Một ngày đầu tuần bận rộn, mình nhận được email từ Terry. Terry, chú kiểm lâm người Mỹ với ánh mắt hiền từ dễ mến. Mình mở email ra, đọc chậm rãi, vừa mỉm cười dịu dàng.
Mình gặp Terry lần đầu tại một hostel nhỏ ở Đài Bắc, lúc đó đã tối muộn. Vừa từ cực nam Đài Loan trở về, mình vừa mệt nhọc đặt hộp sushi mua sẵn trong ga tàu điện xuống bàn, kéo ghế ra ngồi.
Ở bàn bên kia, một người đàn ông phương Tây đang ngồi trò chuyện hào hứng với một cô gái trẻ châu Á. Chú vừa thao tác trên laptop, vừa nói hăng say với cô gái: “Cô đăng ký vào trang web này, rồi làm thành viên của nó, thế là cô có thể xin ở nhờ nhà người bản xứ một cách hoàn toàn miễn phí”. À, à, mình biết họ đang nói về cái gì. Mình liếc qua bên cạnh nhìn rõ hơn hai người đó. Người đàn ông tuổi đã trung niên, có vẻ mặt dễ chịu và hài hòa, cô gái trẻ hơi nhút nhát, mắt nheo lại như nghi ngại.
Ăn tới miếng sushi cuối cùng, mình chậm rãi kéo ghế ra, đến thùng rác, bỏ hộp giấy vào thùng, rồi chậm rãi bước qua chỗ uống nước. Một phần trong mình muốn kéo mình tới chỗ hai người đó để nhập hội. Nhưng phần khác lại cưỡng lại, bảo, này, mày đâu có hay bắt chuyện với người lạ chứ. Mình cố trì hoãn thời gian, cử động chậm rãi hết mức có thể để cân nhắc trong lúc đưa ra quyết định.
Rồi mình thấy chân mình nhào ra chỗ họ, và miệng mình mở ra: “Này, có phải hai người đang nói chuyện về Couchsurfing không?” Ôi thôi, không rút lại được nữa rồi. Mình nghe tâm trí mình giở giọng quở phạt khi mình làm một điều gì đó đột ngột và không theo thói quen. Mình nghe giọng mình còn hơi run run khi mình tự giới thiệu bản thân.
Và thế là mọi chuyện bắt đầu.
Người đàn ông đó là chú Terry, một người từng là ambassador cho Couchsurfing tại thành phố chú sống. Tụi mình cùng trò chuyện về lữ hành, chia sẻ kinh nghiệm khi cho người lạ ở nhờ nhà hoặc các quy tắc ứng xử khi đến ở nhờ nhà người lạ. Mình cũng kể thêm chuyện mình cho cô gái người Trung Quốc, người chưa từng nghe tới cộng đồng kỳ lạ này, nghe và bớt e ngại. Say sưa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã 10h30 tối, mình nói lời tạm biệt hai người bạn mới quen, lên giường đi ngủ sau một chặng đường di chuyển thật dài.
Sáng hôm sau, mình xuống dưới tầng hầm của hostel để lấy nước trước khi ra ngoài, thì thấy Terry đang đứng đó. Terry đã đến Đài Loan gần chục lần, và hôm đó chú cũng đang định dành thời gian loanh quanh bát phố. Nói chuyện một hồi, Terry đề nghị dẫn mình đi tới Longshan temple.
Thế là mình có một người bạn đồng hành lớn tuổi cùng đi khám phá Đài Bắc. Qua câu chuyện kể, mình được biết Terry là một người gác rừng đã về hưu. Chú dành hầu hết thời gian trong năm của mình để đi du lịch, Iceland, New Zealand, Úc, châu Á, và thật tình cờ là chú sắp đến Việt Nam chỉ trong vài ngày nữa. Mình xem thử lịch trình các nơi chú định ghé thăm ở Việt Nam, gợi ý những nơi mình thấy thích, Phú Yên, Huế, Hà Giang, và hào hứng chia sẻ tình cảm đặc biệt của mình với những nơi đó.
Terry là một người lịch thiệp và tử tế, thể hiện qua từng hành động nhỏ. Khi đứng xếp hàng để mua đồ ăn sáng, chú quay lại phía mình và nói: “Would you be my guest”. Với tính cách sòng phẳng và không muốn bị mắc nợ, dĩ nhiên mình từ chối, nhưng mình cũng khá bất ngờ và vui vui vì lời đề nghị của chú. Khi mình khát nước, định mua trái cây mời chú ăn cùng, chú lấy trong balo ra mấy quả táo, dúi vào tay bảo mình ăn đi, bảo: “Đừng ngại, cháu cứ dùng tự nhiên, như vậy chú cũng đỡ phải mang theo mấy thứ này suốt cả ngày”, còn bảo mình cầm ít trái cây khô để tối hôm đó ăn trên máy bay khi về Việt Nam. Khi đi chung với nhau, chú luôn nhường mình đi trước, thường nhanh chóng đưa tay ra mở cửa hay lấy ghế cho mình. Khi mình hỏi rằng đi với mình chú có phiền không, rằng không biết mình nên đi nơi này hay nơi kia, chú đều trả lời một cách làm mình hoàn toàn thoải mái: Cháu có toàn quyền quyết định, dù sao thì hôm nay chú cũng có cả ngày, đi chỗ nào với chú cũng được cả. Một người bạn đồng hành thực sự dễ chịu.
Ở ngôi đền Longshan, một ngôi đền nổi tiếng thờ Phật và các tín ngưỡng dân gian của người Hoa tại Đài Bắc, chú Terry chỉ cho mình cách người dân xin xăm thế nào. Rồi chú thắp một nén hương và cầu nguyện. Mình ngạc nhiên hỏi: “Ủa, chú cũng theo đạo Phật hở chú?” Chú nói: “Chú không theo tôn giáo nào cả. Nhưng chú tin vào năng lượng của tự nhiên. Ở những nơi như thế này, là hội tụ năng lượng của những ước mơ, những lời cầu chúc, ước nguyện, của sự thành kính và biết ơn. Nên khi chú vào đây chú cũng cầu nguyện, để hòa vào năng lượng tốt lành đó. Chú tin khi làm như vậy chú góp phần vào năng lượng tích cực đang tổng hòa, hoặc ít ra chắp tay là để bày tỏ lòng tôn trọng với không gian xung quanh. Cuộc sống phần nhiều là năng lượng. Với nguồn năng lượng tích cực, con người mình cũng trở nên trong trẻo và tốt lành hơn. Nhưng cũng không ít trường hợp, dưới áp lực và nguồn năng lượng tiêu cực xung quanh, con người ta có thể làm nhiều khủng khiếp, cháu có thấy không?” Mình gật đầu ngẫm nghĩ.
Cả chú Terry và mình đều thích những đường đi bộ dài. Hai chú cháu lang thang Longshan temple, đi nhà sách, rồi đi dạo ở những con phố sặc sỡ đèn lồng của người Hoa. Chú nghe mình luyên thuyên về các chuyến đi, những chuyện không đầu không cuối về tự do lựa chọn và số mệnh cuộc đời, và về những sở thích. Khi nói về phim ảnh, mình đã ồ lên thích thú khi chú bảo một trong những bộ phim chú thích nhất là The Sound Of Music. Chú bảo Julie Andrews là người yêu cả đời của chú. Lần đầu tiên xem phim chú bảy tuổi, chú đã “fall in love” với cô ấy, trong các bộ phim sau của cô chú vẫn yêu thích cô ấy, và bây giờ chú vẫn yêu cô ấy như thế. Mình nghe mà cười ngặt nghẽo, mình cũng đã yêu quý Julie biết bao. Rồi khi nghe mình kể về trải nghiệm thiền, chú trầm ngâm nghĩ ngợi rồi bảo: “Wow, chú nghe nhiều người nói về thiền rồi, nhưng nghe cháu nói lần đầu tiên chú hực sự hứng thú và thấy thiền có thể giúp ích cho thực tế cuộc sống. Có lẽ chú phải sắp xếp đi một khóa thiền vipassana sau khi từ Việt Nam về”.
Ở Huashan 1914 Creative Park, chú đứng chơi hồi lâu với trò lái phi thuyền lên sao Hỏa trong mô hình bằng gỗ, rồi bảo cháu thử đi, phải dành không gian cho đứa trẻ trong mình chứ. Ở nhà sách Elite, chú với mình cùng đọc thơ của Rupi Kaur, cùng bị sốc trước những câu thơ ngắn ngủn mà câu nào câu nấy cứ như đâm xuyên qua tim mình. Và mình phát hiện ra là gu đọc sách của chú Terry và mình giống nhau đến ngạc nhiên. Khi mình rút trong cặp ra quyển The Four Agreements, chú nhìn mình sửng sốt: “Trời, chú có quyển đó ở nhà, nhưng lại mới cho một người bạn mượn. Chắc chú phải đòi lại sớm mới được”. Thật kỳ lạ là một người ta tình cờ gặp trên đường lại có thể chia sẻ với nhau nhiều chuyện như thế.
Cứ như thế, hai chú cháu trải qua một ngày lang thang Đài Bắc cùng nhau. Cùng song hành vượt qua những đại lộ đông người, nghe mùi đồ ăn ấm áp bay tràn khắp khu phố, sưởi ấm cả trái tim. Đứng chờ đèn đỏ ở một ngã tư đường, chú chợt hít hà và bảo: “Cháu có nghe thấy mùi mưa lẩn trong không khí không? Chắc khoảng nửa tiếng nữa là trời sẽ mưa đấy”. Mình buồn cười hỏi: “Chú thực sự có thể ngửi thấy mùi của một cơn mưa sao?” Chú bảo ừ, công việc làm bảo vệ rừng khiến chú khá nhạy cảm với thiên nhiên. Khi nhiệt độ xuống thấp, không khí đầy hơi ẩm, ta sẽ thấy mao mạch trong mũi mình có cảm giác khác lạ. Rồi chú bảo, chú rất yêu công việc đó. Có những quãng thời gian dài, chú ở một mình trong rừng, xung quanh chẳng có ai ngoài cây cối và muông thú, không có ai để trò chuyện, vậy mà chú thấy cực kỳ hạnh phúc. Vẻ mặt nhẹ nhõm và bình an của chú nhắc cho mình nhớ rằng có lẽ cuộc đời chỉ cần như vậy. Ta không cần phải giải cứu cả thế giới hay có doanh nghiệp triệu đô. Ta chẳng cần có nhiều tiền bạc, trở nên nổi tiếng, hay lập được kỳ tích phi thường. Ta chỉ cần hết lòng với công việc ta làm, hết lòng tử tế với người ta gặp trên đường, sống vui, sống có ích. Như vậy đã là một kiếp người rất đẹp rồi.
Buổi chiều muộn, hai chú cháu ngồi trong ghế đá cạnh khu chợ địa phương, cùng ăn quả quýt mà chú đem theo, thở thật sâu sau một quãng đường đi bộ dài, và cùng nhìn một đám chim sẻ du côn đang bắt nạt một con chim sẻ nhỏ. Chú lại kể cho mình nghe những trải nghiệm khi chú một mình lái xe suốt mấy tháng trời đi road trip ở Mỹ hay New Zealand, về những người bạn đồng hành kỳ lạ mà chú bắt gặp trên đường. Đi với chú, mình bỗng dưng thấy nhẹ nhõm, thấy quay lại cái niềm vui giản đơn kỳ lạ vốn làm say mê trái tim những kẻ lữ hành.
Trong cái thời của mạng xã hội, mình đã quá quen với trào lưu đi để check in, để chứng tỏ rằng ta đã been there done that, hay là cố gắng chụp lại những bức hình ảo tung chảo của bản thân. Chú Terry thậm chí còn không xài Facebook, không xài máy ảnh cầu kỳ. Chú đi chỉ vì niềm vui được lên đường. Nên những câu chuyện của chú làm mình nhớ lại cái lý do khiến mình đã luôn yêu thích cuộc sống lữ hành, khi ta đi đến một vùng đất nào đó, thực sự hít thở không khí ở đó và cảm nhận cái linh hồn của vùng đất đó, khi ta tình cờ gặp những người bạn đồng điệu trong các chuyến lữ hành, khi ta kết nối với những con người và vùng đất mới, bằng trái tim chân thành trong trẻo. Không cần những bức ảnh đẹp, hay những món quà đem về, chỉ là những kỷ niệm nằm yên lặng nơi đáy tim mình.
Trong email chú gửi cho mình sáng nay, Terry kể về chuyến đi Việt Nam vừa rồi của chú, về trải nghiệm thiền vipassana, và về dự định làm một chuyến road trip mới từ bờ Tây sang bờ Đông nước Mỹ. Chú bảo: “Rosie à, các công viên quốc gia ở Mỹ đẹp lắm, khi nào cháu sang chú cháu mình sẽ đi hiking và cắm trại nhé. Chú mong gặp lại cháu.” Như thường lệ, email của chú kết thúc bằng cụm từ “fair winds” rút gọn câu thành ngữ “fair winds and following seas” của người đi biển, gởi lời cầu chúc thuyền xuôi gió thuận, mong những chuyến hải trình êm xuôi.
Chú Terry chỉ là một trong vô số người lạ khác mà mình có dịp tình cờ gặp gỡ gặp trên các nẻo đường rong ruổi. Có người mình từng gặp lại, có người một lần là mãi mãi. Nhưng những câu chuyện của họ, cách ứng xử của họ, góc nhìn cuộc sống của họ đều đã giúp mình sống tốt hơn một tí. Nhân duyên chằng chịt với bao người mà mình tiếp xúc trong cuộc đời kỳ lạ này, góp phần tạo nên con người hiện tại của mình ngày hôm nay.
Fair winds, chú Terry à.
(Ảnh: một góc biển Đài Loan)