ đến cả một vạn mấy nghìn cái tên, tìm kiếm mày mò khắp nơi để nảy ra cái tên thu hút ấy. Mò cái này, tìm cái kia, thử cái nọ. Từng chút từng chút một đều đòi hỏi sự để tâm, lưu ý, và cố gắng.

Cố gắng tạo may mắn. Nhờ từng điều nhỏ góp lại như thế mà sách đến được với nhiều độc giả hơn, kể cả những người chưa bao giờ nghĩ mình thích đọc sách, và rất lâu rồi mới đọc hết một quyển sách. Mình tin rằng, dù còn nhiều thiếu sót, nhưng một trong những điều mà Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu làm được, đó là khơi dậy tình yêu với sách trong lòng người đọc, một điều mà có thể họ đã bỏ quên giữa bao cơm áo gạo tiền, hay bộn bề cuộc sống.

6/

Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu đã có một hành trình dài, và cả người mẹ của nó cũng thế. Mình đã học hỏi được nhiều điều hơn, gặp gỡ làm quen được nhiều người hơn, được đi nhiều nơi đẹp đẽ, làm nhiều điều hay ho, và lớn lên thêm nhiều từ Tuổi Trẻ.

Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu được đến ngày hôm nay, là nhờ vào công lao của rất nhiều người, phần lớn trong đó là những người thầm lặng và ít được vinh danh, chị Đông Vy, bạn biên tập, anh chị quản lý duyệt nội dung, bạn họa sĩ vẽ bìa, bạn làm PR, người dàn trang xếp chữ, người làm trong nhà in, người giao hàng, người quản lý kho, người làm kinh doanh, người kế toán trả tiền nhuận bút cho mình, nhiều nhiều lắm. Khi sách ra người ta chỉ biết tới người tác giả, nhưng người ta thường không để ý rằng có một quyển sách thật, tử tế, với chi phí thấp như vậy, là công sức cộng dồn của biết bao nhiêu người.

Và những người góp phần quan trọng nhất, chính là độc giả. Có những độc giả đã tâm sự với mình rằng, từ khi đọc Tuổi Trẻ, họ đã lập một cái blog, đã mở một Youtube Channel, đã thành lập một câu lạc bộ, đã tổ chức nhiều hội thảo. Tất cả họ, đã góp phần tạo nên và lan tỏa giá trị của Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu đi xa. Hồi xưa có một cuộc thi về “Quyển sách thay đổi cuộc đời”. Mình thì cho rằng, một quyển sách có giá trị thay đổi cuộc đời ai đó hay không, là tùy thuộc vào cách đọc, và những nỗ lực hành động của người đọc sau khi hoàn thành quyển sách.

Về bản thân mình, từ trước đến nay vẫn chẳng nhiều tài cán gì. Nhưng mình thấy để viết nên những điều có giá trị, điều cơ bản, và quan trọng nhất, chính là cái tâm, cái lòng, cái sự “authentic”, chân tình chân thực của người cầm bút. Mình thấy những gì mình có được tới bây giờ, chắc là ngoài phước phần của ông bà cha mẹ, sự hỗ trợ của bao nhiêu người tử tế xung quanh, là sự nỗ lực luyện mình, và sự can đảm để sống thật, và viết thật.

Có những bạn nhắn tin bảo rằng em đã đọc đi đọc lại quyển sách này nhiều lần. Xin bạn vui lòng hạn chế làm thế. Dù với cái tôi của người tác giả, thì mình cảm thấy hơi bị thổi phồng và vui lòng. Nhưng ở trên đời còn rất rất rất nhiều sách hay hơn quyển đó. Bạn hãy dành thời gian bên những quyển sách hay khác. Thật nhiều thời gian. Bản thân mình, mình đã tìm thấy niềm vui, sự tâm giao, sự học hỏi, sự lớn lên, và cả sự thay đổi cuộc đời, rất nhiều nhờ vào công lao của những quyển sách hay.

Và cuối cùng cho một bài viết hơi quá dài này, là lời nhắn nhủ. Thị trường sách Việt Nam tuy còn rất lộn xộn, hỗn độn và sơ khai, nhưng bản thân mình thấy, còn rất nhiều cơ hội, tiềm năng và đầy hứng khởi. Mình mong rằng, với những dấu hiệu thị trường tích cực từ Tuổi Trẻ, sẽ có nhiều quyển sách khác, thể hiện tinh thần và cá tính của người viết trẻ Việt Nam. Mong ngày càng có thêm nhiều người đọc, người viết, giúp cho làng sách Việt ngày càng lớn mạnh thêm lên.

5 Replies to “Vài lời xin thưa cùng bạn đọc”

  1. Đăng Khoa says: Reply

    Chị ơi… cố lên nhe 🙂

    1. Cảm ơn em Đăng Khoa nhiều :). Chị sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

  2. Sách của chị đã mang lại nguồn cảm hứng cho em sau bao nhiêu năm bỏ đọc sách vì chạy đua theo con đường học hành. Em thật sự là một đọc giả rất ngưỡng mộ chị.

    Em hiện đang là du học sinh bên Mỹ đã được hai năm. Từ nhỏ đến lớn em đều ước mơ được đi du học Mỹ bằng mọi cách. Nhưng dạo gần đây em luôn tự hỏi bản thân mình câu hỏi giống như chị đã từng hỏi bản thân:”Cuộc đời mình chỉ có thế thôi sao?” sau khi đối mặt với căng thẳng từ việc học hành và gia đình. Em cảm thấy bản thân đang trải qua khủng hoảng của tuổi 20. Em thật sự chán nản việc học hành trên trường (dù bản thân em là người rất đam mê học hành và trau dồi kiến thức). Em không muốn bản thân mình hối hân khi mãi chay đua theo điểm số mà không trau dồi kỹ năng sống. Từ khi bắt đầu việc học em chưa bao giờ có thời gian để nhìn lại bản thân mình muốn điều gì. Em muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi:” Mình là ai?” Vì thế em đã xin ba mẹ em cho em đựoc nghỉ ngơi và trải nghiệm tìm hiểu bản thân và xã hội xung quanh trong vòng 8 tháng ở Việt Nam sau khi hoàn thành bằng Associate Degree. Sau đó sẽ quay trở lại Mỹ để tiếp tục học Bachelor’s Degree.

    Nhưng thật sự nếu em nghỉ ngơi trong vòng 8 tháng không biết có thể phỏng vân quay trở lại Mỹ được hay không? Em có nên mạo hiểm với quyết định của mình? Em thật sự rất băn khoăn tìm ra cách giải quyết. Liệu em có nên nghỉ ngơi trong 8 tháng để đổi lấy kinh nghiệm sống trước khi quyết định học ngành nghề nhất định (gắn với mình cả đời) với một khoảng tiền không nhỏ để vào được đại học Mỹ? Mong có thể nhận được lời khuyên và phản hồi từ chị. Em cảm ơn chị nhiều! Chúc chị mãi thành công trên con đường chị đã chọn!

  3. Triệu Tử Di says: Reply

    Sách của chị rất hay, hữu ích, giúp ích rất nhiều cho em vào việc học.
    Nhưng có một đoạn khiến fan ngôn tình như em hơi bức xúc, sách gián tiếp gọi đó là những quyển sách dở, ko có hữu ích, em ko đồng ý về vấn đề này một chút. Sách nào cũng có cái thú của nó, ko có quyển sách nào được phát hành mà hoàn toàn dở được.
    Thân ái.

  4. Hieu Duong says: Reply

    C Nguyên, hôm nay em mới đọc bài này của chị. Đúng là có một thời gian em bị kiểu cũng như c đã nói là “thần tượng hóa”. Nhưng sau này mới nhận ra rằng, m nên coi tác giả là một tấm gương đi trước và họ bổ sung cho mình phần mình còn thiếu, nếu như thần tượng họ sẽ làm cả 2 mất đi tự do và chẳng còn được là bản thân mình thì sao? Em cũng nói với những người bạn của em rằng “đây không phải là cuốn hay nhất trong những cuốn em từng đọc nhưng nó là cuốn để em bắt đầu những cuốn tiếp theo vì thế em luôn có một góc nhỏ cho bạn ấy”. Nhiều khi có thể c ngại ngùng với những lời khen của em, và em thấy điều đó chứ tuy nhiên tại em cũng kém trong khoản thổ lộ nên có gì nói nấy. Nên là chị á, cứ nhận lời cảm ơn của em nhé không có ngại như vậy nữa và em nghĩ lời khen hoặc lời cảm ơn của em cũng chân thành chứ bộ haha. Chúc chị luôn tiến lên nhé, và em cũng thế 🙂

Leave a Reply