Trường học loài vật

“Một hôm, các loài thú vật quyết định rằng chúng phải làm gì đó thật vĩ đại để giải quyết các vấn đề mà thế giới mới đang đối mặt. Và thế là chúng mở ra một trường học.

Tất cả loài vật đã thông qua một chương trình giảng dạy bao gồm: chạy, leo, bơi và bay. Để việc quản lý chương trình được dễ dàng hơn, mọi loài vật đều tham gia tất cả các môn học.

Và chuyện gì đã xảy ra?

Con vịt rất xuất sắc trong môn bơi lội, thậm chí là còn giỏi hơn cả thầy giáo. Nhưng nó chỉ đủ điểm đậu trong môn bay và rất tệ trong môn chạy. Vì vịt chạy rất chậm, nó phải ở lại trường sau giờ học và phải bỏ luôn cả bơi để luyện tập môn chạy. Việc này tiếp diễn cho đến khi màng chân của nó bị rách toạc khiến vịt chỉ đạt điểm trung bình trong môn bơi. Vì ở trường, điểm trung bình là chấp nhận được, nên chẳng ai lo lắng về điều đó trừ vịt cả.
Con ngựa dẫn đầu lớp trong môn chạy, nhưng nó gặp khó khăn lớn vào những giờ học leo cây. 
Sóc thì  rất giỏi trong môn leo cây, nhưng nó lại thất bại trong môn bay, khi thầy giáo yêu cầu phải bay từ dưới đất lên thay vì từ ngọn cây xuống. Nó bị chuột rút vì phải cố gắng quá sức và sau đó bị bốn điểm trong môn leo và điểm hai trong môn chạy.
Đại bàng là một đứa trẻ hư đốn và bị kỷ luật nặng nề. Trong giờ học leo trèo, nó vượt qua tất cả các học sinh khác và leo đến ngọn cây sớm nhất nhưng khăng khăng đòi sử dụng cách riêng của nó để đến đích chứ không phải dùng chân bám và leo từng bước như hướng dẫn. 
Cuối năm học, bạn đoán xem con vật nào có tổng điểm cao nhất? Đó là lươn, một con vật hết sức kỳ dị. Nhưng vì nó có thể bơi, chạy, leo và bay mỗi thứ một chút, dù chẳng cái nào xuất sắc, nên nó đạt điểm trung bình môn cao nhất và trở thành thủ khoa.
Loài cầy thảo nguyên không tham gia vào trường học và chống lại hệ thống thuế vì ban quản lý nhà trường từ chối thêm môn đào hang vào chương trình giảng dạy. Chúng cho lũ con học việc ở chỗ của một con lửng và sau đó hợp tác lũ nhím và chuột túi mở một trường tư nhân, và thành công vang dội.”

Tác giả nguyên tác: George Reavis.

Đọc xong câu chuyện, phản ứng ban đầu là cười hơ hơ, bảo đúng là thú vật, sao chúng ngu thế. Nhưng chỉ một giây sau, như bị một cú đánh mạnh vào đầu, miệng thì há hốc, hàm rớt xuống đất và trong đầu thì bật lên chữ: “What the…”. Hóa ra từ trước giờ mình vẫn học ở trường thú chứ đâu.

Có lẽ đó là lý do khiến Thomas Edison, Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg đều bỏ học. Còn mình thì đã chỉ là một con lươn.

Hiện nay, ngay cả ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, đã nhiều người nhận ra những hạn chế của phương pháp giáo dục và đánh giá truyền thống trong nhà trường. James Altucher, tác giả cuốn sách Choose yourself đứng đầu bảng Amazon trong nhiều ngày liên tiếp và vẫn đang dẫn đầu trong thể loại sách kinh doanh và phát triển bản thân, có nói rằng ông đã không ngừng thuyết phục các con mình đừng học đại học (nhưng thất bại). Còn tại Việt Nam, trong khi chúng ta không thể từ bỏ việc học ở trường vì nhiều lý do, nhận thức được những hạn chế của nền giáo dục hiện tại để ta có thể tự chủ động bổ sung kiến thức và mãi giũa những kỹ năng riêng phù hợp cho mỗi người. Những người xuất sắc và thành công trên thế giới phần lớn đều là những người sớm nhận ra thế mạnh cũng như đam mê của mình, và kiên trì đến cùng để mài giũa thế mạnh và theo đuổi những đam mê đó.

Nhưng nếu chỉ tập trung vào chuyên môn cũng chưa phải là đủ. Tina Seelig có nói trong quyển sách Nếu tôi biết được lúc còn hai mươi rằng mô hình phát triển hoàn hảo là theo hình chữ T. Thanh dọc đại diện cho sự đào sâu nghiên cứu và trở nên xuất sắc trong lĩnh vực của mình, còn nét gạch ngang là có kiến thức tổng quát về nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Thậm chí bây giờ người ta đã phát triển lên thành mô hình nhiều chữ T (TTTT), tức là có kiến thức chung để cho cái nhìn tổng quát, và phát triển sâu nhiều hơn một lĩnh vực. Lý do là trong thời hiện đại, sự giao thoa giữa các ngành diễn ra khá mạnh mẽ, việc có nhiều đam mê và hiểu biết sâu sắc ở ba hoặc bốn lĩnh vực khác nhau giúp ta bổ sung phát triển chiều sâu cho mỗi chữ T của mình, đồng thời có được những lựa chọn dự phòng trên con đường phát triển sự nghiệp của mình. Nhà khoa học Nguyễn Văn Tuấn là đại diện tiêu biểu cho mô hình mới này.

Ăn cơm mới nói chuyện cũ. Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, có không ít người thành đạt, xuất sắc và có nhiều đóng góp to lớn cho khoa học, nghệ thuật thế giới, trí óc dòng dõi Rồng Tiên không thua kém bất kỳ dân tộc nào. Còn tại Việt Nam, chúng ta thường xuyên phải thầm hổ thẹn với nhau vì trình độ học vấn thấp và sự thiếu văn hóa của những người đồng hương trong nước (mà phản ứng của người sử dụng Việt Nam đối với Flappy Bird mới đây là một ví dụ). Mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu chắc không cần phải nói. Nhưng ta có thể thấy những chuyển biến tích cực. Với tâm huyết và nỗ lực của giới trí thức Việt Nam trong và ngoài nước trong việc phát triển nền giáo dục nước nhà, chúng ta có thể kỳ vọng vào những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian mới. Hy vọng rằng với những dự án như Cánh Buồm của nhà giáo Phạm Toàn, trang mạng Học Thế nào của giáo sư Ngô Bảo Châu và nhóm thực hiện, GiapSchool của tiến sĩ Giáp Văn Dương,… cùng với sự ý thức của giới trẻ nước ta về giáo dục và tự giáo dục, mong rằng trí tuệ Việt Nam sẽ ngày càng vươn xa, tạo ra những đột phá lớn, và phát triển xứng tầm với tiềm năng người Việt.

Năm mới, chúc bạn chạy nhanh như ngựa, bơi giỏi như vịt, leo tốt như sóc, bay cao như đại bàng, và tinh khôn như những chú cầy thảo nguyên trong câu chuyện trên nhé.

2 Replies to “Trường học loài vật”

  1. Quá hay c ơi

Leave a Reply