Can I say a prayer for you?

Ngày cuối cùng trước khi rời khỏi thiền viện, trở về Việt Nam, trở về với cuộc sống bình thường, mình cảm tạ thiền sư đã chỉ dạy trong suốt thời gian mình thiền tập. Rồi mình hỏi thầy: “Thầy ơi, những ngày qua con đã cảm nhận được phần nào sự lợi lạc của việc thực hành thiền. Con đã thấy được cái tâm trí hoang dã bản năng của con dần dần trở nên thuần hậu, mềm mại hơn, vừa dịu dàng vừa bền bỉ. Con đã cảm nhận đầu óc con được thanh sạch, trong sáng hơn. Con cũng cảm thấy được niềm hạnh phúc chân thực từ bên trong, mỗi khi tâm trí con được an định trong hiện tại. Nhưng con sắp trở về với cuộc sống hằng ngày, con không biết làm sao để giữ được sự an lành trong sáng này.”

Thầy thiền sư hướng dẫn mình là thầy trụ trì ở thiền viện mà mình đang tu học. Thầy già lắm rồi, da thầy nổi đồi mồi, tóc thầy không còn mấy sợi. Trông thầy cứ như thể thầy có thể viên tịch bất kỳ lúc nào. Mấy thầy cô tu sĩ trong thiền viện hồi trước hay thì thầm bảo ráng tranh thủ qua học, kẻo không còn mấy cơ hội. Vậy mà hầu như ngày nào thầy cũng ngồi tỉ mẩn nghe thiền sinh trình pháp, (các buổi trò chuyện riêng trong đó thiền sinh trình bày việc thực hành thiền và nhận được chỉ dẫn trực tiếp của thiền sư), nhất là các thiền sinh mới. Thấy thiền sinh nào thầy cũng cho trình pháp lâu ơi là lâu, hướng dẫn từng chút một, gỡ những khúc mắc bối rối trong hành trình của họ, nói rõ nguyên nhân, và đưa ra phương pháp để giải quyết.

Với câu hỏi của mình cũng vậy. Thầy cho mình ba điều cần thực hành hằng ngày, cách thức thực hiện, và giải thích cặn kẽ lý do tại sao nên làm vậy. Ở điều cuối cùng, thầy nói kỹ: “Điều thứ ba là, con hãy nuôi dưỡng lòng yêu thương, tâm từ ái trong mình. Lòng yêu thương người khác sẽ bảo vệ con khỏi những thù ghét đố kỵ với người đời. Khi con không bị thiêu đốt bởi ngọn lửa ghen tỵ, con được bảo vệ khỏi sự so sánh ganh đua, thì con sẽ được tự do và bình an”.

Khi nghe thầy nói tới đó, mình bỗng hơi giật mình. Bởi vì đó chính xác là điểm yếu của mình. Mình nhận thấy rằng tính cách của mình có rất nhiều sự nghiêm khắc, thẳng thắn và lạnh lùng. Trước giờ mình vốn chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một người tốt bụng, biết yêu thương và quan tâm đến người khác. Mà mình cũng không đánh giá cao những tố chất đó. Mình cứ đời mình mà sống. Nếu có quan tâm tới chuyện gì của ai đó thì cũng thường là để mình suy nghĩ rút kinh nghiệm cho đời mình để làm sao tốt hơn.

Cho nên không ít khi mình cảm thấy phiền phức đau đầu khi được quá nhiều độc giả gửi thư về xin cho lời khuyên. Mình rất dè dặt khi cho người khác lời khuyên. Mình không thích và cũng không hay xỏ mũi vào chuyện của người khác. Mình cũng rất ghét bị yêu cầu phải an ủi động viên hay tiếp động lực truyền cảm hứng khi mình không sẵn sàng.

Mình cũng nhìn thấy bên trong mình vốn cũng có sẵn rất nhiều sự phán xét. Làm trắc nghiệm MBTI thì đa số các lần là có chữ J trong đó. Khi có quá nhiều sự phân tích, chỉ trích, phán xét. Khi tâm còn lẩn quẩn với vòng nhị nguyên, với những phân định rạch ròi, cái này đúng, cái kia sai, điều này tốt, điều nọ thì xấu. Thì thật khó để bỏ qua những sai quấy thiếu sót của người đời mà yêu thương tất cả.

Nhưng mình vốn là đứa nghe lời. Nên mình làm theo lời thầy dạy. Những lần sau đó, mỗi khi mình thấy suy nghĩ phán xét khởi sinh trong đầu, mình dừng lại một nhịp. Mình ghi nhận nó, xem xét nó. Rồi sau đó, thay thế nó bằng một suy nghĩ yêu thương, hay một câu cầu chúc cho đối tượng mà mình mới vừa có ý định phán xét. “Người ta làm thế là vì vô ý thôi”. “Người ta không biết là họ đang sai. Nếu họ biết họ sai, chắc chắn họ sẽ không bao giờ hành động như vậy”. Và, “Mong cho người đó được an lành, được bình an”. Và những lúc mình nỗ lực thực hành điều đó, mình thấy rõ bên trong mình dần dần có sự thay đổi. Lòng mình mềm đi, dịu lại. Mình quay lại với sự bình an tĩnh tại bên trong mình.

Rồi dần dần mình cố gắng thức tỉnh làm điều đó nhiều hơn. Đi ra đường, mình thấy ai đó, mình lại thực tập thầm lặng gửi những lời cầu chúc bình an, truyền qua không gian tới người mà mình vừa gặp. Đột nhiên mình thấy rõ ràng lý do tại sao thầy thiền sư lại yêu cầu như vậy. Mình đã từng nghĩ, thực tập lòng yêu thương như thế có ích gì, tại sao phải thực hành điều đó, người ta chắc gì đã biết tới nỗ lực của mình. Phải, người được mình gửi lời cầu nguyện không thể biết tới những lời thì thầm nhỏ bé mình gửi đến họ, mình cũng không nhất thiết phải nói nó thành lời. Nhưng lòng yêu thương có tác dụng khôn tả. Nó giúp chữa lành cho chính bản thân mình. Ngay cả khi chỉ thực tập tấm lòng từ ái một cách thầm lặng mà không cần phải nói hay làm điều gì, thì chính thái độ và góc nhìn của mình thay đổi. Mình mở rộng lòng, đón nhận, làm hòa và yêu thương cái cuộc đời lộn xộn bất toàn mà kỳ diệu này nhiều hơn.

Hôm nay, mình tình cờ coi một video clip. Một cái clip cũ mình đã coi từ lâu rồi. Nó chiếu cảnh một người đàn ông giả làm một người vô gia cư ăn xin trên đường phố. Ban đầu khi anh đặt tấm bảng: “Cần tiền để mua cỏ, thuốc phiện, và rượu”, thì có không ít người cho tiền anh ta. Lúc sau, khi anh thay bằng dòng chữ: “Cần tiền để nuôi sống gia đình”, bên cạnh là một bé gái đang nằm dựa vào anh, thì hầu như mọi người đều lạnh lùng đi qua mà không hề cho một xu nào. Mãi rất lâu sau, mới có một người phụ nữ tiến lại gần anh, và nói: “Đây là tất cả số tiền mà tôi kiếm được ngày hôm nay. Nhưng tôi nghĩ anh cần nó hơn tôi”. Rồi cô nói: “Can I say a prayer for you?”, Khi anh nói: Yes, please, thì cô cúi xuống cất lên vài lời cầu nguyện cho anh và đứa bé.

“Can I say a prayer for you?” Khi nghe tới câu này, tim mình bỗng nhiên rung lên khe khẽ. Một hành động nhỏ, một câu nói ngắn ngủi, nhưng đằng sau đó là là một lòng nhiều trắc ẩn và lòng thương. Thế giới này cần tài nghệ và kỹ năng. Thế giới này cần trí thông minh và kiến thức. Nhưng mình cảm nhận rằng thế giới cũng đang cần, hơn bao giờ hết, lòng yêu thương và sự đồng cảm, cần sự chia sẻ và giang tay giữa người với người. Để xóa bỏ những khác biệt, những rào cản, những khoảng cách và thách thức trong một thế giới hiện đại đang ngày càng làm chúng ta trở nên xa nhau hơn.

Xem xong đoạn clip, mình lại nhớ về những lúc ngồi niệm rải tâm từ vào mỗi sáng sớm ở trong thiền viện. Để thực tập lòng yêu thương, chúng ta luôn bắt đầu với bản thân mình: “Mong cho tôi được bình an, hạnh phúc, thoát khỏi phiền não, lo sợ và đau khổ”. Rồi “Mong cho gia đình của tôi được bình an, hạnh phúc, thoát khỏi phiền não, lo sợ và đau khổ”. Xong lại, “Mong cho tất cả mọi người trong thiền viện này được bình an, hạnh phúc, thoát khỏi phiền não, lo sợ và đau khổ”. Vòng tròn cầu nguyện cứ thế lan rộng dần ra, từ các chúng sinh trong thiền viện này, kể cả lũ kiến, ếch nhái, sâu bọ, đến những chúng sinh trong khu phố này, rồi đến đất nước này, thế giới này, cho đến cả vụ trụ và cả cõi Ta bà này. Ban đầu khi cứ phải lặp đi lặp lại những lời cầu nguyện như vậy, lòng chỉ mong mau đến giờ ăn sáng. Nhưng khi mình thực sự để tâm đến những lời mình đang đọc, từng từ từng chữ, thì mình như thấm dần ý nghĩa của những điều ấy, cảm thấy trong lòng ấm áp, và đầu óc trong trẻo mát lành hơn lên.

Mỗi người trong chúng ta đều có những cuộc chiến của riêng mình. Người thì vất vả với cuộc mưu sinh. Người thì tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống. Người phải chữa lành những vết thương của riêng mình. Ai cũng đã và sẽ trải qua những sai lầm, vấp ngã, đều từng và sẽ bị những cảm xúc của mình đánh lừa, đều phải chiến đấu với những tham lam, sân hận và u mê trong mình. Cuộc đời vốn ẩn chứa nhiều điều có thể khiến cho chúng ta đau khổ. Để sống là một người tốt, và có một cuộc sống tốt, thật sự khó khăn biết bao nhiêu.

Nên bạn thân mến, nếu bạn đang đọc những dòng chữ này, thì cho phép mình xin gửi đến bạn một lời cầu nguyện.

“Cầu chúc bạn được bình an, hạnh phúc, thoát khỏi những phiền não, lo sợ và đau khổ”. “Cầu chúc cho bạn luôn sống trong sự bảo vệ của lòng yêu thương”.

“Cầu chúc cho tất cả chúng ta đều thân tâm an lạc”.

Hình: những chiếc chuông nhỏ trên mái chùa Phra That Doi Suthep ở Thái Lan.

3 Replies to “Can I say a prayer for you?”

  1. hâm mộ chị :)))

  2. Câu chúc cho chị có nhiều động lực để có thể viêt đc nhiêu hơn

    1. Cảm ơn em, chị cũng mong chị đỡ lười hơn, hehe.

Leave a Reply