Mới đây trong một cuộc trò chuyện, một người đã nói với mình rằng: Thực ra anh thấy chẳng cần phải đọc sách. Chỉ toàn lý thuyết rỗng tuếch. Với bọn trẻ con, cứ quăng chúng ra ngoài đường, cho chúng học từ thực tế. Những cú ngã, những vết xước, những trải nghiệm trong đời sẽ dạy cho chúng. Đó là cách học tốt nhất.
Cũng trong một số lần khác, mình được nghe từ ai đó tuyên bố rằng: Em không có sở thích đọc sách. Sách thật nhàm chán.
Dĩ nhiên mỗi người một quan điểm. Dù tôn trọng quan điểm của người đối diện, mình lại có góc nhìn riêng. Đối với mình, đọc sách không phải là sở thích, là điều làm thì tốt không làm thì không sao, mà nó là một phần cốt yếu trong cuộc sống. Trên thực tế, mình đã chiêm nghiệm một điều rất rõ rằng mỗi khi nào không thường xuyên đọc sách thì cuộc đời của mình lại xuống dốc. Bởi với mình sách có những lợi ích mà không điều gì khác có thể thay thế được.
1/ Nâng tầm nhận thức.
Theo thiển ý của mình, ít có cách nào tiện lợi, dễ dàng và ít tốn kém để thâm nhập vào những bộ não vĩ đại và thông thái trong suốt cả lịch sử loài người bằng việc đọc những quyển sách do họ viết hoặc những quyển sách viết về họ. Có những quyển sách có giá trị vượt thời đại, mà khi đọc chúng mình thấy nhận thức và hiểu biết của mình đã được nâng lên thêm một tầm mới, ví dụ như Khuyến Học của Fukuzawa Yukichi, Bàn Về Tự Do của John Stuart Mill hay Tâm Lý Học Đám Đông của Gustave Le Bon.
Những người xuất sắc và thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới cũng thường dùng sách để đúc kết lại những kinh nghiệm, kiến thức, bài học cuộc sống. Hành trình làm việc, học hỏi và phát triển bản thân của họ đã giúp mình rất nhiều trên con đường riêng của bản thân mình. Ví dụ khi mới bắt đầu bước vào con đường tự học bằng việc đọc sách, mình đã được đọc những quyển sách như Bảy Thói Quen Của Người Thành Đạt Stephen Covey, Tôi Tự Học của học giả Nguyễn Duy Cần, hay Tư Duy Tích Cực Thay Đổi Cuộc Sống của Trần Đình Hoành. Chúng đã cho mình khá nhiều ý tưởng trong việc trong việc học tập và rèn luyện bản thân một cách tích cực và chủ động. Từ đó mình có được hình dung về việc cần phải làm gì, phải sắp xếp các trách nhiệm ra sao, nên tiếp cận mỗi loại sách ra sao, thái độ với khó khăn thế nào, và bắt tay vào thay đổi cuộc sống.
Nhiều doanh nhân thành đạt cũng chia sẻ rằng sách đóng một phần không nhỏ trong thành công của họ. Bill Gates, chẳng hạn, là một người đọc sách rất chuyên cần, và ông thường xuyên giới thiệu những quyển sách hay trên trang cá nhân của ông. (1)
Bên cạnh đó, có những hiểu biết mà chúng ta không thể nào bù đắp được bằng trải nghiệm cá nhân, dù có phải u đầu mẻ trán hay lăn lộn cả đời đi nữa. Mà chính những kiến thức nền tảng có khi lại giúp ta bớt sứt sẹo bầm dập khi nhào ra trường đời. Ví dụ như hiểu biết về thời gian quá khứ, những vùng không gian mà ta chưa và sẽ khó có cơ hội được đặt chân đến trong đời. Đơn cử như việc đọc Lược Sử Loài Người, mình biết được rõ ràng hơn về cuộc sống của con người từ thuở khai thiên lập địa, về bản chất của đồng tiền, về những sai lầm của tổ tiên chúng ta, và việc con người hiện đại đang ở trong tình trạng thế nào. Hay khi đọc The White Tiger Aravind Adiga thì mình hiểu thêm về văn hóa con người của Ấn Độ, giúp mình hành xử phù hợp hơn khi làm việc với người Ấn.
Trên thực tế, kinh nghiệm của con người dù cho phong phú như thế nào đi nữa, thì vẫn hữu hạn. Những gì mắt thấy, tai nghe, tay làm dù có chăm chỉ góp nhặt thế nào cũng chỉ như hạt bụi, như cái chớp mắt trong cái vô tận theo chiều không gian và thời gian của vũ trụ bên ngoài. Và ta có thể bổ sung một phần những lỗ hổng kiến thức của mình qua sách. Những hiểu biết có được từ sách cho mình góc nhìn rộng lớn hơn, thấy rõ bản thân mình trong cái toàn thể, định hướng cho thế giới quan và thái độ sống của mình.
Trong một buổi tọa đàm về kỹ năng đọc sách, có một câu hỏi được đặt ra là: Với rất nhiều loại hình để tiếp nhận và học hỏi hiện nay, như các khóa học MOOC, báo chí, truyền thanh truyền hình, các trang web, các ứng dụng… thì vai trò của sách có đi xuống không. Một chị giảng viên chia sẻ: sách vẫn rất cần thiết trong thời buổi hiện đại. Vì báo chí thì có chức năng cung cấp thông tin là chính. Các trang web hay khóa học online với hàm lượng giới hạn khó có thể đề cập mọi khía cạnh của một vấn đề.
Mình hoàn toàn đồng ý. Theo quan điểm của mình, sách là hình thức truyền tải kiến thức có hàm lượng chất xám cao, có được không gian để triển khai và giải quyết một đề tài nào đó với mức độ sâu và rộng đáng kể. Nó có thể dài từ hàng trăm tới hàng nghìn trang, nói từ tổng quan tới chi tiết, và chỉ bị giới hạn bởi chính sự hiểu biết của người tác giả.
Mặt khác, theo lý thuyết về các loại hình người học, (chắc nhiều người đã biết nhưng mình vẫn đề cập ở đây), mỗi người có những phong cách học hỏi khác nhau. Có người giỏi tư duy bằng hình ảnh, tiếp nhận thông tin và kiến thức dễ dàng hơn từ các bức tranh, ảnh chụp, sơ đồ. Một số người khác lại tương tác tốt hơn với âm thanh, phù hợp với các công cụ học tập thông qua việc xử lý thông tin bằng tai, các bài giảng, các đoạn audio, hay âm nhạc. Lại có người thích học hỏi qua việc cầm nắm, sờ chạm, sử dụng tay chân và các bộ phận của cơ thể để tiếp xúc với đối tượng của sự học và học bằng các trải nghiệm trực tiếp đó. Và một số người như mình, học tốt nhất thông qua việc đọc và viết. Nhưng dù bạn là người học theo kiểu nào, thì với những lợi ích đã nêu, mình tin sách có thể bổ sung rất tốt cho các hình thức tiếp nhận khác.
2/ Hình dung ra người mà mình muốn trở thành.
Trong các tài liệu về học tập cả đời, UNESCO thường đưa ra bốn trụ cột của việc học. Mà mình xin phép đổi thành bốn trụ cột của việc đọc vì thấy nó cũng có tác dụng y chang.
Trụ cột thứ nhất là học/đọc để biết. Ví dụ không biết Sài Gòn ngày trước như thế nào, mình tìm đọc Sài Gòn Năm Xưa của cụ Vương Hồng Sển, và thấy hết sức quào vì cái lòng, cái tâm của người viết sách, và những điều thú vị về mảnh đất Sài Gòn. Hoặc một ví dụ khác, khi đọc Nho Giáo của Trần Trọng Kim, mình biết được thêm về những điểm tương đồng và khác biệt giữa phương Đông và phương Tây, về những nét tính cách đặc trưng của người Việt, và có được những ý tưởng về tu tập thân tâm hữu ích cho bản thân.
Trụ cột thứ hai là học/đọc để làm. Ví dụ người muốn rèn luyện kỹ năng viết lách có thể đọc những quyển như Bird By Bird của Anne Lamott, On Writing của Stephen King, hay On Writing Well của William Zinser để dần dần thực hành phát triển kỹ năng này tốt hơn. Hoặc muốn khởi nghiệp có thể tham khảo thêm các quyển The Startup Owner’s Manual của Bob Dorf và Steve Blank, The Lean Startup của Eric Ries, hay Zero To One của hai tác giả nào đó mà nghe nói dịch giả khá đẹp trai : ))), những quyển sách mà, mình nghe bạn đồn là khá hay hị hị (riêng sách về startup thì mình chưa đọc).
Trụ cột thứ ba là học/đọc để trở thành. Mình tâm đắc nhất với trụ cột này, vì những ngày trước đây khi đọc các sách của William Zinser hay bác Cao Huy Thuần, mình đã thấy là trời ơi, sao mà những người này có kiến thức phong phú, có hiểu biết uyên thâm, có cái nhìn chính trực vào các vấn đề trong cuộc sống, mà lại thể hiện một cái tâm chân thành, khiêm tốn, giản dị và rộng mở như vậy. Mình đã nguyện với lòng là sau này khi lớn lên mình cũng muốn trở thành một người lớn như vậy. Và bây giờ mình vẫn đang cố gắng để trở thành một người như thế (dù có đôi khi hơi lạc hướng, hé hé).
Trụ cột thứ tư là học/đọc để chung sống. Ai biết sách nào chỉ cách chung sống thì chỉ mình với vì mình thấy mình yếu khoản này quá : ))). Mình nghĩ chắc sau này mình nên sống chung với một người thích sách. Chúng mình sẽ già đi cùng với nhau, và sẽ dành những buổi sáng mát trời cùng ngồi chia sẻ những khoảng thời gian yên lặng đọc sách bên nhau, rồi sẽ kể cho nhau nghe những điều thú vị học được từ sách.
Có một điều thú vị là gần đây mình mới phát hiện tại sao sách là (và nên là) một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mình. Lúc làm bài test về 25 character strengths, thì cái strength lớn nhất của mình là Love of learning. Cho nên đó là lý do tại sao nếu một thời gian dài không học thêm điều gì mới, không biết thêm được cái gì mới, là mình cảm thấy tâm trạng cực kỳ chán nản và mệt mỏi. Trong tài liệu đính kèm về các cách để phát huy thế mạnh của bản thân và sống hạnh phúc hơn, người có thế mạnh về Love of Learning cũng được gợi ý tham gia vào các hoạt động liên quan rất nhiều tới sách, ví dụ như: Đọc một quyển sách phi hư cấu mỗi tháng về một chủ đề mà bạn thấy hứng thú, đọc và nghiên cứu một chủ đề bằng việc ghé thăm thư viện ít nhất mỗi tuần một lần, tham gia một câu lạc bộ đọc sách tại địa phương, đọc sách cho người mình yêu quý nghe.
Bạn nào muốn tìm hiểu thêm về bản thân có thể làm thêm bài test (30 phút) về các character strength của bản thân miễn phí tại đây: http://www.viacharacter.org/www/Character-Strengths-Survey,
Thêm các cách để phát huy các thế mạnh của mình và cảm thấy hạnh phúc hơn trong cuộc sống: http://www.actionforhappiness.org/…/340_ways_to_use_charact…
Và ai có điểm mạnh là Love of Learning như mình thì nhớ đọc sách thường xuyên để được hạnh phúc hơn nha, hehe.
3/ Thanh lọc tâm hồn.
Ở cấp độ đơn giản nhất, sách giúp mình giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống. Rất nhiều trong số những vấn đề cuộc sống mà mình từng gặp, mình đã tìm được lời giải đáp qua các quyển sách. Trong những lúc băn khoăn lạc lối của thời tuổi trẻ, những quyển như Tuổi 20 – Những Năm Tháng Quyết Định Cuộc Đời Bạn của Meg Jay, Getting From College to Career của Lindsey Pollak hay Chế Ngự Khủng Hoảng Tuổi Thành Niên của Alexandra Robbins đã giúp mình rất lớn.
Nhưng cao hơn, sách còn có tác dụng chữa lành, giúp thanh lọc tâm hồn, và giúp mình sống tốt hơn. Có những quyển sách mà khi đọc vào, mình cảm thấy được an ủi và thấu hiểu kinh khủng. Những quyển sách đẹp đẽ như Like the Flowing River của Paulo Coelho, Daghestan Của Tôi của Rasul Gamzatov và Lời Cỏ Cây của Marái Sandor đã bên cạnh mình trong những thời khắc đen tối của cuộc đời, giúp mình thấy khuây khỏa hơn. Mỗi lần gặp một quyển sách như thế, mình cứ muốn ôm chặt chúng vào lòng, cảm giác như những con chữ, trang sách như cơn mưa mùa hạ, tưới mát tâm hồn mình.
Có thể chưa nhiều người biết, trên thế giới còn có một nghề gọi là “thư trị liệu”. Người làm nghề này sẽ có các phiên điều trị với khách hàng của mình, đưa ra những câu hỏi về thói quen đọc sách, tìm hiểu về lịch sử gia đình, nỗi sợ hay niềm tin của người đó. Sau phiên trị liệu họ sẽ kê các “toa sách”, giúp đối phó tốt hơn với những thách thức mà khách hàng đang gặp phải, hay những cảm xúc khó khăn của cuộc sống như cách chấp nhận thất bại, cách vượt qua cái chết của một người thân, hay sự mất phương hướng về ý nghĩa cuộc sống. Những người được điều trị đã báo cáo những thay đổi tích cực trong trạng thái cảm xúc, những trải nghiệm siêu việt, hay việc cải thiện sức khỏe tinh thần và cả mối quan hệ với những người xung quanh. Hiện tại, The School of Life của triết gia Alan de Botton là một nơi cung cấp dịch vụ thư trị liệu như vậy, và đặc biệt, là các nhà thư trị liệu chỉ gợi ý tiểu thuyết và thơ, chứ không phải sách self-help. (2)
Ở một số nơi khác trên thế giới, đã có các loại hình book spa, reading spa, nơi người đọc tới thư giãn, đắm mình trong những quyển sách hợp gu và nạp lại năng lượng. Có một số các nghiên cứu khác về mối quan hệ giữa việc đọc sách và hạnh phúc, và có một khóa MOOC rất thú vị có tên: Reading For Wellbeing, Literature and Mental Health do University of Warwick phụ trách. (3)
Mỗi lần nói về tác dụng của sách là mình lại nhớ về câu chuyện về ông già, cậu bé và giỏ than. Cậu bé hỏi ông già tại sao ông lại đọc sách. Ông bảo cậu đem giỏ đựng than lấm len nhúng xuống dưới nước. Một lần, hai lần, rồi ba lần. Giỏ than không thể chứa nước, nhưng chiếc giỏ thì được rửa sạch bụi than. Cũng như vậy, chúng ta không thể nhớ hết được những điều chúng ta đọc từ sách, không thể nhớ tất cả những quyển sách ta từng đọc. Nhưng những năm tháng chơi cùng với sách, làm bạn cùng chữ nghĩa, ta thấy tâm hồn mình được gột rửa, được thanh lọc, thấy tâm mình được tươi sạch trong sáng hơn.
Nói những lợi ích của việc đọc như thế, nhưng mình muốn nhấn mạnh là đối với bản thân mình, mình đọc không phải để rồi cho qua, mà đọc chủ yếu để áp dụng vào cuộc sống. Mình từng trả lời một bài phỏng vấn trên Tuổi Trẻ rằng: sách đã giúp thay đổi cuộc đời của mình, nhưng sự thay đổi đó không đơn thuần đến từ việc đọc, mà chủ yếu đến từ việc áp dụng những điều đã đọc, đã học để cải thiện bản thân. Việc chọn sách cũng là một vấn đề quan trọng, sách có nhiều thể loại, nhiều mục đích, nhiều mức độ chất lượng. Không thể đi xa được trên con đường rèn luyện chính mình nếu chỉ hoàn toàn đọc các sách dành cho mục đích giải trí.
Nên rốt cuộc vẫn là câu nói cũ: làm gì đôi khi không quan trọng bằng làm như thế nào.
(1) Xem thêm một bài giới thiệu sách nên đọc mùa hè từ Bill Gates: https://www.gatesnotes.com/About-Bill-Gat…/Summer-Books-2018
(2) Nguồn: http://www.newyorker.com/…/cu…/can-reading-make-you-happier…
(3) Bạn có thể học miễn phí tại đây: https://www.futurelearn.com/courses/literature/0/steps/18603
Ảnh: Hoàng Việt.
Chị viết bài này gần một năm rồi mà giờ em mới có cơ hội đọc. Bài chị viết thật có tâm và rất có ích cho bạn trẻ. Cảm ơn chị đã luôn ” ra lò” những bài viết chất lượng. Chúc chị luôn sống hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.
Cảm ơn em thật nhiều vì những bài viết rất ý nghĩa. Sau khi đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của em, chị được tiếp thêm nhiều động lực để đọc thêm nhiều cuốn sách mới, trau dồi thêm kiến thức, thêm vốn sống để sống một cuộc sống có ích như mình mong muốn.
Cảm ơn chị ạ 🙂