(Đây là một dự án viết lách mới của mình về những người trẻ đi ngược dòng. Một dự án dài hơi không biết bao giờ mới xong và có xong nổi hay không. Nhưng thôi làm được tới đâu hay tới đó. Ít nhất trong quá trình đó mình đã gặp gỡ được những người hay, học được nhiều điều, và mài giũa kỹ năng thêm được một chút).
Gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ đông đúc, T và người bạn đi cùng đều mang theo tumbler riêng để mua thức uống, thay vì đựng nước trong ly nhựa của quán. Một chi tiết nhỏ, nhưng nói lên ít nhiều về lựa chọn sống của T.
Nhìn bề ngoài, T không có điều gì quá đặc biệt. Nhưng khi ở cạnh, có một năng lượng nhẹ nhõm dịu dàng mà một lúc lâu sau mình mới nhận ra. Trong buổi trò chuyện, câu chuyện của T trôi chảy liên tục, từ ngữ sử dụng có mức độ chính xác và tinh tế cao, thể hiện chiều sâu trong phản tư và suy ngẫm.
Mở đầu câu chuyện, T kể một chút về gia đình, vì bạn bảo, cách giáo dục của ba mẹ ảnh hưởng khá nhiều đến bản thân.
T kể rằng nay từ bé đã được ba mẹ cho quyền tự do quyết định. Một lần cả gia đình chuyển chỗ ở.Cứ như lẽ thường thì T cũng phải chuyển trường theo để gần nhà mới. Nhưng ba T đã cho T chọn, thích trường nào thì học trường đó, dù học ở trường cũ thì có nghĩa là mỗi ngày ba T phải đưa đón T xa hơn mấy cây số. Sau khi theo ba đến tham quan trường mới, T đã quyết định sẽ chọn trường này, vì đồng phục rất đẹp, lại có bán trú nên ba mẹ đỡ cực. Một ví dụ nhỏ, nhưng để cho thấy, hầu như trong các quyết định quan trọng từ bé, từ chuyện học trường gì, ngành nào, T cũng có tự do để cân nhắc và quyết định. Ba mẹ không quá can thiệp, nhưng cũng dạy T tự chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.
(Khi nghe đến đây, trong đầu mình không khỏi liên tưởng tới quyển sách có tựa đề Grit của nhà tâm lý học Angela Duckworth, trong đó đề cập đến các nghiên cứu khoa học cho thấy những đứa trẻ được cha mẹ trao quyền lựa chọn một số việc nhất định sẽ dễ dàng phát triển những sở thích mà sau này có thể phát triển thành đam mê. Điều đó giúp đứa trẻ sớm nhận biết được mình muốn gì, thích gì, và hiểu bản thân mình được rõ hơn. Còn những cha mẹ thầy cô kiểm soát nhiều quá thì lại dễ làm mất đi động lực bên trong của đứa trẻ. Từ đó, tác giả nhấn mạnh sự tự chủ trong những năm đầu đời của một đứa trẻ.)
Khi bắt đầu đi làm, công việc của T là làm tại bộ phận kỹ thuật ở X (một tập đoàn FMCG quốc tế). Công việc có “tittle” rất đẹp. T cũng nỗ lực để làm, nên một thời gian sau đã được giao phụ trách toàn bộ mảng mua hàng cho một ngành hàng lớn tại nhà máy của X tại thời điểm đó. Vài năm sau công ty tái cấu trúc, T quyết định nghỉ làm và tìm cho mình một công việc khác. T bảo lúc đó ý định làm NGO cũng đã nhen nhóm trong đầu, nhưng cơ hội chưa tới.
Rồi T chuyển sang Y (một tập đoàn FMCG khác). Lương cao, chức vụ cũng lên một bậc so với khi còn ở X. Nhưng công việc quá nhiều và bận rộn. Trong giờ làm điện thoại reo liên tục, vừa gọi điện thoại bàn xong, thì chuyển sang nghe điện thoại di động, chưa nghe hết cuộc gọi này, tiếng chuông từ một cuộc gọi khác đã vang lên. T kể buổi sáng T là người đầu tiên xuất hiện ở văn phòng, còn trước cả cô lao công. Buổi trưa T thường nhờ mọi người mua cơm, rồi vừa ăn vừa làm ngay trên bàn làm việc. Buổi tối T rời khỏi công ty khi trời đã tối mịt. Sáng thứ bảy cũng vào làm việc. Và thường là, từ buổi chiều chủ nhật, T đã mở máy tính lên để giải quyết trước các công việc của tuần sau.
Và cứ thế T làm quần quật trong một thời gian dài. Càng làm, T càng cảm thấy không có gì vui, nhiều lúc tự hỏi mình đang làm gì ở nơi chốn này. T bảo niềm vui duy nhất trong khoảng thời gian đó đó, là mở tài khoản lên xem có bao nhiêu tiền, xong rồi đóng lại cắm mặt cày tiếp. Có nhiều ngày liền không thấy mặt trời, vì ra đường quá sớm và về nhà quá tối. T nhớ một hôm đang ngồi làm việc thì bị “lùa” ra bên ngoài. Đứng ngoài đường hít thở, thấy mặt trời, thấy gió, T ngẩng đầu lên tự nhủ: lâu lắm rồi mình mới được hít thở khí trời ban ngày. Đó là một bữa hiếm hoi, nhằm khi văn phòng tới đợt diệt côn trùng.
Mẹ T sau này kể lại một chuyện, rằng trong những chuỗi ngày đó, có một đêm lúc khoảng hai ba giờ sáng, T chạy ào xuống phòng ôm chầm lấy mẹ, vừa khóc vừa nói: “Con không muốn làm chỗ đó nữa. Con không muốn làm chỗ đó nữa”. T cười nhè nhẹ, bảo chắc tại lúc đó stress quá nên mới làm vậy, làm trong vô thức vì nếu mẹ không kể thì T cũng không nhớ tới chi tiết này. T nói: “Quãng thời gian đó, T thấy mình đang làm một việc cực kỳ có lỗi. Có lỗi với bản thân, có lỗi với công ty, và có lỗi với ai đó đáng lẽ đang ngồi vào vị trí này.” T đã không còn làm công việc với tất cả say mê và sức lực của mình. Nên T cảm thấy chỉ đang lãng phí thời gian của mình và người khác.
Thế là, sinh nhật năm 30 tuổi, T quyết định tặng cho bản thân mình một món quà. Đó là: sự tự do. Nghe tin T nghỉ, mọi người công ty không ai hiểu nổi. Công việc lương cao, có địa vị tốt, chế độ đãi ngộ hậu hĩnh, mà lại bỏ đi. Sếp kêu T lên hỏi lý do, và đề nghị tăng lương. Nhưng T nói: “Em xin lỗi, công việc tốt, mọi người cũng tốt, chỉ là em không muốn làm nữa”.
Rồi ý nghĩ làm NGO quay trở lại. Cũng may là ngay lúc đó một quỹ học bổng nơi bạn T làm đang cần thêm người. Nên T nhắn tin hỏi thăm bạn về công việc này. Bạn bảo, việc này lương bổng không bằng các công việc trước của T đâu. T kể: “Trời ơi, lúc đó T cảm thấy tiền nó không là cái gì luôn so với những gì đã phải trải qua trước đó. Trả T bao nhiêu T cũng sẽ làm”. Thế là sắp xếp phỏng vấn, rồi T vào làm.
Với gương mặt bừng sáng lên, T hào hứng kể: “Vào làm ở đây thì mỗi ngày đi làm là một ngày vui”. Mình hỏi vui sao, T bảo: Vui từ những chuyện nhỏ nhỏ vậy nè.
Ví dụ, có những bạn sinh viên lúc mới chân ướt chân ráo bước vào, gửi email cho quỹ. Toàn bộ nội dung của email ở ngay trên tiêu đề, còn mở email ra chỉ có một dòng gọn lỏn: “Được gửi từ điện thoại thông minh của tôi”. Sau khi T phụ ban điều hành tiến hành tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách viết email, cách đặt tiêu đề, CC, BCC có công dụng thế nào, rồi cách viết lời chào, thân bài, kết thúc email. Những lần sau thấy những email gửi về chỉnh chu chuyên nghiệp là T đã vui rồi.
Hoặc chẳng hạn như, có bạn sinh viên của quỹ được cho đi nước ngoài tham dự một chương trình nghiên cứu. Chương trình chỉ tài trợ tiền vé máy bay và một phần chi phí, phần còn lại bạn xoay xở mãi mà vẫn không đủ, nên cầu cứu quỹ. T kể: “Thế là tụi T bàn bạc suy nghĩ, tìm Mạnh Thường Quân để nhờ tài trợ. Khi tìm được rồi, lại chú ý không cho toàn bộ số tiền, mà chừa lại một phần để bạn sau này phải đi làm thêm, hoặc làm cách khác trả lại, để bạn không dựa dẫm ỷ lại vào quỹ. Khi báo tin, nghe bạn reo lên sung sướng làm mình cũng vui lây. Rồi sinh viên nhà nghèo thì làm gì có tiền sắm áo vét để mặc trong hội thảo. Nên tụi T lại nghĩ cách, tìm xem người quen của mình ai có áo vét không, kêu bạn tới thử, cho mượn gói ghém đem đi”.
Nên những hôm nhận được email từ sinh viên, T ngồi T vui nguyên cả buổi sáng. Niềm vui đến từ việc giúp đỡ người khác, hỗ trợ người khác phát triển vươn lên gần hơn tới tiềm năng của bản thân mình, và cảm thấy cuộc sống của mình có ích. Lăn lộn hết mình từ việc nhỏ tới việc lớn, T thấy công việc mình đang làm thực sự ý nghĩa.
Quỹ học bổng nơi T làm việc, ngoài chuyện trao học bổng, còn có chương trình mentorship, và những hoạt động giúp sinh viên chuẩn bị cho quá trình làm việc sau này. Các chương trình ở quỹ thường xuyên có các buổi tập huấn, mời các chuyên gia hướng dẫn sinh viên về phương pháp tự học, về tìm hiểu bản thân, về quản lý thời gian, về tác phong chuyên nghiệp… Mục tiêu là góp phần hỗ trợ cho các em không chỉ kiến thức và kỹ năng, mà còn tư duy, phẩm chất, và thái độ sống tốt.
T nói vẫn luôn thấy bản thân mình may mắn. Bởi đó là công việc mà T sẵn sàng để làm dù là miễn phí. Nhưng ở đây T lại được làm có lương, có thể sống được với công việc mà mình yêu thích. Nên mỗi cuối tháng T với bạn làm cùng hay đùa: “Trời, làm gì mà lương cứ vô quài vậy”.
Khi được hỏi thách thức khi chuyển qua công việc này là gì, T bảo: là phải làm những việc mà trước giờ mình chưa có nhiều kinh nghiệm. Bởi khi nhảy qua một nghề nghiệp hoàn toàn khác biệt, bắt buộc mình phải trau dồi những bộ kỹ năng mới để đáp ứng nhu cầu công việc. T nói cũng phải cảm ơn những công việc cũ, vì sau nhiều năm làm việc ở các tập đoàn quốc tế, trong môi trường chuyên nghiệp, T được rèn luyện để làm việc một cách bài bản, có hệ thống, và chịu đựng được áp lực kinh khủng. Vì vậy, dù khối lượng công việc ở đây không phải là nhỏ, T vẫn có thể làm tốt, và làm với niềm vui.
Một thách thức khác, là cần buông bỏ những thói quen cũ. T vừa cười vừa kể: “Ngày xưa đi làm tập đoàn có lúc T mua cái đầm tới mấy triệu bạc. Vì T nghĩ, mình đi làm cực quá mà, để tiền làm gì chứ, mình phải tiêu cái gì cho thật xứng đáng. Lúc đó đâu biết lấy gì làm vui, chỉ biết vui với việc sắm đồ thật xịn. Vì luôn có cảm giác trống rỗng bên trong, nên mình phải tìm cái gì đắp vào bên ngoài để bù bớt lại. Còn bây giờ hả? Bữa trước mới Black Friday, T đi mua cái gọng kính thay cho kính cũ, chọn một cái giảm giá còn mấy chục ngàn, mà sao cảm giác cũng thỏa mãn không kém gọng kính vài triệu.”
Có một thực tế là làm việc trong khối NGO lương không cao bằng làm cho các công ty quốc tế. Nhưng công việc mới lại khiến T thấy hạnh phúc và nhẹ nhàng, vì bạn chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của mình. T bảo một điều mà mình rất đồng tình, là nếu bớt đi các chi tiêu xa xỉ, thì sẽ bớt làm việc quần quật để có nhiều tiền. Khi tiết giảm bớt nhu cầu vật chất, con người có thêm tự do để làm nhiều điều ý nghĩa. Bớt tiêu dùng sản phẩm, thì cũng đỡ đi phần nào gánh nặng cho trái đất.
T bảo, may mắn là ba mẹ T không đặt áp lực hay kỳ vọng quá nhiều. Hai người không đòi hỏi T phải có địa vị này kia, phải thành công theo chuẩn mực của xã hội, cũng không bắt ép con cái phải lo lắng cho mình. Ông bà ít trông đợi ở con cái, bởi cả hai người biết tự tìm niềm vui. Cái hay là ba mẹ T có cuộc sống hôn nhân khá hạnh phúc. Nên T cũng được sống với những định nghĩa riêng về hạnh phúc cho mình.
T hiện nay đang làm trong quỹ học bổng xin được giấu tên (ai hỏi thì nói : ))).Câu chuyện được chép lại, với sự cố gắng để ghi nhận trung thực nhất những gì T đã kể.
Lý do mình kể lại câu chuyện này, là muốn đưa ra một góc nhìn khác về người trẻ. Đi ngược lại với quan điểm tiêu cực của người lớn tuổi về một thế hệ trẻ sống hưởng thụ, chạy theo vật chất và địa vị, những người như T là đại diện cho xu hướng đi ngược dòng chảy. Câu chuyện của T không quá đặc biệt, vì mình biết còn có rất nhiều người trẻ khác có suy nghĩ và lựa chọn như cô. Mình cũng không ghi nhận lại câu chuyện này để vinh danh hay ca ngợi, mình đơn giản thấy rằng nó xứng đáng được kể lại. Bởi ẩn đằng sau câu chuyện giản dị như chính tính cách của người bạn này, là quá trình phản tư và trải nghiệm, hiểu rõ điều gì là không phù hợp với chính mình, để rồi đi tìm và lựa chọn những công việc, lối sống, và những giá trị phù hợp.
Trong khi nhiều người đang lên tiếng về cuộc khủng hoảng giá trị sống trong giới trẻ, thì câu chuyện của T cho thấy những màu sắc khác. Đó là câu chuyện về việc chọn sống tiết giảm, về ý thức với môi trường và với cuộc đời, về việc vượt thoát khỏi định kiến và khuôn khổ có phần chật hẹp của xã hội hiện tại về những điều được coi là thành công, hạnh phúc, và kiến tạo nên con người và cuộc sống mới cho chính mình.
Cảm ơn T đã tin tưởng chia sẻ câu chuyện với mình. Cảm ơn L đã hỗ trợ mình. Cảm ơn cuộc đời vì mình có duyên lành được gặp bao nhiêu người tốt lành và dễ thương.
Cảm ơn bạn về bài viết truyền cảm hứng. Đọc xong thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. 🙂
Dạ, cảm ơn bạn đã đọc ạ.
Mỗi lần mệt, buồn ngủ, lười biếng, vô đọc bài viết của chị là em cảm thấy tích cực hẳn lên, giống như được thức tỉnh. Cảm ơn chị đã có mặt trên đời, hehe.