Đ cao ráo, đẹp trai và nói chuyện có duyên. Em là một thành viên của dự án phát triển văn hóa đọc sách ở Cần Thơ tên Book Connect. Các bạn mình gặp ở Book Connect, bạn nào cũng dễ thương và đặc biệt. Nhưng với khiếu hài hước tự nhiên của Đ, nên mọi người hay đùa, bảo “Đ ơi, rắc muối giùm cho câu này”. Cuộc trò chuyện xoay quanh sách vở một cách tự nhiên, và cũng tự nhiên như thế Đ kể về một bài thơ mà em yêu thích.
Đ bảo em cảm thấy bất công, vì bài thơ đó vẫn chưa có được vị trí xứng đáng với tầm vóc trong diễn đàn thơ văn Việt Nam. Do vậy, trong bất kỳ bài tập làm văn nào, em cũng cố gắng để đưa nó vào. Ví dụ, đề bài yêu cầu phân tích bài thơ Tây Tiến, em sẽ viết: “Nhân tiện, khi đề cập thơ ca trong nước, có một bài thơ mà em cực kỳ yêu thích, đó là bài thơ X. Sau đây, em xin viết về bài thơ này.” Và trong nỗ lực trả lại vị trí xứng đáng cho một tác phẩm, Đ thường bị thầy cô phê bình và cho điểm thấp vì tội làm văn lạc đề.
Nghe tới đó, cả nhóm bạn đều đập bàn đập ghế phá lên cười ngặt nghẽo. Thế nhưng, khi được yêu cầu đọc thử, và khi Đ ngượng ngùng hắng giọng cất lên những câu đầu tiên trong bài thơ, thì cả bàn đều im phăng phắc. Nghe em đọc, có chút trong trẻo, hồn nhiên, hoài niệm mà đượm buồn của một thời con trẻ đột nhiên len lỏi trong lồng ngực.
Rồi Đ kể về chuyện em lên Sài Gòn trọ học. Em bảo: “Em biết Sài Gòn đẹp và dễ thương, nhưng không hiểu sao khi lên đó em không thể hòa nhập vào môi trường mới, nên với em Sài Gòn toàn những kỷ niệm buồn”. Đ là một người rất thích chụp ảnh. Vậy mà gần cả năm trời ở Sài Gòn chiếc máy ảnh nằm im lìm trong túi, chỉ vì em không tìm thấy hứng thú ở bất kỳ một cái gì. Đ nói: “Em đã mất đến hơn một học kỳ để tìm bạn đó chị”. Nhưng rồi vẫn không cảm thấy mình thuộc về đô thị phồn hoa nà, Đ trở về quê, chọn học một ngành khác, tham gia vào những cộng đồng, nơi em tìm thấy những người bạn phù hợp với mình. Và dần dần, em chụp hình trở lại.
Câu chuyện của Đ thực ra chỉ là một phần rất nhỏ trong buổi tối đầy niềm vui và tiếng cười hôm ấy. Một buổi tối của những câu chuyện hay và bè bạn thân tình. Nhưng không hiểu sao mãi mấy ngày sau đó, câu nói của Đ vẫn gợn lên trong tâm trí: “Em đã mất hơn một học kỳ để tìm bạn đó chị”. Không hiểu sao, câu nói đó gợi lên trong mình chút gì xúc động. Em đã mất một học kỳ để tìm bạn. Mà có lẽ là không tìm ra. Có bao nhiêu người trẻ lạc loài cô đơn trong thành phố đông người? Có bao nhiêu người trẻ khát khao tìm kiếm những mối liên hệ chân thành trong môi trường mới?
Câu chuyện của Đ. làm mình nhớ lại thời mới vào đại học. Mình đã không biết gì để mà trông đợi. Lúc đó, không ai nói với mình rằng quãng đời thời sinh viên sẽ thế nào.
Ngày vào Sài Gòn nhập học, mình chia tay ba mẹ, theo chân mấy người anh hàng xóm lên tàu hoả vào Nam. Trong đầu khi đó chẳng có một hình dung gì, trừ hai chuyện được các anh dặn dò, là lên giảng đường thì không cần phải mặc áo trắng quần xanh, và nếu làm sinh viên thì có thể thoải mái bùng tiết nghỉ học.
Và mình mất đến gần hai năm để có thể hòa nhập vào môi trường mới. Không ít lần thấy mình lạc lõng với không gian xung quanh vì mang tâm lý sinh viên nhà nghèo lên thành phố lớn. Không ít lần cảm giác ghen tỵ với những người bạn khác đang năng nổ tham gia các hoạt động phong trào.
Lúc đó, mình hoàn toàn không hề biết những năm đầu đại học vốn đầy thử thách. Bước chân vào đại học là ta đang bước chân vào một giai đoạn chuyển tiếp mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng của cuộc đời. Đó là giai đoạn chuẩn bị cho một đứa trẻ đang vị thành niên sang cuộc sống của một người lớn.
Trong các tài liệu hỗ trợ người trẻ phương Tây trong quá trình chuẩn bị cho cuộc sống thực, thuật ngữ “college transition”, hoặc “transition from high school to college”, – giai đoạn chuyển mình vào đại học – là khá phổ biến.
Theo định nghĩa về transition: “transition khác so với “change”. Từ “change” thuộc về bên ngoài và nhìn thấy được. Còn “transition” là quá trình bên trong và ít nhìn thấy hơn, là quá trình mà một người phải trải qua về mặt tinh thần khi đối diện với những thay đổi lớn trong cuộc sống”.
Một thống kê ở Mỹ cho thấy gần 30% số lượng sinh viên nhập học bỏ dở việc học chỉ sau năm học đầu tiên. Nhiều nhà tâm lý nhận định rằng phần lớn lý do là bởi những người trẻ này quá thừa tự tin, quá thiếu chuẩn bị và không có được kỳ vọng thực tế về thời đại học.
Chỉ hai tháng sau khi vào năm học mới, mình cũng đã nhận được những tâm sự của các tân sinh viên về chuyện mất hứng thú với học tập, khó khăn trong quá trình hòa nhập, và băn khoăn với việc đổi ngành, đổi trường, hoặc bỏ hẳn việc học.
Quá trình từ cấp ba qua đại học là một trong những giai đoạn then chốt trong đời mỗi người, với những thay đổi cả về thể chất, tinh thần và môi trường xã hội. Vậy bao nhiêu người trẻ đang ở ngưỡng cửa đại học hiện nay ý thức được điều đó?
Đọc tiếp về toàn bộ bài báo ở dây: https://tuoitre.vn/khi-sinh-vien-nam-nhat-boi-roi-giang-duong-20181110073637746.htm?fbclid=IwAR1kL-fYKe89CtzSl3Ni9DuGLrSWmfjf7sIk4Fd3QldNsfspy7pgK_egQ-8
Hình minh họa lấy đỡ từ Chuyến Xe Tuổi Trẻ do em Tano chụp. Xem lại hình lại nhớ ngày xưa quá.