Muốn tự do cần tự lập

Một bài báo khác của mình về thời kỳ college transition ạ.

Bước chuyển mình vào đại học đòi hỏi sự “biến hình” từ một học trò phụ thuộc trong một môi trường được kèm cặp chặt chẽ, sang một người học độc lập trong một môi trường của sự chủ động, tự giác và tính kỷ luật cao.

Năm 1991, có hai học giả người Mỹ đã đưa ra nhận định về văn hóa thời trung học ở Mỹ như sau: “Thời gian trong các năm học ở trường phổ thông dường như không thay đổi mấy. Các buổi học được quản lý theo từng tiết, bắt đầu và kết thúc bằng tiếng chuông reo, với những quãng nghỉ ngắn cho giờ thể dục, giải lao, và ăn trưa. Các sinh viên năm đầu, vốn quen với việc mỗi phút trong ngày của mình được ai đó kiểm soát, thường sẽ cảm thấy cực kỳ lo âu khi đối diện với cuộc sống đại học khá nhiều tự do”. Sau gần 30 năm, có lẽ quan sát này cũng vẫn còn đúng khá nhiều ở Việt Nam.

Ở một số quốc gia phát triển, có nhiều chương trình, mạng lưới hỗ trợ người trẻ trong quá trình chuyển tiếp vào đại học, từ các văn phòng túc trực với những chuyên viên luôn sẵn sàng tư vấn hỗ trợ tân sinh viên, tới các khóa học được chính phủ đài thọ và thiết kế chuyên biệt để chuẩn bị kỹ năng cho các sinh viên năm đầu. Nhưng với điều kiện hiện tại, người trẻ Việt Nam phải tự “bơi” khá nhiều.

Vậy giải pháp là gì?

Lời khuyên đưa ra cho những sinh viên đang trải qua cơn “khủng hoảng thời đại học” được tổng hợp trong một tài liệu của một giáo sư thuộc Hội đồng nghiên cứu Giáo dục New Zealand như sau. Xếp theo thứ tự Top 20 lời khuyên phổ biến nhất:

1/ Lên kế hoạch và sắp xếp thời gian (kỹ năng được nhấn mạnh nhất).
2/ Tham gia tích cực vào các hoạt động học tập, đội nhóm và câu lạc bộ trong trường để cảm thấy mình thuộc về môi trường đó.
3/ Chủ động làm quen với các thầy cô, cố vấn học tập, cán bộ các phòng ban và các bác bảo vệ trong trường (khúc sau mình tự thêm).
4/ Phát triển thói quen học tập say mê và tích cực.
5/ Tìm hiểu cặn kẽ những nội quy, yêu cầu, kỳ vọng và cả những quy tắc không lời (nếu có) của các khóa học trong trường.
6/ Thông thuộc đường đi lối lại hẻm hóc trong và ngoài khuôn viên trường cũng như các tiện ích kèm theo.
7, 8, 9/ Chú ý chăm sóc sức khỏe và cân bằng cuộc sống, chuẩn bị kỹ, đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ.
10/ Thành lập một nhóm học tập (một cách rất tốt để có bạn thân cùng vui buồn nâng đỡ nhau các thứ)
11/ Học cách sắp xếp tài chính, thiết lập mục tiêu, chuẩn bị tinh thần cho thay đổi và hãy là một người lắng nghe chủ động. (9 cái còn lại bạn nào quan tâm vui lòng xem thêm ở mục tài liệu tham khảo, mình làm biếng dịch lại hết).

Trong quá trình hoàn thành đề tài, mình đã hỏi thêm chia sẻ của những người làm giáo dục tâm huyết, tiến sĩ Nguyễn Thu Hằng (cô giáo cũ hướng dẫn tốt nghiệp của mình, nhờ được cô hỗ trợ và có kết nối tốt đẹp đầu tiên với giảng viên ở trường mà mình đã đỡ lạc lõng ở thời đại học), tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền (người chị tài năng nhiệt huyết trong vai trò giảng dạy và cố vấn giáo dục tại đại học Sư Phạm Tp. HCM, và trong nhiều hoạt động cộng đồng khác), người thầy giáo dạy học bằng nụ cười anh Châu Hữu. Các thầy cô đã cho mình nhiều góc nhìn hữu ích, và cũng đặc biệt nhấn mạnh sự kết hợp hỗ trợ của nhà trường đại học, các giảng viên vào quá trình chuyển tiếp cho người trẻ. Tiếc là với khuôn khổ bài báo giới hạn đã không thể đưa vào hết được.

Có một thực trạng khác là việc thiếu tìm hiểu và thiếu thông tin cho học sinh trước khi đăng ký vào ngành/trường đại học. Nhiều học sinh (và phụ huynh) cũng có xu hướng ăn xổi, muốn học ít chơi nhiều mà vẫn được điểm cao. Như ngành Tài chính Ngân hàng chẳng hạn, có một sự nhầm lẫn lớn. Cô Hằng chia sẻ thêm rằng, nhiều phụ huynh và học sinh nghe tới tên ngành cứ tưởng học xong sẽ ra làm kế toán hoặc giao dịch viên đứng quầy trong các ngân hàng, nhưng thực tế thì các bạn ra trường thường làm phân tích tài chính cho các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán, hoặc các tập đoàn quốc tế lớn.

Ở đại học Ngoại Thương, ngành Tài chính có điểm chuẩn thấp hơn các ngành khác (do ngành mới) nên nhiều bạn tưởng rằng thi không nổi các ngành kia mới vào ngành này, trong khi học Tài chính cần có tư duy logic rất chặt. Nên một số bạn vào học cứ cà lơ phất phơ làm khổ cả giảng viên. Ngược lại, nghe trò chuyện bên lề thì các sinh viên cố gắng và có đam mê thì sẽ được các thầy cô (toàn giảng viên được đào tạo ở các nước phát triển) hỗ trợ nhiều nên có thể đi được rất xa, ngoài giờ dạy còn hướng dẫn về kỹ năng tự học, xử lý dữ liệu, tham gia vào các cuộc thi bên ngoài. Nên sinh viên tài chính Ngoại Thương ra trường thường được đánh giá cao ở thị trường lao động, làm việc tại các định chế lớn. Bạn nào vào học còn có dịp học với cô giáo cũ của mình, rất nhiệt huyết và có tâm với sinh viên.

Hehe, tranh thủ PR cho trường cũ tí ạ. Nếu bạn đang có mong muốn học ngành Tài chính nghiêm túc có thể cân nhắc trường Ngoại Thương nhen.

Mình xin hết lòng cảm ơn cô Hằng, chị Huyền, anh Hữu và chị Tươi đã hỗ trợ mình thực hiện đề tài này.

Link bài báo ở đây: https://tuoitre.vn/vuot-qua-boi-roi-nam-dau-tan-sinh-vien-can-suc-manh-tu-lap-20181112111552965.htm?fbclid=IwAR0vUB7gOC7MgOU8N_ENE2yNf76razri6Oi-0CVNVGqGiLWfCJhM-5Dy1IA

Tài liệu tham khảo:
Andrea Venezia and Laura Jaeger (2013), Transitions from High School to College.
Carol Mutch (2015), The Transition from High School to University: An Analysis of Advice for Students, Faculty, and Administration.
Elizabeth A. Barnett et al (2016), Implementation of High School – to – College Transition Courses in Four States.

Leave a Reply