Chân dung Kyoto

Những người mình gặp trong chuyến đi Kyoto tháng 1/2016, trong chương trình Kyoto tourism promotion program. Tổ chức bởi HIDA.

 

PEOPLE WILL NEVER FORGET HOW YOU MADE THEM FEEL.

dsc2583

Có những người ta gặp một lần mà chắc không quên cả đời.

Thường ngại nhờ người ta chụp ảnh giùm, nhưng lần này phải nhờ vì muốn có một tấm ảnh kỷ niệm với ông, một con người đặc biệt.

Yasushi Ozeki không tin vào chính phủ.
Ông hoài nghi xã hội hiện đại với chủ nghĩa tiêu dùng.
Ông chán ngán những thành phố lớn với bê tông cốt thép.

Ông chọn ở một vùng nông thôn hẻo lánh bao quanh bởi núi rừng.
Ông sống một cuộc đời tự cung tự cấp, lấy củi để sưởi ấm và nấu nướng thay vì ga, dùng điện từ máy phát thủy điện (pico hydroelectric generator) tự chế.
Ông tự xây nhà bằng gỗ theo phương pháp cổ truyền không cần dùng đinh của người Nhật. Đối với ông, gỗ là vật liệu xây dựng hoàn hảo.
Ông đóng những cái nhà di động, kiểu như caravan bằng gỗ. Cả Nhật Bản chỉ có 8 cái như thế. Với một cái nhà kiểu vậy, người ta có thể sống độc lập khỏi chính phủ, dùng nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời, lấy nước từ suối, không cần ga, không cần đường dây điện, không thuế đất.
Ông sống một cuộc đời vui giữa thiên nhiên. Hòa hợp với lửa, nước và gỗ. Ông viết về cách sống bền vững, không dựa vào tiền bạc, vật chất, mà dựa vào thiên nhiên. Ông viết: “Are you living, or are you being lived?”

Cả nhóm mình đến thăm căn nhà có quán cà phê be bé, thưởng thức pizza chay và táo nướng trong chiếc lò ông tự tạo. Mình hỏi thêm vài câu hỏi sau khi nghe kể chuyện về triết lý sống của ông.
Mình hỏi: “Người ta không thể nào sống thiếu xã hội. Ông có thấy cô độc giữa thiên nhiên không?” Ông trả lời: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy điều đó. Con người là một phần của tự nhiên. Tại sao chúng ta lại lo sợ khi ở giữa thiên nhiên?”
Mình hỏi: “Vì sao ông lại sử dụng gỗ là vật liệu chủ đạo trong công việc xây dựng của mình”. Ông trả lời: “Vì gỗ là một phần của thiên nhiên, xây dựng bằng gỗ rồi gỗ sẽ về với tự nhiên. Còn xây bằng xi măng sắt thép thì sẽ trở thành mảnh vụn khó tiêu hủy”.

Rồi xong mình chào ông cùng cả nhóm ra về. Vừa đi vừa trò chuyện với người chị chung đoàn thì thấy tiếng người đi gấp gáp sau lưng. Quay ra thấy người phiên dịch bảo: ông ấy gọi cô đấy, ông muốn nói chuyện thêm với cô.
Ông hỏi mình ở Việt Nam có loại hình nhà gỗ như vậy không? Ông bảo nếu được rất vui được đón tiếp mình tới chỗ ông lần nữa. Rồi ông đưa cho mình một vật dụng nhỏ bằng gỗ, bảo: đây là dụng cụ nghề mộc của tôi, xin tặng lại cho cô.
Cầm thanh gỗ nhỏ trong tay, mình thấy ấm áp và quý giá như một báu vật.

Bài học xương máu mà mình rút ra từ lúc đi làm, bây giờ được ông dạy lại: “People will forget what you said, people will forget what you did, but people will never forget how you made them feel”.
Mình đã cảm động vì một thanh gỗ nhỏ từ một nghệ nhân như thế. Những trải nghiệm đi cùng câu chuyện, đi cùng “personal touch” là điều mà người ta khó có thể quên được.
Nên dù bạn có làm gì đi nữa. Nghệ thuật, kinh doanh, du lịch, thiện nguyện,… cách bạn khiến người ta cảm thấy thế nào là điều quan trọng.
Không quan tâm đến việc người khác cảm thấy thế nào, những điều khác dù có cố mà làm đều dễ thành thất bại.

Leave a Reply