Để chúng ta không biến thành cỗ máy

Hôm trước, mình đi xem một chương trình kể chuyện. Hầu hết những người trình diễn trong chương trình đều là người kể chuyện không chuyên, rất cố gắng trong phần trình diễn của mình. Nhưng chương trình thì dở ẹc, chủ yếu do ban tổ chức làm ăn bể dĩa, cứ như đang lợi dụng người trình diễn và đám khán giả để lấy tiền. Ấy vậy mà, giữa cái mớ lộn xộn ấy, mình lại phát hiện ra một mảng màu lấp lánh.

Đó là câu chuyện của một người kể chuyện trong chương trình. Câu chuyện về những ngày đi làm của chị, công việc kế toán ở một công ty nước ngoài, một việc làm đều đều ổn định. Sau khi đi làm được một thời gian chị tình cờ thấy cái biển quảng cáo lớp học ballet gần nhà, và đổ cả nửa tiền lương để đi học, chỉ để thực hiện giấc mơ nhảy múa thời thơ bé. Ở lớp, cô giáo dạy chị bảo rằng chị múa như một con vịt, rằng chị không có gì để mong đợi, nhưng chị vẫn không từ bỏ. Chị đến lớp chuyên cần, chăm chỉ luyện tập các vũ điệu, múa may quay tít kể cả khi ở công ty. Chị tiếp tục nhảy múa và xoay tròn kể cả khi cô giáo nhận xét rằng bài trình diễn trong lễ tốt nghiệp của chị “really suck”. Chị bảo: Ai mà thèm quan tâm chứ, miễn là tôi được nhảy, chỉ điều đó thôi đã khiến tôi vui rồi. Kết thúc, chị kể chuyện ông sếp ở công ty bảo chị phụ trách tiết mục múa trong buổi liên hoan cuối năm, và chị đã tỏa sáng với màn trình diễn đó.

Bản thân câu chuyện của chị không có gì quá đặc biệt. Dáng vẻ của chị cũng không quá duyên dáng khiến người ta phải ngắm nhìn. Giọng kể bằng tiếng Anh của chị cũng không thật hoàn hảo. Nhưng cái cách đôi mắt chị sáng long lanh khi chị kể, cái cách chị mang tất cả những gì chị có vào trong câu chuyện của mình, cái cách chị nói cho thấy chị đã luyện tập rất nhiều. Tất cả những điều đó khiến mình thấy có cái gì đó trong sáng và cảm động. Nó tạo cho người ta cảm giác rằng, chị là một người đã cố hết sức để thoát ra cái guồng quay tẻ nhạt đời thường để làm một điều gì đó khác. Nó khiến người ta biết rằng, đêm nay, là một trong những đêm ít ỏi mà chị có một sân khấu dành riêng cho mình, và chị đang sống từng phút từng giây với nó. Có lẽ đó là lý do mà khán giả dành cho chị một tràng vỗ tay rất to khi chị bước xuống sân khấu.

Dù rất không liên quan, khi ngồi xem chị nói, mình chợt nhớ về status của một của một cô bé mà mình rất quý. Cô bé hiện đang du học với học bổng do chính phủ Anh cấp. Status này viết từ thời em mới ra trường đi làm. Đó là một danh sách những việc cần làm, gồm những việc như:
– Dậy sớm hơn 1 tiếng mỗi ngày để đọc sách.
– Thường xuyên xem chiếu phim cuối tuần ở Cà phê thứ Bảy
– Đều đặn tham gia các buổi tọa đàm đủ các thể loại từ lịch sử, văn hóa, giáo dục cho đến nông nghiệp, môi trường.
– Sắp xếp thời gian trở lại lớp học Triết.
– Đến đền thờ Hồi giáo và tiếp xúc với cộng đồng người Hồi tại Sài Gòn, đọc thêm một số tài liệu.
– Học đàn tranh
– Tự ôn tiếng Hoa hoặc IELTS hoặc dàn trang báo chí.
– Đi thăm các bảo tàng để biết thêm về Sài Gòn xưa.

Hết danh sách, em viết: Cuộc đời đi làm là, cứ 8h sáng là tới văn phòng, về nhà chỉ có ăn qua quýt rồi ngủ, hôm sau lại tiếp tục cái vòng tròn đó. Sau ba tháng trời, thấy cái gì đó không ổn. Mình sẽ héo hon mà chết. Mình không cho phép bản thân mình vì bất kỳ điều gì mà phải đánh mất cuộc sống của mình. Nên mình phải tiếp tục làm những điều khiến mình thấy yêu thích hay làm cuộc sống mình phong phú.

Không biết có ai đã từng trải qua cảm giác này chưa. Nhưng mình thì đã đi qua những chuỗi ngày tháng thế này và thấy đồng cảm sâu sắc. Có những lúc khi đi làm, nhìn những đồng nghiệp xung quanh mình, thấy hình như con người ta chỉ ngày càng già đi chứ không hề lớn lên. Hằng ngày loanh quanh với các công việc thường nhật, thấy mình chỉ biết cắm đầu vào làm, ngoài công việc ra là thấy lòng trống rỗng. Nhưng càng làm, lại càng thấy mình chỉ là một bánh răng bé xíu trong một cỗ máy không ngừng xoay tròn. Thấy rằng bản thân chỉ là công cụ thực hiện kế hoạch của người khác, chứ không tìm được ý nghĩa trong công việc của mình, và không thực sự sống giấc mơ đời mình.

Những ngày xưa cũ, thời đại tiền công nghiệp, cha ông chúng ta thường phải đảm đương toàn bộ phần việc hay những công việc tay chân nặng nhọc. Còn ngày nay, con người thường phụ trách chỉ một mắc xích nhỏ trong một dây chuyền khổng lồ. Trong quyển Homo Deus: A brief history of tomorrow, một quyển sách gây nhiều tranh cãi, tác giả Yuval Noah Harari có viết: trong thời buổi hậu công nghiệp hiện tại, các ngành nghề càng ngày càng chuyên biệt hóa, nên con người càng dễ bị thay thế bởi các thuật toán máy tính. Những thay đổi trong kinh tế xã hội đặt chúng ta trước những thử thách mới, buộc ta phải tìm những cách khác nhau để nâng cao “năng lực làm người” của mình. Một trong những cách đó là không ngừng học tập, bổ sung tri thức, khám phá những phần của bản thân ta mà ta chưa biết trước đó.

Ở các nước phát triển, các chương trình continuing education và adult education thường được quan tâm chú ý với nhiều loại hình khác nhau. Các tài liệu về lifelong learning của UNESCO cũng thường đề cập tới sáu mảng chính của continuing education, trong đó có các chương trình đáp ứng sở thích cá nhân. Những chương trình loại này giúp các cá nhân có thể tìm hiểu và khám phá những sở thích về xã hội, văn hóa, tinh thần, sức khỏe, và nghệ thuật của họ. Mục đích là để cổ vũ các hoạt động tiêu khiển, nhằm phát triển bản thân và cải thiện chất lượng cuộc sống. Những chương trình theo đuổi sở thích cá nhân có thể là các khóa học theo sở thích, các hoạt động văn hóa, luyện tập thể thao, giúp nâng cao tự tin và phát triển tính cách. Nó có thể gồm việc đọc và viết thơ, vẽ, nói chuyện trước công chúng, nghiên cứu hệ thống luật, thiết kế, chụp ảnh, múa dân gian, bơi lội, hay thiền nguyện. Nhưng rất tiếc, ở Việt Nam ta các chương trình này vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Và hiện nay, một phần lớn những bạn trẻ vẫn đang thụ động dừng việc học tập khi rời khỏi ghế nhà trường, chỉ có rất ít người ý thức được rằng học tập là một quá trình mà ta nên theo đuổi trong suốt hành trình làm người, ở nhiều khía cạnh khác nhau, dù rất nhỏ như phát triển thêm một sở thích nào đó.

Trong một buổi cà phê với một người chị, một tác giả mà mình yêu thích, chị có nói một ý làm mình chú ý. Đó là tại Việt Nam ngày càng có nhiều thể loại sách về nhiều chủ đề hơn, và điều đó là một tín hiệu đáng mừng. Những quyển sách về du lịch, nấu ăn, cắm hoa, nướng bánh, tự làm mỹ phẩm… Và tất cả chúng đều có vai trò riêng. Những quyển sách này cổ vũ người ta làm điều họ thích làm, theo đuổi sở thích của mình. Và một điều khác mà mình nhận ra sau buổi trò chuyện là trong thời hiện đại này, khi máy móc từ việc giúp con người giải phóng sức lao động đến có khả năng thay thế con người, khi con người bị nhốt vào những khối vuông văn phòng, và đảm nhiệm chỉ một mắc xích nhỏ trong dây chuyền làm việc, thì những sở thích cá nhân lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nó giúp ta cảm nhận được sự nguyên sơ thuần khiến của niềm vui. Nó giúp chúng ta cân bằng, thoát khỏi sự kiềm tỏa của công việc. Nó giúp cho ta khỏi bị công việc nuốt chửng, cho ta một khoảng không để thở, cho ta cảm giác mình đang sống.

Bản thân mình, một thời gian dài mình chỉ viết thuần cho công việc, không hề viết riêng cho bản thân mình, không ghi lại những điều khiến mình thấy xúc động hay đẹp đẽ. Một thời gian nhìn lại, mình thấy bản thân mình thô cứng, cuộc sống cũng bớt rực rỡ và niềm vui hơn. Là một người viết, mà có lúc mình cũng quên bẵng đi tác dụng của viết lách, của sáng tạo đối với tâm hồn mình. Khi dành thời gian để viết những gì mình yêu thương và tin tưởng, mình thấy mình là chính mình hơn, thấy cái phần tốt đẹp trong trẻo nhất bên trong mình được nuôi dưỡng lại, tiếp tục hân hoan lớn lên thêm nữa.

Một sở thích đôi khi còn có nhiều ý nghĩa hơn là việc làm cho đời sống tinh thần con người phong phú. Trong một chuyến đi đến miền bắc Thái Lan và ghé thăm một trang trại hoa lan, mình đã được kể nghe một câu chuyện thú vị. Câu chuyện về một người đàn ông người Thái, có tên gì thì mình quên rồi 🙂)). Ngày trẻ, ông quân nhân, làm việc trong quân đội. Ngoài giờ làm việc, ông có một sở thích to lớn: phong lan. Trong những lúc hành quân ông thường tìm kiếm những nhành phong lan đẹp và đem về trồng cấy trong khu vườn nhỏ của mình. Biết ông thích phong lan, những người dân tộc trên núi sống gần đó cũng hay tặng ông những giống phong lan độc lạ, trong đó có một loại cực kỳ quý hiếm, những cánh hoa trắng tinh thuần khiết trong sáng như pha lê. Vườn hoa của ông từ từ lớn lên. Rồi khi nghỉ hưu, ông quay lại trường học, cùng với lớp trẻ học về các kỹ thuật trồng ghép hoa, cách cấy tạo các cây mới, cách chăm sóc lan. Rồi vườn hoa lan của ông dần dần lớn lên, trở thành trang trại hoa, rồi lại phát triển lên thành một trong những nông trang lớn nhất miền Bắc Thái về nghề trồng lan, còn đem đi xuất khẩu các nơi trên thế giới. Trang trại của người lính già năm đó bây giờ đã trở nên nổi tiếng với loài hoa ông được người dân tộc thiểu số đem tặng, loài hoa với cái tên là Pure White. Câu chuyện về ông được kể lại bởi người cháu ông, hiện là chủ trang trại hoa này. Từ một sở thích, ông đã phát triển thành cả một gia tài, để lại di sản to lớn cho con cháu mình.

Nên ngoài công việc và học hành thì hãy dành thời gian cho những sở thích có ích. Hãy viết, hãy vẽ, hãy làm bánh, chụp ảnh, trồng cây. Hãy nấu ăn, gấp giấy, câu cá, nhảy múa, lập trình. Hay chơi thể thao, hay học thêm một ngoại ngữ mới, hay theo đuổi bất kỳ sở thích nào bạn muốn. Vì chính những điều đó sẽ khiến chúng ta thấy mình đang sống cuộc đời của chính mình. Vì chính những điều đó sẽ giúp chúng ta không biến thành cỗ máy.

Ảnh: một sở thích của mình, tổ chức các nhóm và cộng đồng đọc sách. Hình trước một buổi book sharing, chụp bởi anh Thành Cao.

 

Leave a Reply