Xin chào từ Nhật Bản. Nhiệt độ bây giờ là -2 độ C.
Mình đang tham dự chương trình du lịch kiến trúc Kyoto do chính phủ Nhật Bản tài trợ.
Mục đích của chuyến đi này là nhằm gìn giữ và bảo tồn kiến trúc cổ Kyoto. Ở Kyoto có đến hơn 47,000 Kyo-machiya, tên tiếng Anh là townhouse, đa phần đều trên 100 năm tuổi, với thiết kế duy nhất và kỹ thuật xây dựng cao cấp nhất trên toàn nước Nhật. Nhưng với phong trào công nghiệp hóa, người dân Kyoto ngày nay muốn chuyển sang sống trong các căn hộ chung cư hoặc chuyển đến thành phố lớn. Kết quả là rất nhiều townhouse này bị bỏ hoang, hoặc dỡ bỏ để xây dựng cửa hàng, văn phòng, nhà cao tầng,… Nhiều người Kyoto sở hữu những ngôi machiya (townhouse) có giá trị trung bình từ 500,000 đô đến 1,5 triệu đô này thậm chí còn không biết mình đang sở hữu những giá trị tài sản lớn đến như vậy. Họ sẵn sàng bán đi với giá rẻ lấy tiền mua căn hộ chung cư hoặc thậm chí phá bỏ để làm bãi đậu xe.
Trong nỗ lực bảo tồn văn hóa Kyoto, chính phủ Nhật Bản đã phối hợp cùng các doanh nghiệp địa phương cùng hướng dẫn người dân trong việc khôi phục và bảo tồn các townhouse này. Và chuyến đi là một chương trình trong nỗ lực đó. Họ mời các nhà báo, chuyên gia về lĩnh vực du lịch và truyền thông từ các quốc gia khác trên thế giới, đến tham quan, giới thiệu các ngôi nhà cổ tiêu biểu với kiến trúc đặc trưng và xin ý kiến của họ về việc làm cách nào để đẩy mạnh du lịch đến những địa điểm này. Trong đoàn đi của mình là các phóng viên, nhà báo, chủ tập đoàn truyền hình, giám đốc các công ty lữ hành, người viết sách hướng dẫn du lịch,… cùng tham dự, tìm cách cứu những ngôi nhà cổ Kyoto thông qua du lịch.
Ngày đầu tiên, tụi mình được dẫn đi thăm một ngôi nhà cổ của Samurai, với rất nhiều chỗ khuất, nơi ẩn nấp và cạm bẫy để ngăn ngừa kẻ thù xâm nhập. Sàn nhà bằng gỗ lạnh teo làm mình mất hết cả cảm giác. Nhìn ra cái shishi – odoshi (water fountain) bên ngoài thấy nước bề mặt đông luôn thành đá. Xong được dẫn đi cooking class, hướng dẫn cách làm sushi và thưởng thức sushi trái bơ. Rồi đi xưởng làm giấy dán tường handmade truyền thống.
Cảm nghĩ của mình là người Nhật rất là kỹ lưỡng và tính đường dài trong bảo tồn văn hóa. Những ngôi nhà townhouse này cũng khá hay. Nhưng nhà ba gian truyền thống hay nhà rông của Việt Nam mình nếu nghiên cứu kỹ lưỡng thì cũng đặc biệt không kém, vậy mà lại chưa được chú trọng quảng bá. (Thiệt tình đi đâu cũng không thể ngầm so sánh với quê nhà, tánh nhà quê kỳ ghê). Chị Phương Mai nói: “Đó là một cách tốt để người Nhật thoát Trung đó em biết không. Vì từ những cái nhỏ tưởng bình thường không có gì mà họ vẫn chú trọng nhất mạnh, tìm ra điểm đặc biệt để quảng bá và tạo nên nét khác biệt rõ ràng về văn hóa. Làm Nhật Bản không lẫn vào đâu được so với các nước Á Châu khác. Đó là câu chuyện từ văn hóa thành văn minh”.